gd-dt
Thứ Hai, 7/5/2018 10:46'(GMT+7)

Lịch sử hình thành và phát triển của Trung tâm Nghiên cứu TPH và ĐTTP - Vai trò và những đóng góp cho sự phát triển của Học viện CSND

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện thừa ủy quyền của lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND trao Bằng khen của Tổng cục cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm xây dựng và phát triển Trung tâm Nghiên cứu TPH&ĐTTP.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện thừa ủy quyền của lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND trao Bằng khen của Tổng cục cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm xây dựng và phát triển Trung tâm Nghiên cứu TPH&ĐTTP.

Cách đây hơn 10 năm, trước yêu cầu cấp bách cả về lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm với mong muốn xây dựng một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về tội phạm học thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân - một cơ sở nghiên cứu khoa học đầu ngành của lực lượng Công an, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển Học viện Cảnh sát nhân dân thành cơ sở giáo dục trọng điểm của Ngành Công an và của cả nước, ngày 25/12/2006 Bộ trưởng Bộ Công an đã có Quyết định số 2007/2006/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Học viện Cảnh sát nhân dân, trong đó có việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm; ngày 23/8/2007 Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân đã ký Quyết định số 1593/2007/QĐ-X11(X12) quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm và ngày 14/9/2007 Trung tâm chính thức ra mắt, nay là Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm.

Ngày đầu thành lập, với tên gọi là “Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm”, nhiệm vụ chính của Trung tâm lúc đó là nghiên cứu và giảng dạy về Tội phạm học. Để thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm được biên chế 6 cán bộ, gồm các thầy giáo ở Khoa Cảnh sát điều tra, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy, Bộ môn Pháp luật, Bộ môn nghiệp vụ cơ sở, Bộ môn ngoại ngữ và hai học viên mới tốt nghiệp ra trường. Thầy Đại tá PGS. TS Nguyễn Văn Nhật lúc đó được quyết định làm Giám đốc trung tâm.

Sau hơn 10 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện, trực tiếp của đồng chí Giám đốc Học viện, cùng với sự phấn đấu vượt khó, nêu cao trách nhiệm với lòng quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của tập thể các nhà nghiên cứu, nhiều thế hệ cán bộ, Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm đã có những bước phát triển đáng ghi nhận về cơ cấu, tổ chức và thành tích trong việc thực hiện hai vụ chính là nghiên cứu và giảng dạy, trong đó nghiên cứu được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

- Về biên chế tổ chức bộ máy. Từ chỗ chỉ có 6 cán bộ, trong đó có 2 Tiến sĩ, 01 PGS, 03 cán bộ có trình độ tiếng Nga, 04 giảng viên có khả năng nghiên cứu giảng dạy môn Tội phạm học cho các hệ đào tạo đại học… Đến nay, Trung tâm đã có tổng số là 27 cán bộ, được biên chế tổ chức ở hai cơ sở (cơ sở phía Nam có 5 đ/c). Trong đó, có 13 đ/c là giảng viên có thể tham gia giảng dạy nhiều môn học ở các hệ học; 07 đ/c có trình độ Tiến sĩ trở lên (01 GS, 02 PGS), 4 đồng chí được đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ tại nước ngoài về chuyên ngành Tội phạm học, điều tra tội phạm (Nga, Anh, Úc). Điều đáng lưu ý là hơn10 năm qua đã có hơn 50 lượt cán bộ công tác và trưởng thành từ Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, trong đó 01 Thiếu tướng GS.TS Phó giám đốc Học viện CSND; 01 Đại tá, GS.TS Viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát nay là Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội; 01 Đại tá, PGS.TS Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an; 03 Tiến sĩ Phó trưởng khoa (được xét đề bạt tại Trung tâm để chuyển sang làm lãnh đạo ở đơn vị khác) và nhiều cán bộ khác sau khi được điều chuyển đều đã phát triển trưởng thành ở các đơn vi khác trong và ngoài Học viện Cảnh sát nhân dân.

- Về chức năng nhiệm vụ và công việc đảm nhận. Từ chỗ chỉ trực tiếp giảng dạy môn học Tội phạm học cho bậc đại học; nghiên cứu khoa học về tội phạm học, phòng ngừa tội phạm; tổng hợp thông tin về tình hình tội phạm ở Việt Nam. Đến nay, Trung tâm đã trực tiếp đảm nhận nhiều công việc, cụ thể sau:

+ Trung tâm đã được đổi tên từ Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm thành Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (năm 2013) và trực tiếp đảm nhận giảng dạy hai môn học (Tội phạm học và Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm) cho các lớp đào tạo đại học ở trong và ngoài trường; tham gia giảng dạy hai môn học này cho các lớp sau đại học.

+ Phối hợp với các Khoa, Phòng, Bộ môn trong Học viện Cảnh sát nhân dân và các tổ chức quốc tế, các cục nghiệp vụ, Công an các địa phương trong phạm vi cả nước tổ chức hội thảo khoa học và mở các lớp tập huấn về tội phạm học, phòng ngừa tội phạm và điều tra tội phạm.

+ Viết sách trắng về tình hình tội phạm ở Việt Nam, duy trì Tạp chí chuyên đề  Tội phạm học và Khoa học hình sự; tham mưu cho Ban giám đốc Học viện CSND quản lý, chỉ đạo thực hiện viết sách khoa học, sách chuyên khảo về tội phạm học, phòng ngừa tội phạm và điều tra tội phạm…

- Về kết quả thực hiện các công việc được giao.

+ Về công tác nghiên cứu khoa học:

Với sứ mệnh là cơ quan nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn tham mưu cho Bộ Công an, Chính phủ trong việc đề ra các chỉ thị, nghị quyết trong công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Trung tâm đã chủ động, sáng tạo thực hiện có hiệu quả trong quản lý, tổ chức nghiên cứu, tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nghiên cứu chuyên sâu tội phạm học.

Không chỉ là đơn vị nghiên cứu khoa học về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật an toàn xã hội, trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm còn là nơi tổ chức hội thảo, đào tạo tập huấn, tuyên truyền, giáo dục, chuyển tải kiến thức, kinh nghiệm về phòng, chống tội phạm đến cho cán bộ, nhân dân toàn quốc; tư vấn và trực tiếp thực hiện những hoạt động kỹ thuật phòng, chống tội phạm, bảo vệ an toàn cho các cơ quan, tổ chức và các hộ gia đình tránh khỏi sự xâm hại của tội phạm; thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ. Tiêu biểu như sau:

Trực tiếp tham gia và tham mưu cho Ban Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân quản lý, chỉ đạo thực hiện các đề tài khoa học cấp nhà nước; đã tham gia biên tập và xuất bản 05 Bộ sách khoa học với trên 20 tập sách có giá trị của các nhà khoa học đầu ngành liên quan đến lĩnh vực pháp lý (Bộ sách Công an nhân dân 8 tập, Bộ sách Khoa học hình sự Việt Nam 5 tập, Bộ sách Tội phạm học Việt Nam 3 tập, Bộ sách Khoa học trinh sát Việt Nam 3 tập), và hàng chục sách chuyên khảo về tội phạm học, phòng ngừa tội phạm và điều tra tội phạm…

 Hàng năm thực hiện việc viết sách trắng về tình hình tội phạm ở Việt Nam, đưa ra dự báo và các biện pháp phòng ngừa;

  Phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, các cơ quan tổ chức trong nước, các cục nghiệp vụ của ngành Công an và Công an các địa phương tổ chức trên 40 Hội thảo khoa học các cấp, bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ về nhận diện tội phạm và phòng, chống các loại tội phạm… ở các cấp độ khác nhau. Nội bật trong đó là phối hợp với Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), Tổ chức Plan của Hà Lan tại Việt Nam, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS); Tổ chức trẻ em rồng xanh (Blue Dragon) … trong việc tổ chức các hoạt động khoa học phục vụ cho công tác phòng ngừa tội phạm và góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo tại Học viện Cảnh sát nhân dân.

 Phối hợp với nhiều Công an địa phương thành lập các Đoàn điều tra khảo sát, nghiên cứu thực tiễn, đề xuất các đề án, giải pháp tham mưu cho Bộ Công an, UBND và Công an các địa phương phòng ngừa, đấu tranh triệt xóa các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm có sử dụng bạo lực (giết người, cướp, cướp giật tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, xâm hại tình dục trẻ em), tội phạm về ma túy… góp phần giúp UBND và Công an các địa phương: TP Hồ Chí Minh, TP Hà nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, An Giang; Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng… triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở những địa phương nói trên.

Tham gia nhiều buổi tọa đàm, trao đổi trên các diễn đàn và trực tiếp trả lời phỏng vấn trên sóng của VTV1, VTV2, VTV3, ANTV… các vấn đề về tội phạm học, phòng ngừa tội phạm và Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, đóng góp đáng kể về mặt khoa học góp phần tuyên truyền, phổ biến, các nội dung liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của ngành Công an về công tác bảo đảm an ninh trật tự; tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng trong phòng, chống tội phạm cho các đối tượng khác nhau;

Tham gia hướng dẫn khoa học cho hàng trăm học viên thuộc các hệ học, bậc học (học viên nghiên cứu khoa học, khóa luận tốt nghiệp, luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ);

+ Về công tác giáo dục, đào tạo:

 Song song với công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng để công tác nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả cao hơn, Trung tâm còn làm công tác giảng dạy chuyên sâu 2 môn học chính: Tội phạm học và Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm cho tất cả các lớp học, hệ học trong và ngoài Học viện. Trung bình mỗi năm học, Trung tâm tham gia giảng dạy khoảng 1.700 giờ trong Học viện, giảng dạy khoảng 30 lớp tại chức địa phương. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho các lớp Sau đại học, bồi dưỡng chức danh, Điều tra viên, Quốc phòng an ninh được thực hiện bởi những chuyên gia hàng đầu về Luật học, Tội phạm học, Điều tra tội phạm của Trung tâm, đáp ứng việc trang bị kiến thức lý luận cho tất cả các học viên trong nước và quốc tế.

+ Về công tác xuất bản tạp chí:

Biên tập và phát hành tạp chí Cảnh sát nhân dân Chuyên đề “Tội phạm học và Khoa học hình sự” là một hoạt động diễn ra thường xuyên mỗi tháng của Trung tâm nhằm đăng tải các kết quả nghiên cứu khoa học về Tội phạm học, các thông tin về thực tiễn hoạt động phòng chống tội phạm, kết quả hoạt động các chương trình của Chính phủ như Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, Thông tin phòng chống tội phạm... Đây được xác định là tiếng nói, là cầu nối quan trọng giữa các hoạt động nghiên cứu Tội phạm học với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu trong nước và nước ngoài, là nơi trao đổi các vấn đề mang tính chất lý luận chuyên sâu của khoa học về Tội phạm học, là nơi đăng tải, giới thiệu các công trình khoa học chuyên sâu về Tội phạm học. Tạp chí cũng là cơ sở đáng tin cậy để cung cấp các thông tin về tội phạm trong nước và thế giới, các thông tin về hoạt động nghiên cứu tội phạm học trên thế giới, trao đổi những kinh nghiệm cần thiết cho việc định hướng, chọn đề tài nghiên cứu phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam (cho đến nay đã xuất bản 94 số với gần 2000 bài viết của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện).

10 năm là khoảng thời gian không nhiều so với lịch sử 50 năm hình thành, xây dựng và phát triển của Học viện Cảnh sát nhân dân, nhưng đó cũng đủ để chúng ta nhìn nhận đánh giá về những thành tựu đã đạt được của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm. Có thể nói, sự phát triển vượt bậc trên nhiều phương diện về tổ chức, đào tạo cán bộ; năng lực nghiên cứu khoa học; đề xuất giải pháp hoàn thành các đề tài khoa học cấp bộ cấp nhà nước; xây dựng, thực hiện các Chương trình, Đề án về phòng, chống tội phạm… như phân tích, đánh giá trên đây không chỉ khẳng định vai trò, vị thế khách quan của một Trung tâm nghiên cứu khoa học về tội phạm, phòng ngừa tội phạm và điều tra tội phạm… mà nó còn có tác dụng quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế, tầm quan trọng của Học viện Cảnh sát nhân dân - Một cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu của ngành Công an và quốc gia về đấu tranh, phòng chống tội phạm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, mở rộng quan hệ quốc tế, hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới như hiện nay, một mặt tạo ra cho đất nước ta những thời cơ, vận hội mới rất to lớn; đồng thời cũng đặt ra trước mắt chúng ta những khó khăn, thách thức không nhỏ trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những thành tựu về bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, đã xuất hiện những thách thức mới trong công tác phòng chống tội phạm. Đã xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, tội phạm có tổ chức, tội phạm khủng bố, tội phạm ma tuý xuyên quốc gia, tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm rửa tiền, tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em… xâm hại cuộc sống bình yên của nhân dân, cản trở sự ổn định và phát triển đất nước. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu tìm ra được quy luật hoạt động, làm rõ những nguyên nhân điều kiện của tội phạm, tổng kết thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm làm luận cứ khoa học để đề ra các chương trình, kế hoạch phòng chống tội phạm sát thực tiễn và có tính khả thi là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Để khẳng định và phát huy vai trò của một trung tâm nghiên cứu khoa học đầu ngành của lực lượng Công an nhân dân, đồng thời là đơn vị chủ lực trong nghiên cứu, tổng kết, xây dựng và phát triển lý luận Công an trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm hiện nay, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của Học viện Cảnh sát nhân dân, Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, đổi mới toàn diện và từng bước nâng cao chất lượng các mặt công tác của Trung tâm, tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an nhân dân hiện nay. Trong đó:

- Công tác nghiên cứu được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của Trung tâm. Do đó Trung tâm cần chú trọng việc cải tiến và hoàn thiện công tác nghiên cứu cả về nội dung, phương pháp và kết quả nghiên cứu. Công tác nghiên cứu cần xác định rõ những vấn đề lý luận chưa hoàn thiện, đang có sự tranh cãi để đầu tư nghiên cứu; đồng thời xác định rõ những hiện tượng xã hội tiêu cực mới nổi lên, những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới trong thực tiễn để ưu tiên nghiên cứu làm rõ nguyên nhân, điều kiện, quy luật hình thành, phát triển, từ đó xây dựng hệ thống các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời trong cộng đồng dân cư…

Mặt khác, cần tổ chức nghiên cứu, phát triển hệ thống lý luận về Tội phạm học thông qua các công trình nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam. Việc nghiên cứu, so sánh là rất quan trọng bởi Tội phạm học ở Việt Nam là một ngành khoa học mới, đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu đúng mức trên cơ sở học tập các học thuyết mang tính lý luận sẵn có của các nhà Tội phạm học trên thế giới. Kết quả nghiên cứu cần được in ấn và xuất bản thành sách để có thể tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến tất cả các đối tượng, địa bàn và lĩnh vực, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm.

- Công tác giảng dạy cần được tiến hành song song với công tác nghiên cứu bởi những kết quả nghiên cứu khoa học chính là tư liệu phong phú, mang tính thời sự cao để cập nhật và đa dạng hóa kiến thức giảng dạy; đồng thời, thông qua hoạt động giảng dạy giúp cho mỗi giảng viên xác định rõ vấn đề cần trau dồi và cập nhật thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cho học viên.

 - Biên tập và xuất bản thường kỳ Tạp chí chuyên đề Thông tin Tội phạm học và Khoa học hình sự nhằm góp phần định hướng nhận thức và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, thông tin về khoa học nghiệp vụ Cảnh sát, các nghiên cứu, thông tin về Tội phạm học;

Hai là, tăng cường năng lực và các điều kiện cần thiết đảm bảo cho hoạt động của Trung tâm ngày càng chính quy, hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm hiện nay. Theo đó, ngoài các trang, thiết bị giống như các đơn vị khoa học khác, Trung tâm có thể được trang bị thêm hệ thống phòng và bàn làm việc chuyên dụng phục vụ công tác nghiên cứu và hội thảo khoa học, máy vi tính và máy in hiện đại, kể cả máy in màu; kết nối điện thoại liên tỉnh và quốc tế, các phương tiện như máy ảnh, máy photocopy, Fax, máy quét ảnh màu, máy thu hình màu có lắp truyền hình cáp, nối mạng Internet để thu thập và cung cấp thông tin phục vụ công tác nghiên cứu.

Ba là, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ Cảnh sát, có năng lực nghiên cứu, giảng dạy, thông thạo ngoại ngữ và tin học, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu lý luận về phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Theo đó, ngoài các tiêu chuẩn của cán bộ Học viện, đối với Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm cần phấn đấu có 30 đến 35 cán bộ, trong đó có 03 Giáo sư; 06 Phó Giáo sư, 15 Tiến sĩ, còn lại là Thạc sĩ. Trung tâm phấn đấu 80% cán bộ có trình độ cao cấp chính trị, còn lại là trình độ trung cấp chính trị. Phấn đấu có đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, thông thạo ngoại ngữ và tin học, trong đó phấn đấu có 10 Giảng viên chính, 15 giảng viên.

Bốn là, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế nhằm phát triển Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm cả về chiều rộng và chiều sâu:

Một mặt, cần giữ mối quan hệ gắn bó, thường xuyên, liên tục với các đơn vị nghiệp vụ điều tra, xử lý tội phạm trong lực lượng Cảnh sát nhân dân và với Công an các địa phương để phối hợp tổng kết công tác điều tra nói chung, điều tra từng vụ án, về từng loại tội; đánh giá dưới góc độ tội phạm học về tình hình tội phạm để kiến nghị các giải pháp phòng ngừa.

Mặt khác, mở rộng hợp tác với các cơ quan bảo vệ pháp luật khác (Tòa án, Viện Kiểm sát, Bộ đội Biên phòng, Hải quan), với Viện nghiên cứu của các ngành, trường đại học như Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội… để hợp tác nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học, trao đổi, học tập kinh nghiệm nghiên cứu, phản biện xã hội. Có thể mở rộng sự hợp tác với các sở khoa học và công nghệ của các tỉnh, thành phố để nhận hợp đồng nghiên cứu khoa học về các đề tài có liên quan đến vấn đề Tội phạm học.

Bên cạnh đó, cần duy trì tốt mối quan hệ với các tổ chức quốc tế như Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), Tổ chức phi chính phủ PLAN tại Việt Nam, BlueDragon, Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WCS)…; trong tương lai cần hợp tác với các Viện nghiên cứu Tội phạm học ở một số nước có ngành tội phạm học phát triển như Nga, Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada, hoặc một số nước trong khu vực Đông Nam Á và tiếp đến là gia nhập Hiệp hội Tội phạm học quốc tế.

Với quyết tâm phấn đấu và phương pháp làm việc năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp của tập thể lãnh đạo và cán bộ, giảng viên, Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm sẽ trưởng thành hơn nữa, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trở thành “Trung tâm lớn nghiên cứu về tội phạm và đấu tranh phòng, chống tội phạm phục vụ có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới”.

Trung tá, PGS.TS Nguyễn Minh Hiển

  Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu TPH&ĐTTP - Học viện CSND

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất