Hoạt động của Học viện
Thứ Ba, 21/12/2021 17:21'(GMT+7)

“Ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục trong quản lý, giáo dục phạm nhân ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”

 Hội thảo được giao cho Khoa Tâm lý - Học viện CSND và Phòng Chuyên đề, nghiên cứu khoa học (Cục C10) là hai đơn vị đầu mối tham mưu và tổ chức thực hiện, thu hút sự quan tâm, đóng góp bài viết của nhiều nhà nghiên cứu cũng như cán bộ làm công tác thực tế cả trong và ngoài ngành Công an.  

Đại tá, PGS.TS Trần Quang Huyên, Phó Giám đốc Học viện CSND            phát biểu chỉ đạo, đồng chủ trì Hội thảo

Đại tá, PGS.TS Trần Quang Huyên, Phó Giám đốc Học viện CSND phát biểu chỉ đạo, đồng chủ trì Hội thảo

Hội thảo do Đại tá, PGS.TS Trần Quang Huyên, Phó Giám đốc Học viện CSND và Đại tá Nguyễn Ngọc Tuyến, Phó Cục trưởng Cục C10 đồng chủ trì. Hội thảo còn có sự tham dự của Thiếu tướng, GS.TS Phạm Ngọc Hà, Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Giám đốc Học viện CSND cùng các đại biểu, khách mời đến từ các đơn vị trong và ngoài ngành Công an.

Dự Hội thảo còn có đại diện các phòng nghiệp vụ thuộc Cục C10; đại diện Trại giam Tân Lập; Trại giam Hoàng Tiến; Trại giam Nam Hà; Trại giam Suối Hai; Trại giam Vĩnh Quang và Trại giam Phú Sơn 4. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của các chuyên gia đến từ một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội như Khoa Tâm lý, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ môn Tâm lý, Đại học Luật Hà Nội. 

Đồng chí Đại tá Nguyễn Ngọc Tuyến, Phó Cục trưởng Cục C10 đồng chủ trì Hội thảo

Đồng chí Đại tá Nguyễn Ngọc Tuyến, Phó Cục trưởng Cục C10 đồng chủ trì Hội thảo

Hội thảo được tổ chức là kết quả từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của đồng chí Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND và đồng chí Trung tướng Lê Minh Hùng, Cục trưởng Cục C10; cùng sự liên hệ, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng. Có thể nói đây là lần đầu tiên một hội thảo về ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục trong lĩnh vực quản lý, giáo dục phạm nhân theo chức năng, nhiệm vụ của ngành Công an được tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp và trở thành cầu nối giữa cán bộ nghiên cứu và cán bộ thực tế, giữa các đơn vị trong Ngành và các đơn vị dân sự. 

Thiếu tướng, GS.TS Phạm Ngọc Hà tham luận về một số yêu cầu, nhiệm vụ của việc nghiên cứu ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục trong quản lý, giáo dục phạm nhân

Thiếu tướng, GS.TS Phạm Ngọc Hà tham luận về một số yêu cầu, nhiệm vụ của việc nghiên cứu ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục trong quản lý, giáo dục phạm nhân

Tham luận mở đầu Hội thảo, Thiếu tướng, GS.TS Phạm Ngọc Hà  đã nêu vấn đề về sự cấp thiết cần phải ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục trong quản lý, giáo dục phạm nhân dựa trên cơ sở yêu cầu thực tiễn và lý luận. Đồng thời, bài tham luận chỉ ra một số nội dung cơ bản khi nghiên cứu ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục trong quản lý, giáo dục phạm nhân như: nghiên cứu nhân cách phạm nhân; nghiên cứu chủ thể quản lý, giáo dục phạm nhân; các điều kiện khách quan có tác động, ảnh hưởng đến quá trình quản lý, giáo dục phạm nhân; nhóm vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục phạm nhân. Trong đó, để nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục phạm nhân, đồng chí Thiếu tướng, GS.TS Phạm Ngọc Hà đã nêu một số nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ quản lý, giáo dục phạm nhân, trọng tâm do Cục C10 và Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng đảm nhiệm; nâng cao tính ứng dụng và thực tế trong công tác nghiên cứu và giảng dạy của các trường Công an nhân dân, đặc biệt đối với Khoa Tâm lý và Khoa Cảnh sát thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp; sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thực tế và các nhà trường phục vụ tốt yêu cầu đặc thù của mỗi bên cũng như sự hợp tác thường xuyên, liên tục giữa các nhà khoa học trong và ngoài ngành Công an.

Thượng tá Vũ Ngọc Quyển, Phó Giám thị Trại giam Hoàng Tiến trình bày tham luận tại Hội thảo

Thượng tá Vũ Ngọc Quyến, Phó Giám thị Trại giam Hoàng Tiến trình bày tham luận tại Hội thảo

Quản lý, giáo dục phạm nhân là một lĩnh vực mang tính đặc thù và chuyên biệt, tồn tại nhiều khó khăn bởi quản lý, giáo dục con người nói chung luôn là nhiệm vụ không dễ dàng, chưa kể đây là những người có nét tâm lý lệch chuẩn, từng có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Việc ứng dụng khoa học Tâm lý - Giáo dục trong lĩnh vực này là đặc biệt cần thiết và cũng có nhiều nét đặc trưng. Chủ đề hay và thiết thực khiến buổi hội thảo diễn ra sôi nổi và cởi mở. Tham luận của các đại biểu đến từ Phòng 11, Cục C10; Trại giam Hoàng Tiến; Trại giam Nam Hà; Trại giam Phú Sơn 4 tập trung chia sẻ quan điểm về một số vấn đề như: đặc điểm tâm lý của một số nhóm phạm nhân phạm tội cụ thể, tác động tâm lý trong quản lý giáo dục phạm nhân; quản lý, giáo dục phạm nhân là người nước ngoài. 

PGS. TS Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý, Đại học KHXH&NV, Đại học QGHN
            phân tích những vấn đề tâm lý cần chú ý trong hoạt động quản lý, giáo dục phạm nhân

PGS. TS Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý, Đại học KHXH&NV, Đại học QGHN phân tích những vấn đề tâm lý cần chú ý trong hoạt động quản lý, giáo dục phạm nhân

Ngoài ra, PGS.TS Trần Thu Hương khái quát một số khác biệt của những người làm trong lĩnh vực tâm lý ở môi trường dân sự và các cán bộ cần ứng dụng kiến thức, kỹ năng của ngành tâm lý phục vụ công tác quản lý, giáo dục phạm nhân trong các trại giam, qua đó thấy được những nét tâm lý đặc thù của cán bộ trại giam cũng như kỹ năng cần có, đặc biệt là liên quan đến sàng lọc, đánh giá vấn đề sức khoẻ tâm thần cho phạm nhân.

PGS. TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục, Đại học QGHN trình bày vấn đề hướng nghiệp cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, từ đó, có thể thấy rằng hướng nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ phạm nhân chuẩn bị sẵn sàng tái hoà nhập cộng đồng, có được tâm thế tốt cho một khởi đầu mới và tránh quay trở lại con đường phạm tội. Một tham luận khác khai thác nội dung chuyên sâu trong tâm lý được TS Chu Văn Đức, Bộ môn Tâm lý, Đại học Luật Hà Nội trình bày, đó là yếu tố ảnh hưởng đến sự thích ứng của phạm nhân với chế độ sinh hoạt và lao động tại trại giam; xác định được những yếu tố này giúp cho các cán bộ quản lý, giáo dục phạm nhân có định hướng rõ hơn trong việc tác động để phạm nhân thích ứng tốt trong quá trình chấp hành án phạt tù.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm


Sau hơn ba tiếng làm việc nghiêm túc, hiệu quả, đồng chí Đại tá, PGS. TS Trần Quang Huyên tổng kết và kết luận Hội thảo. Theo đó, Hội thảo được đánh giá là có chất lượng cao khi nhận được số lượng lớn bài nghiên cứu có giá trị, được các tác giả phân tích sâu sắc dưới góc nhìn đa chiều; trong đó 89 bài viết được chọn lọc và đưa vào hai tập kỷ yếu hội thảo. Với sự thành công cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, Đại tá, PGS.TS Trần Quang Huyên đề nghị ban tổ chức phổ biến rộng rãi kết quả của Hội thảo, nhanh chóng ứng dụng kết quả Hội thảo trong công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các nhà trường và nhất là trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân tại các trại giam; các đơn vị thực tế như Cục C10, C11 chủ động đặt hàng các nhà trường những vấn đề thực tiễn cần nghiên cứu chuyên sâu hơn, ngược lại các nhà trường tích cực đi thực tế, nghiên cứu các vấn đề thực tiễn và nâng cao tính ứng dụng của kiến thức giảng dạy trong chương trình. Đồng chí Phó Giám đốc cũng biểu dương hai đơn vị đầu mối tham mưu, tổ chức Hội thảo là Khoa Tâm lý, Học viện CSND và Phòng 5, Cục C10, đề nghị hai đơn vị tiếp tục nghiên cứu tham mưu để mở rộng hoạt động hợp tác, tổ chức thêm các hội thảo mở rộng sang các lĩnh vực khác và phối hợp mở các lớp tập huấn trong thời gian tới.   

Ngoài những giá trị đã nêu, Hội thảo còn có ý nghĩa quan trọng góp phần từng bước xây dựng vị thế cho khoa học Tâm lý trong ngành Công an. Là đơn vị nghiên cứu và giảng dạy về lĩnh vực này, Khoa Tâm lý, Học viện CSND luôn trăn trở và mong muốn Tâm lý học nói chung, Tâm lý học nghiệp vụ nói riêng khẳng định được vai trò thiết yếu đối với công tác của Ngành, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của khoa học Tâm lý tại Việt Nam. Sự thành công của Hội thảo cho thấy tính đúng đắn trong chiến lược nâng cao vị thế và giá trị của khoa học Tâm lý trong ngành Công an, được Khoa Tâm lý thực hiện những năm qua dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện.  

Mặc dù dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng ban tổ chức đã quyết tâm khắc phục để thực hiện Hội thảo trong bối cảnh “bình thường mới”, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trong đó vừa đảm bảo chất lượng Hội thảo vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ, thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch của Nhà nước, Bộ y tế và Bộ Công an.

Một số hình ảnh khác của Hội thảo:

Thượng tá Hoàng Huy Thanh, Phó Trưởng Phòng 11, Cục C10 tham luận về tác động tâm lý trong quản lý, giáo dục phạm nhân

Thượng tá Hoàng Huy Thanh, Phó Trưởng Phòng 11, Cục C10 tham luận về tác động tâm lý trong quản lý, giáo dục phạm nhân

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Thượng tá Vũ Minh Thuấn, Phó Giám Thị Trại giam Nam Hà tham luận tại Hội thảo

Thượng tá Vũ Minh Thuấn, Phó Giám Thị Trại giam Nam Hà tham luận tại Hội thảo

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục, Đại học QGHN chia sẻ về vấn đề hướng nghiệp cho phạm nhân

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục, Đại học QGHN chia sẻ về vấn đề hướng nghiệp cho phạm nhân

 

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất