gd-dt
Thứ Năm, 15/2/2018 8:54'(GMT+7)

Xây dựng Học viện Cảnh sát nhân dân trở thành đơn vị chủ lực trong nghiên cứu tổng kết và phát triển lý luận nghiệp vụ Công an

Học viện Cảnh sát nhân dân là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu của Bộ Công an

Học viện Cảnh sát nhân dân là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu của Bộ Công an

1. Học viện Cảnh sát nhân dân - cơ sở giáo dục đại học đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp nghiên cứu, xây dựng và phát triển lý luận nghiệp vụ Công an

 Học viện Cảnh sát nhân dân là một cơ sở giáo dục đào tạo lớn của ngành Công an và của quốc gia. Quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của Học viện Cảnh sát nhân dân trong 50 năm qua cũng là quá trình đóng góp to lớn cho sự nghiệp nghiên cứu xây dựng, tổng kết và phát triển lý luận nghiệp vụ của ngành.

Vai trò to lớn của Học viện Cảnh sát nhân dân trước hết là vị trí đầu ngành trong toàn bộ hệ thống Cảnh sát xét trên phương diện xây dựng lý luận nghiệp vụ, tổng kết thực tiễn để khái quát thành lý luận cũng như nghiên cứu dự báo, hoàn thiện và phát triển lý luận. Học viện Cảnh sát nhân dân tiếp tục là đơn vị đầu Ngành xét về đội ngũ các nhà khoa học có học hàm, học vị cao và có nhiều công trình khoa học cống hiến cho ngành, cho xã hội. Năm mươi năm qua, Học viện đã đào tạo được hơn 5 vạn cử nhân Cảnh sát, cử nhân luật phục vụ cho nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (TTATXH), hơn 6.000 lượt cán bộ lãnh đạo chỉ huy được trang bị những kiến thức về lãnh đạo chỉ huy, về chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Đặc biệt, sự đóng góp to lớn cho công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn mà Học viện Cảnh sát nhân dân đã làm nên trong những năm qua cần phải được đánh giá cao đó là hơn 2.000 công trình khoa học cấp độ Thạc sĩ và hơn 300 công trình khoa học trình độ Tiến sĩ. Đó thực sự là những công trình nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và phần nhiều trong số đó có những đóng góp phát triển lý luận của Ngành.

Từ những năm đầu thập kỷ 90 của Thế kỷ trước, khi Đảng và Nhà nước chủ trương tiến hành những Chương trình Khoa học cấp Nhà nước đầu tiên trên lĩnh vực Khoa học xã hội và giao cho Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Chương trình KX04 -14  thì Đại học Cảnh sát nhân dân lúc đó (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân) đã cung cấp bộ khung cán bộ nghiên cứu cho Chương trình đó. Sản phẩm của Công trình đã đóng góp xuất sắc cho việc xây dựng lý luận đổi mới tổ chức cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và quản lý nhà nước về TTATXH trong tình hình mới. Đặc biệt, Chương trình đã xây dựng, luận chứng cơ sở lý luận cho Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm đầu tiên ở Việt Nam.

Học viện Cảnh sát nhân dân đã tiên phong nhận nhiệm vụ và tổ chức nghiên cứu thành công đề tài khoa học đầu tiên về “Những cơ sở lý luận và thực tiễn của quản lý nhà nước về An ninh - Trật tự” ở Việt nam và trên cơ sở đó kiến nghị lãnh đạo Bộ cho đưa vào giảng dạy trong nhà trường môn học Quản lý Nhà nước về An ninh - Trật tự. Từ đó phát triển lý luận trên lĩnh vực này. Kết quả nghiên cứu và kiến nghị từ đề tài đó thực sự đã đặt nền móng để đề xuất mở một ngành khoa học mới ngành học rộng lớn quản lý nhà nước về an ninh, trật tự hiện nay.

Học viện Cảnh sát nhân dân cũng là cơ sở tiên phong trong nghiên cứu chiến lược đào tạo và đề xuất kiến nghị với Bộ Công an và các cơ quan có thẩm quyền cho mở hướng đào tạo mới, khắc phục bế tắc đào tạo nhân lực có trình độ cao khi Liên Xô và hệ thống XHCN Đông Âu tan vỡ. Bước đi tiên phong đó đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển hệ trong đào tạo Sau đại học hiện nay của ngành Công an và đóng góp to lớn cho sự nghiệp đào tạo Sau đại học chung của cả nước.

Cũng trong tiến trình đó, Học viện Cảnh sát nhân dân đã xung kích trên mặt trận lý luận, nghiên cứu tổng kết để hệ thống hóa và xây dựng lý thuyết khoa học đồng bộ cho bộ môn Lý luận hoạt động nghiệp vụ trinh sát của Công an nhân dân (CAND); xây dựng hệ thống giáo trình nhất quán với Lý luận khoa học cho toàn môn Lý luận nghiệp vụ trinh sát; cho khoa học Điều tra hình sự để đào tạo lực lượng Cảnh sát nhân dân. Những giáo trình, sách tham khảo có gáy đầu tiên trong các thư viện nhà trường Công an nhân dân đã xuất hiện đầu tiên ở Học viện Cảnh sát nhân dân về các lĩnh vực Trinh sát, Điều tra hình sự, Đấu tranh phòng, chống Ma túy, Nghiệp vụ cơ bản. Những bước tiến đó đã làm thay đổi tư duy quản lý và xây dựng cơ sở học liệu cho đào tạo đại học và sau đại học của ngành.

Học viện Cảnh sát nhân dân đã nhạy bén trước những vấn đề và nguy cơ đối với TTATXH và đương đầu với những khó khăn trong nghiên cứu, giải quyết những vấn đề này. Học viện Cảnh sát nhân dân là cơ sở nghiên cứu khoa học đầu tiên ở Việt Nam đặt vấn đề nghiêm túc về nghiên cứu tội phạm có tổ chức và tổ chức lần đầu tiên Hội thảo khoa học về vấn đề này. Chính Hội thảo đầu tiên về Tội phạm có tổ chức: “Đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức - những vấn đề lý luận và thực tiễn” ở Học viện Cảnh sát nhân dân được chuẩn bị từ đầu năm 1996 và thực hiện vào tháng 1/1997 đã là tiếng chuông thức tỉnh xã hội, là tiếng còi báo động xã hội phải nhìn thẳng vào sự thật của đất nước để có thái độ đúng đắn với hiện tượng xã hội này. Hội thảo này cũng đặt nền móng tư tưởng và lý luận đầu tiên cho các công trình nghiên cứu tội phạm có tổ chức ở Việt Nam.

Học viện Cảnh sát nhân dân cũng là cơ sở tiên phong trong nghiên cứu về xã hội học Cảnh sát, công trình đầu tiên nghiên cứu mối liên hệ giữa hoạt động cảnh sát với bảo vệ quyền con người ở Việt Nam cũng xuất phát từ Học viện Cảnh sát nhân dân (1993 - 1994). Công trình đầu tiên nghiên cứu về bảo vệ môi trường, được Hội đồng lý luận Trung ương đề xướng cũng đã giao cho Học viện cảnh sát nhân dân. Ngày nay, Học viện Cảnh sát nhân dân đang tích cực triển khai nghiên cứu những đề tài cấp nhà nước về an ninh xã hội, an ninh con người nhằm tham mưu cho Đảng những quyết sách lớn về bảo đảm an ninh xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Những bộ Tổng tập về từng lĩnh vực chuyên ngành được Ban Giám đốc và Hội đồng khoa học nhà trường chỉ đạo biên soạn trong vài năm gần đây như Bộ sách về Tội phạm học Việt Nam, về Lý luận hoạt động nghiệp vụ trinh sát, Khoa học Công an Việt Nam - lý luận về bảo vệ an ninh Quốc gia… do đồng chí Đại tướng, GS.TS. Trần Đại Quang, nay là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cùng với Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân chủ trì biên soạn là những công trình tổng kết có quy mô lớn và hiệu quả xác thực đối với hoạt động đào tạo CAND Việt Nam. Đó là điểm qua những hoạt động khoa học và kết quả thiết thực mà Học viện Cảnh sát nhân dân đã đóng góp cho sự phát triển khoa học và lý luận của ngành Công an.

Ngoài ra, rất nhiều công trình khoa học của Học viện Cảnh sát đã và đang góp phần thiết thực giải quyết những vấn đề của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế, tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao…

Có thể kể nhiều hơn nữa về sự đóng góp của Học viện Cảnh sát nhân dân trong sự nghiệp nghiên cứu, tổng kết và phát triển lý luận của Công an nhân dân.

2. Những định hướng lớn cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu, tổng kết và phát  triển Lý luận Nghiệp vụ Công an  trong bối cảnh lịch sử mới
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế, Bộ Công an vừa là là một cơ quan quản lý nhà nước thẩm quyền riêng, đồng thời giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an ninh, trật tự (ANTT) trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, CAND lại là một bộ phận trong bộ máy bảo vệ pháp luật, cùng tham gia thực hiện chức năng bạo lực trấn áp đối với các hành vi xâm hại đến Nhà nước, xã hội và công dân.

Mặc dù có bao nhiều lĩnh vự hoạt động thì có bấy nhiều lĩnh vực và hệ thống tri thức cần được nghiên cứu xây dựng thành lý luận và đều có ý nghĩa nghiệp vụ. Tuy nhiên, khi nói đến Công an như một cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ  ANTT chung ở một quốc gia và là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về ANTT của một đất nước thì nghiệp vụ Công an cũng định hình trên hai chủ hướng: Nghiệp vụ quản lý ANTT và nghiệp vụ đấu tranh bảo vệ ANTT của đất nước. Hai chủ hướng đó hoàn toàn là những bộ phận hợp thành của nhiệm vụ chiến lược quốc phòng, an ninh (QPAN) ở các quốc gia.

Nghiệp vụ quản lý ANTT của ngành Công an được hiểu là tổng hợp có hệ thống những kiến thức về cách thức, phương pháp, biện pháp chuyên môn đặc thù cho lĩnh vực hoạt động an ninh, cảnh sát được vận dụng kết hợp với quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành trên lĩnh vực ANTT. Điều này cần được hiểu thấu đáo và không nhầm lẫn giữa việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo luật định với việc thực hiện nghiệp vụ Công an trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo luật định mà pháp luật giao cho ngành Công an với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước thẩm quyền riêng trên lĩnh vực ANTT, theo đó, Bộ Công an giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, khác biệt tương đối với việc thực hiện nghiệp vụ công an trong quản lý ANTT, khi mà các lực lượng Quản lý hành chính nhà nước trên lĩnh vực an ninh quốc gia và Quản lý hành chính nhà nước trên lĩnh vực TTATXH  phải sử dụng những kiến thức chuyên ngành, riêng có để nắm bắt thông tin và quản lý các đối tượng có nguy cơ xâm hại ANTT, áp dụng các biện pháp công tác Công an để giải quyết các vấn đề này.

Nghiệp vụ điều tra, nghiệp vụ trinh sát được hiểu một cách khái quát nhất như là những kiến thức tổng hợp hệ thống về phương thức hoạt động và các biện pháp chuyên môn đặc biệt, đặc thù cho lĩnh vực hoạt động An ninh, Cảnh sát nhằm đi sâu nắm bắt thông tin về tình hình liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm TTATXH để có giải pháp khoa học, hợp lý và kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, khám phá, trấn áp và điều tra làm rõ những âm mưu, thủ đoạn và các hoạt động của tất cả các loại đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia, TTATXH.

Ở Việt Nam, khi Đảng ta xác định nhiệm vụ QPAN, bảo vệ Tổ quốc là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng và giao nhiệm vụ cho Quân đội nhân dân, CAND - là lực lượng vũ trang, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược đó của Cách mạng thì Quân đội nhân dân, CAND nghiễm nhiên phải trang bị cho mình hệ thống lý luận về thực hiện nhiệm vụ QPAN, bảo vệ Tổ quốc. Thực tế, trong suốt chặng đường lịch sử đã qua, lực lượng CAND đã vừa chiến đấu vừa xây dựng và trưởng thành trên mọi mặt, trong đó có phương diện lý luận về bảo đảm TTATXH. Chính hệ thống lý luận riêng về phương thức tổ chức, hoạt động, nghệ thuật, phương pháp, chiến thuật và các biện pháp mang tính khoa học, đặc thù riêng của CAND được đúc kết từ thực tiễn, kiểm nghiệm qua thực tiễn và được soi sáng bởi tư duy lý luận khoa học, trở thành hệ thống lý luận nghiệp vụ của ngành Công an.

Đó cũng là một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của các nhà nghiên cứu lý luận, các nhà lãnh đạo chỉ huy ở các cấp qua các thời kỳ, nhằm vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng cách mạng của Đảng ta để nghiên cứu tiếp thụ những tình hoa văn hóa, nghệ thuật, chiến thuật và phương pháp đấu tranh bảo vệ chế độ chính trị, giữ gìn trật tự của nhân loại, đồng thời phân tích, tổng hợp, tổng kết những kinh nghiệm, những bài học thực tiễn đấu tranh chống thù trong giặc ngoài bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng và Nhà nước, chế độ xã hội.

Vì thế, khi lịch sử có những chuyển biến lớn, khi nhân loại và dân tộc đứng trước những thời cơ và vận hội, những thách thức lịch sử mới thì vấn đề tổng kết lý luận, phát triển lý luận, để đáp ứng đòi hỏi của lịch sử càng đặt ra một cách gay gắt.

Căn cứ vào những chức năng cơ bản của CAND, việc nghiên cứu, tổng kết, phát triển lý luận nghiệp vụ cũng cần được định hướng trên ba chủ hướng nhằm hoàn thiện lý luận CAND trên cả ba lĩnh vực tham mưu chiến lược cho Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực đấu tranh bảo vệ an ninh của Tổ quốc; thực hiện hiệu quả cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm; tối ưu hóa hoạt động quản lý nhà nước đối với nền ANTT của đất nước. Trên cả ba chủ hướng đó đều cần hoàn thiện lý luận nghiệp vụ để bảo đảm kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố chính trị, pháp luật và nghiệp vụ trong bất cứ nhiệm vụ, vấn đề, tình huống, hoàn cảnh nào. Yêu cầu nhuần nhuyễn các yếu tố chính trị, pháp luật, nghiệp vụ được xác lập trên cơ sở tư tưởng: Pháp luật của chúng ta là pháp luật phản ánh ý chí nhân dân, ý chí đó được soi đường dẫn lối bởi đường lối chính trị đúng đắn của Đảng; và với tư cách cánh tay đắc lực của Đảng, nghiệp vụ của Công an là nghiệp vụ chính trị. Tính nhuần nhuyễn đó định hướng cho các công trình nghiên cứu, tổng kết và phát triển lý luận nghiệp vụ Công an.

Ngày nay, đứng trước những biến đổi mạnh mẽ của thực tiễn xã hội, trong dòng chảy thác cuộn của cách mạng 4.0, nghiên cứu, tổng kết và phát triển lý luận nghiệp vụ công an trở thành một nhu cầu khách quan, bức thiết.

Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH trong điều kiện mới của lịch sử thế giới, phải phản ứng nhanh nhạy, kịp thời và hiệu quả trước những biến động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước. Điều đó đòi hỏi phải theo kịp những thành tựu của cách mạng 4.0, sử dụng những thành tựu của cách mạng 4.0 cho các nhiệm vụ cụ thể của chúng ta.

Trên tất cả các phương diện của chức năng tham mưu, tác chiến hay quản lý nhà nước, quản lý xã hội yêu cầu đặt ra đối với nghiệp vụ công an trong điều kiện mới đều cần những thay đổi mạnh mẽ về phương thức hoạt động và biện pháp công tác. Điều đó đòi hỏi phải cập nhật những thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới mạnh mẽ lý thuyết. Vì thế, vai trò của việc nghiên cứu, tổng kết lý luận nghiệp vụ công an ở các trung tâm khoa học - đào tạo lớn của ngành Công an là hết sức to lớn.

3. Tiếp tục phấn đấu để Học viện Cảnh sát nhân dân trở thành đơn vị chủ lực trong nghiên cứu, tổng kết và phát triển lý luận nghiệp vụ Công an

 Học viện Cảnh sát nhân dân sẽ trở thành một cơ sở giáo dục Đại học trọng điểm và chuẩn Quốc gia khi thực hiện thắng lợi đề án mà Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện đã chỉ đạo nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đó là cả một hệ thống giải pháp đồng bộ bảo đảm cơ sở lý luận và thực tiễn cho sự phát triển.

Yêu cầu to lớn, nặng nề của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo vệ an ninh chính trị, TTATXH trong tình hình mới trước tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ, tích cực hoạt động nghiên cứu, tổng kết và phát triển lý luận khoa học nghiệp vụ Công an. Đặc biệt, những vấn đề an ninh phi truyền thống đã và đang đặt ra hết sức gay gắt đối với công tác lý luận và thực tiễn quản lý ANTT của ngành Công an.

Với tư cách là một cơ sở giáo dục  đại học trọng điểm của Ngành và đang phấn đấu trở thành trường trọng điểm chuẩn quốc gia, Học viện Cảnh sát phải đi đầu trong việc đổi mới công tác giáo dục - đào tạo để theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống tri thức của nhân loại trên lĩnh vực quản lý nhà nước về TTATXH, đấu tranh với các loại tội phạm xâm phạm TTATXH.

Những nghiên cứu thiết thực nhất trước hết cần dành cho đổi mới Chương trình, giáo trình và phương pháp giáo dục - đào tạo trong nhà trường. Việc giải quyết tốt chương trình khung đào tạo, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của tình hình và theo kịp những diễn biến của thời cuộc có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp phát triển của Học viện Cảnh sát nhân dân. Trong những vấn đề liên quan đến đào tạo có những vấn đề về mô hình  sản phẩm đào tạo, vấn đề vận dung các phương thức đào tạo mới, vấn đề đổi mới hệ thống giáo trình, tài liệu học tập và phương pháp tổ chức học tập cho học viên. Cùng với đó là vấn đề đổi mới tư duy và phương pháp đánh giá các công trình khoa học của cán bộ giáo viên nhà trường cũng như các công trình nghiên cứu khoa học sinh viên. Một yêu cầu hết sức quan trọng trong các mặt công tác này chính là bám sát những tiến bộ của khoa học công nghệ và khắc phục thói quen dễ dãi trong xử lý, đánh giá những vấn  đề mang tính nguyên tắc để bảo đảm tính đồng bộ, tính hệ thống của hệ thống tri thức khoa học của nhà trường.

Nguồn nhân lực khoa học công nghệ luôn là yếu tố quyết định thành bại của nhà trường. Nhà trường đã, đang và cần tiếp tục quan tâm đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học, giảng dạy. Chính đội ngũ này sẽ quyết định thành bại việc thực hiện mục tiêu chiến lược của nhà trường. Thông qua sự đóng góp, công hiến của đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học này mà nâng tầm chất lượng của các công trình, các sản phẩm của Học viện, từ đó không ngừng tăng cường ảnh hưởng của Học viện đối với đất nước, với Ngành.Một xu hướng hết sức quan trọng cho tương lai không xa là tăng cường tổ chức phối hợp nghiên cứu với các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài về những lĩnh vực khoa học đã được quốc tế hóa. Nhà trường cần có chiến lược và tổ chức tốt các quan hệ phối hợp này. Cần tạo điều kiện để các nhà khoa học của Học viện có được những bài viết, công trình khoa học được đăng tải ở nước ngoài. Đó là cách thức vừa để nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ vừa để khẳng định uy thế của Học viện trong thời kỳ hội nhập sâu vào quan hệ quốc tế. Các cơ chế phối hợp giữa Học viện Cảnh sát Việt Nam với Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, với Học viện Thi hành án Liên Bang Nga, Đại học Cảnh sát Matxcova, với Đại học Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, với Đại học Cảnh sát Bắc Kinh… là những điều kiện tốt cho thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt những hoạt động này đang có thuận lợi khi đẩy mạnh quan hệ của Học viện Cảnh sát nhân dân với các Đại học, Học viện Cảnh sát các nước trong trong khuôn khổ hợp tác APTA mà Bộ Công an đã cho phép Học viện Cảnh sát nhân dân tham gia cuối năm 2016 đầu năm 2017 vừa qua.

Tóm lại, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ để tiếp tục tiến trình phát triển và xây dựng Học viện Cảnh sát nhân dân trở thành đơn vị chủ lực trong nghiên cứu, tổng kết và phát triển lý luận nghiệp vụ Công an.

Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ - Phó Giám đốc Học viện

Nguồn: Tạp chí Cảnh sát nhân dân số 1/2018

 

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất