gd-dt
Thứ Ba, 5/1/2016 20:59'(GMT+7)

Một số vấn đề về đào tạo Điều tra viên trong tình hình hiện nay

Đại tá, PGS.TS Trần Vi Dân - Tổng biên tập Tạp chí Công an nhân dân

Đại tá, PGS.TS Trần Vi Dân - Tổng biên tập Tạp chí Công an nhân dân

Hiện nay, trước những đòi hỏi ngày càng cao của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn mới, với phương châm vừa phát hiện, xử lý kịp thời đối với tội phạm nhưng cũng bảo đảm tính chính xác, khách quan, không làm oan người vô tội hoặc để xảy ra những hạn chế, thiếu sót khác trong giai đoạn điều tra, vấn đề đặt ra là phải nâng cao hiệu quả của công tác này. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, cần bắt đầu từ đâu và bằng cách nào?

Không khó để chúng ta có thể thống nhất trong nhận thức, quyết định tới chất lượng và hiệu quả công tác điều tra là nhân tố con người, trong đó Điều tra viên đóng vai trò trung tâm, then chốt. Khi có được đội ngũ Điều tra viên có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, có trình độ pháp luật, nghiệp vụ cao, có sự hiểu biết cần thiết về các lĩnh vực tri thức liên ngành khác, có thể chất tốt, thì nhất định hoạt động điều tra vụ án hình sự sẽ cho kết quả tốt. Điều tra viên là ai? Từ trước tới nay, Điều tra viên cũng đã được nghiên cứu, tìm hiểu, quan tâm ở nhiều góc độ; tuy nhiên, phải khẳng định rằng, so với những người tiến hành tố tụng khác, sự quan tâm đến Điều tra viên dường như chưa thật sự đầy đủ. Từ đó, nhận thức của chúng ta về Điều tra viên chưa được toàn diện, điều này dẫn đến công tác đào tạo, sử dụng, bảo đảm các điều kiện, sự đãi ngộ và tôn vinh dành cho Điều tra viên chưa thật tương xứng.

Thực tiễn điều tra vụ án hình sự cho thấy, Điều tra viên là người quyết định cho sự thành bại của hoạt động điều tra vụ án hình sự, điều này được khẳng định từ những căn cứ sau:

Thứ nhất, Điều tra viên là người trực tiếp tham mưu, đề xuất với thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra về hoạt động điều tra vụ án hình sự.

Từ trước tới nay, khi đề cập tới Điều tra viên, chúng ta thường ít quan tâm đến hoạt động tham mưu, đề xuất của Điều tra viên đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra. Các chủ trương, quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra vụ án hình sự, từ quản lý Điều tra đến tiến hành các hoạt động điều tra đều phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất của Điều tra viên. Đây là một thực tiễn đã được kiểm nghiệm và thừa nhận rộng rãi. Về những vấn đề cụ thể hơn liên quan đến tham mưu, đề xuất của Điều tra viên đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, chúng tôi sẽ đề cập trong các chuyên đề khác. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, chất lượng, hiệu quả hoạt động tham mưu, đề xuất của Điều tra viên đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra. Trong lực lượng Công an nhân dân, hoạt động tham mưu, đề xuất của Điều tra viên cũng là một bộ phận cấu thành hoạt động tham mưu của Công an nhân dân và có đầy đủ các thuộc tính chung của công tác tham mưu.

Thứ hai, Điều tra viên là người trực tiếp quyết định để các chủ trương, chỉ đạo, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra được triển khai trong thực tiễn điều tra vụ án hình sự. Nếu không có hoạt động của Điều tra viên, các chủ trương, chỉ đạo, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra sẽ chỉ nằm trên giấy và không thể đi vào thực tiễn. Khi việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo và quyết định này của Điều tra viên không đảm bảo yêu cầu, chất lượng thì quá trình điều tra sẽ dẫn đến bế tắc, không giải quyết được các yêu cầu đề ra trong giải quyết vụ án.

Hoạt động chấp hành của Điều tra viên đối với các chủ trương, chỉ đạo, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra rất phong phú, gắn với từng hành vi tố tụng của Điều tra viên được quy định trong luật như: tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt người, khám xét, hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị tạm giữ, người bị hại, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra... Mỗi một hành vi cụ thể này của Điều tra viên đều chứa đựng trong đó yếu tố chính trị, pháp luật, nghiệp vụ sâu sắc.

Như vậy, có thể thấy có mối liên hệ chặt chẽ, thống nhất giữa các chủ trương, chỉ đạo, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra với các hành vi tố tụng cụ thể của Điều tra viên trong hoạt động điều tra vụ án. Khi không đảm bảo được mối liên hệ chặt chẽ, thống nhất này, nhất định công tác điều tra sẽ không đạt được yêu cầu đề ra và quá trình giải quyết vụ án sẽ bế tắc hoặc có những sai lầm hết sức nghiêm trọng khác.

Thứ ba, Điều tra viên là một người tiến hành tố tụng có tính độc lập tương đối trong hoạt động điều tra vụ án; là người quyết định để quá trình xử lý vụ án hình sự từ bị động chuyển sang chủ động[1]; cũng là người có thể làm cho quá trình xử lý vụ án dẫn đến oan sai, tiêu cực.

Điều tra viên là người tham mưu, người chấp hành trong mối quan hệ với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, điều ấy có mâu thuẫn khi xác định điều tra viên là người tiến hành tố tụng có tính độc lập tương đối hay không? Hoàn toàn không có sự mâu thuẫn khi xem xét về Điều tra viên ở những góc độ này. Hoạt động tham mưu và chấp hành của Điều tra viên trong mối quan hệ với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra hoàn toàn ảnh hưởng đến sự độc lập tương đối của Điều tra viên khi thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là một người tiến hành tố tụng. Tính độc lập tương đối của Điều tra viên thể hiện ở chỗ Điều tra viên được đưa ra những ý kiến đề xuất, tham mưu, không phụ thuộc vào việc Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra có đồng ý với đề xuất, tham mưu đó hay không. Tương tự như vậy, Điều tra viên có thể kiến nghị, đề xuất với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra về việc thực hiện hay không thực hiện những chủ trương, chỉ đạo, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; Điều tra viên khi thực hiện nhiệm vụ điều tra chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng cơ quan điều tra về những hành vi, quyết định của mình, và theo quy định của pháp luật thực định cũng như trên thực tế, Điều tra viên có quyền tư pháp đáng kể mặc dù có hạn chế hơn so với quyền của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra.

Điều tra viên là người quyết định trong việc xoay chuyển từ thế bị động sang chủ động khi giải quyết vụ án hình sự của cơ quan điều tra. Điều này mặc nhiên đã được kiểm chứng và thừa nhận rộng rãi. Những hoạt động của Điều tra viên góp phần quan trọng quyết định nhất để phát hiện, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội, làm sáng tỏ bản chất của vụ án cũng như những tình tiết có liên quan, chuyển quá trình giải quyết vụ án từ bị động ở giai đoạn ban đầu bởi thiếu thông tin, tài liệu, chứng cứ sang chủ động, kiểm soát được tình hình khi có thông tin, tài liệu, chứng cứ làm sáng tỏ vụ án ngày càng sáng rõ hơn. Bên cạnh đó, các sai lầm trong công tác điều tra, vấn đề oan sai, tiêu cực khác trong giải quyết vụ án hình sự bắt nguồn từ Điều tra viên luôn chiếm tỷ lệ khá cao.

Thứ tư, Điều tra viên chính là người phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, trở ngại, sự chống trả của tội phạm cũng như các tác động tiêu cực khác đến quá trình điều tra vụ án hình sự một cách trực tiếp và đầy đủ nhất. Hoạt động điều tra vụ án hình sự là giai đoạn đặc biệt khó khăn với rất nhiều thách thức, nguy hiểm, áp lực cho người tiến hành tố tụng so với các giai đoạn tiếp theo nó. Những nguy hiểm, khó khăn, vất vả, thử thách mà Điều tra viên thường phải đối mặt, đó là: (1) Áp lực công việc, sự căng thẳng về tâm lý. Có thể khẳng định, điều tra hình sự là một loại hoạt động thực tiễn khiến cho chủ thể của nó rất tổn hại về thể lực và trí lực, mỗi hành vi, quyết định, việc làm của điều tra viên đều là những thao tác của nhận thức, tư duy và thể chất trong thực tiễn. Sẽ có rất nhiều câu hỏi đặt ra yêu cầu điều tra viên phân tích, xử lý để đưa ra câu trả lời và quyết định giải pháp thực hiện khi tiến hành tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, mỗi vụ án hình sự xảy ra, tự nó đã là một áp lực cho cơ quan điều tra nói chung và Điều tra viên nói riêng bởi sự mong mỏi của nhân dân, công luận rằng cái ác cần phải bị trừng trị, kẻ phạm tội cần phải được đưa ra xử lý trước pháp luật. Không chỉ vậy, đối mặt với các hoạt động điều tra, tấn công bằng vật chất lung lạc Điều tra viên, thậm chí đe dọa, tấn công Điều tra viên là một trong những thủ đoạn mà bọn tội phạm thường sử dụng. Như vậy, bên cạnh việc thực hiện các hoạt động điều tra tội phạm để phát hiện, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội, Điều tra viên còn phải đấu tranh với chính bản thân mình vượt qua những cám dỗ để chiến thắng sự mua chuộc của tội phạm cũng như sự đe dọa, tự bảo vệ mình, không để tội phạm tấn công bằng các thủ đoạn khác nhau... Tất cả những thực tế này rõ ràng đã tạo ra sự căng thẳng và áp lực rất lớn đối với Điều tra viên. (2) Điều tra viên là người trực tiếp đối mặt với những tình huống nguy hiểm, đòi hỏi sự hi sinh xương máu, thậm chí cả tính mạng trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự. Điều tra hình sự là hoạt động thực tiễn nguy hiểm không chỉ bởi những cám dỗ vật chất và đe dọa của tội phạm mà trong thực tế, sử dụng vũ lực chống trả quyết liệt với điều tra viên để trốn tránh pháp luật là một thủ đoạn, việc làm mà tội phạm ngày nay rất chú ý sử dụng. Trong thực tế, có không ít Điều tra viên, cán bộ điều tra và những người có trách nhiệm khác đã mất một phần xương máu, thậm chí hy sinh tính mạng bởi sự chống trả của tội phạm. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, khi tội phạm có tổ chức phát triển, tội phạm hình sự nguy hiểm có xu hướng gia tăng, vấn đề nêu trên sẽ có xu hướng khách quan ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ở một số quốc gia trên thế giới, bạo lực và hoạt động của tội phạm trong nhiều trường hợp đã có tác động trực tiếp, làm giảm sút ý chí chiến đấu, tấn công tội phạm của những người thực thi pháp luật. Ở nước ta, đây là vấn đề cần được nhận diện, nghiên cứu và có những giải pháp sớm, trên cơ sở sự nhận biết đầy đủ về áp lực này của Điều tra viên. (3) Điều tra viên là người thường chịu nhiều nhất những rủi ro nghề nghiệp, và trong rất nhiều trường hợp nằm ngoài khả năng kiểm soát giải quyết của mình. Rủi ro nghề nghiệp của Điều tra viên đó là những tác động không tích cực đến cá nhân Điều tra viên cả về thể chất và tinh thần, tiền đồ, sự nghiệp. Những rủi ro về thể chất, đã được phân tích bên trên, rủi ro về tinh thần, bởi những tác động đến uy tín chính trị, sự nghiệp của Điều tra viên là điều đáng quan ngại hiện nay. Điều tra hình sự là một hoạt động thực tiễn hết sức phức tạp, nhiều yếu tố khách quan, chủ quan có thể làm Điều tra viên mặc dù đã tuân thủ đầy đủ các quy định, quy trình làm việc, tuân thủ pháp luật nhưng vẫn có thể dẫn đến sai lầm trong hành vi và quyết định của mình. Bên cạnh đó, những vướng mắc, bất cập trong pháp luật hiện nay cũng là yếu tố gây nên rủi ro cho Điều tra viên, ví dụ như: hết thời hạn điều tra, không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm, rõ ràng không đồng nhất với việc bị can không thực hiện tội phạm. Nhưng theo quy định của pháp luật sẽ có trách nhiệm pháp lý đặt ra cho Điều tra viên trong trường hợp này từ dân sự, kinh tế, thậm chí là hình sự. Sự hối thúc của hoàn cảnh, những mong mỏi của nhân dân khi đã trở thành áp lực tâm lý như nêu trên cũng có thể dẫn đến việc Điều tra viên sai lầm trong việc đưa ra những quyết định, hành vi và phải đối mặt với những hậu quả pháp lý tiêu cực, đáng tiếc về những sai lầm ấy.

Những phân tích nêu trên trong bài viết phần nào đã chỉ ra rằng, xác định Điều tra viên là người đóng vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả điều tra vụ án hình sự là có cơ sở lý luận, thực tiễn. Muốn nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp hình sự, cần nhận thức, hoạt động điều tra tội phạm là cái gốc của cả hoạt động này và hoạt động đó do điều tra viên tiến hành với vai trò chủ đạo. Vì vậy, điều tra viên là một đối tượng cần được đặc biệt quan tâm, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Nếu không nâng cao trình độ hoạt động thực tiễn và phẩm chất nghề nghiệp của Điều tra viên sẽ không thể nâng cao chất lượng của hoạt động tư pháp hình sự. Mặt khác, khi hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt; mặt trái của kinh tế thị trường tác động ngày một khắc nghiệt đến mọi thành viên trong xã hội, không loại trừ Điều tra viên và các hoạt động của họ, thì việc xây dựng đội ngũ điều tra viên “vừa hồng, vừa chuyên” bằng việc giúp Điều tra viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ nghiệp vụ, pháp luật cao để vượt qua những khó khăn, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình là yêu cầu khách quan cấp thiết đặt ra hiện nay và cũng là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội. Để có những bước đột phá, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn cũng như phẩm chất nghề nghiệp của Điều tra viên như mong muốn nêu trên, về cơ bản theo chúng tôi phải tập trung vào các nhóm giải pháp cụ thể sau đây:

Thứ nhất, tuyển chọn đúng người để đào tạo Điều tra viên. Con người luôn là một bảo đảm quyết định, không thể thiếu đối với hoạt động điều tra tội phạm, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra nhưng tựu chung lại, bảo đảm về con người trong hoạt động điều tra tội phạm là bảo đảm về số lượng và chất lượng của Điều tra viên trong hệ thống các cơ quan phòng, chống tội phạm theo các tiêu chí là những cán bộ, sỹ quan Công an nhân dân có sức khỏe tốt, có năng khiếu, sự say mê và trách nhiệm nghề nghiệp, được tuyển chọn và đào tạo cơ bản. Đó là những người được học tập, rèn luyện theo chuẩn mực: bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và các kiến thức lĩnh vực chuyên ngành khác tinh thông, am hiểu xã hội.

Hiện nay, trong hệ thống đào tạo của Nhà nước ta có bốn cơ sở đào tạo đều thuộc Bộ Công an đào tạo nghề điều tra hình sự (điều tra viên), đó là: Khoa An ninh điều tra của Học viện An ninh nhân dân, Khoa Cảnh sát điều tra của Học viện Cảnh sát nhân dân, Khoa An ninh điều tra của Đại học An ninh nhân dân, Khoa Cảnh sát điều tra của Đại học Cảnh sát nhân dân. Như vậy, một thực tế mặc nhiên là đào tạo nghề điều tra viên do Bộ Công an đảm nhiệm. Hằng năm, các cơ sở đào tạo nêu trên của Bộ Công an ngoài đào tạo cán bộ điều tra cho ngành, còn đào tạo cán bộ điều tra cho các cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Quy trình tuyển chọn học viên cho các khoa điều tra của các học viện, nhà trường cần được thực hiện theo nguyên tắc học sinh có điểm thi đại học (hệ đào tạo tập trung) cao nhất sẽ được tuyển chọn vào khoa điều tra. Sự tuyển chọn này về cơ bản là tích cực, bởi lẽ kết quả thi tuyển đại học sẽ phản ánh khá chính xác về chỉ số nhận thức của học viên, cơ sở quan trọng hàng đầu cho việc học tập sau này.

Tuy nhiên, hoạt động điều tra tội phạm có tính đặc thù rất cao, đòi hỏi chủ thể Điều tra viên phải là người hội tụ đủ nhiều tiêu chuẩn để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của công tác này. Trong đó, vừa biết tổ chức hoạt động điều tra, vừa có khả năng tiến hành các biện pháp điều tra là những tiêu chuẩn cơ bản, quan trọng nhất. Với cách đặt vấn đề này, việc tuyển chọn học viên cho hệ điều tra tội phạm trong các cơ sở đào tạo nêu trên cần có sự bổ sung, theo đó tuyển chọn xác định năng khiếu nghề là rất quan trọng. Cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo của Bộ Công an, các cơ sở đào tạo có liên quan cần xây dựng quy trình tuyển chọn thật sự phù hợp, thể hiện rõ tính “nghề” ngay từ bước mở đầu này. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, Công an các đơn vị, địa phương đã và đang lựa chọn giải pháp lựa chọn cán bộ thực tiễn không làm công tác điều tra, sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài ngành Công an chuẩn hoá bổ sung cho đội ngũ điều tra viên. Việc làm này là cần thiết, tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu sử dụng, phải có sơ tuyển năng khiếu và trình độ trước khi tuyển chọn và đưa đi đào tạo chuẩn hoá nghề điều tra hình sự.

Thứ hai, cần xây dựng chương trình đào tạo nghề điều tra hình sự trong các trường Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Các tiêu chí cụ thể theo quan điểm của chúng tôi phải đáp ứng ba yêu cầu cơ bản như sau:

- Có phẩm chất nghề nghiệp và thể lực tốt, có khả năng tự bảo vệ mình, bảo vệ đồng đội, bảo vệ nhân dân trước những tình huống  nguy hiểm. Điều tra viên trước hết phải có lòng yêu nghề, thể hiện được những phẩm chất nghề nghiệp như sáng tạo, dũng cảm, trung thực, biết công nhận lẽ phải, có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt... Bên cạnh đó, tính chất của nghề điều tra hình sự cũng đòi hỏi Điều tra viên phải là người có sức khoẻ tốt, có khả năng tự bảo vệ mình, bảo vệ người khác trước những cám dỗ vật chất rất tinh vi, xảo quyệt, trong bối cảnh mặt trái của nền kinh tế thị trường luôn có những tác động khắc nghiệt đến đạo đức, lối sống của con người, những tình huống nguy hiểm đến tính mạng trong thực tế. Đó chính là những điều kiện nền tảng để Điều tra viên có thể làm tốt nhiệm vụ được giao và cũng là yêu cầu đặt ra cho các cơ sở đào tạo Điều tra viên.

- Đối tượng được đào tạo phải được trang bị kiến thức pháp luật vững vàng, các tri thức liên ngành cần thiết. Như đã phân tích ở trên, hoạt động điều tra hình sự do Điều tra viên tiến hành là hoạt động áp dụng pháp luật, theo cách gọi khác là hoạt động “thực thi pháp luật”; bên cạnh đó, hoạt động này còn phải sử dụng kiến thức liên ngành phong phú, có tính chuyên môn cao. Từ tính chất nghề nghiệp như vậy, việc trang bị cho đối tượng đào tạo kiến thức pháp luật vững vàng, tri thức khoa học xã hội, tự nhiên phù hợp là đòi hỏi của thực tiễn. Những oan, sai, thiếu sót mà hoạt động tư pháp hình sự trong thực tiễn về cơ bản bắt nguồn từ sự yếu kém về pháp luật, tri thức liên ngành của người tiến hành tố tụng trong đó có Điều tra viên.

- Đối tượng đào tạo cần được trang bị kiến thức nghiệp vụ điều tra nhuần nhuyễn, biết tổ chức hoạt động điều tra, có khả năng thực hiện cả điều tra công khai và điều tra bí mật. Đây là một yêu cầu có cơ sở từ Nghị quyết số 49 - NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị, theo đó kết hợp giữa điều tra bí mật và điều tra theo tố tụng hình sự và tổ chức hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu này là một trong những nội dung trọng tâm cần quán triệt của nghị quyết. Quan trọng hơn đó còn là yêu cầu của thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu đào tạo như nêu trên đòi hỏi sự cố gắng rất nhiều của các cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân trong việc xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên, bảo đảm cho ra trường các “sản phẩm” là những Điều tra viên vừa“hồng” vừa “chuyên”. 

Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng cũng như bảo đảm các điều kiện cho hoạt động của Điều tra viên. Hiệu quả của hoạt động điều tra hình sự phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng công tác quản lý, sử dụng Điều tra viên cũng như các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của đối tượng này. Theo đó, cần giáo dục, nâng cao nhận thức cho Điều tra viên về ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp và vai trò của mình, tạo sự độc lập cần thiết cho Điều tra viên trong hoạt động thực tiễn; đào tạo lại đối với Điều tra viên trong quá trình quản lý, sử dụng là những yếu tố giúp cho Điều tra viên có những sáng tạo nghề nghiệp trong khuôn khổ pháp luật cũng như duy trì tốt nhất khả năng hoạt động thực tiễn.

Quản lý, sử dụng Điều tra viên không thể thiếu yếu tố bảo đảm và động viên, khích lệ tinh thần nhiệt tình, tâm huyết với nghề nghiệp; do đó yêu cầu đảm bảo một chế độ đãi ngộ phù hợp với Điều tra viên là rất cần thiết. Thực tiễn cho thấy điều tra hình sự như đã phân tích là một nghề rất đặc thù, đòi hỏi những nỗ lực cao cả về trí lực, thể lực của Điều tra viên. Để bù đắp lại, Nhà nước cần phải có sự quan tâm thoả đáng giúp Điều tra viên tái tạo lại sức lực và trí tuệ đã bỏ ra, duy trì được cường độ và khả năng làm việc; sự quan tâm này cũng là một biện pháp dưỡng liêm có hiệu quả giúp Điều tra viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ nghị lực vượt qua những thử thách mà mặt trái của kinh tế thị trường cũng như sự móc nối mua chuộc của đối tượng phạm pháp luôn tác động trong quá trình thi hành công vụ.

Cuối cùng là vấn đề bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho hoạt động điều tra tội phạm nói chung cũng như phương tiện cần thiết cho điều tra viên nói riêng. Sẽ là rất sai lầm nếu cho rằng đây chỉ là điều kiện phụ, bởi những bảo đảm về cơ sở pháp lý, về con người nếu không gắn với bảo đảm về điều kiện vật chất, kỹ thuật trong nhiều trường hợp sẽ không có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, tinh vi, xảo quyệt, manh động, nguy hiểm như hiện nay. Theo đó, bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cần được xác định là một yêu cầu quan trọng không thể thiếu trong hoạt động điều tra tội phạm.

 
Đại tá, PGS.TS Trần Vi Dân - Tổng biên tập Tạp chí Công an nhân dân

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Đào tạo, bồi dưỡng đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp của Điều tra viên theo tiến trình cải cách tư pháp

 

 

____________________________

[1] “Hoạt động điều tra hình sự và điều tra viên trong giai đoạn hiện nay” -  Trần Vi Dân, Tạp chí CAND số 7/2009.

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất