gd-dt
Thứ Hai, 7/5/2018 10:48'(GMT+7)

Trung tâm Nghiên cứu ATGT với công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác tuyên truyền pháp luật về ATGT - Định hướng phát triển

Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông phối hợp với Công ty Honda Việt Nam tổ chức khóa tập huấn kỹ năng lái xe an toàn cho cán bộ, học viên Học viện CSND

Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông phối hợp với Công ty Honda Việt Nam tổ chức khóa tập huấn kỹ năng lái xe an toàn cho cán bộ, học viên Học viện CSND

Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân được thành lập ngày 17/6/2013 theo Quyết định số 3079/QĐ-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông được quy định tại Quyết định số 8899/QĐ-X11 ngày 26/8/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục xây dựng lực lượng Công an nhân dân nay là Tổng cục Chính trị Công an nhân dân.

Ngày 20/8/2015 Viện Khoa học Cảnh sát thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân được thành lập theo Quyết định số 5059/QĐ-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông trở thành một đơn vị trực thuộc Viện, theo đó chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông được điều chỉnh và quy định tại Quyết định số 6122/QĐ-X11-X12 ngày 07/6/2016 của Tổng Cục Chính trị Công an nhân dân. Cụ thể:

- Về vị trí và chức năng:

Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông là đơn vị hoạt động khoa học công nghệ trực thuộc Viện Khoa học Cảnh sát của Bộ Công an đặt tại Học viện Cảnh sát nhân dân, có trách nhiệm giúp Viện trưởng tham mưu Giám đốc Học viện nghiên cứu những vấn đề về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa trên toàn quốc; tư vấn hoạt động chính sách và hoạt động khoa học công nghệ về lĩnh vực an toàn giao thông; thực hiện các chương trình, kế hoạch hợp tác trong nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc theo quy định của Bộ Công an và của Học viện Cảnh sát nhân dân.

- Nhiệm vụ, quyền hạn:

(1) Giúp Viện trưởng nghiên cứu, đề xuất các Chủ trương, biện pháp về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa trên toàn quốc, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, giảm vi phạm Luật Giao thông, ổn định trật tự, an toàn giao thông theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

(2) Nghiên cứu, thống kê, điều tra và phân tích các dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông; chủ trì hoặc phối hợp tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học, các đề tài nghiên cứu khoa học về trật tự, an toàn giao thông.

(3) Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền chủ trì, tham gia các đề án, chương trình dự án phòng ngừa giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

(4) Nghiên cứu ứng dụng và phối hợp với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài ngành Công an về triển khai công nghệ về trật tự, an toàn giao thông.

(5) Tham gia đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng nâng cao trong và ngoài Học viện; tổ chức giảng dạy các môn học theo sự phân công cho học viên chuyên ngành Cảnh sát giao thông và Cảnh sát đường thủy. Tư vấn về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực tiễn thuộc lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong và ngoài ngành Công an.

(6) Công bố, xuất bản các tài liệu khoa học công nghệ về trật tự, an toàn giao thông của tạp chí Cảnh sát nhân dân.

(7) Giúp Viện trưởng tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hợp tác trong nước và quốc tế về tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lực lượng Cảnh sát giao thông trong toàn quốc theo quy định của Bộ Công an.

(8) Quản lý đội ngũ cán bộ, tài sản của Trung tâm theo quy định.

(9) Thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc chức năng của Trung tâm do Giám đốc Học viện và Viện trưởng giao.

Buổi đầu thành lập và ra mắt ngày 30/8/2013, Trung tâm Nghiên cứu An toàn giao thông có 11 đồng chí, đến nay sau gần 05 năm xây dựng trưởng thành, Trung tâm có 21 cán bộ, chiến sĩ được bố trí tại 02 cơ sở tại Học viện Cảnh sát nhân dân và tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, có 02 đồng chí có học hàm Phó Giáo sư, 04 đồng chí có trình độ Tiến sĩ và 07 đồng chí có trình độ Thạc sĩ.

Quá trình xây dựng và trưởng thành đến nay Trung tâm đã đạt được một số thành tích được Ban Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân ghi nhận, cụ thể:

1. Trong công tác nghiên cứu khoa học

- Chủ trì nghiên cứu 01 đề tài cấp Nhà nước theo sự phân công của đồng chí Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân và đồng chí Phó Giám đốc Học viện - Chủ nhiệm đề tài.

- Chủ trì nghiên cứu và nghiệm thu 01 đề tài cấp Bộ đạt loại xuất sắc; đang chủ trì nghiên cứu 02 đề tài nhánh thuộc đề tài cấp nhà nước.

- Nghiệm thu 10 đề tài cấp cơ sở thuộc Bộ Công an và Học viện Cảnh sát nhân dân đạt loại xuất sắc và đang tiếp tục triển khai nghiên cứu 07 đề tài cơ sở khác.

- Xuất bản Sách trắng trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam các năm 2015, 2016 và 2017.

- Xuất bản Sách trắng trật tự, an toàn giao thông tại Hà Nội năm 2012.

- Xuất bản Sách trắng trật tự, an toàn giao thông tại các thành phố trực thuộc Trung ương năm 2013.

- Tổng kết tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1998-2013 và phối hợp Trung tâm Tội phạm học xuất bản sách Chương trình mục tiêu “ba giảm” và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014.

- Phối hợp với các chuyên gia của Học viện đề xuất các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Xây dựng 02 đề xuất khoa học cấp Nhà nước có chất lượng theo sự phân công của Giám đốc Học viện, trong đó có 01 đề xuất đã được phê duyệt thực hiện năm 2016.

- Tổ chức 08 Hội thảo, 20 tọa đàm khoa học.

2. Công tác giảng dạy, đào tạo, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ

- Hướng dẫn 18 học viên cao học bảo vệ thành công Luận văn cao học; tổ chức hội thảo đề tài luận án Tiến sĩ cấp khoa cho 03 nghiên cứu sinh đạt kết quả tốt.

- Thực hiện giảng dạy trên 700 giờ cho học viên các hệ học môn Kỹ thuật an toàn giao thông và Luật Giao thông đường bộ cho học viên chuyên ngành Cảnh sát giao thông,

- Tổ chức 04 khóa huấn luyện kỹ năng điều khiển xe mô tô tuần tra phân khối lớn cho Cảnh sát giao thông trong toàn quốc.

- Tập huấn cho trên 2500 học viên Học viện kỹ năng lái xe mô tô phân khối lớn của Cảnh sát và xe tay côn thi sát hạch lái xe A2 đạt kết quả 100%.

- Phối hợp Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông, Ban an toàn giao thông và Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt các địa phương tập huấn cho gần 1000 cán bộ Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự về kỹ năng truyền thông; cưỡng chế vi phạm nồng độ cồn, vi phạm thắt dây an toàn khi điều khiển xe ô tô theo kinh nghiệm quốc tế.

- Tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ và các văn bản quy phạm pháp luật mới cho hơn 2000 cán bộ CSGT, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Đồng Nai.

- Phối hợp với các đơn vị chức năng trong Học viện Cảnh sát nhân dân hàng năm tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và văn hóa giao thông cho hơn 2000 lượt học viên các hệ học tại Học viện.

3. Công tác biên tập và xuất bản chuyên đề An toàn giao thông thuộc Tạp chí Cảnh sát nhân dân

Đã biên tập trên 500 bài viết khoa học về lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xuất bản 30 số Chuyên đề An toàn giao thông - Tạp chí Cảnh sát nhân dân với hơn 360 bài viết có chất lượng.

4. Công tác thống kê, điều tra, phân tích các dữ liệu về trật tự, an toàn
giao thông

Đã và đang xây dựng, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông trên toàn quốc trong 20 năm trở lại đây.

- Quản lý, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông tại 02 thành phố trực thuộc Trung ương là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

- Biên soạn, xuất bản hệ thống các văn bản pháp quy về công tác bảo đảm trật tự, toàn giao thông và cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông toàn quốc và tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

- Sưu tầm, lưu trữ hệ thống báo cáo tình hình kết quả công tác của các ngành, lực lượng: Bộ Giao thông vận tải; Tổng cục đường bộ - Bộ Giao thông vận tải; Cục Cảnh giao thông và Phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy.

5. Hoạt động hợp tác

- Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong tổ chức các hội thảo khoa học, thường xuyên viết bài có chất lượng cho các Hội nghị an toàn giao thông quốc gia, hội nghị quốc tế do Ủy ban An toàn giao thông tổ chức.

- Phối hợp chặt chẽ với Vụ An toàn giao thông - Bộ Giao thông vận tải trong tập huấn, đào tạo, tuyên truyền Luật Giao thông và các vấn đề trong công tác bảo đảm an toàn giao thông cho cán bộ Ban An toàn giao thông các địa phương trên toàn quốc.

- Phối hợp với Công ty Biển Bạc tổ chức 04 hội thảo giới thiệu công nghệ Camera giám sát, xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên toàn quốc thu hút trên 1000 lượt cán bộ ngành giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông tham gia.

- Phối hợp với Ủy Ban an toàn giao thông quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Đồng Nai tập huấn nghiệp vụ cho hàng nghìn lượt cán bộ các văn bản quy phạm pháp luật mới và nghiệp vụ trong tuyên truyền, cưỡng chế vi phạm.

Với những kết quả đạt được, liên tục các năm học 2013-2014; 2014-2015; 2015-2016; 2016-2017 Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông đều được phân loại đơn vị tiên tiến.

Ngoài ra, cán bộ Trung tâm còn nhận được bằng khen của lãnh đạo Bộ Công an và nhiều giấy khen của Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân và Công ty Honda Việt Nam.

Định hướng trong thời gian tới

Tiếp tục xác định công tác nghiên cứu khoa học về an toàn giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược lâu dài. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tăng cường tổng kết công tác thực tiễn công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của ngành Công an và kinh nghiệm hay của các quốc gia trên thế giới để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công an và Chính phủ đưa ra những giải pháp toàn diện nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa ở Việt Nam hiện nay.

Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông tổ chức nghiên cứu, hội thảo khoa học, tổng kết các chuyên đề về an toàn giao thông.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý về an toàn giao thông trong nước, các địa phương và các tổ chức quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và kinh nghiệm trong quản lý, nghiên cứu về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực tiễn thuộc lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong và ngoài ngành Công an.

Nghiên cứu, thống kê, điều tra và phân tích các dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông và công bố, xuất bản các tài liệu khoa học công nghệ về trật tự, an toàn giao thông về đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy, huấn luyện đào tạo và tuyên truyền, giáo dục pháp luật và văn hóa giao thông.

                               Trung tá, PGS.TS Lê Huy Trí

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm NCATGT - Học viện CSND

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất