Tiêu điểm
Thứ Sáu, 1/2/2019 10:14'(GMT+7)

Công tác hậu cần tại Học viện Cảnh sát nhân dân - những định hướng trong thời gian tới

Suốt chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành của Học viện Cảnh sát nhân dân, công tác hậu cần của Học viện đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công của Học viện. Trong suốt chặng đường ấy, công tác hậu cần đã từng bước chủ động, linh hoạt tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tận dụng các thời cơ thuận lợi, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của học viện, hoàn thành mọi yêu cầu công tác. Trước những đòi hỏi của nhiệm vụ xây dựng và phát triển Học viện trong giai đoạn mới, công tác hậu cần bảo đảm luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc ưu tiên xác định là một trong những công tác trọng tâm, mũi nhọn. Để định hướng công tác hậu cần trong thời gian tới, phục vụ đúng yêu cầu của công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện, nhất thiết phải đánh giá những công việc đã đạt được và có kế hoạch cụ thể cho những công việc cần hoàn thiện tiếp theo. Cụ thể:

Về công tác xây dựng cơ sở vật chất

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, cơ sở vật chất của học viện ngày càng được củng cố, xây dựng và tu bổ nhằm phục vụ tốt hơn cho các mặt công tác của Học viện. Các công trình của Học viện được tập trung xây dựng theo các nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện.

Thứ nhất, nhóm các công trình phục vụ công tác đào tạo. Hiện tại, hệ thống giảng đường, phòng học của Học viện với 101 phòng học lý thuyết cơ bản được trang bị bục giảng thông minh (21 phòng); máy chiếu và bảng thông minh (88 phòng). Đặc biệt, năm 2018, Học viện đã đầu tư xây dựng 2 phòng học thông minh với số vốn 5 tỉ đồng, đây là công nghệ tiên tiến nhất trong giảng dạy đại học hiện nay trên thế giới. Bên cạnh đó là Trung tâm huấn luyện thực hành với hệ thống phòng thực hành, phòng mô phỏng lái xe ô tô, phương tiện thủy. Phương pháp đào tạo mới nhằm tăng cường thực hành tình huống nghiệp vụ cho học viên, gắn đào tạo với thực thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ hai, các công trình phục vụ nghiên cứu khoa học. Song song với nhiệm vụ đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học được xác định là một nội dung trọng tâm trong nhiệm vụ của Học viện, bởi vậy, nhiều năm qua, Học viện đã tập trung đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Hiện tại, Học viện có Thư viện nghiệp vụ Cảnh sát với diện tích 5.000m2, phòng hội thảo, phòng đọc, phòng đọc văn hóa Việt Nam, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung tâm xuất bản, lưu trữ được trang bị hàng vạn đầu sách với công nghệ quản lý hiện đại bậc nhất trong các trường đại học ở Việt Nam.

Thứ ba, các công trình huấn luyện thể chất rèn luyện thể lực là một trong những đòi hỏi nền tảng và quan trọng đối với học viên sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia. Trong những năm qua, Học viện đã tập trung đầu tư 2 sân tập điều lệnh, võ thuật ngoài trời đáp ứng cùng lúc cho 25.000 học viên luyện tập, Nhà thi đấu đa năng, bể bơi, sân vận động đạt tiêu chuẩn quốc gia với khán đài 1.100 chỗ ngồi, 02 sân bóng mini với diện tích 2.000m2, sân tennis, trường bắn bán ngầm súng ngắn và súng tiểu liên AK với 10 làn bắn.

Thứ tư, các công trình phục vụ giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng lòng yêu nước cho cán bộ, giảng viên và học viên, Học viện đã xây dựng: Bảo tàng Học viện Cảnh sát nhân dân, nhà Sàn, nhà Rông nơi trưng bày trang phục truyền thống và vật dụng của 54 dân tộc Việt Nam; Văn Miếu Học viện nơi diễn ra các sự kiện giáo dục quan trọng của nhà trường như: Trao bằng Tiến sĩ, Giáo sư, Phó Giáo sư. Khu chủ quyền Quốc gia, khu Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Công an qua các thời kỳ, nơi ghi danh các gương mặt tiêu biểu qua các thời kỳ.  

Thứ năm, để tạo môi trường xanh, sạch, đẹp phù hợp và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Bên cạnh các công trình phục vụ cho huấn luyện nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, các công trình hồ cảnh quan, vườn cây, cột đồng hồ, Khu trưng bày 1 góc quê hương với 63 hình ảnh đại diện đặc trưng của 63 tỉnh thành cả nước.

Về trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học
Với hệ thống thiết bị quản trị làm việc hệ thống camera giám sát khu vực công cộng và khu vực giảng đường, hệ thống quản lý văn bản điều hành điện tử giúp giảm thiểu chi phí và thời gian xử lý văn bản. Không ngừng trang cấp các trang thiết bị làm việc cho cán bộ, giảng viên nhằm phục vụ tốt nhất công tác giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Công tác hậu cần luôn quan tâm đầu tư, trang bị theo hướng tập trung, chuyên sâu, đồng bộ với phương châm "Lấy học viên và giảng viên làm trung tâm cho đầu tư, trang bị" nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học và đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Học viện. Đến nay, ngoài việc trang cấp cho cán bộ, giảng viên theo quy định, chế độ, Học viện còn vận dụng và tập trung đầu tư trang bị được: Hệ thống bục giảng điện tử, bảng thông minh và máy chiếu; phòng thực hành tin học; hệ thống camera giám sát trên các hội trường, giảng đường; hệ thống mượn trả sách tự động tại Thư viện nghiệp vụ Cảnh sát; hệ thống quản lý điện thông minh và hệ thống điều hòa tại các phòng học; hệ thống các phòng đọc văn hóa: Việt Nam, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc; hệ thống thư viện điện tử hiện đại; hệ thống phòng học thông minh (với đầy đủ thiết bị tương tác giữa giảng viên và học viên: hệ thống máy chủ, máy vi tính xách tay, màn hình tương tác, phần mềm quản lý điều hành, hệ thống camera tự động ghi hình...); hệ thống các phòng học chuyên ngành: Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Kỹ thuật hình sự; Phòng bắn súng điện tử; phòng lab phục vụ giảng dạy và học tập tiếng Anh và tiếng Trung Quốc; hệ thống các phần mềm phục vụ công tác quản lý nhà trường và hỗ trợ giảng dạy; phòng Studio phục vụ xây dựng các bài giảng điện tử; phòng mô phỏng hệ thống lái phương tiện thủy, phòng mô phỏng lái xe ôtô...

Việc triển khai và quản lý các công trình cũng như tài sản sau khi được đầu tư mua sắm đã được thực hiện một cách triệt để, khoa học, đúng quy định. Trên phương diện quản lý tài sản, Học viện đã xây dựng quy trình quản lý, sử dụng trang thiết bị, khai thác, quản lý triệt để tiện ích phương tiện, công trình. Do đó, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện cũng như quản lý các công trình, dự án bảo đảm nhanh chóng, an toàn, hiệu quả. Những dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang bị, phương tiện, thiết bị trong Học viện thực sự là những yếu tố tích cực, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện.

Một số nội dung trọng tâm của công tác hậu cần thời gian tới

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần nhằm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Học viện thành trường trọng điểm của ngành và Quốc gia; chính vì vậy, công tác hậu cần trong thời gian tới tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

- Nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn của lực lượng làm công tác hậu cần đáp ứng chức trách, nhiệm vụ được giao là một trọng tâm công tác được Đảng ủy, Ban Giám đốc thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Cán bộ, chiến sĩ phát huy tính tích cực, tự giác, tự học để nâng cao kiến thức, trình độ nghiệp vụ theo yêu cầu chức trách, nhiệm vụ và lĩnh vực công tác.

- Tập trung huy động tiềm lực, nguồn vốn trong và ngoài ngành để nâng cao năng lực và hiệu quả công tác đầu tư, trang cấp trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác giáo dục, đào tạo và các hoạt khác của Học viện. Đặc biệt, coi trọng việc xã hội hóa giáo dục và huy động nguồn vốn ODA để bổ sung nguồn kinh phí phục vụ công tác bảo đảm và phát triển cơ sở vật chất của Học viện.

- Phát triển công tác hậu cần, kỹ thuật nói chung và đầu tư trang bị, trang cấp trang thiết bị, phương tiện nói riêng theo chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đảm bảo phục vụ tốt cho việc học tập của học viên các chuyên ngành Hình sự, Kỹ thuật hình sự, Vũ trang, Môi trường, Ma túy, Kinh tế…

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm trang thiết bị vật tư, kỹ thuật phục vụ công tác giáo dục - đào tạo của Học viện theo từng năm học theo hướng chuyên sâu, hiệu quả, đầu tư trọng tâm, trọng điểm.  

- Tập trung các nguồn lực đầu tư nâng cao về cơ sở vật chất: Xây dựng Trung tâm bồi dưỡng và hợp tác quốc tế, khán đài B sân vận động, trường bắn ngầm, nhà khách, nhà ăn cán bộ và hội trường 1.000 chỗ.

Công tác hậu cần đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển của Học viện Cảnh sát nhân dân. Từ nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác hậu cần trong công tác đào tạo và phát triển Học viện. Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện luôn chủ động, kịp thời quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch công tác hậu cần đảm bảo các hoạt giáo dục - đào tạo và xây dựng, phát triển cơ sở vật chất cho Học viện theo từng năm học và nhiệm kỳ của Đảng bộ phù hợp với điều kiện và chức năng, nhiệm vụ của Học viện.

Đại tá, PGS.TS Phạm Công Nguyên
Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất