Tiêu điểm
Thứ Sáu, 1/2/2019 23:57'(GMT+7)

Công tác đối ngoại của lực lượng công an nhân dân trong tình hình mới

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, với nhiều thời cơ, thuận lợi đan xen với không ít nguy cơ, thách thức trong quá trình phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xu hướng vận động của quan hệ quốc tế đang diễn ra rất phức tạp, tác động trực tiếp đến lợi ích, an ninh quốc gia của Việt Nam. Lợi dụng sự phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, các thế lực thù địch gia tăng các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, đặc biệt là sử dụng ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để gây sức ép và can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta; thông qua các hoạt động hợp tác, viện trợ phát triển để thúc đẩy “xã hội dân sự” theo tiêu chí phương Tây, tiến tới hình thành các lực lượng đối lập với Đảng ta hòng thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Tình hình trên đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết đối với công tác công an nói chung và công tác đối ngoại của lực lượng công an nhân dân nói riêng, đòi hỏi công tác đối ngoại của lực lượng công an nhân dân phải quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế; thực hiện nhất quán phương châm đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; chủ động phòng ngừa, hạn chế, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. 

Trong những năm qua, công tác đối ngoại công an nhân dân đạt được nhiều thành tựu to lớn. Thông qua công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, lực lượng công an đã tích cực, chủ động thu thập, phân tích thông tin, đánh giá, dự báo sâu sát tình hình quốc tế và trong nước, từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định các chủ trương, quyết sách tầm chiến lược và xác định, xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng trong các quan hệ, tình huống nhạy cảm. Tháng 1-2018, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương các mặt công tác của lực lượng công an, trong đó nhấn mạnh lực lượng công an luôn tích cực, chủ động phát huy thế mạnh trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế. Điều này được thể hiện cụ thể như sau:

1- Lực lượng công an phối, kết hợp chặt chẽ, toàn diện với ngành ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác đối ngoại; làm tốt vai trò tham mưu, hướng dẫn, bảo đảm không bị động, bất ngờ trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, an ninh, kinh tế - xã hội của thế giới và khu vực, cũng như những đổi thay lớn trong quan hệ quốc tế. Đặc biệt, công tác đối ngoại công an đã góp phần làm giảm thiểu những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, của kinh tế tri thức, cách mạng khoa học - công nghệ và những toan tính, chính sách chiến lược của các nước lớn trong quan hệ với Việt Nam. Những kết quả này góp phần phục vụ hiệu quả việc triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; củng cố, thúc đẩy, mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Công an nhân dân Việt Nam và lực lượng an ninh, cảnh sát, tình báo, nội vụ, thực thi pháp luật của các nước; duy trì cân bằng chiến lược, củng cố môi trường hòa bình, ổn định; thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực; phát huy được các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

2- Lực lượng công an nỗ lực tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, qua đó củng cố thế trận an ninh vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Phát huy vai trò “đi trước, mở đường”, lực lượng công an nhân dân góp phần đặt nền móng cho việc triển khai hợp tác toàn diện, sâu rộng của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bộ Công an đã chủ động kiến nghị, triển khai hiệu quả cơ chế đối thoại an ninh với nhiều đối tác quan trọng, góp phần xây dựng và tăng cường sự tin cậy chính trị, từ đó mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, kinh tế, thương mại, văn hóa - xã hội với các nước. Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến năm 2018, Bộ Công an đã ký kết 80 văn bản hợp tác với các nước, tạo hành lang pháp lý cho việc hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

3- Thông qua công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, lực lượng công an chủ động trao đổi thông tin, đánh giá, dự báo sâu sát, toàn diện hơn về tình hình thế giới, khu vực và trong nước; chia sẻ kinh nghiệm, huy động các nguồn lực từ bên ngoài để bảo đảm an ninh, trật tự trong nước cũng như nâng cao hiệu quả tham gia phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu. Nhờ tăng cường công tác đối ngoại chuyên sâu trên lĩnh vực an ninh, trật tự nên công tác phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, cũng như đấu tranh chống các hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền và hoạt động của các tổ chức phản động người Việt lưu vong… thời gian qua đạt hiệu quả thiết thực, góp phần quyết định làm thất bại âm mưu, ý đồ chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm có tổ chức.

4- Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, lực lượng công an nhân dân góp phần tích cực truyền tải các thông điệp về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về tình hình Việt Nam; giảm thiểu các tác động, can thiệp thô bạo, thiếu thiện chí vào công việc nội bộ của Việt Nam; góp phần tăng cường sự đồng thuận, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, nhất là an ninh chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác các âm mưu, hoạt động lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chống phá Việt Nam... Đặc biệt, Bộ Công an đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về những vấn đề và thời điểm tiến hành truyền tải thông điệp cấp cao để củng cố niềm tin chính trị, tăng cường hợp tác thiết thực, hiệu quả với các nước lớn, qua đó thực sự góp phần xử lý các trở ngại, thu hẹp khoảng cách, sự khác biệt, nâng cao hiệu quả hợp tác và tăng cường vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của lực lượng công an nhân dân thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin, tình hình giữa công an các đơn vị, địa phương với các đối tác nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức; còn có tình trạng yêu cầu, vụ, việc trao đổi qua kênh Interpol chưa được đáp ứng kịp thời. Một số cơ chế hợp tác, thỏa thuận quốc tế chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và các quy định về quản lý đường biên giới, cột mốc cho công dân các tỉnh giáp biên giới chưa được tiến hành thường xuyên. Công an một số địa phương chưa nghiên cứu kỹ hướng dẫn triển khai kế hoạch hợp tác hằng năm của Bộ Công an với các đối tác trong việc cử đoàn ra, đón đoàn vào nên khi có đoàn phát sinh ngoài kế hoạch thì tỏ ra lúng túng, bị động. Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại hoạt động kiêm nhiệm và hạn chế về ngoại ngữ nên có nơi, có lúc còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; cán bộ thông thạo ngoại ngữ còn thiếu và yếu trong yêu cầu biên, phiên dịch. Những hạn chế nêu trên đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của lực lượng công an nhân dân.

Thời gian tới, bối cảnh khu vực và thế giới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của nước ta, đến quan hệ hợp tác, đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta với các nước trên thế giới và trong khu vực. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ giúp nền kinh tế của các nước trên thế giới phát triển hơn nhưng lại kéo theo các vấn đề về an ninh, an toàn xã hội. Dân chủ, nhân quyền sẽ vẫn là mũi nhọn tấn công của các thế lực thù địch, trong đó chúng sẽ tập trung lợi dụng các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, việc đàm phán các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (song phương, đa phương) và việc bảo vệ báo cáo theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và các báo cáo quốc gia thực thi các công ước quốc tế về quyền con người để xuyên tạc, vu cáo và kích động các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Nhiệm vụ tạo môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và của ngành công an.

Triển khai Nghị định số 01/NĐ-CP, ngày 06-8-2018, của Chính phủ, về “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an”, Bộ Công an đã cơ bản hình thành mô hình tổ chức mới theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, công tác đối ngoại công an nhân dân cần xác định rõ hơn những nhiệm vụ công tác trọng tâm trong tình hình mới, cụ thể như sau:

Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước theo định hướng “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, với phương châm “triển khai đồng bộ và toàn diện” các hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra. Kết hợp tốt giữa hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao chuyên ngành công an trong triển khai công tác đối ngoại; gắn hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới để phát triển bền vững.

Hai là, tăng cường nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách, ý đồ của các nước trong quan hệ quốc tế đến môi trường an ninh chiến lược, đến lợi ích, an ninh quốc gia của Việt Nam để tham mưu với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định và thực thi chính sách trong quan hệ với các nước. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành theo dõi, đánh giá toàn diện, sâu sát tình hình thế giới, khu vực và trong nước; nâng cao khả năng thu thập, phân tích, nghiên cứu và dự báo chiến lược; tích cực, chủ động tham mưu, tư vấn chính sách và triển khai các hoạt động đối nội, đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại gắn với bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia. Công tác đối ngoại phải phục vụ cho quá trình phát triển công nghiệp an ninh, nhằm hiện đại hóa lực lượng công an nhân dân. Thực hiện tốt công tác phối, kết hợp với ngành ngoại giao và các lực lượng hữu quan trong vận dụng, sử dụng hiệu quả biện pháp ngoại giao để góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia. Bảo đảm phối, kết hợp thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ và hiệu quả ở mọi cấp độ, đồng thời xử lý tốt các nhiệm vụ liên quan đến đối ngoại trong thực thi các nhiệm vụ của ngành công an.

Ba là, tiếp tục củng cố, mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác liên quan đến công tác công an với các nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là với các đối tác truyền thống hữu nghị có độ tin cậy cao, các nước láng giềng, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước lớn; từng bước đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm. Chủ động nắm bắt thời cơ, nhận thức rõ thách thức, lựa chọn mức độ, cấp độ tham gia và tích cực khởi xướng các cơ chế liên kết khu vực, quốc tế về an ninh phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Việt Nam; tiếp tục chủ động đưa ra các sáng kiến trong tổ chức các hội nghị giữa những người đứng đầu cơ quan an ninh các nước ASEAN, ASEAN +, ASEAN - EU để ngày càng nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và Bộ Công an trong khu vực và trên thế giới. Tăng cường hoạt động trên các diễn đàn đa phương, chủ động phối hợp với các đối tác tham gia giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu; chủ động trong đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế về những vấn đề cùng quan tâm; kiên quyết đấu tranh với những hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền hòng chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch.

Bốn là, tích cực tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý phục vụ hiệu quả công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý khủng hoảng và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Nghiên cứu mở rộng và thiết lập các cơ chế hợp tác song phương với các nước, các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới về phòng, chống tội phạm ma túy, tội phạm rửa tiền, tội phạm buôn lậu, tội phạm buôn người, tội phạm lợi dụng công nghệ cao... Thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế, các hiệp định, thỏa thuận hợp tác mà nước ta đã ký hoặc gia nhập. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, đàm phán, ký kết hoặc trình cấp có thẩm quyền ký kết, phê duyệt, phê chuẩn các điều ước, thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu hợp tác bảo vệ an ninh quốc gia.

Năm là, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đối ngoại và hợp tác quốc tế; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất ban hành thông tư của Bộ Công an về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại của lực lượng công an nhân dân trong tình hình mới, phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy của Bộ Công an theo Nghị định số 01/2018/NĐ-CP, ngày 06-8-2018, của Chính phủ, về “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an”. Nghiên cứu, kiến nghị Ban Bí thư xem xét, ban hành chỉ thị về công tác đối ngoại của lực lượng công an nhân dân trong tình hình mới. Khẩn trương rà soát và bố trí nhiệm vụ công tác phù hợp với năng lực đối với lực lượng chuyên trách thực hiện công tác đối ngoại công an nhân dân. Đổi mới tư duy về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại công an nhân dân trong tình hình mới. Phát huy vai trò tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và chủ động có những giải pháp, kiến nghị xây dựng, thực hiện các chính sách, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, cũng như củng cố, tăng cường lòng tin trong mở rộng và phát triển quan hệ với các nước.

Sáu là, chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ công tác công an nói chung và nhiệm vụ đối ngoại, hợp tác quốc tế của lực lượng công an nói riêng. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ huy theo hướng chủ động, trách nhiệm, chuyên nghiệp và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chủ quyền, phục vụ sự phát triển bền vững và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước./.

Tô LâmĐại tướng, GS.TS, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

Nguồn: Tạp chí Cộng sản

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất