gd-dt
Thứ Hai, 7/5/2018 15:25'(GMT+7)

Bộ môn Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn, Học viện CSND - 50 năm xây dựng và phát triển

Cán bộ, giảng viên Bộ môn LLCT và KHXHNV chụp ảnh lưu niệm nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thành lập Bộ môn LLCT và KHXHNV

Cán bộ, giảng viên Bộ môn LLCT và KHXHNV chụp ảnh lưu niệm nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thành lập Bộ môn LLCT và KHXHNV

1. Khái lược lịch sử Bộ môn Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn

Tiền thân của Bộ môn Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn (KHXHNV) thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) hiện nay là Tổ Giáo dục chính trị, được thành lập theo Quyết định số 514, ngày 15/5/1968 của Bộ Công an và đến năm 1970 thành lập Khoa Giáo dục chính trị. Thực tiễn công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội đòi hỏi không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân (CAND), cùng với pháp luật và nghiệp vụ, chính trị trở thành một trong ba trụ cột quan trọng trong công tác giáo dục, đào tạo và thực tiễn chiến đấu của lực lượng CAND Việt Nam trong gần một thế kỷ qua. Bộ môn đã nhiều lần được Bộ Công an thay đổi chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và tên gọi để đáp ứng với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị của cán bộ, chiến sĩ CAND.

Theo đó, năm 1976, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1114/NV/QĐ, tách Khoa Giáo dục chính trị thành 4 khoa: 1) Khoa Triết học và chủ nghĩa xã hội khoa học; 2) Khoa Kinh tế chính trị và quản lý kinh tế; 3) Khoa Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng và Đường lối chính sách; 4) Khoa Tâm lý và phương pháp lãnh đạo.

Năm 1977, từ 4 khoa nhập thành 2 khoa: Khoa Chính trị I (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học và Tâm lý) và Khoa Chính trị II (Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng, Đường lối, Tu dưỡng đạo đức cách mạng).

 Năm 1979, tái thành lập 4 khoa: Khoa Chính trị I (triết học và chủ nghĩa xã hội khoa học); Khoa Chính trị II (Kinh tế chính trị); Khoa Chính trị III (Lịch sử đảng, Xây dựng đảng, đường lối chính sách); Khoa Chính trị IV (Tâm lý học).

Đến năm 1989, Bộ Công an quyết định nhập 3 khoa Chính trị I, II, III thành Khoa Lý luận Mác - Lênin. Năm 1994, Khoa Lý luận Mác - Lênin đổi tên thành Bộ môn Mác - Lênin. Năm 2001, Bộ môn Mác - Lênin đổi tên thành Bộ môn Mác - Lênin và KHXHNV.

Và năm 2016, theo Quyết định số 6114, ngày 7/6/2016 của Bộ Công an, Bộ môn Mác - Lênin và KHXHNV đổi trên thành Bộ môn Lý luận chính trị và KHXHNV như hiện nay. Bộ môn có 5 Tổ bộ môn, bao gồm: Triết học; Kinh tế chính trị; Tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa xã hội khoa học; Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước; Khoa học xã hội nhân văn.

Trưởng Bộ môn Lý luận chính trị và KHXHNV qua các thời kỳ, gồm có: Đồng chí Trần Điều (1968-1975); Đồng chí Nguyễn Quyết (1976); Đồng chí Phùng Bái (1977-1979); Đồng chí Lê Anh San (1979-1986); Đồng chí Bùi Đăng Thìn (1979-1983); Đồng chí Đặng Văn Huệ (1979-1983); Đồng chí Nguyễn Duy Hùng (1984-1990): Đồng chí Lê Huy (1983 -1989); Đồng chí Phùng Văn Sắc (1986-1990); Đồng chí Nguyễn Quốc Nhật (1991-1995); Đồng chí Khổng Minh Trà (1995-2002); Đồng chí Vũ Văn Hiền (12/2002-7/2014); Đồng chí Lê Kim Bình (7/2014 đến nay). Trong đó có 5 đồng chí được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc, Phó Giám đốc của Học viện CSND (Giám đốc: Nguyễn Duy Hùng; Phó Giám đốc: Bùi Đăng Thìn, Lê Anh San, Đặng Văn Huệ, Nguyễn Quốc Nhật).

2. Những thành tích nổi bật trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và xây dựng lực lượng của Bộ môn Lý luận chính trị và KHXHNV

Bộ môn Lý luận chính trị và KHXHNV được Bộ Công an giao nhiệm vụ: Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo các môn Lý luận chính trị và KHXHNV; Tổ chức giảng dạy, thi kiểm tra đánh giá kết quả học tập các môn Lý luận chính trị và KHXHNV đối với các ngành học, hệ học thuộc bậc học đại học, sau đại học và bồi dưỡng nâng cao; Tổ chức nghiên cứu khoa học cho cán bộ và học viên; Biên soạn tài liệu dạy học, giáo trình các môn do Bộ môn đảm nhận; Hợp tác về đào tạo; Quản lý cán bộ theo quy định của Bộ Công an.

Trong 50 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Bộ Công an và Học viện CSND giao phó; đã tổ chức giảng dạy các môn lý luận chính trị và KHXHNV cho hơn 4 vạn sỹ quan bậc đại học, sau đại học và bồi dưỡng nâng cao của lực lượng CAND, Quân đội nhân dân, Công an hai nước bạn Lào và Campuchia, cán bộ của Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân. Bộ môn đã có những đóng góp quan trọng vào việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy các môn Lý luận chính trị và KHXHNV, gắn giảng dạy lý luận với thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, với thực tiễn công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ chất lượng cao cho lực lượng CAND, Quân đội nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Toàn án nhân dân và Công an hai nước bạn Lào, Campuchia.

Trong 50 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Bộ môn, sự thống nhất giữa giáo dục lý luận với thực tiễn đã trở thành nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị và KHXHNV tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Thực tiễn xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc đã được các giáo viên nghiên cứu, vận dụng, luận giải một cách khoa học trên cơ sở Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng; thực tiễn đó được thể hiện sinh động trong từng bài giảng, từng môn học; đồng thời nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn còn được thực hiện bằng hoạt động đưa học viên các khóa học đi thực hành, thực tế tại các địa phương trên cả nước, giúp cho học viên có điều kiện đối chiếu giữa lý luận với thực tiễn đất nước để củng cố những kiến thức đã được truyền dạy trong nhà trường. Đặc biệt, Bộ môn đã có 10 năm liên tục tổ chức thực hành chính trị xã hội cho 9.178 học viên các khóa học từ D33 đến D42 và học viên ngành Tư pháp Hình sự tại 11 tỉnh trên cả nước (Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Tây Ninh); hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ lý luận, trình độ pháp luật và kỹ năng sống, kỹ năng vận động quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc cho học viên, đồng thời giáo dục ý thức, tinh thần trách nhiệm của học viên đối với xã hội.

Trong nhiều năm đưa học viên đi thực tế, thực hành chính trị - xã hội, Bộ môn đã có những đóng góp quan trọng vào các hoạt động xã hội, thiện nguyện của Học viện CSND đối với nhân dân trên địa bàn cả nước. Bộ môn đã cùng với Ban Giám đốc Học viện vận động quyên góp gần 10 tỷ đồng cho việc xây tặng 47 căn nhà tình nghĩa, 1 công trình nước sạch, trên 2,5 km đường giao thông nông thôn, trên 1.000 m2 sân bê tông các công trình văn hóa và hàng ngàn phần quà bằng tiền và hiện vật cho Công an các địa phương, các khu di tích lịch sử (Thành cổ Quảng Trị, Ban An ninh Trung ương cục Miền Nam...), trường mẫu giáo (xã Quế Cường - huyện Quế Sơn - tỉnh Quảng Nam), các gia đình có công với cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em nghèo trên cả nước. Hoạt động trên đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người Công an trong lòng nhân dân, tăng cường sự gắn bó giữa Công an với nhân dân và củng cố niềm tin của nhân dân đối với lực lượng CAND nói chung và lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng.

Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn, Bộ môn đã quan tâm sâu sắc đến nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm hoàn thiện nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị và KHXHNV, cung cấp những luận chứng, luận cứ cho việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo của Học viện Cảnh sát nhân dân và việc hoạch định các chính sách về bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Trong những năm qua, Bộ môn đã nghiên cứu, viết và xuất bản 6 giáo trình môn học, 5 tài liệu dạy học, 22 cuốn sách chuyên khảo, 12 bộ ngân hàng đề thi và đáp án phục vụ cho công tác đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng nâng cao tại Học viện CSND; viết gần 500 báo cáo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học, các kỷ yếu hội thảo Quốc tế, Quốc gia, Bộ Công an và Học viện CSND. Tham gia nghiên cứu 4 đề tài khoa học cấp Nhà nước, nghiên cứu 5 đề tài khoa học cấp Bộ, 53 đề tài khoa học cấp cơ sở. Bộ môn đã tổ chức 11 Hội thảo khoa học; đặc biệt, năm 1983, Bộ môn đã tổ chức nghiên cứu toàn diện về “Sáu điều Bác Hồ dạy CAND”, kết quả nghiên cứu được Bộ Nội vụ nay là Bộ Công an sử dụng làm tài liệu học tập của toàn ngành Công an, mở đầu cho phong trào nghiên cứu “Sáu điều Bác Hồ dạy CAND” và gần đây nhất là hội thảo khoa học “Vận dụng Nghị quyết Trung ương IV khóa XII và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị vào công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị trong các trường CAND”. Hội thảo đã được Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tạp chí Cộng sản và các Học viện, trường đại học trong và ngoại ngành Công an đánh giá cao; kết quả hội thảo đã được ứng dụng trong nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị trong các trường CAND.

Cùng với công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Bộ môn Lý luận chính trị và KHXHNV luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và ngành Công an giao cho. Các thế hệ giáo viên của Bộ môn đã không ngừng học tập nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học các giai đoạn phát triển của Học viện CSND. Nhiều giáo viên của đơn vị đã phấn đấu đạt được học vị, học hàm cao, có nhiều đóng góp xây dựng Học viện CSND trong 50 năm qua. Đội ngũ các nhà giáo, các nhà khoa học của bộ môn, gồm có: 15 Tiến sĩ, 1 Giáo sư, 7 Phó Giáo sư, 1 nhà giáo nhân dân, 5 nhà giáo ưu tú, 10 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp Bộ công an, trên 30 thầy cô giáo được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp Học viện. Nhiều đồng chí giữ những cương vị quan trọng của Học viện CSND qua các thời kỳ, như: giám đốc, phó giám đốc, trưởng các khoa, phòng, bộ môn của Học viện.

Ghi nhận những thành tích đạt được trong 50 năm qua, Bộ môn Lý luận chính trị và KHXHNV đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Quân công hạng nhì (1985), Huân chương Quân công hạng nhất (1996), 2 lần được Bộ Công an tặng cờ thi đua Đơn vị dẫn đầu phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc cấp cơ sở (2015-2016, 2016-2017), 28 năm đạt đơn vị quyết thắng, 11 lần được Bộ Công an tặng bằng khen và nhiều bằng khen của Tổng cục Chính trị CAND, giấy khen của Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân.

Đạt dược kết quả trên là do sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện; sự chủ động, năng động, giữ vững kỷ cương của cấp ủy đảng, lãnh đạo đơn vị, toàn thể cán bộ chiến sĩ; sự đoàn kết, thống nhất ý trí và hành động của toàn thể đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

3. Nhiệm vụ và giải pháp phát triển Bộ môn trong thời gian tới

 Tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bản lĩnh chính trị, tinh thần cảnh giác, ý thức đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái thù địch, bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng cho cán bộ, giáo viên; củng cố đoàn kết trong đảng bộ, trong đơn vị; tiếp tục thực hiện các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “CAND học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy”, “Xây dựng người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và các phong trào thi đua khác do Bộ Công an và Học Viện Cảnh sát nhân dân phát động.

Nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy lý luận chính trị và KHXHNV, gắn lý luận với thực tiễn đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện nghiêm túc quy chế giảng dạy, thi và chấm thi điều kiện, thi kết thúc học phần, thi tốt nghiệp các khóa học, hệ học; đẩy mạnh phong trào dạy giỏi trong toàn đơn vị; chỉnh lý và hoàn thiện hồ sơ bài giảng theo chương trình mới; tiếp tục hoàn thiện hệ thống ngân hàng câu hỏi và đáp án phục vụ thi kết thúc học phần, thi tốt nghiệp của các hệ học, bậc học. Tăng cường các hoạt động thực tế, thực hành chính trị - xã hội đối với giảng viên và học viên các khóa học.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên. Tập trung hoàn thành các đề tài khoa học các cấp mà đơn vị đang triển khai nghiên cứu và các đề tài mới; chỉnh lý, biên soạn mới hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo, sách chuyên khảo phục vụ công tác giảng dạy của giảng viên và học tập của học viên; khuyến khích giáo viên viết bài đăng tạp chí khoa học trong và ngoài ngành Công an, các hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia, bộ Công an và Học viện. Tổ chức tốt các hội thảo khoa học và các buổi sinh hoạt khoa học của Bộ môn.

Tăng cường công tác quản lý cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ủy bộ môn, cấp ủy các chi bộ đối với các mặt công tác của đơn vị, đặc biệt là công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, quản lý cán bộ, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giáo viên, công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện các chính sách cán bộ. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chất lượng cao, có học vị Tiến sĩ, học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, giảng viên chính và giảng viên giỏi các cấp. Bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, chuyên môn cho cán bộ giảng viên. Phát huy dân chủ, tính chủ động, năng động, sáng tạo của cán bộ, giảng viên trong toàn đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ. Phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn thanh niên, chi hội Phụ nữ trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.

 Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động thực tế, thực hành chính trị cho cán bộ, giáo viên và học viên. Khai thác hiệu quả các phòng học chuyên đề, như: phòng Hồ Chí Minh học, phòng Tôn giáo học, phòng mô hình Chùa của Phật giáo và mô hình Nhà thờ của Công giáo. Tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, vận động các cá nhân, doanh nghiệp quyên góp tiền và hiện vật giúp đỡ những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng, những gia đình khó khăn, trẻ em nghèo nhằm giáo dục truyền thống, văn hóa, ý thức trách nhiệm với cộng đồng cho cán bộ, giáo viên và học viên Công an.

Phát huy truyền thống 50 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn Lý luận chính trị và KHXHNV sẽ phát huy những thành tích đạt được, khắc phục những hạn chế, tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, chủ động, năng động, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ giáo viên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học được Bộ Công an và Học viện CSND giao phó. Sát cánh cùng với Đảng ủy, Ban Giám đốc, các đơn vị trong nhà trường xây dựng Học viện CSND trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và đạt chuẩn quốc gia, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại tá, PGS.TS Lê Kim Bình

Trưởng Bộ môn Lý luận Chính trị & KHXHNV - Học viện CSND

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất