gd-dt
Thứ Hai, 7/5/2018 10:28'(GMT+7)

Một số vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy của Bộ môn Tâm lý đáp ứng yêu cầu giáo dục trong Công an nhân dân

Bộ môn Tâm lý tổ chức cuộc thi học tốt cho sinh viên khóa D41

Bộ môn Tâm lý tổ chức cuộc thi học tốt cho sinh viên khóa D41

Bộ môn Tâm lý là một đơn vị được giao nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học các môn học thuộc hệ thống những tri thức khoa học về tâm lý bao gồm hai nhóm kiến thức thuộc hai Tổ bộ môn là Tâm lý học đại cương và Tâm lý học tội phạm. Các môn học thuộc khối kiến thức này gắn liền với yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an nhân dân; sẽ trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về các hiện tượng, quy luật tâm lý nói chung và các quy luật tâm lý diễn ra trong hoạt động của các lực lượng nghiệp vụ thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng. Việc trang bị cho học viên những kiến thức về tâm lý của đối tượng tiếp xúc, đối tượng làm việc, đối tượng đấu tranh, đối tượng hỗ trợ… hay đặc điểm tâm lý của chủ thể tiến hành, lực lượng phối hợp… có ý nghĩa thiết thực để nâng cao hiệu quả trong thực tiễn công việc.

Trong thời gian qua Bộ môn Tâm lý có nhiều cố gắng trong đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đào tạo nhằm gắn lý luận với thực tiễn, kích thích tư duy và nhu cầu của người học. Tuy nhiên, trong thời gian tới, trước những đòi hỏi của thực tiễn công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự và yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, việc đổi mới phương pháp giảng dạy của Bộ môn Tâm lý tại Học viện Cảnh sát nhân dân là hoàn toàn cấp thiết. Trong phạm vi bài viết xin được trình bày một số kinh nghiệm và định hướng đổi mới phương pháp giảng dạy tại Bộ môn Tâm lý trong thời gian tới như sau:

 Thứ nhất, cấp ủy lãnh đạo và tập thể đơn vị luôn luôn xác định đổi mới phương pháp giáo dục là yêu cầu cần thiết đáp ứng yêu cầu giáo dục Công an nhân dân trong tình hình mới

Sự đồng thuận trong cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và toàn thể giảng viên luôn là sức mạnh để thực hiện thành công mọi nhiệm vụ chính trị đề ra, trong đó việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng không ngoại lệ. Cần có sự thống nhất giữa các cấp lãnh đạo, chỉ huy và thống nhất về mặt tư tưởng trong toàn bộ đội ngũ giảng viên ở từng tổ bộ môn. Việc thống nhất đồng thuận này cần có sự bàn bạc, thỏa thuận thống nhất triển khai trong các cuộc họp chuyên môn để giải quyết những vấn đề phát sinh, những khó khăn vướng mắc khi thực hiện các biện pháp đổi mới phương pháp giáo dục. Thường kỳ hoặc đột xuất đơn vị hay tổ bộ môn cần tổ chức các cuộc họp chuyên môn theo những chuyên đề cụ thể hoặc thông qua bồi dưỡng giảng viên ở những giờ dạy tốt, bài dạy tốt các cấp hoặc các bài tham gia hội giảng để thực hiện những tư tưởng, ý kiến trong đổi mới phương phương giảng dạy; từ đó nhân rộng ra các bài giảng, thực hiện giảng dạy trên lớp một cách đại trà.

Thứ hai, cần đầu tư mọi mặt để đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy đáp ứng yêu cầu thực tế công tác đổi mới phương pháp giảng dạy

Đây thực sự là cốt lõi của mọi vấn đề trong đổi mới phương pháp giảng dạy, chỉ có người thầy tốt, đủ trí tuệ, bản lĩnh và tâm huyết mới có được một bài giảng hay, thuyết phục được học viên trên bục giảng. Mỗi một phương pháp giảng dạy đều có ưu điểm, hạn chế riêng và phải phù hợp với nội dung và đối tượng giảng dạy, người giảng viên giỏi cần biết lựa chọn phương pháp sư phạm phù hợp để phát huy tốt nhất việc truyền tải kiến thức, tạo hứng thú và gợi mở để học viên say mê nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, mở rộng kiến thức. Đây là công việc không dễ, đòi hỏi người giảng viên phải có kiến thức chuyên môn uyên thâm về vấn đề giảng dạy, có nghiệp vụ sư phạm sâu sắc và thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề dạy mới có thể lựa chọn được phương pháp sư phạm thích hợp, dám thay đổi những phương pháp sư phạm truyền thống bằng những phương pháp sư phạm hiện đại, phù hợp hơn dù ban đầu thường gặp nhiều khó khăn.

Đối với các môn học thuộc Bộ môn tâm lý có đặc điểm đặc thù liên quan đến 2 mảng tri thức là kiến thức tâm lý học và kiến thức nghiệp vụ Công an nhân dân nói chung và Cảnh sát nhân dân nói riêng. Do đặc thù của môn học, các giảng viên của Bộ môn được tuyển chọn từ hai nguồn chính là cán bộ tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý của các trường đại học ngoài ngành hoặc cán bộ tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân. Xuất phát từ nguồn tuyển dụng nào thì đều đòi hỏi đội ngũ giảng viên của đơn vị cần bổ sung thêm cho mình phần kiến thức còn thiếu để hoàn thiện mình trong các bài giảng nhằm gắn kiến thức tâm lý với hoạt động nghiệp vụ Công an hay còn gọi là “tính nghề” trong bài giảng. Đây luôn là vấn đề được cấp ủy, lãnh đạo đơn vị quan tâm, trăn trở để định hướng đào tạo giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu trong giảng dạy ở trường Công an nhân dân.  

 Thứ ba, thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt khoa học về chuyên môn để thống nhất các nội dung chuyên môn cần thiết và tháo gỡ khó khăn phát sinh trong thực tiễn đổi mới phương pháp sư phạm tích cực

Hoạt động chuyên môn của Bộ môn mang tính chất đặc thù của đơn vị giảng dạy, bên cạnh các nhiệm vụ chính trị của cấp trên giao cho thì hoạt động chuyên môn chính là gắn với chuyên môn sư phạm và công tác nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên để có những điểm nhấn, những bước đi đột phá về đổi mới phương pháp sư phạm gắn với thực tế công tác Công an giai đoạn hiện nay và những thay đổi của thực tế xã hội, công nghệ thông tin ảnh hưởng đến giảng viên và học viên các trường Công an nhân dân thì việc định kỳ hoặc đột xuất tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt khoa học theo chuyên đề là cần thiết và hiệu quả. Trong các buổi tọa đàm, sinh hoạt khoa học đó cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung cần trao đổi, tranh luận, nếu cần thiết có thể họp cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và chỉ huy các tổ bộ môn để thống nhất quan điểm chỉ đạo sau đó mới đưa ra cuộc họp toàn đơn vị. Với những nội dung có chuyên sâu hẹp trong phạm vi tổ bộ môn thì chỉ huy các tổ bộ môn tự tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên sâu trong phạm vi tổ bộ môn, trường hợp cần thiết có sự tham gia của lãnh đạo đơn vị. Trong các buổi tọa đàm, sinh hoạt dù trong phạm vi nào thì đều cần tổ chức một cách cởi mở, trao đổi thẳng thắn để phát huy trí tuệ tập thể và tính sáng tạo của các giảng viên trên cơ sở đó đưa ra một định hướng thống nhất trong toàn đơn vị.

Thứ tư, tổ chức đa dạng các buổi báo cáo, tham quan, kiến tập nhằm gắn công tác đào tạo lý luận với thực tiễn chiến đấu của từng lực lượng gắn với học viên các chuyên ngành

Bên cạnh việc sử dụng đa dạng các phương pháp giảng dạy lý thuyết trên lớp thì Bộ môn Tâm lý cũng mạnh dạn báo cáo Ban giám đốc để xin ý kiến chỉ đạo về việc mời các cán bộ thực tiễn có kinh nghiệm thuộc các lĩnh vực chuyên môn ở các đơn vị nghiệp vụ khác nhau vào trực tiếp báo cáo cho các lớp khi học các môn học tâm lý thuộc chuyên ngành đó. Việc này vừa có tác dụng giúp sinh tiếp cận kiến thức tâm lý thực tiễn một cách sinh động hiệu quả nhất, gắn sát nhất giữa lý luận với thực tiễn chiến đấu, vừa có tác dụng tạo mối quan hệ giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa Bộ môn với các đơn vị thực tế. Tâm lý là một môn học khá trừu tượng, nếu như chỉ nghe báo cáo sẽ khó khăn hơn trong việc hiểu và nắm bắt các tình huống nghiệp vụ có vận dụng kiến thức tâm lý học nên đồng thời với mời báo cáo thực tế tại Học viện, Bộ môn đã và đang tiếp tục tổ chức các buổi học ngoại khóa, các buổi tham quan, kiến tập tại các đơn vị thực tế cho học viên như tham dự các phiên tòa xét xử, đến các trại giam, trại tạm giam, các đơn vị trực tiếp chiến đấu thuộc các lực lượng điều tra, trinh sát, quản lý nhà nước, tham mưu chỉ huy, trường huấn luyện chó nghiệp vụ… Tại đây, học viên được nghiên cứu hồ sơ, quan sát trực tiếp các hoạt động thực tiễn hoặc tham gia phỏng vấn trực tiếp phạm nhân để hiểu rõ những góc cạnh tâm lý như động cơ, nhu cầu, tình cảm… của các đối tượng khác nhau, qua đó sẽ hình thành ý thức nghề nghiệp của học viên trước khi học tập các môn học nghiệp vụ chuyên ngành cũng như thuận lợi trong tiếp cận các công việc thực tiễn sau này. Quá trình thực hiện cho thấy, phương pháp này còn có ý nghĩa trực tiếp đối với các giảng viên của đơn vị khi cùng học viên tham quan, kiến tập và trao đổi thực tiến với cán bộ thực tế. Do đó, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh áp dụng với học viên nhiều hệ học, lớp học khác nhau về phương pháp này.

Thứ năm, phân công bài giảng, lớp giảng phù hợp với trình độ, năng lực của giảng viên và cử giảng viên có kinh nghiệm hướng dẫn, giúp đỡ; tổ chức giảng dạy và thanh tra giáo dục nghiêm túc

Để có một giờ giảng hay đòi hỏi giảng viên cần có kiến thức sâu và rộng về chuyên đề mình giảng dạy. Tuy nhiên, mỗi giảng viên đặc biệt là giảng viên trẻ thường chỉ có miền kiến thức chuyên sâu đặc thù xuất phát từ chuyên môn đào tạo và quá trình tích lũy của bản thân. Do vậy, để nâng cao chất lượng giảng dạy lãnh đạo đơn vị cần có chiến lược trong phân công giảng dạy phù hợp với trình độ, năng lực của từng giảng viên để giảng viên có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng bài giảng với sự hướng dẫn của các giảng viên có kinh nghiệm trong đơn vị. Trên cơ sở đó, các Tổ bộ môn có trách nhiệm nghe giảng và chỉnh sửa cho các giảng viên để đảm bảo chất lượng bài giảng trước khi lên lớp. Đây là công việc rất tốn thời gian của toàn thể đơn vị xong kết quả sẽ tạo ra sự bền vững trong xây dựng đội ngũ giảng viên nên thời gian qua và tiếp theo đơn vị tiếp tục thực hiện định hướng này một cách nghiêm túc. Trong hoạt động này, việc thực hiện tổ chức giảng dạy và thanh tra giáo dục trực tiếp trên lớp đối với giờ của từng giảng viên có vai trò quan trọng thúc đẩy giảng viên có ý thức nâng cao chất lượng bài giảng của mình.

Thứ sáu, vận dụng một cách triệt để những thành tựu và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 trong quá trình giảng dạy các môn Tâm lý học

“Cách mạng Công nghiệp 4.0” đang diễn ra tại nhiều quốc gia phát triển và có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề phát sinh cho giáo dục nói chung và giáo dục trong Công an nhân dân nói riêng. Thừa hưởng thành tựu này là tính cập nhật một cách nhanh chóng các luồng thông tin đa chiều cho học viên trên mạng internet hiện đang rất phổ biến, giúp học viên tiếp cận những vấn đề thời sự trong và ngoài nước, đặc biệt là những nội dung liên quan đến chủ đề bài giảng nói riêng và công tác Công an nói chung. Tuy nhiên, tính đa dạng, nhiều chiều của nguồn thông tin đó cũng sẽ dẫn đến những thông tin trái chiều, thậm chí phản động mà các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng và nhà nước ta. Điều này đòi hỏi học viên khi tiếp cận các vấn đề đó cần có “bộ lọc” hữu hiệu để tránh những tác động trái chiều đối với học viên. Chính những ưu điểm và hạn chế đó của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi giảng viên cần phải phải chủ động học hỏi, tránh lạc hậu trước công nghệ tiên tiến, biết vận dụng triệt để các thành tựu này trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Đồng thời, trong mỗi bài giảng cần nghiên cứu để có thể xây dựng những chủ đề thiết thực, cập nhật để khơi gợi khả năng tự nghiên cứu, tự tìm hiểu, học hỏi để chiếm lĩnh kiến thức của học viên. Mặt khác, cần rèn luyện để học viên có “bộ lọc” nhằm điều chỉnh hướng suy nghĩ, có khả năng phân biệt và tìm hiểu những nguồn kiến thức chính thống, đúng đắn trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn công tác công an sau này.

Trên đây là một số nội dung liên quan đến đổi mới phương pháp giảng dạy của Bộ môn Tâm lý xin được nêu ra tại hội thảo để các đồng nghiệp và các đồng chí quan tâm trao đổi, trong phạm vi bài viết và nhận thức của tác giả có hạn, mong được sự góp ý của các nhà khoa học để bài viết được hoàn thiện, có thể vận dụng hiệu quả trong thực tế.

Trung tá, PGS.TS Lê Hữu Anh

  Phó trưởng Bộ môn Tâm lý - Học viện CSND

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất