gd-dt
Thứ Hai, 7/5/2018 15:1'(GMT+7)

Một số vấn đề về công tác bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, chỉ huy trong CAND tại Học viện CSND

Khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp Phó Cục trưởng, Phó Giám đốc và tương đương khóa 1 năm 2017

Khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp Phó Cục trưởng, Phó Giám đốc và tương đương khóa 1 năm 2017

Đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, trong đó, vấn đề đào tạo cán bộ lãnh đạo, chỉ huy luôn được Đảng, Nhà nước và Ngành Công an đặc biệt quan tâm. Hàng năm, Bộ Công an đã thường xuyên tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng dài hạn, ngắn hạn để cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có điều kiện trau dồi, nâng cao trình độ, cập nhật, bổ sung những kiến thức chính trị, pháp luật, nghiệp vụ đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, góp phần nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong lực lượng Công an nhân dân.

Cùng với tiến trình không ngừng phát triển của Học viện Cảnh sát nhân dân, công tác đào tạo, bồi dưỡng chức danh lãnh đạo chỉ huy trong Công an nhân dân của Học viện Cảnh sát nhân dân cũng có những tiến triển theo thời gian. Trước năm 2015, công tác đào tạo, bồi dưỡng chức danh do Khoa đào tạo Sau đại học và Bồi dưỡng nâng cao tổ chức thực hiện. Hàng năm, lớp bồi dưỡng quy hoạch chức danh cấp phòng được tổ chức từ 2-3 khóa và từ 2-3 năm tổ chức lớp quy hoạch chức danh cấp Cục. Do vậy, công tác bồi dưỡng chức danh còn nhiều hạn chế. Công tác thống kê, lưu trữ, đánh giá kết quả chưa được thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên do Phòng Tổ chức cán bộ phối hợp với các Khoa, Phòng, Bộ môn thực hiện.

Năm 2015, Học viện Cảnh sát nhân dân chính thức được công nhận là trường đại học trọng điểm của Ngành Công an. Quy mô đã thành lập thêm nhiều đơn vị mới, trong đó có Trung tâm Bồi dưỡng chức danh và giáo viên được thành lập. Thực tiễn cho thấy, Thông tư số 18/2016/TT-BCA ngày 01/06/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn, chức danh cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân, Hướng dẫn số 7177/X11-X13 ngày 28/6/2016 của Tổng cục Chính trị Công an nhân dân về hướng dẫn thực hiện Thông tư số 18/2016/TT-BCA đã tạo bước thay đổi về chất và lượng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chức danh của Học viện Cảnh sát nhân dân nói riêng và của Ngành Công an nói chung. Học viện Cảnh sát nhân dân đã giao cho Trung tâm Bồi dưỡng chức danh và Giáo viên tập trung xây dựng chương trình, tổ chức liên kết đào tạo, bồi dưỡng. Đây cũng là nhiệm vụ chính của Trung tâm Bồi dưỡng chức danh và giáo viên. Ngoài ra đơn vị còn tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên đề cho lãnh đạo cấp cao theo yêu cầu hợp tác đào tạo giữa Việt Nam và Bộ Nội vụ vương quốc Căm-pu-chia; hợp tác đào tạo giữa Việt Nam và Bộ An ninh Lào.

Được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, với phương châm đoàn kết, chủ động, sáng tạo. Cho đến nay, Trung tâm Bồi dưỡng chức danh và giáo viên Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức đào tạo hàng trăm lớp bồi dưỡng khác nhau: Bồi dưỡng chức danh, bồi dưỡng quy hoạch chức danh lãnh đạo chỉ huy các cấp trong lực lượng Công an nhân dân; Bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, chuyên đề; Bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều tra; Bồi dưỡng nghiệp vụ Quản lý hành chính, kỹ thuật hình sự; Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục và cải tạo phạm nhân; Bồi dưỡng hoàn thiện Trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị cho cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân; Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, sư phạm nâng cao, bồi dưỡng sư phạm theo chuyên đề cho cán bộ, giáo viên các trường Công an nhân dân. Bên cạnh đó, Học viện Cảnh sát nhân dân còn liên kết với và các lực lượng chức năng ngoài ngành Công an như: Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Thanh tra Chính phủ, Hải quan, Cảnh sát biển... Để mở các lớp bồi dưỡng pháp luật, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra, bồi dưỡng theo chuyên đề. Quá trình tổ chức các lớp bồi dưỡng chức danh lãnh đạo chỉ huy tại Học viện CSND và tổ chức chuẩn đầu ra các lớp tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị tại các địa phương cho thấy nhu cầu đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị trong lực lượng Công an nhân dân rất lớn, trong khi đó năng lực đào tạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chưa thể đáp ứng ngay so với nhu cầu của Bộ Công an. Học viện Cảnh sát nhân dân đã báo cáo Tổng Cục Chính trị Công an nhân dân và được lãnh đạo Bộ Công an đồng ý trình và báo cáo Ban Tổ chức Trung ương cho phép Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Chính trị Công an nhân dân được phép thí điểm đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị cho đối tượng thuộc ngành Công an. Học viện Cảnh sát nhân dân đã giao cho Trung tâm Bồi dưỡng chức danh và Giáo viên là đơn vị đầu mối quản lý nhà nước để tham gia tổ chức xây dựng chương trình kế hoạch và tổ chức đào tạo, quản lý hệ cao cấp lý luận chính trị của Học viện Cảnh sát nhân dân.

Trải qua 3 năm tổ chức các lớp bồi dưỡng lãnh đạo chỉ huy các cấp trong Công an nói chung với gần 1500 lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị địa phương trong cả nước tham gia học tập và các hệ bồi dưỡng khác với trên 5000 cán bộ tham gia bồi dưỡng. Đối với hệ bồi dưỡng lãnh đạo cấp cao và bồi dưỡng nghiệp vụ theo hiệp định hợp tác đào tạo giữa Việt Nam và Bộ Nội vụ vương quốc Căm-pu-chia từ năm 2015 đến nay đã tổ chức được 15 lớp với gần 600 học viên; hợp tác đào tạo giữa Việt Nam và Bộ An ninh Lào là 06 lớp với gần 100 học viên được đánh giá cao. Qua đó, đã khẳng định việc thành lập Trung tâm Bồi dưỡng chức danh và Giáo viên tại Học viện Cảnh sát nhân dân là đơn vị chuyên trách trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, nghiệp vụ và quản lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quy hoạch lãnh đạo các cấp trong lực lượng Công an nhân dân là chủ chương đúng đắn và kịp thời của Lãnh đạo Bộ, phù hợp với xu thế phát triển của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình hiện nay.

Những kết quả thành công trên có được là do:

Thứ nhất, đơn vị tổ chức đào tạo bám sát chương trình do Bộ Công an ban hành và thường xuyên cập nhật nội dung, hình thức tổ chức cho phù hợp với từng loại hình, đối tượng đào tạo. Học viện Cảnh sát nhân dân đã thực hiện nghiêm túc công tác xây dựng kế hoạch mở lớp, chuẩn bị các điều kiện mở lớp, phân công nhiệm vụ tổ chức công tác bồi dưỡng. Về cơ bản, các nội dung chương trình, tài liệu của các hệ học đảm bảo về yêu cầu, chất lượng.

Thứ hai, lãnh đạo Bộ Công an, Tổng Cục Chính trị Công an nhân dân và Cục Đào tạo Bộ Công an trong những năm qua đã quan tâm đến công tác bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là bồi dưỡng, quy hoạch chức danh lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân các cấp nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong Công an nhân dân đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Trong đó, việc hướng dẫn và phân bổ chỉ tiêu bồi dưỡng chức danh và bồi dưỡng quy hoạch chức danh lãnh đạo các cấp được thực hiện thường xuyên và quan tâm sâu sát.

Thứ ba, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã có những chỉ đạo kịp thời và đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng chức danh. Quyết định số 6124/QĐ-X11-X12 tháng 08 năm 2015 đánh dấu sự ra đời và thành lập Trung tâm Bồi dưỡng chức danh và Giáo viên tại Học viện Cảnh sát nhân dân, quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của trung tâm. Theo đó, Trung tâm Bồi dưỡng chức danh và Giáo viên là một đơn vị, đầu mối độc lập thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân.

Thứ tư, sự phối hợp có trách nhiệm của đơn vị công an các địa phương trong việc chọn cử đúng người, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy tham gia các lớp học, khóa học.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì công tác bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân cũng còn những khó khăn nhất định. Đó là:

Một là, nguồn kinh phí tổ chức lớp còn hạn chế và chưa có sự phân định rõ ràng trong kinh phí tổ chức bồi dưỡng chức danh và các hệ bồi dưỡng khác, dẫn đến tình trạng chỉ tiêu được giao và kinh phí đươc cấp không tương xứng.

Hai là, nội dung, chương trình, thời gian đào tạo, bồi dưỡng chưa hợp lý. Hiện trạng cho thấy, nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng chức danh còn chồng chéo, chưa cụ thể. Các chương trình bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng còn chung chung, đan xen với các chương trình khác.

Ba là, việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng giữa các đơn vị trong Học viện Cảnh sát nhân dân còn tình trạng chồng chéo, nhiều đơn vị khác ngoài Trung tâm Bồi dưỡng chức danh và Giáo viên cùng tiến hành tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Trung tâm bồi dưỡng chức danh và Giáo viên được thành lập theo quyết định của Bộ thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng chức danh và giáo viên, là cơ quan đại diện cho Học viện Cảnh sát nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng chức danh và giáo viên. Song, trong những năm qua, nhiều đơn vị cùng tiến hành hoạt động tổ chức đào tạo trên nên việc quản lý, đánh giá, cấp chứng chỉ, quản lý chứng chỉ, lưu trữ hồ sơ… còn nhiều hạn chế.

Bốn là, trong quá trình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng còn có sự chồng chéo về đối tượng tại các cơ sở đào tạo như Học viện Chính trị Công an nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân...

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, xin kiến nghị một số vấn đề sau:

Đối với Bộ Công an:

- Trong tiến trình phát triển của lực lượng Công an nhân dân nhất định phải cần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Công an nhân dân nói chung và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy nói riêng. Tuy nhiên, thời gian qua việc đào tạo bồi dưỡng chức danh lãnh đạo chỉ huy trong Công an nhân dân chưa được thống nhất về đối tượng bồi dưỡng, lĩnh vực bồi dưỡng. Vì vậy, đề nghị Bộ Công an cần có thống nhất và quyết định công tác trên cần phải được tách bạch và giao cho từng đơn vị trường trọng điểm với đối tượng cụ thể như tham mưu chỉ huy, xây dựng lực lượng cho Học viện Chính trị Công an nhân dân bồi dưỡng; lực lượng Cảnh sát nhân dân, lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy giao cho Học viện Cảnh sát nhân dân bồi dưỡng và lực lượng An ninh nhân dân giao cho Học viện An ninh nhân dân để thống nhất quản lý và tận dụng được năng lực đội ngũ giảng viên chuyên trách là cần thiết để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

- Bộ Công an cần tăng thêm kinh phí và dành riêng kinh phí cho hệ bồi dưỡng chức danh hoặc huy động các nguồn kinh phí khác để đáp ứng yêu cầu công tác bồi dưỡng trong tình hình mới. Kinh phí đào tạo nên dành riêng, không để chung với các nguồn kinh phí khác, tránh tình trạng chung chi vào các khoản chi khác dẫn đến tình trạng, chỉ tiêu được giao và kinh phí không tương xứng.

- Bộ Công an cần có khảo sát nhu cầu đào tạo bồi dưỡng chức danh để có tổng kết đánh giá để có sự chỉ đạo hợp lý. Hiện nay, qua khảo sát sơ bộ ở các địa phương cho thấy nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng chức danh lãnh đạo chỉ huy trong Công an nhân dân là rất lớn. Mỗi một đơn vị Công an tỉnh cũng có khoảng trên 250 cán bộ lãnh đạo cần bồi dưỡng để đáp ứng bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh. Nếu chỉ dùng nguồn kinh phí thường xuyên và cách thức tổ chức đào tạo bồi dưỡng như hiện nay thì mỗi năm một đơn vị Công an tỉnh chỉ cử đi đào tạo tại các trường Công an nhân dân khoảng từ 15 - 20 cán bộ. Như vậy sẽ không đáp ứng được nhu cầu học tập bồi dưỡng cho các địa phương, cũng như không đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chỉ huy Công an nhân dân do Bộ Công an đã chỉ đạo.

- Đề nghị Bộ Công an nên giao quyền cho các đơn vị địa phương chủ động nguồn kinh phí và lựa chọn liên kết với các cơ sở đào tạo trong ngành Công an để tổ chức mở các lớp bồi dưỡng chức danh ngay tại địa phương để tạo điều kiện cho cán bộ hoàn thiện bồi dưỡng chức danh. Các địa phương sẽ có quyền lựa chọn những cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, khả năng tốt hơn để liên kết đào tạo. Bên cạnh đó, cũng giảm áp lực cho các Nhà trường khi cơ sở vật chất còn khó khăn; học viên cũng sẽ thuận lợi hơn khi không phải mất nhiều thời gian tập trung về các cơ sở đào tạo để học tập.

- Nội dung chương trình bồi dưỡng, ngày 01 tháng 2 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 526/QĐ-BCA-X11 ban hành khung chương trình bồi dưỡng chức danh và Quyết định số 527/QĐ-BCA-X11 ban hành khung chương trình bồi dưỡng cán bộ quy hoạch chức danh lãnh đạo chỉ huy trong Công an nhân dân, thời lượng và thời gian bồi dưỡng có sự điều chỉnh cho phù hợp với từng loại hình bồi dưỡng. Các chương trình Bồi dưỡng Lãnh đạo cấp phòng theo Học viện Cảnh sát nhân dân là chưa thật hợp lý. Do vậy, kiến nghị với Cục Đào tạo, Bộ Công an cần sửa đổi ban hành chương trình khung cho từng loại hình như: Bồi dưỡng chức danh Trưởng phòng, phó trưởng phòng; Bồi dưỡng quy hoạch chức danh Trưởng phòng và phó trưởng phòng thành hai cấp riêng biệt để đảm bảo đúng đối tượng cần bồi dưỡng

Đối với Học viện Cảnh sát nhân dân

- Với chức năng nhiệm vụ của trung tâm bồi dưỡng chức danh và giáo viên thì việc tổ chức đào tạo hệ bồi dưỡng chức danh nói riêng và các hệ bồi dưỡng nói chung cần được tập chung giao cho đơn vị Trung tâm là một đơn vị, đầu mối độc lập đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ và thống nhất trong công tác quản lý nhà nước, tránh tình trạng việc tổ chức quản lý các lớp bồi dưỡng được giao cho nhiều đơn vị trong Học viện. Do vậy, dẫn đến mạnh ai lấy làm, không có một đơn vị nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác tổ chức các lớp bồi dưỡng nói chung và bồi dưỡng chức danh lãnh đạo chỉ huy nói riêng.

Trên đây, là một số vấn đề cơ bản có liên quan đến công tác Bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu phát triển Học viện Cảnh sát nhân dân trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Ngành và của Quốc gia, đòi hỏi công tác Bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân phải tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Đảng ủy Ban giám đốc Học viện và các đơn vị chức năng liên quan, tạo điều kiện thuận lợi, khắc phục những khó khăn, tồn tại để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

                                                          Đại tá, TS Phạm Ngọc Cường

                                          Giám đốc Trung tâm BDCD và GV - Học viện CSND

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất