gd-dt
Thứ Sáu, 29/1/2016 9:44'(GMT+7)

Những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo cử nhân chất lượng cao chuyên ngành điều tra tội phạm thời gian tới

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về đổi mới căn bản giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong tình hình mới. Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện CSND, trong những năm qua chất lượng đào tạo nói chung, đào tạo chuyên ngành CSĐT nói riêng đã được nâng lên rõ rệt cả về lý luận, phẩm chất đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp, tính linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong công tác điều tra hình sự trên thực tiễn. Đặc biệt, trong hơn 10 năm trở lại đây (từ năm học 2002), để tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng cao cho lực lượng CSĐT, Học viện CSND đã tổ chức đào tạo cử nhân chất lượng cao chuyên ngành CSĐT. Đây là những học viên đạt điểm thủ khoa đầu vào, những học viên có điểm thi đầu vào cao nhất của Học viện CSND. Đối với lớp học viên chất lượng cao chuyên ngành CSĐT, nhà trường luôn quan tâm, lựa chọn những giảng viên giỏi, giảng viên có nhiều kinh nghiệm để tham gia vào quá trình đào tạo. Nhà trường cũng đặt ra yêu cầu cao trong dạy- học đối với toàn bộ chương trình đào tạo, nhất là chương trình đào tạo chuyên ngành CSĐT. Chính vì vậy, học viên lớp cử nhân chất lượng cao chuyên ngành CSĐT từ những khoá đầu tiên đã ra trường đến nay đã luôn giữ vững được phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, phát huy được năng lực chuyên môn, khẳng định được “thương hiệu” học viên cử nhân chất lượng cao chuyên ngành CSĐT của Học viện CSND. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, nhìn lại công tác đào tạo cử nhân chất lượng cao chuyên ngành CSĐT vãn còn có những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhất định: Chương trình đào tạo chưa mang tính đặc thù của hệ học này; sự đầu tư về các điều kiện giáo dục, đào tạo còn hạn chế; chưa phân định rõ ràng các chuẩn cũng như các yêu cầu cụ thể đối với học viên; chế độ, chính sách đối với học viên cử nhân chất lượng cao chuyên ngành CSĐT chưa rõ ràng... Chính vì lẽ đó, phần nào cũng ảnh hưởng đến quá trình đào tạo cử nhân chất lượng cao chuyên ngành CSĐT tại Học viện CSND.

Với vai trò là Khoa chuyên ngành vinh dự được Ban Giám đốc Học viện giao trọng trách đào tạo học viên cử nhân chất lượng cao chuyên ngành CSĐT từ năm học 2002, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số ý kiến góp phần nâng cao chất lượng đào tạo học viên cử nhân chất lượng cao chuyên ngành CSĐT trong thời gian tới như sau:
Một là, cần xác định công tác đào tạo học viên chuyên ngành CSĐT nói chung, học viên chất lượng cao chuyên ngành CSĐT nói riêng giữ vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo của lực lượng CAND.

Với bề dày truyền thống trong quá trình hình thành và phát triển của mình, Học viện CSND trở thành một trong hai cơ sở giáo dục trọng điểm của lực lượng CAND, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho lực lượng CAND, trong đó cung cấp nguồn cán bộ điều tra, ĐTV có chất lượng cao cho Cơ quan CSĐT các cấp.

Công tác đào tạo ĐTV là trách nhiệm đào tạo của các trường CAND, trong đó có Học viện CSND. Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị đã xác định:“Nghiên cứu xây dựng đề án thành lập cơ quan thống nhất đầu mối đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp và nghiên cứu khoa học tư pháp. Đối với Điều tra viên thì do trường của Bộ Công an đào tạo”. Trên cơ sở, quán triệt tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW, Học viện CSND cần chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chương trình đào tạo  cử nhân chất lượng cao chuyên ngành CSĐT theo hướng chuyên sâu nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ điều tra, ĐTV có phẩm chất đạo đức trong sạch, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kỹ năng chuyên môn cao, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn công tác điều tra hình sự trong tình hình mới và đáp ứng được tiêu chuẩn của chức danh tư pháp đã được xác định trong Nghị quyết 49/NQ-TW: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cán bộ nguồn của các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế Xã hội chủ nghĩa”

Hai là, cần xây dựng tiêu chí đánh giá riêng kết quả học tập, nghiên cứu khoa học của học viên lớp chất lượng cao, thể hiện được sự khác biệt giữa loại hình đào tạo chất lượng cao với loại hình đào tạo thông thường cũng như khẳng định được thương hiệu “Học viên chất lượng cao chuyên ngành CSĐT của Học viện CSND”. Các tiêu chí chuẩn đầu ra đối với học viên lớp chất lượng cao cũng phải khác với học viên loại hình đào tạo bình thường. Do đó, khi kết thúc mỗi năm học cần đối chiếu các tiêu chí đánh giá đã đặt ra đối với học viên lớp chất lượng cao, nếu học viên nào không đáp ứng được các tiêu chí đó thì loại khỏi lớp chất lượng cao. Có như vậy mới tạo nên động lực tích cực phấn đấu, thi đua trong mỗi học viên nói chung, học viên chất lượng cao chuyên ngành CSĐT.
Ba là, đào tạo một cách toàn diện về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn của học viên nói chung, học viên chất lượng cao chuyên ngành CSĐT nói riêng nhằm đáp ứng được đòi hỏi của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm đã và đang đặt ra những yêu cầu mới về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp của cán bộ điều tra và ĐTV; để đáp ứng được điều này thì cần phải được đào tạo một cách toàn diện ngay từ khi là học viên trong nhà trường. Để có nguồn cán bộ điều tra và ĐTV đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn công tác điều tra hình sự trong tình hình mới, đặt ra yêu cầu cấp thiết cho công tác đào tạo học viên chuyên ngành CSĐT những ĐTV tương lai về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị vững vàng để bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, đủ sức “đứng vững” trước những thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa về vật chất và tinh thần của tội phạm, kể cả những tội phạm “có thế lực, địa vị trong xã hội”. Trang bị cho các ĐTV tương lai vững về năng lực chuyên môn nghiệp vụ để họ không những đảm đương được nhiệm vụ điều tra khám phá những loại tội phạm có thủ đoạn hoạt động mang tính truyền thống mà kể cả đối với những tội phạm sử dụng thủ đoạn hoạt động mới như tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Đồng thời cần trang bị kỹ các tri thức cần thiết khác về kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, ngoại ngữ, tư pháp quốc tế, kỹ năng làm việc với luật sư; người đại diện hợp pháp của bị can, người làm chứng, người bị hại; kỹ năng làm việc với người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam trong quá trình điều tra hình sự. Ngoài ra, cần bồi dưỡng các tri thức về kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo chỉ huy; tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo trong hoạt động điều tra hình sự. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng về năng lực nghiên cứu khoa học, kỹ năng tham mưu, đề xuất các định hướng lớn trong hoàn thiện chính sách pháp luật, trong tổ chức và tiến hành hoạt động điều tra hình sự.

Bốn là, ưu tiên các giảng viên có trình độ cao, có kinh nghiệm, những chuyên gia trong thực tiễn điều tra tham gia vào quá trình đào tạo, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên chất lượng cao chuyên ngành CSĐT.
Đối với tất cả các môn học, cần ưu tiên các giảng viên có trình độ tiến sĩ, GVC (một số môn học đặc thù thì giảng viên phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên) giảng dạy cho học viên chất lượng cao chuyên ngành CSĐT. Mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo chuyên ngành CSĐT tham gia vào công tác đào tạo, huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ thực tiễn, đánh giá quá trình học tập của học viên chất lượng cao chuyên ngành CSĐT.
Năm là, áp dụng đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học phù hợp, tạo động lực phấn đấu trong mỗi học viên.

Với phương pháp kiểm tra đánh giá như hiện nay, chỉ mới đánh giá được nhận thức của học viên sau khi được trang bị khối lượng kiến thức lý luận nhất định từ phía giảng viên, chưa đánh giá hết được kỹ năng chuyên môn, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng điều hành nhóm khi thực hiện một nhiệm vụ nhất định. Theo chúng tôi đây mới là những tiêu chí đánh giá cơ bản, quan trọng. Để đánh giá đúng khả năng chuyên môn, năng lực làm việc của học viên chất lượng cao chuyên ngành CSĐT, ngoài các hình thức kiểm tra, đánh giá như hiện nay, cần phải:

- Đánh giá giữa nhận thức lý luận với kỹ năng giải quyết tình huống trên thực tế. 

Do vậy, sau khi được trang bị kiến thức lý luận của mỗi bài học nghiệp vụ chuyên ngành, cần xây dựng những tình huống nghiệp vụ đòi hỏi khả năng làm việc độc lập; khả năng làm việc theo nhóm của học viên (từ 3 đến 5 học viên) để giải quyết nhiệm vụ đặt ra. Sau khi thực hành, giảng viên cần có những nhận xét, đánh giá cụ thể, xây dựng các tiêu chí đánh giá để đánh giá đúng năng lực của học viên. Đối với những tình huống thực tế, phức tạp, giảng viên nên mời cán bộ có kinh nghiệm, các chuyên gia về lĩnh vực đó hướng dẫn, theo dõi, nhận xét đánh giá. Những nhận xét, đánh giá của cán bộ thực tế thường làm cho học viên hứng thú nghe “tâm phục, khẩu phục” và nhớ rất lâu.

- Sau khi kết thúc môn học, giảng viên cần sưu tầm các tình huống nghiệp vụ thực tế, mời các chuyên gia, cán bộ thực tế xây dựng kịch bản “Trò chơi nghiệp vụ” nhằm có thể vận dụng tất cả lý luận đã được trang bị để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra trong “Trò chơi nghiệp vụ”. Hình thức này như một bài tập lớn về nghiệp vụ chuyên ngành buộc học viên phải tích cực làm việc theo nhóm với số lượng học viên tham gia nhiều hơn (khoảng từ 10 đến 15 học viên); thể hiện rõ được vai trò “thủ lĩnh” của nhóm trong điều hành công việc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm cũng như thể hiện được năng lực làm việc nhóm của mỗi thành viên để hoàn thành hiệu quả công việc. Kết quả làm việc nhóm này được thể hiện bằng bản thu hoạch giúp giảng viên nghiên cứu, đánh giá năng lực làm việc chuyên môn, khả năng khái quát, giải quyết vấn đề thực tế thành lý luận, qua đó đánh giá toàn diện cả về lý luận cũng như năng lực chuyên môn của học viên. Kết quả đánh giá này hoàn toàn có thể thay thế bài thi hết môn theo phương pháp truyền thống đang áp dụng, qua đó cũng phát hiện ra những khả năng của từng học viên để định hướng, bồi dưỡng cho các em.

- Tổ chức các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ Công an tổ chức; các cuộc thi viết chuyên đề nghiệp vụ... nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào học viên nghiên cứu khoa học đi vào chiều sâu, có hiệu quả; tạo động lực phấn đấu trong mỗi học viên.

Sáu là, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo học viên chất lượng cao chuyên ngành Cảnh sát điều tra.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, Học viện CSND đã tích cực, chủ động mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nói chung, đào tạo lực lượng CSĐT nói riêng. Với các hình thức liên kết đào tạo tương đối phong phú như liên kết đào tạo thạc sĩ với trường Đại học tổng hợp Maryland (Hoa Kỳ), trao đổi học viên với Đại học Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, với Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan; cử giảng viên đi đào tạo NCS ở Anh, Úc, Liên bang Nga...đã góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao trong nghiên cứu lý luận, thực tiễn công tác điều tra hình sự ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo chúng tôi nên mở rộng thêm các loại hình đào tạo, mở rộng cơ hội cho học viên chất lượng cao chuyên ngành CSĐT được giao lưu, học tập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Có thể là đưa học viên đi đào tạo dài hạn, đi tham quan, học tập 3 tháng, 6 tháng, tham gia vào các chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ do tổ chức Cảnh sát khu vực và quốc tế tổ chức nhằm nâng cao khả năng chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, qua đó có thể đào tạo ra những ĐTV tầm khu vực và thế giới.

Bảy là, Học viện CSND cần đề xuất lãnh đạo Bộ Công an có những quy định cụ thể về chế độ, chính sách với loại hình đào tạo này để các em có điều kiện phát triển đúng năng lực, sở trường, đào tạo ra những cán bộ chất lượng cao theo đúng nghĩa của lực lượng Công an nhân dân.

Từ kết quả 12 năm đào tạo học viên chất lượng cao chuyên ngành CSĐT tại Học viện CSND và thực tiễn công tác giảng dạy nghiệp vụ Cảnh sát điều tra, để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo học viên chất lượng cao chuyên ngành CSĐT đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ trong giai đoạn phát triển mới của Học viện cũng như đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước, chúng tôi mạnh dạn trao đổi một số suy nghĩ của mình cùng các đồng nghiệp.

Đại tá, TS. Trần Nguyên Quân - Trưởng khoa Nghiệp vụ CSĐT - T32

Nguồn: Kỷ yếu “Hội nghị Tổng kết 12 năm đào tạo đại học chính quy theo mô hình chất lượng cao

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất