Tiêu điểm
Thứ Sáu, 1/2/2019 10:15'(GMT+7)

Xây dựng chương trình đào tạo tại Học viện Cảnh sát nhân dân - những vấn đề đặt ra và phương hướng hoàn thiện trong giai đoạn hiện nay

Chương trình đào tạo được hiểu là bản kế hoạch được trình bày một cách có hệ thống quá trình đào tạo với thời gian xác định, trong đó, mô tả mục tiêu (chuẩn đầu ra), nội dung, phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy học, cách thức đánh giá kết quả đào tạo (đối chiếu với chuẩn đầu ra). Bản kế hoạch tổng thể này cho biết toàn bộ nội dung cần đào tạo, những gì trông đợi ở người học sau khóa học, quy trình cần thực hiện trong nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo và cách thức kiểm tra, đánh giá, được sắp xếp theo một thời gian biểu chặt chẽ.

Trong một cơ sở đào tạo đại học, chương trình đào tạo giữ vai trò rất quan trọng, vừa là công cụ quản lý, vừa là thước đo trình độ phát triển cũng như thể hiện quan điểm đào tạo, mối quan hệ giữa chương trình đào tạo với các nhân tố khác của quá trình đào tạo. Do đó, mỗi nhà trường luôn xác định xây dựng và phát triển chương trình đào tạo là một nội dung trọng tâm, cần phải có sự quan tâm đầu tư đúng mức.

Lịch sử phát triển giáo dục nói chung, giáo dục bậc đại học nói riêng có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong xây dựng chương trình đào tạo (tiếp cận nội dung, tiếp cận mục tiêu, tiếp cận năng lực…) và mỗi cách tiếp cận đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Tùy theo xu hướng phát triển của mỗi quốc gia trong những giai đoạn lịch sử cụ thể, mỗi cơ sở đào tạo đại học có thể tự lựa chọn cho mình một cách tiếp cận phù hợp bảo đảm xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với sứ mệnh và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trong lực lượng Công an nhân dân, công tác giáo dục đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng thực tiễn của Công an các đơn vị, địa phương. Trên cơ sở mô hình năng lực tổng thể đã xác định trước, người học tự đánh giá được khả năng bản thân, chủ động hoàn thiện các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng còn thiếu theo cách thức riêng, đảm bảo các điều kiện tốt nghiệp.

Là đơn vị đào tạo bậc đại học hàng đầu trong lực lượng Công an nhân dân, trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, với những định hướng đúng đắn trong công tác giáo dục, đào tạo, trong đó, quan tâm, chú trọng xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã đào tạo ra hàng vạn lượt học viên các khóa hệ học, tiếp nối truyền thống anh hùng vẻ vang của nhà trường. Quán triệt Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA ngày 28/10/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị số 13/CT-BCA ngày 28/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân, những năm qua Học viện CSND không ngừng chủ động xây dựng, đổi mới hệ thống chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Hiện nay, Học viện đã chủ động xây dựng và đưa vào triển khai chương trình đào tạo đại học theo tín chỉ, bao gồm: 18 chương trình đào tạo đại học chính quy (135 tín chỉ), trong đó có 02 chương trình đào tạo trình độ cử nhân chất lượng cao (140 tín chỉ), 01 chương trình đào tạo cử nhân Luật, chuyên ngành Tư pháp hình sự; 09 chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học, hình thức tập trung (90 tín chỉ) và hình thức vừa làm vừa học (105 tín chỉ); 06 chương trình đào tạo đại học hình thức vừa làm, vừa học (145 tín chỉ); 04 chương trình đào tạo cấp bằng đại học thứ hai (80 tín chỉ) và 06 chương trình đào tạo song bằng. Kết quả này đánh dấu những nỗ lực cố gắng của nhà trường trong xây dựng, phát triển hệ thống chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực, đánh dấu bước chuyển trong xây dựng chương trình đào tạo, từ tiếp cận nội dung, thuần túy trang bị kiến thức truyền thống sang hình thức đào đạo có định hướng trên cơ sở xác định nhu cầu thực tiễn. Các đơn vị chức năng của Học viện đã chủ động phối hợp với các đơn vị giảng dạy nghiên cứu, khảo sát thực tiễn nhu cầu đào tạo của lực lượng, đồng thời, có sự kế thừa những chương trình đào tạo trước đó, trên cơ sở phân định kiến thức các trình độ đào tạo của Bộ Công an, bảo đảm tính cập nhật, phù hợp và hiệu quả.

Tuy nhiên, với đặc thù công tác đào tạo trong các trường CAND nói chung, Học viện CSND nói riêng là quá trình đào tạo lực lượng vũ trang chiến đấu như: Chỉ tiêu tuyển sinh gắn với tuyển dụng, mỗi lớp học là lớp hành chính được biên chế theo chuyên ngành; cơ cấu tổ chức, quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên theo quy định của lực lượng vũ trang (học tập, ăn, ở, sinh hoạt tập trung); thời gian đào tạo áp dụng chung với từng môn học cũng như cả khóa học; học viên có thể được huy động tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình học… Cùng với đó là những tác động của tình hình an ninh, trật tự và yêu cầu của thực tiễn ảnh hưởng trực tiếp tới việc xây dựng chương trình đào tạo của Học viện. Bên cạnh những yếu tố tích cực đã đạt được, quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo của Học viện cũng gặp phải không ít khó khăn, bất cập như: Hệ thống chương trình đào tạo thường xuyên phải cập nhật, thay đổi do sự biến động của tổ chức bộ máy, các văn bản pháp luật, nghiệp vụ có sự sửa đổi, bổ sung; trong những trường hợp cụ thể một số chương trình đào tạo thiếu tính ổn định cần thiết do nhận thức chưa đúng, chưa sát với những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác của ngành Công an; việc phân định kiến thức, sắp xếp các môn học ở một số chương trình chưa sát thực tiễn, nặng về kiến thức đại cương, ít kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chuyên ngành, tạo ra sự gò ép trong quá trình dạy và học; không ít chương trình phải chỉnh sửa nhiều lần, gây lãng phí nhân lực, tài chính; tính mềm dẻo, linh hoạt của các chương trình đào tạo còn hạn chế, học viên ít có sự lựa chọn về môn học thuộc các học phần tự chọn; quá trình xây dựng chương trình đào tạo còn có nhiều trường hợp chưa được bàn bạc dân chủ tại các khoa chuyên ngành, dẫn đến bị động lúng túng khi xây dựng chương trình mới; vẫn còn tình trạng chất lượng đội ngũ chuyên gia tham gia xây dựng chương trình đào tạo chưa đồng đều, đặc biệt thiếu các chuyên gia về thiết kế chương trình, đại diện các đơn vị, địa phương nơi có nhu cầu đào tạo cán bộ, dẫn tới chất lượng hội thảo, đánh giá trong xây dựng chương trình còn hạn chế. Mặt khác, cho đến thời điểm hiện tại, Học viện cũng chưa tổ chức đánh giá hoặc kiểm định về chương trình đào tạo. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng chương trình đào tạo của Học viện trong thời gian qua.

Thời gian tới, trên tinh thần quán triệt Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và triển khai Đề án 106 về “Kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, hướng tới xây dựng tổ chức bộ máy lực lượng CAND tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tinh gọn tổ chức bộ máy phải gắn liền với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công tác. Để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo đại học tại Học viện CSND theo hướng bám sát vào thực tiễn chiến đấu của Ngành, tác giả đề xuất một số phương hướng và giải pháp cụ thể sau:

Một là, áp dụng quy trình chuẩn trong xây dựng chương trình đào tạo trong các trường CAND nói chung và tại Học viện CSND nói riêng

Bước 1: Trên cơ sở những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng chương trình đào tạo, cần thiết khảo sát, xác định nhu cầu nhân lực theo trình độ và chuyên ngành đào tạo; khảo sát nhu cầu sử dụng cán bộ của Công an các đơn vị, địa phương và ý kiến phản hồi về chương trình đào tạo cũ đang triển khai, từ đó đề ra yêu cầu về khối lượng kiến thức tối thiểu và năng lực học viên cần đạt được khi tốt nghiệp. Gắn đào tạo lý luận với thực tiễn công tác; Bước 2: Xây dựng mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và chuẩn đầu ra đối với chuyên ngành trong chương trình đào tạo. Xác định cấu trúc, khối lượng kiến thức cần thiết của từng môn học trong chương trình đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo theo hướng giảm khối lượng kiến thức lý luận chung, tăng khối lượng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chuyên ngành và kỹ năng mềm; Bước 3: Thiết kế đề cương mô tả chi tiết các học phần theo chương trình đào tạo đã xác định; Bước 4: Tổ chức hội thảo và tiếp tục lấy ý kiến của giảng viên, cán bộ quản lý có kiến thức chuyên sâu về từng chương trình đào tạo, nhất là các giảng viên thuộc các khoa chuyên ngành, các nhà khoa học; Bước 5: Nghiệm thu và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong thực tiễn.

Hai là, xác định chính xác ngành đào tạo và chuyên ngành đào tạo thực sự phù hợp với thực tiễn chiến đấu của lực lượng Cảnh sát.

Hiện nay, trong quá trình đào tạo tại Học viện, việc xác định ngành đào tạo, chuyên ngành đào tạo cũng còn có những vấn đề hạn chế cần tiếp tục phải hoàn thiện. Một số chuyên ngành (Cảnh sát hình sự, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy) mới chỉ dừng lại ở góc độ đào tạo những kiến thức nhất định về hoạt động nghiệp vụ trinh sát, nhưng trên thực tiễn khi tốt nghiệp ra trường các học viên chuyên ngành nói trên phải đảm đương các công việc theo sự phân công của thủ trưởng các đơn vị chiến đấu trong khối cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp, đòi hỏi cần có những kiến thức nghiệp vụ về điều tra theo Tố tụng hình sự. Điều này tạo ra sự bất cập không hề nhỏ, cần phải có sự thay đổi theo xu hướng xác định các chuyên ngành nói trên thuộc ngành Điều tra hình sự khi xây dựng chương trình đào tạo. Đảm bảo việc đào tạo cho người học vừa có kiến thức về hoạt động nghiệp vụ trinh sát, vừa có kiến thức nghiệp vụ điều tra theo tố tụng hình sự. Có như vậy, công tác đào tạo mới thực sự gắn liền với thực tiễn. Bên cạnh đó, việc xác định tên gọi của ngành (Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự) nhưng trong chương trình đào tạo thực chất mới đào tạo các kiến thức chuyên ngành của lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về an ninh, trật tự là chưa thật phù hợp, thiếu thỏa đáng, cần có sự điều chỉnh về cả tên gọi và nội dung chương trình theo hướng thống nhất và phù hợp với thực tiễn.

Ba là, xây dựng cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin phục vụ có hiệu quả việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực.

Hệ thống chương trình đào tạo bậc đại học nói chung, chương trình đào tạo tại Học viện CSND nói riêng chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi nắm bắt được đầy đủ yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn công tác. Do đó, ngay từ khi xây dựng chương trình, đòi hỏi các chủ thể tham gia phải có đầy đủ thông tin, tài liệu về thực trạng chương trình đào tạo đang triển khai, xu hướng phát triển chương trình đào tạo cũng như những yêu cầu cụ thể đặt ra đối với người học khi ra trường. Để đạt được yêu cầu này cần duy trì, bảo đảm mối quan hệ trao đổi thông tin, tài liệu giữa các chủ thể trực tiếp tham gia thiết kế chương trình: Chuyên gia xây dựng chương trình đào tạo - cán bộ quản lý giáo dục - giảng viên trực tiếp giảng dạy - chuyên gia ở các đơn vị thực tiễn liên quan - người học. Những thông tin phục vụ xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo đòi hỏi tính cập nhật, chính xác và toàn diện. Qua đó, giúp các đơn vị tham gia có nhìn nhận đánh giá khách quan về hệ thống chương trình đào tạo đang triển khai, tính cấp thiết cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo.

Bốn là, chủ động lựa chọn đội ngũ chuyên gia có chuyên môn tốt tham gia xây dựng và phát triển chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Xây dựng, phát triển hệ thống chương trình đào tạo là một hoạt động chuyên môn phức tạp, cần huy động chất xám của tập thể, do đó, lựa chọn những đơn vị, cá nhân tham gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định đến hiệu quả, chất lượng trong thực tiễn của chương trình đào tạo. Cán bộ được huy động tham gia phải là những chuyên gia, nhà giáo dục, cán bộ thực tiễn có trình độ và kinh nghiệm nhất định trong chính lĩnh vực chuyên ngành được xây dựng. Ngoài ra, tùy theo lĩnh vực, chuyên ngành cụ thể có thể huy động thêm những cá nhân, đơn vị có mối quan tâm hoặc những chủ thể hưởng lợi từ việc phát triển chương trình đào tạo. Tuy nhiên, để đảm bảo xây dựng, phát triển được hệ thống chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi có sự tham gia của những chủ thể chính sau: Chuyên gia về phát triển chương trình đào tạo; những giảng viên, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giảng dạy, cán bộ quản lý giáo dục, Công an các đơn vị, địa phương (nếu xét thấy cần thiết) và khai thác tối đa ý kiến phản hồi của người học đã tốt nghiệp hoặc đã học xong những môn học nhất định trong chương trình đào tạo. Xây dựng các chương trình tập huấn về công tác thiết kế, phát triển chương trình đào tạo cho các chuyên viên, giảng viên có trình độ và kinh nghiệm giảng dạy. Chủ động tổ chức các hội thảo khoa học về những chủ đề có liên quan đến xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, tiếp cận năng lực trong xây dựng chương trình đào tạo tại các trường CAND nói chung, Học viện CSND nói riêng. Qua đó, các chủ thể tham gia xây dựng chương trình đào tạo có điều kiện trao đổi, thảo luận, đánh về ưu điểm, hạn chế của chương trình đào tạo hiện hành, từ đó đưa ra những giải pháp mang tính khoa học, hiệu quả trong phát triển chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu công tác Công an.

Năm là, phát huy vai trò, tính tích cực và mở rộng dân chủ của các khoa chuyên ngành trong việc tham gia, xây dựng chương trình đào tạo.

Điểm mấu chốt và cơ bản của chất lượng chương trình đào tạo tại Học viện CSND là gắn liền với các chuyên ngành, theo hệ các lực lượng nghiệp vụ CSND. Do đó, cần thiết khi xây dựng chương trình đào tạo phải huy động được toàn bộ các giảng viên của khoa chuyên ngành cùng bàn bạc, thảo luận, phát huy trí tuệ để đưa ra các môn học hợp lý nhất, có tính tối ưu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tuyệt đối tránh tình trạng vì bệnh thành tích mà chỉ có một hoặc vài người tham gia để “cho ra bằng được chương trình đào tạo” trong thời gian ngắn nhất. Muốn vậy, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị phải gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm, thường xuyên quán triệt, giao nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra giảng viên, nhất là những người có kinh nghiệm lâu năm, có chuyên môn tốt, tâm huyết tham gia xây dựng, thiết kế từng phần, từng chương, từng nội dung của môn học nhằm phát huy tối đa trí tuệ của tập thể trong xây dựng chương trình đào tạo. Sau đó, tổ chức hội thảo nhiều lần để lựa chọn dung lượng, cấu trúc các môn học thật phù hợp, bảo đảm vừa sâu về nghiệp vụ, đúng với lý luận và sát với thực tiễn chiến đấu của hệ lực lượng được đào tạo. Đồng thời, khi đưa ra hội đồng nghiệm thu chương trình đào tạo cấp Học viện, đơn vị có trách nhiệm xây dựng chương trình đào tạo phải kiên quyết dám bảo vệ những nội dung khoa học đã được tập thể khoa, bộ môn cho ý kiến thống nhất; có trách nhiệm tiếp thu tối đa các ý kiến chuyên gia nhằm chỉnh sửa chương trình đào tạo thật sự gắn với thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CSND trong tình hình mới.

PGS.TS Nguyễn Kim Phong
Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo - Học viện CSND

Tài liệu tham khảo:
- Luật Giáo dục đại học 2012;
- Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học và quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ;
- Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
- Chỉ thị số 06/CT-BCA-X02 ngày 8/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an về nhiệm vụ công tác trọng tâm năm học 2018 - 2019 trong Công an nhân dân;
- Nghị quyết số 17/NQ-ĐU ngày 28/10/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân;
- Chỉ thị số 13/CT-BCA ngày 28/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân;
- Báo cáo tổng kết năm học (2014 - 2015; 2015 - 2016; 2016 - 2017; 2017 - 2018) của Học viện CSND.

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất