gd-dt
Thứ Hai, 7/5/2018 15:32'(GMT+7)

Xây dựng Khoa Luật đáp ứng yêu cầu trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và đạt chuẩn quốc gia

Khoa Luật tổ chức Phiên tòa giả định cho sinh viên chuyên ngành tố tụng hình sự và hệ tư pháp hình sự

Khoa Luật tổ chức Phiên tòa giả định cho sinh viên chuyên ngành tố tụng hình sự và hệ tư pháp hình sự

Thực hiện đề án của Bộ Công an về “Quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo bồi dưỡng trong CAND đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1229/QĐ-TTg ngày 22/7/2011. Trong đề án đã xác định đầu tư xây dựng Học viện CSND trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của lực lượng Công an và đến năm 2020 trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm của quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) phát triển thực sự trở thành trường trọng điểm trong hệ thống các trường Công an nhân dân và của quốc gia.

Ra đời cùng với những ngày thành lập Trường CSND theo Quyết định số 514- CA/QĐ của Bộ Công an ngày 15/5/1968, trong đó môn pháp luật được xếp vào phần nghiệp vụ cùng các môn khác. Từ năm 1968 đến 1976 Khoa pháp luật nằm trong khoa nghiệp vụ cơ bản, cho đến ngày 2/9/1976 theo Quyết định số 5076/NV/QĐ của Bộ Nội vụ tách trường CSND thành 2 trường sĩ quan và hạ sĩ quan CSND. Trường sĩ quan CSND là trường đại học chuyên nghiệp được tổ chức thành 8 khoa và 5 phòng, trong đó Khoa Luật được ghép thành khoa chấp pháp pháp luật và chịu trách nhiệm giảng dạy các môn pháp luật. Tháng 11 năm 1983 theo quyết định số 710/QĐ tách khoa chấp pháp pháp luật thành khoa Điều tra xét hỏi và khoa Pháp luật. Đến ngày 2/10/2001 Bộ trưởng BCA ký quyết định 969/QĐ - BCA đổi tên trường Đại học CSND thành Học viện CSND, trong đó Khoa Luật đổi tên thành Bộ môn pháp luật và đến ngày 17/11/2014 theo Quyết định số 6710/QĐ-X11- X12 Bộ môn pháp luật được đổi tên thành Khoa Luật.

Khoa Luật Học viện CSND đã có bề dày lịch sử, những kinh nghiệm quý báu trong nghiên cứu, giảng dạy pháp luật. Trải qua chặng đường dài xây dựng và phát triển cùng với sự trưởng thành của Học viện CSND, hiện nay Khoa Luật là đơn vị có số lượng lớn với 65 cán bộ, giảng viên được chia làm 04 tổ bộ môn: Lý luận nhà nước và pháp luật; Luật hiến pháp; Luật hành chính; Luật hình sự; Luật tố tụng hình sự; Luật dân sự - kinh tế - quốc tế. Không chỉ tăng về số lượng mà trình độ của giảng viên không ngừng được nâng cao, đội ngũ cán bộ, giảng viên hiện có 03 Phó Giáo sư, 09 Tiến sĩ, 40 Thạc sĩ và gần 20 nghiên cứu sinh, trong đó có nhiều cán bộ tốt nghiệp tại các trường đại học nổi tiếng trong và ngoài nước.

Khoa Luật là một trong các đơn vị đã có nhiều thành tích trong giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các lần Hội giảng giáo viên dạy giỏi các trường Công an nhân dân, cán bộ của Khoa luôn tham dự và giành giải cao, đơn vị luôn dẫn đầu trong công tác nghiên cứu khoa học, với trên 50 đầu sách và tài liệu tham khảo, nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ và cấp cơ sở. Đơn vị được phân công đảm nhận giảng dạy các môn pháp luật đối với nhiều bậc học khác nhau từ đại học, sau đại học, các lớp bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, các hệ quốc tế, hệ học chính quy, vừa học vừa làm, liên thông, bồi dưỡng nghiệp vụ. Hiện nay khoa đang đảm nhận 53 môn học với tất cả các hệ học, các bậc đào tạo trong và ngoài Học viện. Đội ngũ giảng viên luôn cố gắng, tận tụy, tận tâm trong giảng dạy và xây dựng đơn vị. Ngoài ra, đơn vị cũng tham gia biên soạn nhiều giáo trình môn học, sách chuyên khảo, tài liệu tham khảo, viết bài, hướng dẫn học viên nghiên cứu khoa học. Là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy; gắn lý luận với thực tiễn; giảng dạy pháp luật bằng tiếng Anh…

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, đơn vị luôn cố gắng đổi mới, ngoài phương pháp giảng dạy, quản lý cán bộ còn tổ chức đưa học viên đi thực tế, kiến tập nhưng địa bàn khác nhau, phối hợp với Tòa án Nhân dân tổ chức các buổi xét xử lưu động tại Phòng xử án của Học viện CSND, nhằm tạo cho học viên có thêm thực tế. Đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; cuộc thi học tốt các môn pháp luật lồng ghép vào các môn học.

Quá trình xây dựng đơn vị với các biện pháp chủ động, sáng tạo cũng đã đem lại một số kết quả nhất định, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục điều chỉnh. Để xây dựng đơn vị, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong giai đoạn hiện nay, với những kinh nghiệm thực tiễn và đáp ứng yêu cầu trường trọng điểm chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau đây:

1. Trước yêu cầu của tình hình mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CSND phải được đào tạo cơ bản, có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ pháp luật nghiệp vụ mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khoa Luật phải tích cực đổi mới, xây dựng kiện toàn tổ chức, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên. Cán bộ, giảng viên phải quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc kết luận Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020. Cần xây dựng kế hoạch và tập trung đổi mới các mặt công tác giảng dạy, xây dựng đơn vị đảm bảo đồng bộ, toàn diện đáp ứng tiêu chí và yêu cầu đối với trường trọng điểm. Xây dựng Khoa Luật vừa là đơn vị giảng dạy vừa là trung tâm nghiên cứu, phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành. Phải nâng cao trình đội đội ngũ giáo viên, sắp xếp cơ cấu tổ chức hợp lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ do Học viện phân công.

Để đáp ứng yêu cầu trường trọng điểm, trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cả về số lượng và đặc biệt là chất lượng. Cần tăng cường tuyển dụng thêm các đối tượng được đào tạo chuyên ngành luật ở các trường ngoài và trong học viện, ưu tiên số có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ, đào tạo ở nước ngoài và các đối tượng đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu của khoa, tăng cường hoạt động thực tế cho các giảng viên có điều kiện ra thực tế kiến tập tại các trung tâm hành nghề luật sư, các cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp nói chung để các giảng viên có điều kiện tiếp cận với các hoạt động thực tiễn, nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ cho công tác giảng dạy. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện về trình độ, bằng cấp cho giảng viên, là đơn vị có nhiều giảng viên có trình độ sau đại học, nhưng so với yêu cầu đào tạo, đội ngũ giảng viên vẫn đang còn thiếu và yếu. Để đáp ứng với yêu cầu đào tạo trong thời gian tới cần tiếp tục tạo điều kiện cho giảng viên học tập nâng cao trình độ.

2. Phải nghiên cứu sửa đổi bổ sung hoàn thiện cơ cấu tổ chức, biên chế, nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy pháp luật. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình đào tạo và các cơ sở vật chất, điều kiện cho yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy pháp luật. Cần điều chỉnh chương trình đào tạo pháp luật đối với các ngành học môn học và hệ học đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm và hội nhập quốc tế. Điều chỉnh chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy, tăng cường thời lượng học tập đối với môn luật hình sự và luật tố tụng hình sự. Đây là các môn luật quan trọng, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp, có tính chất quyết định đến chất lượng hiệu quả công tác của ngành Công an. Cần nâng thời lượng các môn học này từ 30 - 45 tiết (2 tín chỉ) lên 4 tín chỉ. Cùng với đó, phải tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng giảm bớt lý thuyết, tăng cường thực hành, kỹ năng; cập nhật kiến thức pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CSND, nhất là những vấn đề mới nảy sinh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy; bồi dưỡng nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu của học viên. Nội dung, chương trình đào tạo phải đảm bảo tính liên thông và phân tầng kiến thức giữa các cấp học, hệ học, thực hiện tốt đề án chuẩn đầu ra cho các hệ học, trong đó có chuẩn về kiến thức pháp luật.

 Kết hợp xây dựng hoàn thiện chương trình các môn pháp luật, bổ sung hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, hệ thống thư viện, mạng nội bộ và các dịch vụ cần thiết đáp ứng yêu cầu học tập pháp luật. Quan tâm tăng cường về điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất, điều chỉnh sắp xếp lịch trình giảng dạy khoa học, hợp lý với các phương pháp mới. Đội ngũ giảng viên phải thường xuyên cập nhật cung cấp những văn bản, các thông tin pháp luật mới, đây là điều kiện quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với đào tạo pháp luật. Xây dựng và kiến thiết lại hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo và cơ cấu tổ chức của đơn vị; nghiên cứu tìm ra những phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả, khai thác tối đa hiệu quả của Phòng xử án trong đào tạo học viên chuyên ngành, đồng thời gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình đào tạo; nâng cao chất lượng giảng dạy các môn pháp luật phù hợp với từng hệ học…

3. Quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng giảng dạy pháp luật. Phải có kế hoạch và lộ trình cụ thể để tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch đội ngũ cán bộ, giảng viên đảm bảo đồng bộ về cơ cấu, có tính kế thừa và chuyển tiếp hợp lý trong giảng dạy pháp luật khi Học viện trở thành cơ sở đào tạo trọng điểm. Trong xây dựng đội ngũ giảng viên pháp luật cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia đầu đàn đối với từng môn luật, là điều kiện nền tảng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học ở trình độ cao. Để nâng cao chất lượng đào tạo pháp luật đối với các hệ đại học và sau đại học cần đào tạo cán bộ có học hàm, học vị chuẩn về pháp luật, nghiệp vụ. Cần mở rộng hợp tác quốc tế, gửi cán bộ, giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài. Đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng pháp luật, phải giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và sự tâm huyết. Mỗi cán bộ, giảng viên của khoa phải thực sự là tấm gương sáng để học viên noi theo. Khoa Luật cần quan tâm thực hiện các chính sách đối với đội ngũ cán bộ giảng viên, tạo điều kiện cho giảng viên có điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức sư phạm, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn. Cần xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo đội ngũ giáo viên phục vụ yêu cầu trước mắt và lâu dài trong giảng dạy pháp luật. Đội ngũ cán bộ giảng viên phải đảm bảo đủ về biên chế, được quan tâm bồi dưỡng và nâng cao trình độ, hoàn thiện chức danh, có năng lực giảng dạy, nhiệt tình, tâm huyết. Tạo các điều kiện thuận lợi và có chiến lược lâu dài đào tạo giảng viên là chuyên gia giỏi về pháp luật, bố trí giảng viên thường xuyên tăng cường thực tế, tham gia nghiên cứu khoa học, gắn lý luận với thực tiễn. Học viện cần quan tâm xây dựng và tạo môi trường thuận lợi, để tất cả giảng viên đều có điều kiện đổi mới, áp dụng phương pháp dạy học tích cực và chủ động hơn trong quá trình giảng dạy các môn pháp luật.

4. Nghiên cứu xác định mô hình tổ chức giảng dạy pháp luật đối với học viên đáp ứng yêu cầu về pháp luật và hướng tới việc xây dựng hệ thống chuẩn về pháp luật đối với cán bộ của lực lượng Công an. Xây dựng và thực hiện quy trình hiện đại trong giảng dạy pháp luật. Tạo dựng môi trường giáo dục thực sự khoa học, chú trọng giáo dục pháp luật, bản lĩnh chính trị, động cơ nghề nghiệp, kỷ luật kỷ cương, góp phần hình thành nhân cách, văn hoá giao tiếp, ứng xử và tinh thần tự giác học tập của học viên trong học viện. Khắc phục triệt để tình trạng tiêu cực trong học tập, thi cử môn pháp luật; xử lý nghiêm những trường hợp học viên lười học. Nâng cao năng lực, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ giảng dạy pháp luật.

Cần có kế hoạch và tập trung đổi mới phương pháp dạy học. Để đổi mới, mỗi giảng viên phải có ý thức trách nhiệm, chủ động nghiên cứu nắm chắc đặc điểm môn học và đối tượng đào tạo, nắm được các nhu cầu đòi hỏi của học viên. Phải nghiên cứu nắm vững kiến thức chuyên môn pháp luật, các chuyên đề môn học, nội dung bài giảng đối với từng môn pháp luật, nắm và hiểu các phương pháp được áp dụng trong giảng dạy đại học để vận dụng có hiệu quả. Từng giảng viên phải thường xuyên, chủ động cải tiến, sử dụng các hình thức, phương pháp dạy học thích hợp, chú trọng việc cung cấp dịch vụ, kích thích tính chủ động sáng tạo và đáp ứng nhu cầu tự học, tự nghiên cứu của học viên đối với các môn pháp luật.

Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn pháp luật phải gắn với đặc thù của từng hệ học, lớp học và chuyên ngành, theo hướng tập trung đào tạo, nâng cao trình độ pháp luật, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp. Các phương pháp được áp dụng phải tạo điều kiện nâng cao trình độ pháp luật và tiếp cận gần hơn với thực tiễn. Vì vậy, cần tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác trong đào tạo với các cơ sở đào tạo pháp luật và các Cục pháp chế và Công an các địa phương. Tạo điều kiện nhiều hơn để cán bộ, chuyên gia tham gia trong quá trình đào tạo, giảng viên được đào tạo qua thực tiễn và học viên vừa nghiên cứu lý luận vừa áp dụng lý luận trong thực tế, có điều kiện rèn luyện kỹ năng, tay nghề đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của thực tiễn và áp dụng pháp luật.

5. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ, từ cơ sở hạ tầng, hệ thống giảng đường, nhà làm việc, thư viện, phòng thực hành đến hệ thống thông tin... đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy, học tập môn pháp luật. Tập trung đầu tư xây dựng các phòng học chuyên dùng về pháp luật, thư viện pháp luật, hình thành các trung tâm nghiên cứu pháp luật với công nghệ hiện đại. Phấn đấu từng bước xây dựng hệ thống giảng dạy pháp luật mang tính chất hiện đại trong ngành Công an.

Khoa Luật cần mở rộng và tăng cường hợp tác với các trường đại học trọng điểm quốc gia trong nước, như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội, các Viện nghiên cứu pháp luật... để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy pháp luật. Đồng thời mở rộng hợp tác với các trường, cơ quan Cảnh sát của các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức Cảnh sát quốc tế để tranh thủ các nguồn lực vật chất cho Học viện trong giảng dạy pháp luật; Khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà khoa học về lĩnh vực pháp luật chuyên ngành đến giảng dạy một số chuyên đề pháp luật. Để khắc phục lực cản lớn nhất của việc hợp tác quốc tế, Học viện cần có kế hoạch nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên giảng dạy pháp luật.

Trên đây là một số vấn đề trao đổi góp phần xây dựng Khoa Luật đáp ứng yêu cầu trường trọng điểm trong thời gian tới.

Đại tá, PGS.TS Trần Hải Âu

Trưởng khoa Luật - Học viện CSND

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất