gd-dt
Thứ Năm, 26/11/2015 21:48'(GMT+7)

Những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng điều tra viên trong tình hình mới

Hoạt động điều tra hình sự gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra là cơ quan đầu tiên tiếp cận những thông tin về tội phạm, thực hiện những biện pháp theo quy định của pháp luật để thu thập chứng cứ chứng minh có hay không tội phạm xảy ra, ai là người thực hiện tội phạm và những tình tiết khác của vụ án. Do vậy, thành công cũng như thất bại trong giải quyết vụ án hình sự đều ảnh hưởng rất lớn từ hoạt động điều tra hình sự của Cơ quan điều tra. Hoạt động điều tra hình sự ở Việt Nam gắn liền với quá trình hình thành và phát triển hệ thống các Cơ quan điều tra ở Việt Nam qua một số giai đoạn lịch sử nhất định.

Hoạt động điều tra hình sự và công tác đào tạo, bồi dưỡng Điều tra viên (ĐTV) là vấn đề lớn, được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, trong bài viết này, tác giả mong muốn khái lược hoạt động điều tra hình sự ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng ĐTV của Học viện Cảnh sát nhân dân trong tình hình hiện nay.
1. Khái lược hoạt động điều tra hình sự ở Việt Nam
1.1. Hoạt động điều tra hình sự của Cơ quan điều tra trong Công an  nhân dân
Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, do yêu cầu cần thiết phải có các cơ quan tư pháp để bảo vệ chế độ Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Ngày 21 tháng 2 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 23/SL về hợp nhất Sở Cảnh sát và các Sở (Ty) Liêm phóng thành một cơ quan có tên là: “Việt Nam Công an vụ”. Nội dung Sắc lệnh quy định rõ: Việt Nam Công an vụ tiến hành điều tra về những hành động trái phép liên quan đến sự an toàn của quốc gia, thi hành các biện pháp đề phòng những hành động có thể làm rối loạn trị an và mất trật tự trong nước của người Việt Nam hay người ngoại quốc; truy tầm can phạm để giúp Toà án trong sự trừng trị. 
Ngày 20/7/1946 Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 131/SL thành lập “Tổ chức Tư pháp Công an”. Theo quy định của Sắc lệnh này, Tổ chức Tư pháp Công an có nhiệm vụ: Truy tầm tất cả các vụ phạm pháp (đại hình, tiểu hình hoặc vi cảnh), sưu tập các tang chứng, bắt giao người phạm pháp cho các Toà án xét xử trong phạm vi pháp luật ấn định. Có thể nói đây là tổ chức Cơ quan điều tra đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL, đổi Nha Công an Việt Nam thành “Thứ Bộ Công an”. Trong Sắc lệnh này thành lập Vụ Chấp pháp. Tại các Ty Công an địa phương có Ban Chấp pháp. Tại Công an Liên khu có Phòng Chấp pháp. Lực lượng làm công tác Chấp pháp từ trung ương đến địa phương thực hiện nhiệm vụ cơ bản: Điều tra, lập hồ sơ, đề nghị truy tố các vụ phạm tội phản cách mạng và tội phạm hình sự khác; quản trị các trại giam. Có thể nói, Sắc lệnh 141/SL  đã quy định khá đầy đủ, chi tiết về hoạt động điều tra hình sự (từ điều tra thu thập chứng cứ đến lập hồ sơ, đề nghị truy tố tất cả các tội phạm) của Cơ quan điều tra chuyên trách trong lực lượng Công an nhân dân.
Kể từ năm 1959, lực lượng Chấp pháp thực hiện độc lập công tác điều tra công khai theo pháp luật tố tụng hình sự đối với những vụ án phản cách mạng và các vụ án hình sự khác. 
Đến năm 1961, theo Nghị định số 132/CP của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ của Bộ Công an, Vụ Chấp pháp đổi tên thành Cục Chấp pháp vẫn với chức năng chỉ đạo công tác bắt, giữ, khám người, nhà ở, đồ vật, thư tín của những người phạm pháp và những người có liên quan, xét hỏi, lập hồ sơ đề nghị xử lý.
Ngày 12 tháng 6 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị Định số 250/CP quy định nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức của Bộ Nội vụ. Nghị định đã quyết định bỏ tên Cục Chấp pháp ở Bộ, Phòng Chấp pháp ở địa phương và thành lập hai lực lượng điều tra mới: An ninh điều tra xét hỏi thuộc lực lượng An ninh nhân dân; Cảnh sát điều tra xét hỏi thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân có tổ chức từ trung ương đến địa phương. 
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 đã quy định: Cơ quan điều tra là một trong các cơ quan tiến hành tố tụng. 
Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 1989 đã quy định: Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân bao gồm: Các Cơ quan điều tra của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Cơ quan điều tra của lực lượng An ninh nhân dân. 
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2006, năm 2009) quy định, trong Công an nhân dân có các Cơ quan điều tra khác nhau được tổ chức từ trung ương (Bộ Công an) đến Công can cấp tỉnh, cấp huyện và được bố trí theo đặc điểm của từng loại đối tượng điều tra.
Đến nay, hoạt động điều tra hình sự của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thể hiện rõ tầm quan trọng không thể thiếu trong quá trình tố tụng hình sự. Với hệ thống Cơ quan Cảnh sát điều tra được tổ chức ở cả 3 cấp (cấp Bộ Công an; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an cấp huyện) và được bố trí điều tra chuyên sâu theo đặc điểm từng loại đối tượng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã tiếp nhận, giải quyết lượng tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố chiếm 96% của cả nước. Cơ quan An ninh điều tra (cấp Bộ Công an; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) đã tiếp nhận, giải quyết lượng tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố chiếm 1,1% của cả nước. Như vậy, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã tiếp nhận, giải quyết lượng tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố chiếm 97,1% của cả nước.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, hoạt động điều tra hình sự của các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân là hoạt động không thể thiếu của quá trình tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân trở thành một mắt xích quan trọng của hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng.
1.2. Hoạt động điều tra hình sự của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân 
Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm xảy ra trong Quân đội nhân 
dân, ngày 19 tháng 11 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 258/SL về tổ chức Công an Quân pháp trong thời kỳ kháng chiến. Trong Sắc luật quy định rõ, lực lượng Công an Quân pháp có nhiệm vụ: Truy tầm tất cả các vụ việc vi phạm pháp luật, các vụ phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án binh; Thu thập tài liệu, kết luận vụ việc báo cáo Toà án binh; Thi hành các mệnh lệnh cùng bản án của Toà án binh. 
Có thể khẳng định, lực lượng Công an Quân pháp trong Quân đội nhân dân là lực lượng đầu tiên thực hiện những nhiệm vụ điều tra tội phạm, phục vụ việc xét xử của Toà án binh. 
Ngày 29 tháng 9 năm 1961, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 132/CP về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công an đã quy định: Cục bảo vệ quân đội là một cục trong tổ chức của Bộ Công an. Cục quân pháp, sau khi tách khỏi Cục Bảo vệ quân pháp (tiền thân của Cơ quan điều tra hình sự Quân đội) có chức năng nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm hình sự trong Quân đội, điều tra các vụ án, hoàn thành hồ sơ và chuyển vụ án cho Phòng Công tố thuộc Toà án binh xét xử. Trong thời gian này, Viện Kiểm sát quân sự thuộc Cục Quân pháp cùng các lực lượng làm nhiệm vụ điều tra tiến hành điều tra các vụ án hình sự liên quan đến quân nhân phạm tội hoặc thường dân gây thiệt hại nghiêm trọng cho quân đội. 
Đến năm 1974, do yêu cầu thực tế của tình hình đấu tranh chống tội phạm trong Quân đội, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 205 tách Viện Kiểm sát quân sự thành một bộ phận độc lập. Cục quân pháp lúc này chỉ làm nhiệm vụ điều tra hình sự. 
Năm 1980, Bộ quốc phòng ra Quyết định số 550/QĐ-BQP đổi tên Cục Quân pháp thành Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng. Lực lượng điều tra hình sự được thành lập từ cấp Bộ đến các Tổng cục, Quân khu, Quân chủng, Binh chủng, Sư đoàn, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh. Như vậy, lực lượng điều tra hình sự Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ điều tra tất cả các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự. 
Sau khi có Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân được tổ chức thành hai lực lượng: Cơ quan điều tra hình sự và Cơ quan An ninh trong Quân đội nhân dân. 
Hiện nay, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân tiếp nhận, giải quyết lượng tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố chiếm 0,7% của cả nước.
1.3. Hoạt động điều tra hình sự của Cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát 
Luật tổ chức Việt Kiểm sát nhân dân năm 1960 có quy định: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân địa phương có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, của các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân. Viện Kiểm sát thực hiện nhiệm vụ nói trên bằng cách: Điều tra những việc phạm pháp về hình sự và truy tố trước Toà án nhân dân những kẻ phạm pháp về hình sự; khi kiểm sát việc điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có quyền tham gia việc điều tra, hoặc khi cần thiết thì tự mình tiến hành điều tra.  
Thông tư số 427-TTLB ngày 28 tháng 6 năm 1963 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an quy định tạm thời một số nguyên tắc quan hệ công tác giữa Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an, có xác định việc điều tra vụ án hình sự như sau: Viện Kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc điều tra của Cơ quan điều tra, đồng thời cũng có nhiệm vụ khởi tố vụ án, khởi tố đối với bị can và điều tra, lập hồ sơ những vụ phạm pháp hình sự. 
Cũng trong Thông tư này xác định, cơ quan Công an đảm nhiệm việc điều tra tất cả những vụ án phản cách mạng và những tội phạm khác phức tạp. Còn Viện Kiểm sát thì chủ yếu là làm nhiệm vụ kiểm sát điều tra; đồng thời trong phạm vi điều kiện và khả năng của mình sẽ trực tiếp điều tra một số loại phạm pháp kinh tế và trị an xã hội mà kẻ phạm pháp và hành vi phạm pháp đã tương đối rõ. 
Thông tư số 1-TTLB ngày 23 tháng 1 năm 1984 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ về quan hệ giữa hai ngành Kiểm sát và Công an trong công tác điều tra, kiểm sát điều tra có quy định chức năng điều tra của Viện Kiểm sát: Viện Kiểm sát trực tiếp điều tra các vụ án do Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp trên giao và các vụ án Viện trưởng Viện Kiểm sát thấy cần thiết phải trực tiếp điều tra. Trong các trường hợp này, Viện Kiểm sát trao đổi thống nhất với cơ quan Công an để Viện Kiểm sát khởi tố hình sự vụ án; thụ lý và điều tra ngay từ đầu hoặc tiếp nhận điều tra vụ án do cơ quan Công an chuyển sang. 
Như vậy, Viện Kiểm sát, ngoài chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp còn có chức năng điều tra vụ án hình sự để truy tố người phạm tội trước Toà án. Tuy nhiên, với chức năng điều tra chỉ hạn chế trong một số tội phạm nhất định, đối với một số đối tượng nhất định nên Viện Kiểm sát không thành lập Cơ quan điều tra độc lập để tiến hành các hoạt động điều tra. Việc điều tra được thực hiện trực tiếp bởi Kiểm sát viên thuộc Vụ Kiểm sát điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. 
Đến khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 1989 quy định: Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân là một trong những Cơ quan điều tra của bộ máy điều tra hình sự theo Bộ luật Tố tụng hình sự. 
Sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự có hiệu lực, tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có thành lập Cục điều tra, có khoảng 20 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Phòng điều tra. Tuy nhiên, đến năm 2001, do hiệu quả phát hiện các dấu hiệu tội phạm trong hoạt động tư pháp để tiến hành điều tra của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát rất hạn chế; việc phân định thẩm quyền điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra này không rõ ràng; nhiều phòng điều tra của Viện Kiểm sát cấp tỉnh không phát huy tác dụng và đã phải tự giải tán. 
Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 2 tháng 1 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã kết luận: Chỉ  tổ chức Cơ quan điều tra tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra một số tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp. Không thành lập các phòng điều tra tại Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 quy định: Cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát quân sự Trung ương.
Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 quy định: Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao điều tra các vụ án hình sự về một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân. Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương điều tra các vụ án hình sự về tội phạm nêu trên khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự Trung ương.  
Hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra trong Viện Kiểm sát nhân dân tối cao từ năm 2004 đến nay cho thấy chỉ ở một mức độ nhất định về đối tượng điều tra; khả năng điều tra của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao không thể thực hiện tốt được nhiệm vụ của mình. 
Mặt khác, Viện Kiểm sát ngoài chức năng kiểm sát điều tra, còn thực hiện chức năng công tố, thay mặt Nhà nước buộc tội người phạm tội và đề nghị Toà án xét xử người phạm tội. Vì thế, Viện Kiểm sát phải chịu trách nhiệm toàn bộ kết quả điều tra của các Cơ quan điều tra nói chung. Viện Kiểm sát có quyền thành lập Cơ quan điều tra riêng. Điều đó hoàn toàn phù hợp với bản chất tố tụng hình sự. Tuy nhiên, hoạt động của Cơ quan điều tra đòi hỏi không chỉ ở việc pháp luật giao quyền điều tra, mà còn tổ chức nhiều bộ máy điều tra chuyên sâu, các bộ máy hỗ trợ điều tra (trinh sát, giám định, kỹ thuật hình sự …); lực lượng Điều tra viên, Trinh sát viên, cán bộ kỹ thuật... Điều này, hiện nay ở Việt Nam Viện Kiểm sát chưa thể có được và lực lượng Điều tra viên, cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng còn rất nhiều hạn chế.
Qua nghiên cứu sơ lược về hoạt động điều tra hình sự ở Việt Nam có thể khẳng định: Hoạt động điều tra hình sự của mỗi Cơ quan điều tra đều giữ một vai trò nhất định trong quá trình tố tụng hình sự, là các mắt xích có vị trí nhất định trong hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động điều tra hình sự của các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân là hoạt động không thể thiếu, giữ vai trò trọng yếu của quá trình tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân trở thành một mắt xích quan trọng của hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng.
2. Những yêu cầu đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng Điều tra viên trong tình hình hiện nay
Nhằm từng bước hoàn thiện, nâng cao năng lực của các cơ quan tư pháp và cán bộ ngành tư pháp trong tình hình mới. Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạng, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X tiếp tục khẳng định: “Xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người”.
Từ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã được xác định, trước những đòi hỏi của cuộc đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn ANTT trong tình hình mới đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho công tác đào tạo cán bộ của lực lượng CAND nói chung, đào tạo cán bộ điều tra và ĐTV viên nói riêng:
Một là, xác định rõ hơn tầm quan trọng của công tác đào tạo ĐTV trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo của lực lượng CAND.
Với bề dày truyền thống trong quá trình hình thành và phát triển của mình, Học viện CSND trở thành một trong hai cơ sở giáo dục trọng điểm của lực lượng CAND, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho lực lượng CAND, trong đó cung cấp nguồn cán bộ điều tra, ĐTV có chất lượng cao cho Cơ quan CSĐT các cấp cũng như cho Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Công tác đào tạo ĐTV là trách nhiệm đào tạo của các trường CAND, trong đó có Học viện CSND. Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị đã xác định: “Nghiên cứu xây dựng đề án thành lập cơ quan thống nhất đầu mối đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp và nghiên cứu khoa học tư pháp. Đối với Điều tra viên thì do trường của Bộ Công an đào tạo”. Trên cơ sở, quán triệt tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW, Học viện CSND đã nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo chuyên ngành CSĐT theo hướng chuyên sâu nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ điều tra, ĐTV có phẩm chất đạo đức trong sạch, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kỹ năng chuyên môn cao, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn công tác điều tra hình sự trong tình hình mới và đáp ứng được tiêu chuẩn của chức danh tư pháp đã được xác định trong Nghị quyết 49/NQ-TW: “Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hoá tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ, tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh”. Nghị quyết 49/NQ-TW cũng xác định chiến lược đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan tư pháp: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cán bộ nguồn của các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế Xã hội chủ nghĩa”. Quán triệt quan điểm chỉ đạo này, Học viện CSND xác định chiến lược lâu dài cũng như xác định lộ trình thực hiện cụ thể, khoa học trong đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng CAND nói chung, nguồn nhân lực cho Cơ quan CSĐT nói riêng.
Hai là, đào tạo một cách toàn diện về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn của sinh viên chuyên ngành CSĐT nhằm đáp ứng được đòi hỏi của công tác điều tra hình sự trong tình hình mới.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm đã và đang đặt ra những yêu cầu mới về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp của cán bộ điều tra, ĐTV, Thủ trưởng cơ quan điều tra. Để đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn công tác điều tra hình sự trong tình hình mới, đặt ra yêu cầu cấp thiết cho công tác đào tạo sinh viên chuyên ngành CSĐT những ĐTV, Thủ trưởng cơ quan điều tra tương lai về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị vững vàng để bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, đủ sức “đứng vững” trước những thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, đe doạ về vật chất và tinh thần của tội phạm, kể cả những tội phạm “có thế lực, địa vị trong xã hội”. Trang bị cho các ĐTV, Thủ trưởng cơ quan điều tra tương lai vững về năng lực chuyên môn nghiệp vụ để họ không những đảm đương được nhiệm vụ điều tra khám phá những loại tội phạm có thủ đoạn hoạt động mang tính truyền thống mà kể cả đối với những tội phạm sử dụng thủ đoạn hoạt động mới như tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Đồng thời cần trang bị kỹ các tri thức cần thiết khác về kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, ngoại ngữ, tư pháp quốc tế, kỹ năng làm việc với luật sư; người đại diện hợp pháp của bị can, người làm chứng, người bị hại; kỹ năng làm việc với người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam trong quá trình điều tra hình sự. Ngoài ra, cần bồi dưỡng các tri thức về kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo chỉ huy; tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo trong hoạt động điều tra hình sự. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng về năng lực nghiên cứu khoa học, kỹ năng tham mưu, đề xuất các định hướng lớn trong hoàn thiện chính sách pháp luật, trong tổ chức và tiến hành hoạt động điều tra hình sự.
Ba là, công tác đào tạo Điều tra viên cần mở rộng, hoàn thiện kiến thức về hợp tác quốc tế trong điều tra hình sự
Trong điều kiện mở cửa, hội nhập sâu rộng về mọi mặt của đời sống xã hội đã tạo cho đất nước ta nhiều cơ hội tốt để phát triển bền vững kinh tế, văn hoá, xã hội, ổn định chính trị và ngày càng có vị thế cao trong quan hệ quốc tế, tuy nhiên, các loại tội phạm cũng lợi dụng những yếu tố này để hoạt động phạm tội, vì vậy tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài cũng có những diễn biến phức tạp. Như vậy, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, công tác điều tra hình sự nói riêng không thể chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn có thể mở rộng ở phạm vi khu vực và quốc tế. Điều đó, đòi hỏi phải đào tạo được những ĐTV, Thủ trưởng cơ quan điều tra có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Những ĐTV, Thủ trưởng cơ quan điều tra này không chỉ đảm bảo về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn mà phải giỏi về ngoại ngữ chuyên ngành, am hiểu luật pháp quốc tế, có kỹ năng làm việc độc lập, có tư duy sáng tạo, có bản lĩnh nghiệp vụ, quyết đoán điều tra vụ án hình sự mang tính chất quốc tế.
Từ các yêu cầu nêu trên, để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ điều tra, ĐTV, Thủ trưởng cơ quan điều tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần tập trung làm tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, từng bước xây dựng, hoàn thiện đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học hình sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn hiện nay.
Giảng viên và học viên là hai nhân tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo của một nhà trường, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy. Muốn xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng cần phải có chiến lược, thực hiện đồng bộ trong tất cả các khâu tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, điều kiện làm việc, chế độ, chính sách... Thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công an cũng như Học viện CSND đã có nhiều đổi mới trong tuyển dụng giảng viên: Ngoài nguồn lực là các học viên tốt nghiệp chuyên ngành CSĐT hệ chính quy, có kết quả học tập cao, có nguyện vọng công tác tại nhà trường thì còn hướng tới tìm kiếm, tuyển dụng những ĐTV, Thủ trưởng cơ quan điều tra đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, được đào tạo cơ bản ở trong và ngoài nước, có trình độ cao như Thạc sĩ, Tiến sĩ về làm công tác giảng dạy tại Học viện. Tuy nhiên, với cơ chế chính sách như hiện nay vẫn chưa thu hút được những chuyên gia giỏi, có trình độ học vấn cao, có kinh nghiệm thực tiễn về công tác điều tra hình sự làm công tác giảng dạy. Để khắc phục tình trạng này, Học viện CSND đã tìm nhiều hướng đi mới để từng bước tạo nên đội ngũ giảng viên chuyên ngành CSĐT có chất lượng cao như: Liên kết đào tạo với các nước có trình độ phát triển cao (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc...) để gửi cán bộ giáo viên đi học tập nâng cao trình độ với nhiều loại hình đa dạng. Luân chuyển giảng viên nghiệp vụ về công tác tại các Cơ quan CSĐT trong thời gian ít nhất là 2 năm. Mời các giảng viên kiêm chức là những cán bộ thực tiễn có trình độ học vấn cao, là chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể của hoạt động điều tra hình sự để tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ điều tra, ĐTV, Thủ trưởng cơ quan điều tra tại Học viện CSND. Với những cách làm này, hiện nay đội ngũ giảng viên của Học viện CSND nói chung, giảng viên giảng dạy chuyên ngành CSĐT nói riêng đã cơ bản đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Song cũng cần phải có những chế độ, chính sách phù hợp hơn nữa để đội ngũ giảng viên đảm bảo về số lượng, chất lượng, nâng cao trình độ thực sự về mọi mặt cho đội ngũ giảng viên.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hệ thống lý luận về Khoa học hình sự; nâng cao chất lượng biên soạn giáo trình tài liệu phục vụ cho dạy - học, nghiên cứu khoa học
Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, với sự tận tâm, tận lực của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện CSND, đến nay hệ thống tài liệu lý luận về Khoa học hình sự ở Việt Nam được nghiên cứu, biên soạn cơ bản mang tính hệ thống, khoa học, cập nhật và đảm bảo tính hiện đại.
Tuy nhiên, hệ thống lý luận, tài liệu tham khảo về điều tra hình sự của các nước trong khu vực và thế giới vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu dạy - học, nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo cần tiếp tục đầu tư nâng cao số lượng, chất lượng hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, sách chuyên khảo, hệ thống bài tập tình huống nghiệp vụ. Mặt khác cần có chế độ, chính sách thích hợp để thu hút các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn tích cực hợp tác trong biên soạn tài liệu, nghiên cứu khoa học, sưu tầm, dịch thuật các công trình nghiên cứu của nước ngoài về điều tra hình sự phục vụ cho công tác dạy - học, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận Khoa hình sự. Bên cạnh đó cần chú trọng đến tổng kết thực tiễn công tác điều tra hình sự, coi công tác tổng kết thực tiễn là con đường cơ bản, chủ yếu để xây dựng, hoàn thiện lý luận nghiệp vụ điều tra hình sự ở Việt Nam. Ngoài ra cần tích cực mở rộng hơn nữa phạm vi, nội dung, hình thức hợp tác giữa nhà trường với các đơn vị nghiệp vụ, Cơ quan CSĐT các cấp để giúp giảng viên, học viên có nhiều điều kiện, cơ hội tiếp cận thực tiễn, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ CSĐT.
Thứ ba, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo, cập nhật các vấn đề mới về điều tra tội phạm; tích cực sử dụng phương pháp dạy - học tiên tiến vào quá trình đào tạo Điều tra viên và bồi dưỡng chức danh Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra.
Hiện nay, Học viện CSND đã xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo tín chỉ cho sinh viên các chuyên ngành nói chung, chuyên ngành CSĐT nói riêng. Song song với đào tạo theo tín chỉ, Học viện còn xây dựng và triển khai thực hiện các chuẩn đầu ra trên các phương diện chính trị, kiến thức lý luận về pháp luật, nghiệp vụ, các kỹ năng mềm (tin học, ngoại ngữ, võ thuật, bắn súng, lái xe...), việc xây dựng và triển khai thực hiện chuẩn đầu ra đã tạo ra sự say mê học tập, nâng cao trình độ của tất cả học viên nói chung, học viên chuyên ngành CSĐT nói riêng. Chú trọng tăng thời lượng cho các khâu giải quyết bài tập tình huống nghiệp vụ, thực hành các văn bản tố tụng hình sự, thực hành nghiệp vụ, thực tập... Cần tăng cường các kiến thức về “quản lý công tác điều tra” theo quy định mới tại điểm 6 Điều 14 Luật Công an nhân dân sửa đổi năm 2014. Bộ Công an cần quy định, ĐTV, Thủ trưởng cơ quan điều tra phải được thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, đào tạo lại thông qua các hình thức như tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật những kiến thức mới liên quan đến công tác điều tra hình sự... coi đây là điều kiện bắt buộc khi bổ nhiệm chức danh ĐTV, Thủ trưởng cơ quan điều tra. Trong tương lai, cần mời các chuyên gia giỏi về điều tra hình sự trong khu vực và thế giới tham gia giảng dạy, huấn luyện nghiệp vụ nhằm đào tạo ra những ĐTV, Thủ trưởng cơ quan điều tra có tầm cỡ khu vực và thế giới, nhằm đáp ứng yêu cầu và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong điều tra, khám phá các loại tội phạm hình sự, góp phần đảm bảo ANTT của đất nước cũng như ổn định tình hình an ninh trong khu vực.
Thứ tư, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo lực lượng Cảnh sát điều tra
Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, Học viện CSND đã tích cực, chủ động mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nói chung, đào tạo lực lượng CSĐT nói riêng. Với các hình thức liên kết đào tạo tương đối phong phú như liên kết đào tạo thạc sĩ với trường Đại học tổng hợp Maryland (Hoa Kỳ), trao đổi sinh viên với Đại học Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, với Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan; cử giảng viên đi đào tạo nghiên cứu sinh ở Anh, Úc, Liên bang Nga...đã góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao trong nghiên cứu lý luận, thực tiễn công tác điều tra hình sự ở Việt Nam.
Thứ năm, thành lập trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng ĐTV, Thủ trưởng cơ quan điều tra tại Học viện CSND
Trong tiến trình xây dựng Học viện CSND thành cơ sở giáo dục trọng điểm của ngành Công an, tiến tới trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Quốc gia trước năm 2020, Học viện cần nhanh chóng xây dựng, triển khai các đề án thành phần theo phê duyệt của lãnh đạo Bộ Công an, trong đó có thành lập một số đơn vị mới như: Viện Khoa học Cảnh sát; Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng ĐTV, Thủ trưởng cơ quan điều tra.
Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng ĐTV, Thủ trưởng cơ quan điều tra sẽ là nơi bồi dưỡng nâng cao về phẩm chất đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp; kỹ năng lãnh đạo chỉ huy cho ĐTV, Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp trong tương lai.
Có thể nói, nguồn nhân lực là nhân tố quyết định thành công của mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Chính vì vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực của lực lượng CAND nói chung, nguồn nhân lực cho các cơ quan điều tra nói riêng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an qua các thời kỳ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác đào tạo nguồn nhân lực đó đã và đang đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của công tác điều tra hình sự nói riêng, sự nghiệp bảo vệ ANTT của lực lượng CAND nói chung.

 

Trung tướng, GS, TS. Nguyễn Xuân Yêm - Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Đào tạo, bồi dưỡng đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp của Điều tra viên theo tiến trình cải cách tư pháp”


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất