gd-dt
Thứ Sáu, 4/5/2018 16:33'(GMT+7)

Kinh nghiệm và kết quả đạt được trong công tác đào tạo, huấn luyện kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Trung tâm dạy nghề, đào tạo, sát hạch lái xe - Một số kiến nghị đề xuất

Trung tâm dạy nghề đào tạo, sát hạch lái xe - Học viện Cảnh sát nhân dân tại Thanh Hóa

Trung tâm dạy nghề đào tạo, sát hạch lái xe - Học viện Cảnh sát nhân dân tại Thanh Hóa

Trung tâm Đào tạo dạy nghề và sát hạch lái xe được tách từ Khoa Cảnh sát giao thông theo Quyết định số 322/QĐ-BNV, ngày 22/10/1994 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ký về việc thành lập Trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe với chức năng nhiệm vụ:

- Tổ chức dạy nghề, đào tạo lái xe cơ giới đường bộ đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo lái xe cho học viên của Học viện (trừ học viên Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát giao thông) và các đối tượng khác trong và ngoài ngành Công an theo quy định.

- Phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng Cục Đường bộ Việt Nam) tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho học viên trong và ngoài ngành Công an theo quy định.

- Tổ chức các dịch vụ gắn với quá trình đào tạo nghề lái xe ô tô.

- Tổ chức quản lý hoạt động dạy nghề và đào tạo lái xe, quản lý đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm theo quy định.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc chức năng của Trung tâm do Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân giao.

Với chức năng dạy nghề và đào tạo lái xe ô tô Trung tâm không ngừng phát triển từ lúc bộ máy biên chế của Trung tâm có 05 cán bộ, chiến sĩ trong đó có 01 Giám đốc Trung tâm, 04 là cán bộ, chiến sĩ làm quản lý đến nay Trung tâm đã có 13 cán bộ trong đó có 01 là Giám đốc, 03 Phó Giám đốc, 9 cán bộ, chiến sĩ làm quản lý.

Cơ sở vật chất phương tiện kỹ thuật từ lúc chỉ có 4 xe GAT69, 1 xe Uoat, 2 xe tải ZIN 130, 1 xe GAT 53. Sau 3 năm hoạt động với nỗ lực của Trung tâm đã xây dựng được nhà 3 tầng trên diện tích đát là 105 m2 để làm trụ sở làm việc, mua thêm 03 xe con GAT 69, 01 xe khách Hải Âu, đa số là xe cũ của Liên xô (cũ). Năm học 2016 - 2017 Học viện củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm có 6 cán bộ biên chế trong đó có 01 là Giám đốc, 03 Phó Giám đốc và 02 cán bộ quản lý. Từ những đòi hỏi thực tế, trước yêu cầu đổi mới của Bộ Giao thông vận tải quy định các Trung tâm dạy nghề phải có sân tập lái chính chủ, phương tiện dạy lái phải là những xe đời mới phải có tỷ lệ 60 đến 80% xe đời mới. Được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Lãnh đạo Học viện Cảnh sát nhân dân. Tháng 07 năm 2007, Trung tâm đã được Thành phố Hà Nội cấp gần 3 ha đất tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Thành phố Hà Nội để xây dựng Trung tâm dạy nghề và Trung tâm sát hạch lái xe loại 1 chuẩn quốc gia; Tháng 05 năm 2008 Trung tâm sát hạch lái xe loại 1 đã được đưa và khai thác sử dụng. Trung tâm đã đầu tư mua sắm thêm xe đời mới để đáp ứng đào tạo và xe sát hạch theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an.

Trước nhu cầu đòi hỏi của xã hội về đào tạo lái xe, Trung tâm đã không ngừng đầu tư, mở rộng địa bàn, quy mô và năng lực đào tạo. Năm 2009 Trung tâm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cấp 4ha đất để xây dựng cơ sở 2 Trung tâm dạy nghề, Trung tâm sát hạch lái xe loại 2 và đến năm 2010 Cơ sở 2 đã đưa vào khai thác cho đến nay. Hai cơ sở đào tạo của Trung tâm dạy nghề đã được Bộ Giao thông vận tải cấp phép đào tạo quy mô là 2.766 học viên, trang thiết bị kỹ thuật cơ sở vật chất của hai cơ sở cũng vào loại bậc nhất nước ta hiện nay về lĩnh vực đào tạo và sát hạch lái xe. Tính đến nay, hai cơ sở của Trung tâm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế Học viện và Bộ Công an giao cho hàng năm, ngoài ra Trung tâm còn làm tốt công tác từ thiện cho xã hội. Giải quyết tốt công ăn việc làm cho hàng trăm cán bộ, giáo viên tại Trung tâm, ngoài ra giải quyết được nhu cầu học lái xe của nhân dân. Ngoài việc đào tạo lái xe cho xã hội Trung tâm còn đào tạo lái xe cho hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ Công an các tỉnh và học viên các hệ học của Học viện CSND theo chuẩn đầu ra. Trung tâm dạy nghề đã xây dựng và phát triển như ngày nay hoàn toàn bằng nguồn vốn tự có của Trung tâm. Sau 24 năm thành lập cho đến nay Trung tâm đã có được 02 Cơ sở khang trang và bề thế.

Từ những kết quả đạt được trong công tác đào tạo huấn luyện kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Trung tâm dạy nghề, đào tạo - sát hạch lái xe Học viện Cảnh sát nhân dân rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, công tác tổ chức bộ máy của Trung tâm: Lãnh đạo Trung tâm phải là những người trưởng thành từ thực tế của nghề lái xe, có tâm huyết với nghề nghiệp. Đội ngũ cán bộ quản lý phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với nghề. Trong lãnh đạo chỉ đạo Cấp ủy chi bộ và Lãnh đạo đơn vị phải đoàn kết thống nhất. Trong đơn vị Lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ phải trên dưới một lòng đoàn kết nhất trí mọi việc, coi nhau như anh em trong một gia đình.

Hai là, công tác đào tạo nghề lái xe ô tô: Nghề lái xe ô tô là một nghề đặc biệt mang tính đặc thù, trong quá trình hoạt động phân tán, riêng rẽ, khó quản lý, hoạt động dạy lái trên giao thông công cộng lại tản mạn, tiềm ẩn tính tự do dễ dẫn đến vi phạm, nhất là tai nạn giao thông. Xuất phát từ đòi hỏi thực tế Trung tâm phải có cơ chế quản lý đào tạo chặt chẽ, khoa học để có hiệu quả, hạn chế tai nạn, bảo đảm an toàn trong dạy lái vì vậy Trung tâm phải có:

- Đội ngũ giáo viên dạy thực hành lái xe: Quá trình tuyển chọn giáo viên ngoài giáo viên giảng dạy các môn lý thuyết phải chú ý tuyển chọn đội ngũ giáo viên dạy thực hành lái xe phải là những người có tâm đức, phải trung thực với nghề lái xe, ngoài ra cần phải: Có chuyên môn kỹ thuật về nghề lái xe lâu năm, lái xe giỏi, xử lý tình huống tốt; Có năng khiếu về nghề nghiệp, có tính mô phạm truyền nghề dễ hiểu, học sinh tiếp thu nhanh, các khoa mục phải chính xác, khoa học; Có đủ các tiêu chuẩn quy định làm giáo viên dạy thực hành lái xe.

- Phương tiện dạy lái: Phương tiện dạy lái phải là những loại đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Giao thông vận tải, phải có đủ về số lượng và chất lượng để đảm bảo dạy lái như lưu lượng được cấp. Những phương tiện dạy lái phải được chăm lo bảo dưỡng thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ thực hiện lời Bác Hồ dạy “Quý xe như con, quý xăng như máu” có như vậy mới có xe tốt, tiết kiệm nhiên liệu dạy lái đạt hiệu quả cao, điều quan trọng là đảm bảo an toàn trong dạy lái.

- Xây dựng cơ sở vật chất: Vấn đề xây dựng cơ sở vật chất là khâu then chốt, thành bại của nghề dạy lái xe. Vì vậy Trung tâm chú trọng mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, trang thiết bị cho cán bộ quản lý làm việc sao cho hiệu quả, khoa học.

+ Xe ô tô dạy lái phải là loại xe đời mới, nằm trong danh mục quản lý của Bộ GTVT. Những xe dạy lái phải có phanh phụ, những loại xe dùng sát hạch trên sân phải có thiết bị chấm điểm tự động, có bộ phận kết nối giữa xe với thiết bị trên sân, với thiết bị nhà điều hành, thiết bị tạo ra tình huống khẩn cấp, có máy ảnh gắn trên xe chụp tự động những học sinh dự sát hạch. Những xe sát hạch trên đường giao thông công cộng có thiết bị chấm điểm và thiết bị ghi âm và CAMERA để ghi quá trình sát hạch trên đường để chống các hiện tượng tiêu cực trong thi cử. Những loại thiết bị này phải đồng bộ, chấm điểm chính xác, bền vững trong mọi điều kiện thời tiết.

+ Máy tính thi môn lý thuyết Luật GTĐB được lắp 40 bộ sao cho đồng bộ, nối mạng cài đặt phần mềm thi luật kết nối với máy chủ, phần mềm thi Luật GTĐB do Bộ Công an và Bộ GTVT quy định. Máy chấm kết quả thi phải chính xác, con người không can thiệp được vào kết quả thi.

- Công tác tuyển sinh đào tạo:

+ Phải tuyển chọn cán bộ làm tuyển sinh đào tạo nói năng hoạt bát, ứng xử linh hoạt, có trình độ chuyên môn nghề nghiệp nhất là phải có trình độ về tin học để hoàn thiện hồ sơ và truyền mạng khi mở khóa cũng như kết thúc khóa học trên mạng kết nối với Tổng Cục Đường bộ Việt Nam.

+ Hồ sơ học sinh nhập học phải rõ ràng, chính xác từng từ, từng chữ trong hồ sơ không làm nhầm lẫn gây phiền hà cho học sinh, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng quản lý. Từ khâu chụp ảnh vào khóa, lập danh sách truyền mạng mở khóa khớp với từng người học, khớp với danh sách mở khóa. Chống gian lận trong thi cư, cháo đổi hồ sơ thay thế học viên vào thi.

- Công tác theo dõi quản lý đào tạo: Đây là khâu thành bại trong đào tạo lái xe. Trong nhiều năm qua Trung tâm đã đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đào tạo lái xe ô tô. Trung tâm đã mở ra nhiều loại hình đào tạo lái xe, tạo thuận lợi cho người học, Trung tâm đã đưa xe và giáo viên xuống dạy tại các cụm, các xã, các bản làng, các huyện thị để dạy lái xe cho học viên đỡ gây phiền hà cho học viên học lái xe. Đào tạo Công an cũng như dân sự giờ học có thể trong giờ hành chính cũng có thể học theo giờ, học vào các ngày nghỉ, ngày lễ theo yêu cầu của người học.

- Công tác tổ chức ôn luyện thi sát hạch lái xe:

Học sinh học xong các khóa đào tạo đều phải về Trung tâm sát hạch ôn luyện thi gồm 3 phần cơ bản:

+ Thi môn lý thuyết: Môn luật GTĐB học viên phải ôn Luật trên máy vi tính.

+ Thi bài kỹ năng lái xe trong hình.

+ Thi kỹ năng lái xe trên đường giao thông công cộng.

Giáo viên hướng dẫn ôn luyện thi phải phân loại học viên để bổ túc môn Luật Giao thông đường bộ để học viên có đủ điều kiện, đủ kiến thức vào thi môn Luật Giao thông đường bộ.

Ôn luyện tay lái giáo viên phải kèm cặp hướng dẫn những thao tác cơ bản, những yêu cầu thao tác kỹ thuật chuẩn xác về tay lái, về đỗ dừng xe thậm chí giáo viên phải dạy lại thao tác, những khoa mục cơ bản đối với học viên yếu tay lái để họ có đủ trình độ, tự tin thi sát hạch phần kỹ năng lái xe trong hình đạt kết quả. Vì điểm thi phải đạt điểm tối thiểu 80 điểm trở lên mới đạt yêu cầu.

Sau giai đoạn học viên ôn luyện thi Trung tâm phải tổ chức thi thử và thi cấp chứng chỉ nghề cũng là khâu đánh giá kết quả đào tạo. Học viên được làm quen với bài thi sát hạch để tự tin khi dự thi sát hạch lái xe.

- Công tác sát hạch lái xe: Tổ chức thi sát hạch lái xe để cấp GPLX là do cơ quan chức năng tổ chức thi, Trung tâm dạy nghề chỉ phối hợp tổ chức thi sát hạch cho học viên. Công tác tổ chức thi sát hạch lái xe là khâu đánh giá kết quả đào tạo lái xe, là khâu cuối cùng trong đào tạo, vì vậy nếu học viên được ôn luyện tốt sẽ đạt kết quả cao qua kỳ sát hạch.

Đối với học viên là Công an kết quả thi thường đạt từ 85% đến 95%.

Đối với học viên ngoài ngành Công an thường đạt từ 75% đến 80%.

So với kết quả của các Trung tâm khác ở các địa phương kết quả thi chỉ đạt từ 60% đến 70%. Có được kết quả như của Trung tâm dạy nghề, đào tạo - sát hạch lái xe Học viện Cảnh sát nhân dân là do chúng ta có kinh nghiệm trong công tác đào tạo dạy lái xe, chúng ta có kinh nghiệm trong công tác ôn luyện thi sát hạch. Điều quan trọng phải nghiêm túc trong việc đánh giá kết quả đào tạo khi kiểm tra cấp chứng chỉ nghề chính là đánh giá chất lượng đào tạo lái xe.

Trong điều kiện hiện nay, thực hiện Đề án số 2458/ĐA-T32-QLĐT, ngày 30/11/2009 của Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân về việc áp dụng chuẩn đầu ra đối với học viên Học viện Cảnh sát nhân dân được tuyển sinh năm 2009 đối với tất cả các khóa học, hệ học thì việc đào tạo nâng cao chất lượng để đạt chuẩn về chuyên môn chuyên ngành, xử lý tình huống thực tế. Ngoài những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức chuyên ngành vì sỹ Quan Cảnh sát phải giỏi một số chuyên môn, các nghề khác phụ trợ cho chuyên môn như tin học, ngoại ngữ, võ thuật nhất là nghề lái xe mô tô hạng A2, lái xe ô tô cơ giới đường bộ tối thiểu là hạng B2 để đáp ứng yêu cầu thực tế công tác chiến đấu của Ngành là giữ gìn TTATXH.

Từ những yêu cầu cấp thiết trên, chúng tôi xin nêu một số kiến nghị, đề xuất sau:

- Nhà trường cần tăng cường đầu tư cho Trung tâm dạy nghề để mở rộng quy mô đào tạo không những ở Miền Bắc mà mở rộng ở Miền Trung và Miền Nam để đáp ứng nhu câu học lái xe của các đối tượng trong và ngoài Ngành Công an, nhất là lực lượng Công an của các Trường, các tỉnh thành phía Nam.

- Học viện đang tính xây dựng Trường trọng điểm phải xin quỹ đất từ 10ha đến 15ha để cho Trung tâm dạy nghề xây dựng hệ thống sân đào tạo lái xe liên hoàn, bổ túc nâng cao trình độ kỹ năng lái xe. Chúng ta không chỉ đào tạo lái xe ô tô mà tiến tới chúng ta đào tạo xe phục vụ chữa cháy và các loại xe đặc chủng phục vụ công tác chiến đấu của Ngành trong trình hình mới.

- Đầu tư, bổ xung đội ngũ cán bộ có đủ trình độ chuyên môn để xây dựng phát triển Trung tâm dạy nghề đáp ứng nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài.

Thiếu tá, TS Hoàng Tuấn Anh

Giám đốc TT Dạy nghề, ĐT và SHLX - Học viện CSND

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất