gd-dt
Thứ Sáu, 4/5/2018 16:19'(GMT+7)

Công tác nghiên cứu khoa học tại Học viện CSND đáp ứng yêu cầu cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và chuẩn quốc gia

Nhóm sinh viên nghiên cứu và giảng viên hướng dẫn của Học viện Cảnh sát nhân dân đoạt giải nhất giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam

Nhóm sinh viên nghiên cứu và giảng viên hướng dẫn của Học viện Cảnh sát nhân dân đoạt giải nhất giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam

Trong quá trình tổ chức đào tạo, đối với bất cứ một trường đại học nào cũng đều có hai nhiệm vụ chính và quan trọng nhất đó là: Đào tạo và nghiên cứu khoa học, đây chính là hai hoạt động có mối quan hệ hữu cơ, hai nhiệm vụ cơ bản chiến lược của nhà trường, trong đó việc giảng viên, học viên trong nhà trường tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được đánh giá là một trong những yếu tố hết sức quan trọng và thiết yếu để hướng đến nâng cao chất lượng góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Bên cạnh đó cần xác định nghiên cứu khoa học và giảng dạy luôn có mối quan hệ hữu cơ với nhau, gắn kết chặt chẽ và hỗ trợ cho nhau. Nghiên cứu khoa học tạo cơ sở, điều kiện, tiền đề nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy ở trên lớp. Ngược lại, công tác giảng dạy phản ánh kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học. Do vậy, có thể khẳng định rằng, cùng với hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học là thước đo năng lực chuyên môn của giảng viên.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, Đảng và Nhà nước ta đã luôn khẳng định: “Khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nền tảng và động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nhanh, bền vững đất nước”, Nghiên cứu khoa học có tầm quan trọng đặc biệt trong giáo dục đại học vì không những góp phần nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo ra những tri thức mới, sản phẩm mới phục vụ cho sự phát triển của nhân loại.

Trong suốt chặng đường lịch sử 50 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Học viện CSND hiện nay đã trở thành cơ sở đào tạo đầu ngành và được Bộ Công an công nhận là trường trọng điểm của lực lượng CAND, tiến tới phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và chuẩn quốc gia trong hệ thống giáo dục đại học cả nước. Cùng với những thành tích đã đạt được trong công tác giáo dục - đào tạo, Ban Giám đốc Học viện CSND và các đơn vị luôn coi công tác nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cùng với quá trình đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, Học viện CSND đã ghi dấu nhiều bước tiến quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học và luôn khẳng định được vai trò là trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của Bộ Công an với đội ngũ các nhà khoa học ngày càng phát triển và lớn mạnh cùng những công trình nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao trong thực tế. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện CSND đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, viết tài liệu tham khảo hoặc các bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành, kỷ yếu hội thảo… Do vậy, trong thời gian gần đây, số lượng đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở do Học viện CSND đăng ký chủ trì thực hiện cùng với những sản phẩm nghiên cứu khoa học khác đã không ngừng tăng lên với tổng số 820 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có 05 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước (đã hoàn thành nghiệm thu 03 nhiệm vụ đạt loại xuất sắc trở lên); 129 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ (đã hoàn thành nghiệm thu 116 nhiệm vụ đạt loại xuất sắc trở lên), nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở có 686 (đã hoàn thành nghiệm thu 661 nhiệm vụ) và 26 sáng kiến cải tiến đã được nghiệm thu đạt 100%.

Cùng với hoạt động nghiên cứu khoa học khối cán bộ, hoạt động nghiên cứu khoa học của khối học viên cũng luôn được quan tâm tổ chức, vì đây là một nội dung quan trọng trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực của nhà trường, thực hiện nguyên lý giáo dục của Đảng "Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội" góp phần nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện. Số lượng học viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng tăng theo các năm với tổng số tính đến nay đã có gần 3000 công trình dự thi, trong đó có 1.374 công trình đạt giải cấp Học viện, 90 công trình đạt giải cấp Bộ Giáo dục và đào tạo (06 công trình đạt giải Nhất; 12 công trình đạt giải Nhì; 16 công trình đạt giải Ba; 56 công trình đạt giải Khuyến khích). Kết quả của hoạt động Nghiên cứu khoa học trong học viên đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học độc lập, hình thành năng lực tự học cho học viên.

Cùng với các hoạt động nói trên, Ban Giám đốc Học viện còn chỉ đạo và giao chỉ tiêu cho các đơn vị giảng dạy thường xuyên chủ động mời các chuyên gia được đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn ở các Tổng cục, Công an các đơn vị, địa phương đang trực tiếp công tác, chiến đấu về trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, những vấn đề về lý luận và thực tiễn nghiên cứu khoa học với cán bộ, giảng viên của Học viện. Qua đó, tạo nền nếp học tập, nghiên cứu và làm việc khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Công tác tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm khoa học cũng được Học viện CSND phối hợp và chủ trì tổ chức thường xuyên theo hướng bám sát tình hình thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, những vấn đề có liên quan đến công tác tổ chức, hoạt động của lực lượng CAND ở Việt Nam và trên thế giới, những vấn đề về an ninh xã hội, an ninh con người trong tình hình hiện nay nhằm đi đến giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, cung cấp những luận cứ khoa học, bổ sung kiến thức lý luận, thực tiễn vào bài giảng cho đội ngũ giảng viên của Học viện nói riêng và cán bộ của lực lượng CAND nói chung. Các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học do Học viện phối hợp và chủ trì tổ chức luôn được Hội đồng lý luận Trung ương, Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương đánh giá có tính lý luận và thực tiễn cao, gây được dấu ấn khoa học và tiếng vang trong công tác bảo đảm An ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Trên cơ sở những kết quả thu được từ hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học nhằm tổng kết lý luận và thực tiễn, đã giúp cho Học viện CSND về công tác rà soát, xây dựng giáo trình mới, chỉnh lý, bổ sung cập nhật nhiều nội dung khi có thay đổi mới vào hệ thống giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu tham khảo và công tác này luôn được đặt vào vị trí trọng tâm của hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu về sách dùng cho học tập chính khóa và tham khảo tài liệu của học viên các hệ học. Đến thời điểm hiện nay, Học viện CSND đã có tổng số gần 400 đầu giáo trình với hơn 40.000 đầu tài liệu tham khảo được biên soạn, sưu tầm và đưa vào sử dụng, đặc biệt đã triển khai tổng số trên 542 chương trình môn học theo chương trình đào tạo niên chế và đào tạo tín chỉ đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và phát triển thành cơ sở giáo dục trọng điểm của ngành và cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và đạt chuẩn quốc gia.

Hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh và nâng cao về chất lượng đã tạo nhiều cơ hội cho đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ điều kiện được phong học hàm, được tặng nhiều danh hiệu cao quý trong hoạt động giáo dục (đến nay Học viện đã có 15 Giáo sư, 53 Phó Giáo sư, 197 Tiến sĩ và nhiều Nhà giáo Ưu tú...), bên cạnh đó đội ngũ cán bộ, giảng viên còn được tiếp xúc thường xuyên và rèn luyện kỹ năng về công tác nghiên cứu khoa học, một mặt nhằm nâng cao trình độ lý luận, đồng thời có cơ hội để nghiên cứu, học tập và cập nhật nhiều kiến thức bổ ích trong thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và những vấn đề xã hội phục vụ cho công tác chuyên môn, đồng thời đã mang đến một diện mạo mới cho công tác nghiên cứu khoa học của Học viện CSND. Từ kết quả nêu trên có thể thấy, Học viện CSND hiện đang là đơn vị đứng đầu khối các trường CAND về hoạt động nghiên cứu khoa học ở các cấp. Và chính những thành quả nghiên cứu khoa học của nhà trường đã giúp đóng góp thêm vào kho tàng lý thuyết và ứng dụng trong thực tế cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm góp phần bảo đảm An ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cả nước.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu khoa học tại Học viện CSND vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định:

1. Hiện nay, số cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học của Học viện có nhiều kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu khoa học trong thời hạn công tác không còn nhiều, trong khi số cán bộ, giảng viên trẻ rất lớn nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học, lại phải kiêm nhiệm khá nhiều công việc (vừa tham gia duyệt giảng lại vừa chủ yếu tập trung cho việc biên soạn giáo án, bài giảng, tích lũy kinh nghiệm sư phạm, học tập nâng cao trình độ), đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc giảng viên chưa có sự quan tâm, đầu tư thời gian, trí tuệ đúng mức cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Một bộ phận giảng viên còn có tâm lý e ngại, thiếu nhiệt huyết đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Chưa thực sự phát huy được tính năng động, chủ động và mạnh dạn đề xuất đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học trên nhiều lĩnh vực mới để nghiên cứu; thậm chí còn có tâm lý ngại nghiên cứu khoa học, chỉ có một số ít cán bộ, giảng viên trẻ say mê với hoạt động này, bên cạnh những cán bộ, giảng viên nghiên cứu khoa học vì đam mê, tâm huyết, vẫn còn những giảng viên làm theo cách đối phó để lấy thành tích, đạt chỉ tiêu đăng ký dẫn đến chất lượng đề tài chưa cao; số đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh, thành phố mặc dù đã được tăng lên trong những năm vừa qua nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hiện có của Học viện…

2. Một số ít đề tài do không nghiên cứu, rà soát kỹ ngay từ khâu thẩm định, tuyển chọn, xin ý kiến chuyên gia nên tính khả thi trong thực tế không cao dẫn đến tình trạng đã được duyệt nhưng không thực hiện được hoặc xin đổi tên đề tài, nội dung nghiên cứu dẫn đến nhiều trường hợp phải xin gia hạn kéo dài thời gian hoàn thành đề tài, ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung của đơn vị. Bên cạnh đó, năng lực nghiên cứu của một số cán bộ, giảng viên còn nhiều hạn chế dẫn đến chất lượng của một số công trình nghiên cứu khoa học còn chưa cao, các giải pháp đưa ra có khi chung chung, hạn chế khả năng ứng dụng trên thực tế. Ngoài ra, do áp lực phải thực hiện nên việc nghiên cứu đôi khi còn mang tính hình thức, dựa trên kết quả những công trình đã “có sẵn” nhằm giảm thiểu thời gian, chi phí thực hiện, dẫn tới nhiều công trình sau khi nghiệm thu không ứng dụng được vào thực tế.

3. Trong một số trường hợp, những định hướng về nội dung cho các nhiệm vụ nghiên cứu chưa thực sự khoa học. Hiện nay, việc xét duyệt đề cương cũng như nội dung của đề tài nghiên cứu mặc dù đã được thông qua Hội đồng khoa học nhiều lần nhưng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người đăng ký mà chưa thực hiện theo hướng nghiên cứu để lựa chọn địa bàn thực hiện, do vậy, nội dung nghiên cứu nhiều khi không xuất phát từ nhu cầu thực tế của các chuyên ngành đào tạo hay của nhu cầu thực tế công tác đảm bảo an ninh trật tự theo chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng theo từng địa bàn công tác.

4. Nguồn kinh phí cấp cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn có sự chệnh lệch đáng kể và chưa tương xứng với nhiệm vụ nghiên cứu: Nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước hoặc cấp Bộ thì tương đối nhiều trong khi kinh phí cấp cho nhiệm vụ nghiên cứu cấp cơ sở do Học viện quản lý còn hạn chế rất nhiều, đa số đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở do Học viện quản lý vẫn chủ yếu do chủ nhiệm đề tài tự túc toàn bộ về kinh phí thực hiện, mặc dù Bộ Công an và Học viện cũng quan tâm hỗ trợ một phần nhưng không đáp ứng được nhu cầu thực tế của công tác nghiên cứu.

Học viện CSND đã được Bộ Công an công nhận là trường đại học trọng điểm của Ngành và tiến tới mục tiêu trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020. Một trong những tiêu chí quan trọng trong việc quyết định thứ hạng và để đạt được yêu cầu là trường đại học đạt chuẩn quốc gia được thể hiện bằng kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học. Để đạt được mục tiêu lớn và quan trọng trong bối cảnh trình độ phát triển về khoa học - công nghệ của thế giới và Việt Nam đang phát triển ở tốc độ nhanh chóng như hiện nay, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện CSND cũng cần phải xác định những định hướng lớn, chủ trương kịp thời để tiếp tục phát triển, không để “tụt hậu” so với bên ngoài, đặc biệt là với các trường Công an nhân dân khác và xứng đáng là trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của khối các trường CAND nói riêng, hệ thống các trường đại học trên cả nước nói chung. Để công tác nghiên cứu khoa học của Học viện CSND thật sự đi vào chiều sâu, có chất lượng, thực sự hỗ trợ cho công tác giảng dạy cũng như các hoạt động giáo dục của nhà trường, xứng đáng với truyền thống và uy tín của một cơ sở khoa học đầu ngành của Bộ Công an, trường trọng điểm của Ngành, hướng tới trường chuẩn quốc gia, bên cạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng "gắn nhà trường với xã hội, gắn lý luận với thực tiễn và đẩy mạnh hợp tác quốc tế", công tác nghiên cứu khoa học của Học viện CSND cần tập trung thực hiện những nội dung cơ bản sau:     

1. Cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên đặc biệt là cán bộ, giảng viên trẻ nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong quá trình đổi mới đào tạo, xác định nó là một trong những yếu tố chính quyết định sứ mệnh phát triển của Học viện, là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó có những định hướng hoạt động, có ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy của người giảng viên. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện cần tập trung chỉ đạo tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn chiến đấu, qua đó phục vụ công tác giảng dạy, học tập. Nội dung nghiên cứu tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận Khoa học Công an Việt Nam. Trên cơ sở đó, hàng năm, cán bộ, giảng viên phải tích cực đăng ký thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và kết quả của nghiên cứu khoa học phải được xem là một tiêu chí đánh giá về chất lượng chuyên môn của giảng viên để xem xét thành tích trong năm học.

 2. Đội ngũ cán bộ - giảng viên của Học viện, chủ thể chính của hoạt động nghiên cứu khoa học cần phải có sự thay đổi về mặt nhận thức và cách thức nghiên cứu khoa học theo hướng tập trung giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu thêm nhiều những vấn đề nổi cộm khác trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay, tất cả những vấn đề này đòi hỏi phải được giải quyết qua quá trình giảng dạy, nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng và khả thi. Khi những sản phẩm công trình nghiên cứu khoa học đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn thì bản thân công trình khoa học đó sẽ khẳng định vai trò quan trọng, cần thiết của mình và trở thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong thực tế, đồng thời nó còn có thể cung cấp những luận cứ khoa học trở thành lý luận soi đường cho công tác của lực lượng CAND. Qua nghiên cứu, đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng sẽ được có cơ hội cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, góp phần làm cho bài giảng phù hợp với thực tế.

3. Ban Giám đốc Học viện thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác nghiên cứu khoa học chuyên ngành, đặc biệt là tập trung tập huấn về cách thức lựa chọn vấn đề nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu. Tăng cường cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về kinh nghiệm nghiên cứu và viết bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế do Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Công an tổ chức. Bên cạnh đó cần có sự giao lưu, phối hợp với các Học viện, trường CAND hoặc các trường đại học ngoài ngành có thế mạnh về công tác nghiên cứu khoa học để trao đổi về nội dung, phương pháp, kỹ năng tổ chức và thực hiện nghiên cứu nhiệm vụ khoa học. Phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, các tỉnh, thành phố thuộc các khu vực, địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự để lựa chọn những vấn đề cần nghiên cứu phù hợp với nội dung thực tiễn công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, gắn lý luận với thực tiễn. Phối hợp chuyển giao các nhiệm vụ khoa học đã được nghiên cứu, đa dạng hóa các hình thức nghiên cứu khoa học.

4. Học viện cần tập trung đầu tư các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất và nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học theo hướng tập trung đầu tư đối với các đề tài thực sự cần thiết và chắc chắn mang lại hiệu quả cao. Chỉ đạo các đơn vị chức năng có liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù trong quản lý, sử dụng ngân sách được cấp để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ, như vậy, sẽ khuyến khích được cán bộ, giảng viên tham gia tích cực thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp đạt hiệu quả cao.

Với lịch sử hình thành và phát triển trong 50 năm qua và hướng tới mục tiêu phấn đấu trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và trường chuẩn quốc gia trong tương lai, Học viện CSND luôn xác định cho mình những cách thức, hướng đi phù hợp mang tính đột phá trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám đốc Học viện CSND, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ sở đào tạo trong và ngoài ngành, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện CSND sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả nhằm phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong thời gian tới.           

Trung tá, TS Nguyễn Thanh Bình

Phó trưởng phòng Quản lý NCKH  - Học viện CSND


Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất