gd-dt
Thứ Tư, 20/9/2017 13:16'(GMT+7)

Xây dựng và phát triển ngành Tội phạm học ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới

Các đại biểu tham dự Tọa đàm khoa học nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện CSND chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu tham dự Tọa đàm khoa học nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện CSND chụp ảnh lưu niệm

Tội phạm và những vấn đề liên quan đến tội phạm là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau như: Xã hội học, Tâm lý học, Luật học, Triết học, Tội phạm học, Khoa học điều tra hình sự… Mỗi ngành khoa học xã hội khi nghiên cứu về tội phạm đều có cách tiếp cận bằng phương pháp nghiên cứu riêng có của mỗi ngành với những đối tượng cấu thành khác nhau. 

Mặc dù ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước ta luôn quan tâm và giao cho các cơ quan bảo vệ pháp luật nghiên cứu lý luận về phòng, chống tội phạm; tuy nhiên, mãi đến những năm 80 của thế kỷ 20 mới có một số công trình nghiên cứu sâu về lĩnh vực này gồm các đề tài khoa học, sách chuyên khảo liên quan đến tội phạm học như: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về tội phạm và đấu tranh chống tội phạm” (Viện Nhà nước và Pháp luật -1985); “Tình hình tái phạm tội giai đoạn 1980 - 1985” (Viện Khoa học Công an - Bộ Nội vụ -1985); “Thực trạng tội phạm, tệ nạn xã hội ở Hà Nội 1989 - 1992” (Tiến sĩ Lê Thế Tiệm và đồng nghiệp - 1992); “Phòng chống ma túy trong tình hình mới” (Ủy ban quốc gia phòng, chống ma túy - 1999); “Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm” (PGS.TS Nguyễn Xuân Yêm - 2001)… Kết quả nghiên cứu các công trình này đã góp phần tích cực vào việc hoàn thiện chính sách hình sự của Nhà nước, lý luận phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trong những năm qua.

Về lĩnh vực đào tạo, đến năm 1998 giáo trình “Tội phạm học đại cương” của PGS.TS Đỗ Ngọc Quang được công bố. Đây là giáo trình đầu tiên về môn Tội phạm học. Tiếp đó, Học viện Cảnh sát nhân dân xuất bản giáo trình “Tội phạm học” và lần đầu tiên môn học này được giảng dạy ở Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội. Tiếp đó, Học viện Cảnh sát nhân dân tiến hành đào tạo ở bậc đại học và sau đại học; Học viện An ninh nhân dân và một số cơ sở đào tạo khác cũng đã tiến hành giảng dạy môn Tội phạm học như Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh; Học viện Khoa học xã hội (Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam)... Trong những năm cuối thế kỷ 20 ở Việt Nam đã hình thành một số cơ sở nghiên cứu kiểu trung tâm nghiên cứu tội phạm học ở một số cơ quan, như Trung tâm nghiên cứu tội phạm học của Viện Nhà nước và Pháp luật (năm 1999)...

Trước yêu cầu cấp bách cả về lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay, tháng 6/2007 Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an đã được thành lập với chức năng: tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn về tội phạm học và khoa học phòng, chống tội phạm phục vụ công tác của lực lượng Cảnh sát nhân dân; nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, biện pháp nghiệp vụ về phòng ngừa tội phạm; giảng dạy các bậc học hợp tác quốc tế về nghiên cứu tội phạm. 

Như vậy, nhìn về lịch sử phát triển của ngành Tội phạm học ở nước ta thấy rằng: về mặt pháp lý, đến nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật chính thức của Chính phủ giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan nào thực hiện chức năng nghiên cứu tội phạm học, hoặc có quy định cụ thể làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, phát triển ngành Tội phạm học của nước ta cũng như phục vụ việc nghiên cứu tội phạm học và xây dựng, hoàn thiện lý luận về tội phạm học phù hợp với điều kiện của nước ta. Hiện nay chỉ mới có các chế định nằm ở các ngành luật, văn bản quy phạm pháp luật khác nhau quy định về công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm  và tệ nạn xã hội đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Thực tế, việc nghiên cứu Tội phạm học chưa mang tính chiến lược, chủ yếu mang tính tự phát, cơ quan bảo vệ pháp luật nào có nhu cầu nghiên cứu phục vụ công tác của ngành mình mới quan tâm nghiên cứu theo từng vấn đề tại thời điểm đó; hoặc, nghiên cứu dưới dạng các luận văn, luận án, bài báo khoa học tại Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân, Viện Nhà nước và Pháp luật, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ sở khác đào tạo sau đại học chuyên ngành luật học. Mặc dù có một số công trình có giá trị của các nhà khoa học nghiên cứu về Tội phạm học nhưng chủ yếu là sự nỗ lực của cá nhân nhà khoa học và chỉ có một phần nhỏ sự hỗ trợ về kinh phí của cơ quan chủ quản. Đa số các công trình tập trung nghiên cứu về các vấn đề thực trạng tội phạm và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan chức năng. Về lý luận Tội phạm học, duy nhất có công trình của GS.TS Nguyễn Xuân Yêm “Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm” tương đối hoàn thiện về khoa học lý luận Tội phạm học ở Việt Nam hiện nay.

Với những lý do nêu trên, có thể khẳng định sự phát triển ngành Tội phạm học của nước ta vẫn còn chậm và chưa được đầu tư đầy đủ để trở thành một ngành khoa học xã hội quan trọng, góp phần vào việc dự báo và tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm. 

Trước nhu cầu nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tội phạm và hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi sâu sắc, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa, nên việc các vấn đề liên quan đến tội phạm học đã và đang được triển khai nghiên cứu. 

Về Tội phạm học lý thuyết. Trong nhiều năm qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các viện nghiên cứu về luật pháp và một số trường đại học đã tiến hành triển khai chương trình nghiên cứu về tội phạm học. Theo đó, nhiều vấn đề mang tính nhận thức, lý luận về tội phạm học được xúc tiến nghiên cứu cả bề rộng lẫn chiều sâu như các phương pháp nghiên cứu tội phạm học; quan hệ giữa tội phạm học và các ngành khoa học khác có liên quan như xã hội học, tâm lý học, khoa học quản lý, khoa học luật hình sự, khoa học luật tố tụng hình sự… bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực; đặt nền móng cho những nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực khoa học này. Bên cạnh đó, những vấn đề mang tính thực tiễn của tội phạm học cũng được quan tâm nghiên cứu như hoạt động phòng ngừa tội phạm trong các lĩnh vực cụ thể như: tội phạm kinh tế, tội phạm xâm phạm sở hữu, tội phạm về ma túy, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tội phạm xâm phạm về tính mạng, sức khỏe con người…

Trong xu hướng phát triển của ngành tội phạm học, trong những năm qua cũng như trong những năm tới có một số cơ quan và các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu về tội phạm và phòng ngừa tội phạm trong một số lĩnh vực như:

- Xã hội học tội phạm: Các nhà khoa học đã và đang tiến hành nghiên cứu các hành vi tội phạm với tư cách là một hành vi lệch chuẩn (hay còn gọi là hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội), trong đó đi sâu nghiên cứu về chuẩn mực xã hội và giá trị xã hội dưới góc độ có tác động đến hành vi tội phạm; các hành vi lệch chuẩn (lệch chuẩn cá nhân và lệch chuẩn nhóm); cơ chế thị trường và tội phạm…

- Thống kê tội phạm: Đây là một bộ phận rất quan trọng của thống kê phạm pháp hình sự; chuyên thống kê các hoạt động phạm tội, hậu quả, tác hại do hành vi phạm tội gây ra và những vấn đề khác có liên quan đến tội phạm; đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm như: người phạm tội, hành vi phạm tội, đối tượng bị hại, hậu quả, tác hại do hành vi phạm tội gây ra; nguyên nhân, điều kiện phạm tội; kết quả điều tra, xử lý tội phạm nhằm giúp cho việc nghiên cứu, dự báo tình hình, xu hướng phát triển tội phạm; đề ra các giải pháp chiến lược, chiến thuật, phương pháp, biện pháp tổ chức lực lượng, chế độ chính sách… phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

- Tội phạm ẩn: Tội phạm ẩn là thuật ngữ khoa học mới được đề cập đến trong tội phạm học trong những năm gần đây. Thuật ngữ này chỉ phần chưa rõ của tình hình tội phạm đã xảy ra trên thực tế những lại chưa được ghi nhận trong bất kỳ thống kê hình sự nào. Sự tồn tại của tội phạm ẩn tiềm tàng những mối nguy hiểm cho xã hội, bởi nó làm sai lệch các đánh giá về tình hình tội phạm, làm sai lệch các nhận định về các loại tội phạm cụ thể cũng như các định hướng đấu tranh chống tội phạm, tạo ra sự thiếu niềm tin vào sự công minh của pháp luật, về hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì vậy, việc nghiên cứu về tội phạm ẩn đã và đang được các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan nghiên cứu, các trường đại học thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành nghiên cứu, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

- Nạn nhân học tội phạm: Cùng với sự phát triển đa dạng và toàn diện của quá trình nghiên cứu, học tập, giảng dạy các bộ môn liên quan đến chuyên ngành tội phạm học trên thế giới nói chung cũng như các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam nói riêng hiện nay. Những quan tâm bước đầu về lĩnh vực nạn nhân học (victimology) đang được nhiều nhà khoa học Việt Nam hướng đến, nghiên cứu và trao đổi. Khảo sát, đánh giá, nghiên cứu và giảng dạy những kiến thức căn bản và chuyên sâu về lĩnh vực nạn nhân học không phải là vấn đề mới mẻ trong các cơ quan tư pháp cũng như các trường đại học, viện nghiên cứu công lập và dân lập trên thế giới. Thực tế cho thấy, các lực lượng thực thi pháp luật và các hệ thống tư pháp hình sự trên thế giới đã, đang và sẽ giành nhiều thời gian, trí tuệ để tập trung nghiên cứu và áp dụng triệt để những lý luận của nạn nhân học vào thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm. Ở nước ta, việc tiến hành nghiên cứu về nạn nhân học và áp dụng những thành tựu của nó trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói chung và trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói riêng vẫn ở mức độ nhất định và còn có phần hạn chế. Đặc biệt, đối với lực lượng Cảnh sát nhân dân được Đảng, Nhà nước xác định là lực lượng chủ công, nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội thì việc nghiên cứu và nắm vững những vấn đề liên quan đến nạn nhân học trong mối quan hệ với chuyên ngành tội phạm học là một nội dung cần có thời gian nghiên cứu sâu cả về lý luận và thực tiễn trong thời gian tới.

- Địa lý học tội phạm. Các nhà tội phạm học trên thế giới từ lâu đã quan tâm nghiên cứu các yếu tố về địa lý tác động, ảnh hưởng đến tội phạm, về mối quan hệ giữa yếu tố địa lý và tội phạm. Địa lý học tội phạm là lĩnh vực nghiên cứu tìm hiểu các điều kiện địa lý, tự nhiên, môi trường khí hậu, thời tiết, nhiệt độ, dân cư… có tác động đến việc hình thành và phát triển của tội phạm và tình hình tội phạm, xác định là nguyên nhân, điều kiện của tội phạm dưới những tác động của các điều kiện đó. Đây là lĩnh vực còn mới mẻ, tập trung nghiên cứu những nội dung cơ bản trong địa lý học và mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố địa lý cũng như qui luật tự nhiên được phản ánh trong địa lý với đặc điểm nhân thân người phạm tội, tình trạng phạm tội. Nghiên cứu về những thông tin, hồ sơ, dữ liệu thu thập được từ kết quả phân tích, đánh giá và quản lý các yếu tố địa lý và qui luật tự nhiên của địa lý có ý nghĩa trong công tác nghiên cứu tội phạm và công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm. Nghiên cứu các mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố địa lý trong xã hội, kinh tế và những đặc điểm nhân thân người phạm tội, những thay đổi trong tình hình tội phạm.

Địa lý học tội phạm tập trung nghiên cứu về những khả năng ứng dụng từ kết quả quản lý, phân tích các yếu tố địa lý như ánh sáng, độ ẩm, thời tiết, không gian và các qui định địa lý tác động đến công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm trong thực tiễn. Mối quan hệ biện chứng và những ảnh hưởng của các yếu tố địa lý như ánh sáng, độ ẩm, thời tiết, không gian… đến quá trình hình thành nhân cách, đặc điểm nhân thân của người phạm tội. Nghiên cứu một số tác động cụ thể của yếu tố địa lý tự nhiên đến quá trình chuẩn bị gây án, gây án và sau khi gây án của đối tượng phạm tội trong một số loại tội phạm cụ thể. Nghiên cứu về những ảnh hưởng và tác động của vấn đề phân bổ dân cư, khoảng cách giữa tỷ lệ giàu – nghèo trong xã hội cũng như các yếu tố liên quan đến vấn đề địa lý kinh tế đối với tình hình tội phạm; qua đó có căn cứ và cơ sở để xác định và xây dựng bản đồ tội phạm theo từng cấp độ phân định địa lý vùng, miền, khu vực và quốc gia.  

- Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu về tội phạm đã quan tâm nghiên cứu nhiều về các vấn đề liên quan đến tội phạm ở địa bàn đô thị, địa bàn nông thôn, chỉ ra những yếu tố về kinh tế, văn hóa, xã hội, những tác động và những vấn đề nội tại ở từng địa bàn làm nảy sinh và phát triển tội phạm như quá trình đô thị hóa, di dịch dân cư, môi sinh, môi trường, việc làm, sự hình thành các khu công nghiệp, lối sống đô thị; thiết chế văn hóa - xã hội trong môi trường mở; ảnh hưởng của truyền thông và các xu hướng xã hội. Nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực liên quan đến tội phạm và phòng ngừa tội phạm đã được nghiên cứu qua các luận văn, luận án, các đề tài khoa học từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước… đã góp phần làm rõ hơn lý luận và thực tiễn những vấn đề về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ở Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, đã có nhiều vấn đề mới làm phát sinh, phát triển tội phạm, nhất là quá trình toàn cầu hóa tội phạm và xuất hiện một số loại tội phạm mới, phát triển nhanh đang là thách thức không chỉ với một quốc gia đơn lẻ mà là mối quan tâm của nhiều quốc gia cũng như của nhân loại như: tội phạm khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm mạng… Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu về các loại tội phạm này nhưng mới ở mức độ khái quát. 

Trước yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới đòi hỏi ngành Tội phạm học phải được quan tâm xây dựng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Để ngành Tội phạm học ở Việt Nam phát triển, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, đào tạo phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần thực hiện một số giải pháp như sau:

- Một là, cần thiết phải có sự nhận thức đầy đủ về vai trò của khoa học Tội phạm học trong hệ thống khoa học xã hội. Nhà nước cần cấp kinh phí và đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật để phục vụ công tác nghiên cứu nhằm hoàn thiện vấn đề lý luận về phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm dưới góc độ khoa học Tội phạm học, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế thế giới và ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

- Hai là, hoàn thiện pháp luật về hoạt động nghiên cứu Tội phạm học làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, tổ chức công tác nghiên cứu Tội phạm học. Cụ thể, Nhà nước cần ban hành văn bản pháp luật quy định rõ: Mục đích, nhiệm vụ, chức năng, nguyên tắc, hình thức tổ chức nghiên cứu tội phạm học; hình thức công bố các số liệu, kết quả nghiên cứu, dự báo tình hình tội phạm; cơ cấu tổ chức cơ quan nghiên cứu và trách nhiệm đề xuất, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách và các dự án luật về phòng, chống tội phạm.

- Ba là, nghiên cứu thành lập Viện Tội phạm học quốc gia là cơ quan tổ chức nghiên cứu những vấn đề về tội phạm trong nước và quốc tế nhằm phục vụ có hiệu quả cho hoạt động phòng chống tội phạm trong bối cảnh toàn cầu hóa và Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Viện Tội phạm học quốc gia sẽ xuất bản tạp chí Tội phạm học có uy tín, trở thành diễn đàn của các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn trong phòng chống tội phạm ở Việt Nam và quốc tế. Thiết lập hệ thống cơ quan chức năng nghiên cứu tội phạm học đặt ở ba khu vực tại các thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh); xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan trực tiếp nghiên cứu Tội phạm học với các cơ quan trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các cơ quan khác có liên quan, như (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Kiểm sát, Tòa án…) về trách nhiệm trao đổi thông tin, cung cấp số liệu, hợp tác nghiên cứu tội phạm. 

- Bốn là, tăng cường công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học lý luận về Tội phạm học tại các trường đào tạo luật và bảo vệ pháp luật cũng như tại các cơ sở nghiên cứu pháp lý. Cụ thể là, Nhà nước cần có kế hoạch cụ thể giao nhiệm vụ nghiên cứu Tội phạm học theo từng lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trên cơ sở kế hoạch đó cụ thể hóa các đề tài nghiên cứu cho từng năm, theo hướng chuyên sâu làm luận cứ khoa học về các giải pháp phòng ngừa xã hội và nghiệp vụ.

Đầu tư hơn nữa cho việc đào tạo sau đại học chuyên ngành Tội phạm học để có những chuyên gia sâu về Tội phạm học làm nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích và đấu tranh chống tội phạm trong thực tiễn. Hàng năm cơ quan nghiên cứu Tội phạm học tổ chức các lớp tập huấn theo định kỳ về kiến thức Tội phạm học cho các điều tra viên, trinh sát, thẩm phán, kiểm sát viên, quản giáo, thanh tra, hải quan, bộ đội biên phòng và một số nhân viên khác trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật.  

- Năm là, xúc tiến thành lập Hội Tội phạm học Việt Nam, thu hút các nhà khoa học và cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn trong phòng chống tội phạm tổ chức nghiên cứu, phổ biến những kết quả nghiên cứu về phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm cụ thể; tư vấn cho các cơ quan, tổ chức về những vấn đề liên quan đến phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong từng lĩnh vực cụ thể. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu Tội phạm học với Hội Tội phạm học quốc tế, sớm trở thành thành viên của tổ chức Hội Tội phạm học quốc tế, qua đó nâng cao năng lực và hiệu quả trong hoạt động của Hội Tội phạm học Việt Nam, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm - Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân
Nguồn: Tạp chí CSND - Chuyên đề Tội phạm học và Khoa học hình sự số 8+9/2017

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất