gd-dt
Thứ Hai, 7/5/2018 15:35'(GMT+7)

Xây dựng Viện Khoa học Cảnh sát đáp ứng yêu cầu cơ sở giáo dục đại học trọng điểm đạt chuẩn quốc gia

Ngày 20/8/2015, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 5059/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Viện Khoa học Cảnh sát thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của một đơn vị mới cũng như bước phát triển của Học viện Cảnh sát nhân dân với tư cách là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của ngành Công an.

 Viện Khoa học Cảnh sát có cơ cấu tổ chức bộ máy gồm 6 đơn vị trực thuộc: Văn phòng Viện; Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm; Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông; Trung tâm Nghiên cứu phát triển lý luận Cảnh sát; Tạp chí Cảnh sát nhân dân; Viện Khoa học Cảnh sát (cơ sở phía Nam, tại 258 Nguyễn Trãi, Q1, thành phố Hồ Chí Minh).

Với chức năng giúp Giám đốc Học viện tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; tổng kết lý luận và thực tiễn trên các lĩnh vực tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, điều tra tội phạm; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân; đề xuất, kiến nghị các chủ trương, chính sách, biện pháp về phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân; tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Cảnh sát; phối hợp thực hiện các chương trình, kế hoạch đào tạo cán bộ theo quy định; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học; xuất bản các tạp chí theo quy định của pháp luật và của Bộ trưởng Bộ Công an.

Đến nay, tổng số cán bộ của Viện Khoa học Cảnh sát là 101 đồng chí, trong đó: Về trình độ, có 29 Tiến sĩ, 22 Thạc sĩ, 43 Cử nhân. Về chức danh, có 03 Giáo sư, 09 Phó Giáo sư, 13 giảng viên chính, 12 giảng viên. Với đội ngũ cán bộ như hiện nay, Viện Khoa học Cảnh sát là đơn vị có đội ngũ cán bộ có trình độ cao đứng đầu trong các đơn vị thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, kể từ khi thành lập đến nay, tuy thời gian chưa dài, Viện Khoa học Cảnh sát đã có rất nhiều cố gắng trong tham mưu, tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học; tổ chức nghiên cứu các vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phòng ngừa tội phạm, điều tra tội phạm; đã tham mưu, đề xuất cho chính quyền thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh một số vấn đề về giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm trong một số lĩnh vực cụ thể. Cán bộ, chiến sĩ của Viện Khoa học Cảnh sát cũng đã tích cực tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học: Tham gia nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước; chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Bộ, cấp cơ sở. Triển khai thực hiện một số đề tài khoa học với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh; Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội. Ngoài ra, Viện Khoa học Cảnh sát còn là đầu mối xuất bản Tạp chí Cảnh sát nhân dân: Gồm 01 tạp chí chính và 03 ấn phẩm chuyên đề, 01 ấn phẩm Tạp chí CSND bằng tiếng Anh và Trang thông tin điện tử của Tạp chí. Tạp chí của Học viện là một trong những tạp chí xuất bản đều kỳ, đảm bảo chất lượng của Bộ Công an.

Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, cán bộ, chiến sĩ Viện Khoa học Cảnh sát còn tham gia tích cực vào hoạt động biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và học viên.

Có thể nói, kể từ khi thành lập cho đến nay, cán bộ, chiến sĩ Viện Khoa học Cảnh sát đã có rất nhiều cố gắng để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, qua đó từng bước khẳng định vị thế của Viện Khoa học Cảnh sát tại Học Viện Cảnh sát nhân dân nói riêng, trong lực lượng Công an nhân dân nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các nhà khoa học, cán bộ Viện Khoa học Cảnh sát thì vẫn còn những hạn chế, thách thức nhất định cần phải được khắc phục để đáp ứng được yêu cầu khi Học viện Cảnh sát nhân dân trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm của Quốc gia.

Theo chúng tôi, những hạn chế đó là:

Thứ nhất, số lượng cán bộ của Viện có trình độ cao chiếm tỷ lệ lớn, song vẫn chưa mạnh; chưa có nhiều chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tham mưu, đề xuất mà Viện đang đảm nhận.

Thứ hai, bên cạnh đa số cán bộ yên tâm công tác, chủ động, tích cực, có ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao thì còn một số cán bộ chưa thực sự yên tâm công tác, chưa năng động, tích cực, chưa có ý thức trách nhiệm đối với công việc, còn có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, ỷ lại.

Thứ ba, chưa có sự quy tụ, tận dụng, phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia, các chuyên viên cao cấp đang công tác tại Học viện Cảnh sát nhân dân đối với sự phát triển của Viện Khoa học Cảnh sát. Chưa khuyến khích, động viên được các nhà khoa học, các chuyên viên thực sự tận tâm với hoạt động nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Cảnh sát.

Thứ tư, số cán bộ có trình độ chuyên môn chuyên sâu ở một số lĩnh vực đặc thù của Viện Khoa học Cảnh sát còn thiếu, điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng công tác tham mưu, đề xuất, chất lượng hoạt đông nghiên cứu khoa học, giảng dạy, xuất bản tạp chí.

Trước những yêu cầu, đòi hỏi đối với sự phát triển của Viện Khoa học Cảnh sát nói riêng, Học viện Cảnh sát nhân dân nói chung khi Học viện Cảnh sát nhân dân trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm của Quốc gia. Việc xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động cũng như vị thế của Viện Khoa học Cảnh sát cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:

Một là, nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động của Viện Khoa học Cảnh sát trong tương lai khi Học viện Cảnh sát nhân dân trở thành cơ sở giáo dục chất lượng cao của Quốc gia.

Cần xây dựng chiến lược mở rộng phạm vi nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, công tác xuất bản tạp chí. Mở rộng đồng thời tập trung các nghiên cứu mang tính chuyên sâu của các trung tâm nghiên cứu: Trung tâm Nghiên cứu phát triển lý luận Cảnh sát; Trung tâm Tội phạm học và Điều tra hình sự; Trung tâm Nghiên cứu trật tự an toàn giao thông. Phấn đấu xây dựng các trung tâm này thành cơ sở nghiên cứu đầu ngành của lực lượng CSND và đưa các sản phẩm nghiên cứu vào ứng dụng nhiều hơn trong thực tế công tác, chiến đấu cũng như trong quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội của lực lượng CSND.

Hai là, làm tốt hơn nữa công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ Viện Khoa học Cảnh sát.

Là một đơn vị mới thành lập, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vất vả ban đầu. Vì vậy, khi được phân công về công tác tại Viện Khoa học Cảnh sát sẽ có những trường hợp cán bộ chưa thực sự yên tâm công tác, có xu hướng muốn chuyển đơn vị khác, do đó phần nào ảnh hưởng đến tư tưởng chung của đơn vị cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả công tác của cá nhân cán bộ đó và của đơn vị. Để khắc phục tình trạng này, làm cho 100% cán bộ được phân công về công tác tại Viện Khoa học Cảnh sát yên tâm công tác, rất cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện; của lãnh đạo Viện cũng như lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện. Cần tạo điều kiện cả về tinh thần và vật chất, nhất là với các đơn vị mới thành lập, còn có nhiều khó khăn.

Bên cạnh việc làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, khuyến khích, động viên kịp thời cũng cần có những biện pháp giáo dục, xử lý thích hợp đối với các trường hợp thiếu ý thức rèn luyện, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ba là, các đơn vị cần phân loại, đánh giá cán bộ; bố trí cán bộ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường; đề xuất các biện pháp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cán bộ

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và số lượng cán bộ thực tế của đơn vị, lãnh đạo các đơn vị cần có sự phân loại, đánh giá cán bộ để từ đó có biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên, khuyến khích họ tích cực, chủ động, tận tâm với công việc được giao. Qua đánh giá cán bộ, lãnh đạo các đơn vị bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp với trình độ, phát huy được năng lực, sở trưởng của cán bộ, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Dựa trên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện Cảnh sát nhân dân, các đơn vị thuộc Viện Khoa học Cảnh sát cần chủ động đề xuất, tạo điều kiện cho cán bộ đơn vị mình tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng được yêu cầu công tác của đơn vị đặt ra trong tình hình mới.

Bốn là, động viên, khuyến khích tính chủ động, tích cực, ý thức trách nhiệm đối với công việc của cán bộ, chiến sĩ thuộc Viện Khoa học Cảnh sát.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện Khoa học Cảnh sát có nhiều hoạt động đặc thù trong một số lĩnh vực tham mưu, nghiên cứu khoa học, xuất bản tạp chí, công tác giảng dạy. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ thuộc Viện cần phát huy tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm đối với công việc, có như vậy mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện cần luôn động viên, khuyến khích về tinh thần; có cơ chế, chính sách về vật chất để cán bộ có động lực cống hiến, thể hiện hết năng lực, sở trường của họ.

Năm là, bên cạnh việc động viên, khuyến khích tính chủ động, tích cực, cần giao chỉ tiêu cụ thể đối với từng cán bộ theo đúng trình độ, năng lực, sở trường của họ

Lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện Khoa học Cảnh sát, trên cơ sở định hướng công tác tháng, quí, năm cần giao chỉ tiêu công tác cụ thể cho từng cán bộ, bao gồm các chỉ tiêu: Nghiên cứu các đề tài khoa học; viết các bài báo đăng tạp chí, hội thảo, hội nghị; biên soạn tài liệu dạy học; chỉ tiêu giờ giảng... đi kèm với việc giao chỉ tiêu, lãnh đạo các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, kịp thời động viên, nhắc nhở cán bộ thực hiện tốt các chỉ tiêu đã được giao.

Sáu là, cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút các nhà khoa học, các chuyên viên cao cấp về công tác tại Viện Khoa học Cảnh sát, nhằm nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng của Viện Khoa học Cảnh sát tại Học Viện Cảnh sát nhân dân nói riêng và toàn lực lượng Công an nhân dân nói chung.

Với chức năng là cơ quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, biện pháp về phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân; tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Cảnh sát; cơ quan hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận và thực tiễn, Viện Khoa học Cảnh sát rất cần có sự cộng tác của các nhà khoa học, các chuyên viên cao cấp. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên viên cao cấp công tác tại Viện Khoa học Cảnh sát.

Xây dựng đội ngũ cán bộ là việc làm cực kỳ quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững và thành công của mỗi đơn vị. Chính vì vậy, để xây dựng và phát triển Viện Khoa học Cảnh sát đúng như chức năng, nhiệm vụ được giao, qua đó khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng của Viện Khoa học Cảnh sát tại Học viện Cảnh sát nhân dân cũng như trong lực lượng Công an nhân dân thì việc chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, tích cực, chủ động, sáng tạo, tận tâm với công việc là điều không thể thiếu trong điều kiện Học viện Cảnh sát nhân dân phấn đấu trở cơ sở giáo dục trọng điểm đạt chuẩn Quốc gia.

Đại tá, PGS.TS Trần Nguyên Quân

Phó Viện trưởng Viện KHCS - Học viện CSND

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất