Tiêu điểm
Thứ Sáu, 25/1/2019 10:17'(GMT+7)

Thư viện Học viện Cảnh sát nhân dân với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Hiện nay, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động tới mọi lĩnh vực trong xã hội, trong đó có hoạt động thư viện. Khái niệm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mô tả về môi trường trong đó, con người sẽ điều khiển máy tính, tự động hóa làm việc theo một cách hoàn toàn mới. Những con robot, hay máy móc sẽ được kết nối vào những hệ thống máy tính. Các hệ thống này sử dụng thuật toán để học hỏi và điều khiển máy móc, cần rất ít hoặc thậm chí là không cần sự can thiệp nào từ con người. Đây là lý do mà nhiều người gọi công nghiệp 4.0 như là một "nhà máy thông minh". Và để có đủ dữ liệu phục vụ cho công nghiệp 4.0, các máy móc phải "cống hiến" dữ liệu ngược lại về hệ thống trung tâm cũng như thu thập dữ liệu từ các nguồn bên ngoài thì quyết định máy đưa ra mới chính xác. Đây chính là khái niệm Mạng lưới vạn vật kết nối (Internet of Things) mà chúng ta đã nghe nhiều trong thời gian qua. Đặc trưng cơ bản của cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hợp nhất giữa các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số, sinh học để giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, sự kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực, các hệ thống kết nối Internet.

Trong tiến trình phát triển của giáo dục Việt Nam, giáo dục trong Công an nhân dân cũng không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lực lượng Công an nhân dân phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự. Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND), một cơ sở đào tạo đầu ngành trong Công an nhân dân xác định mục tiêu hàng đầu là không ngừng đổi mới nội dung cũng như chương trình giảng dạy nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của Ngành trong các giai đoạn phát triển khác nhau. Trong lộ trình phát triển theo kế hoạch của Chính phủ và Bộ Công an, Học viện CSND đang phấn đấu xây dựng nhà trường trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và chuẩn quốc gia vào năm 2020 nhằm góp phần nâng cao vị thế và uy tín của lực lượng CSND Việt Nam theo xu thế phát triển của thế giới và khu vực trong quá trình hội nhập quốc tế. Để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới trong công tác giáo dục, đào tạo đạt hiệu quả cao, Học viện CSND đã triển khai kế hoạch hướng đến xây dựng Trung tâm Lưu trữ và Thư viện hiện đại để tích cực tham gia góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện. Với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, hoạt động thư viện tại Học viện CSND đã đóng góp một phần không nhỏ vào hoạt động giáo dục chung của Học viện và đạt được những thành tựu đáng kể đưa thư viện trở thành bộ phận quan trọng trong công tác giáo dục, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện.

Xác định “Chuẩn hóa - Tin học hóa - Hiện đại hóa” là điểm đột phá trong đổi mới công tác giáo dục, đào tạo, Học viện đã đi đầu, chủ động đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai và vận hành “Học viện CSND điện tử” theo định hướng và mô hình điều hành của Chính phủ điện tử. Trong những năm qua Học viện đã chú trọng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông để phát huy vai trò của thư viện, đặc biệt là thư viện điện tử, học liệu số… đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức, học liệu cho cả người học và người dạy của Học viện.   

Là một đơn vị chức năng trực thuộc Học viện CSND, chịu trách nhiệm chính trong việc quản lí, cung cấp thông tin và tài liệu cho giảng viên và học viên. Trung tâm Lưu trữ và Thư viện đã tập trung xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống tài liệu, thông tin tư liệu, hệ thống phòng đọc đáp ứng yêu cầu học tập và nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Đến nay, tổng số đầu tài liệu Thư viện đang quản lý là 78.849 đầu, 368.930 bản ấn phẩm; 3.091 cuốn luận văn Thạc sĩ; 494 cuốn luận án Tiến sĩ và 689 đề tài nghiên cứu khoa học; 3.145 khóa luận tốt nghiệp; ngoài ra còn có hơn 75 đầu báo, tạp chí phục vụ cho nghiên cứu, học tập và giải trí. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về việc triển khai đề án “Quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Công an nhân dân đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 12/11/2014, tại Quyết định số 1336/QĐ-T32 của Học viện CSND về việc phê duyệt “Đề án phát triển Thư viện nghiệp vụ Cảnh sát giai đoạn 2014 - 2020”. Quyết định số 801/QĐ-T32 ngày 14/6/2013 của Giám đốc Học viện CSND về việc thành lập Ban chỉ đạo Sưu tầm tài liệu các đơn vị, địa phương. Với đề án này, mục tiêu đến năm 2020, Thư viện Nghiệp vụ Cảnh sát sẽ có 10 vạn đầu sách, trong đó có 1 vạn đầu sách là tài liệu ngoại văn.

Trong những năm qua, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện đã từng bước nâng cao chất lượng công tác phục vụ bạn đọc đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, học viên trong nhà trường. Để phục vụ bạn đọc có hiệu quả, Thư viện nghiệp vụ Cảnh sát đã tổ chức nhiều hình thức phục vụ thông qua hệ thống các phòng đọc như: Phòng Giáo trình nghiệp vụ nguồn tài liệu được tổ chức và sắp xếp, phân chia theo các chuyên ngành đào tạo với 17 chuyên ngành, 135.000 nghìn cuốn tài liệu; Phòng Giáo trình chính trị - pháp luật được phân chia theo chuyên đề gồm các tài liệu như Luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Luật Dân sự, Xây dựng Đảng, Xã hội học với 80.940 cuốn; Phòng Luận án - Luận văn - Khóa luận hiện lưu trữ 3.332 bản luận văn, 551 bản luận án Tiến sĩ, 698 đề tài khoa học, 3.145 bản khóa luận tốt nghiệp. Ngoài ra còn có các phòng đọc ngoại văn, Phòng đọc Hồ Chí Minh, Phòng đọc Tôn giáo… nhằm mục đích tạo cho người đọc  tiếp cận tối ưu với tài liệu trong Thư viện và cung cấp thông tin cho người sử dụng Thư viện.

Nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin một cách tối đa nhất, tiện lợi nhất cho bạn đọc, tháng 4/2018 Thư viện đã triển khai hệ thống mượn, trả sách tự động 24/7. Để tiến hành mượn/trả tài liệu, bạn đọc chỉ cần mang thẻ bạn đọc và tài liệu tới máy mượn sách. Thao tác đầu tiên là đưa thẻ bạn đọc vào máy để máy nhận biết thông tin của người mượn sau đó bạn đọc để sách, tài liệu lên máy để anten hoặc quét đầu mã vạch của thiết bị đọc, kích hoạt thẻ gửi và thông tin về tài liệu tới bộ đọc. Thông tin về bạn đọc và tài liệu sẽ được các phần mềm trung gian và phần mềm thư viện điện tử tích hợp xử lý sau đó hiện thông tin lên màn hình để người mượn theo dõi, nếu thông tin đúng thì người mượn thực hiện thao tác chấp nhận, thiết bị sẽ tắt các chức năng bảo vệ trên chip RFID gắn trên tài liệu và in biên nhận. Hệ thống mượn trả tự động tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin thư viện của nhà trường.

Đặc biệt, được sự quan tâm của Đảng ủy,  Ban Giám đốc Học viện đã đầu tư trang bị máy scan robot Traventots, đây là máy scan hiện đại hàng đầu trong khối các trường, Học viện CAND để phục vụ công tác số hóa tài liệu với tốc độ số hóa cao 2.500 trang/giờ. Ưu điểm tốc độ số hóa nhanh, khắc phục tài liệu cũ nát sang dạng số, căn chỉnh làm sạch và tăng độ đậm nhạt của bản scan… chuyển định dạng PDF sang dạng Word, scan tài liệu có khổ lớn và dầy gáy đến 30cm.

Bên cạnh hệ thống tài liệu truyền thống, nhằm hiện đại hóa và tăng cường tính tiện ích trong việc tra cứu thông tin, Thư viện nghiệp vụ Cảnh sát cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát triển và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ - thông tin hiện đại cùng hệ thống phần mềm tra cứu tiện ích, có khả năng truy cập, khai thác và phân phối thông tin trong toàn Học viện nhằm giúp học viện thỏa mãn nhu cầu thông tin ở các mức độ khác nhau. Thư viện đã xây dựng, quản lý và phát triển nguồn tài nguyên thông tin điện tử thông qua việc số hóa các tài liệu, giáo trình của Học viện và các tài liệu quý hiếm. Bảo đảm 100% giáo trình nằm trong chương trình đào tạo khung được số hóa và xử lý thành sách điện tử, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên, học viên dễ dàng sử dụng giáo trình trên mạng nội bộ cho mục đích học tập và nghiên cứu khoa học. Bổ sung, tăng cường thông tin, tài liệu điện tử từ các nguồn khác nhằm khắc phục sự thiếu hụt tài liệu tham khảo, sự quá tải của kho tài liệu (Mua cơ sở dữ liệu trên mạng, liên kết với các Thư viện trong và ngoài ngành). Thư viện đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng về công nghệ, thông tin theo hướng hiện đại hóa và tăng cường tính tiện ích cho bạn đọc. Bảo đảm bạn đọc có thể truy cập được vào hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thư viện ở bất kỳ đâu trong Học viện thông qua các thiết bị điện tử cầm tay thông minh nhưng vẫn bảo đảm được yếu tố bảo mật thông tin theo quy định Nhà nước và của Ngành.

Trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay và để đưa ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển tự động hóa trong thư viện thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy quản lý, phương thức điều hành hoạt động của Thư viện: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội mới và cả thách thức đối với Việt Nam, trong đó có ngành Thư viện. Vì thế, cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt lãnh đạo Thư viện cần nâng cao nhận thức và đặc biệt cần có định hướng để có thể xây dựng, tổ chức điều hành hoạt động của Thư viện. Bộ Công an cần hoạch định chiến lược phát triển các Trung tâm thư viện trong CAND với các chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn với mục tiêu đồng bộ hóa về công nghệ các Thư viện trong CAND theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa hướng đến xây dựng Thư viện theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009.

Hai là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin. Đây là yếu tố rất quan trọng trong sự phát triển của Thư viện thời đại công nghiệp 4.0 nhằm tăng cường khả năng trao đổi, hợp tác quản lý và khai thác sử dụng thông tin trong môi trường mạng, thực hiện sự phối hợp, chia sẻ nguồn lực thông tin; đối với hệ thống điều hành thư viện điện tử đầu tư hệ điều hành bảo đảm đủ các điều kiện phục vụ cho việc xây dựng và phát triển Thư viện điện tử. Mỗi phần mềm có ưu, nhược điểm riêng nhưng thông thường các phần mềm phải bảo đảm có các module chính của Thư viện (bổ sung, biên mục, quản lý kho, phục vụ bạn đọc, mục lục trực tuyến, phân hệ lưu hành, quản lý tài liệu điện tử, truy hồi và trình bày thông tin, mượn liên thư viện, quản trị hệ thống). Ngoài ra, để tổ chức cho Thư viện điện tử cũng cần có: Phần mềm hệ thống, hệ điều hành và hệ quản trị cơ sở dữ liệu, phần mềm xuất bản điện tử, xuất bản CD/DVD. Cho nên, khi tiến hành cách mạng công nghiệp 4.0 với việc kết nối vạn vật, với hệ thống định vị, cảm biến - điều khiển từ xa thì rõ ràng công tác thư viện sẽ đòi hỏi đầu tư cao và chất lượng về hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất với trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Thư viện điện tử, thư viện số trong Thư viện. Đây là một trong những nội dung trọng tâm của Thư viện trong thời kỳ công nghiệp 4.0, bởi lẽ Thư viện truyền thống sẽ không đáp ứng được cuộc cách mạng này. Chính vì vậy, Thư viện phải chủ động số hóa tài liệu, tăng cường xây dựng Thư viện điện tử, Thư viện số với chất lượng cao, cường độ lớn đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Đây là thước đo trình độ, hiệu quả của Thư viện khi tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều tiện ích: Tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách báo trên mạng…

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây là nhu cầu tất yếu khi cuộc cách mạng 4.0 tác động vào hoạt động thư viện. Vì vậy, cần xây dựng chương trình bồi dưỡng và đào tạo công nghệ thông tin cho cán bộ thư viện với mục đích trang bị kiến thức thông tin cơ bản: mạng máy tính và Internet, xây dựng các thông tin điện tử; bồi dưỡng các khóa ngoại ngữ nâng cao năng lực ngoại ngữ; bồi dưỡng các khoa học chuyên môn nghiệp vụ cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Không ngừng quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ làm thư viện chuyên nghiệp theo hướng thích ứng với những điều kiện và đòi hỏi mới trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu tại các học viện, nhà trường theo hướng cán bộ thư viện chuyên trách; người cán bộ thư viện phải thực sự nỗ lực để trở thành những trợ giảng đắc lực cho giảng viên và là người định hướng cho sinh viên trong việc tra cứu, khai thác và sử dụng thông tin, nhằm thực hiện mục tiêu cần đạt tới, đó là từ chỗ chỉ cung cấp thông tin một cách thụ động trước nhu cầu của người dùng tin, chuyển sang việc bảo đảm cung cấp thông tin một cách chủ động đến người dùng tin.

Năm là, đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc, đây là yêu cầu tất yếu của cuộc cách mạng 4.0 với các hình thức: Đặt chỗ đọc tự động, mượn trả sách tự động, bạn đọc tự chọn sách và quét thẻ thư viện, cán bộ thư viện chỉ cần giám sát, theo dõi… đọc đa phương tiện giúp bạn đọc có thể tiếp cận với thông tin, tri thức tiện lợi hơn.

Sáu là, đẩy mạnh liên kết vùng miền, liên kết chia sẻ nguồn lực thông tin trong thư viện. Bộ Công an sớm thành lập liên hiệp thư viện trong Công an nhân dân đảm nhiệm nhiệm vụ hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên, đồng thời cũng là để bảo đảm tính thống nhất về chuyên môn nghiệp vụ cho toàn bộ hệ thống. Phối hợp hoạt động với các Liên hiệp thư viện trong cả nước tiến hành giao lưu trao đổi về mặt chuyên môn nghiệp vụ thư viện.

ThS, Bùi Thị Diệp Nga
Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Thư viện - Học viện CSND

Tài liệu tham khảo:
1. Cơ hội và thách thức đối với cách mạng công nghiệp 4.0. Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 26/9/2017
2. Việt Nam trước thách thức của cuộc cách mạng 4.0, Công an nhân dân điện tử ngày 5/8/2017
3. Ứng dụng Internet of things vào thư viện hiện đại, cơ hội và thách thức - Tạp chí Thư viện Việt Nam số 1 năm 2018.

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất