gd-dt
Thứ Sáu, 6/6/2014 9:53'(GMT+7)

Trang bị kiến thức thông tin cho sinh viên phục vụ công tác đào tạo chất lượng cao tại Học viện Cảnh sát nhân dân

Trong thế kỷ XXI, Giáo dục đại học tại Việt Nam đã có bước tiến nhất định, một trong những bước tiến đó là sự chuyển đổi phương thức giáo dục từ niên chế sang đào tạo theo tín chỉ, phương thức đào tạo này cung cấp cho người học “kỹ năng tự học tập suốt đời” đồng thời  xây dựng một “xã hội học tập”. Như vậy, giáo dục đại học đã có những bước chuyển tất yếu và “Thư viện là trái tim của trường học” cũng đã có sự đổi mới kịp thời cùng xu thế của giáo dục đại học, sự phát triển từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số đã đưa thư viện từ nơi lưu trữ thông tin trở thành cổng thông tin, tăng cường tới việc truy cập thông tin của người dùng.
Viện trưởng viện Đại học Illinois, Edmund Jamess tại Mỹ đã khẳng định: “Trong những cơ sở phòng hay phòng ban của một trường đại học, không có cơ sở nào thiết yếu hơn thư viện đại học. Ngày nay không một công trình khoa học nào có giá trị đích thực mà không có sự trợ giúp của thư viện, ngoại trừ những trường hợp phi thường của những thiên tài thỉnh thoảng xẩy ra trong lịch sử nhân loại, đó là những trường hợp ngoại lệ”. Ai cũng hiểu đầu tư cho thư viện là đầu tư cho giáo dục, là một đầu tư đặc biệt về kinh tế mà hệ quả của sự đầu tư được đo lường bởi chất lượng giáo dục, có tác động lớn, lâu dài đến sự phát triển của một đất nước. 
Chính bởi lẽ đó, tại Học viện CSND được sự quan tâm của Đảng ủy Ban Giám đốc Học viện, Trung tâm Thông tin khoa học và Tư liệu giáo khoa (Trung tâm TTKH & TLGK) trong những năm qua đã đặc biệt được quan tâm đầu tư về mọi mặt hiện tại đang tiếp tục được đầu tư để trở thành Trung tâm thông tin đầu ngành của lực lượng CAND. Trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, Trung tâm TTKH & TLGK đã có những đóng góp tích cực, luôn bám sát định hướng, mục tiêu phát triển của Học viện, kịp thời có những thay đổi phù hợp với phương pháp đào tạo theo tín chỉ của Học viện, hỗ trợ sinh viên trong học tập đáp ứng chuẩn đầu ra của Học viện, cũng như đòi hỏi của thực tiễn về phẩm chất, năng lực của người chiến sĩ Công an trong thời kỳ đổi mới. Nhất là trong thời điểm hiện nay, Học viện CSND đang phấn đấu xây dựng nhà trường trở thành trường trọng điểm của lực lượng CAND, tiến tới trở thành trường trọng điểm quốc gia.

Hiện nay, với đội ngũ cán bộ của Trung tâm 2,27 % cán bộ có trình độ tiến sĩ, 13,63% cán bộ có trình độ thạc sĩ, 72% cán bộ có trình độ đại học, 12 % cán bộ có trình độ cao đẳng và trung cấp. Cán bộ của Trung tâm luôn có tinh thần cầu tiến và hiện các cán bộ đang tiếp tục học tập để nâng cao trình độ phục vụ cho công tác lâu dài trong Trung tâm và Học viện.
Để nguồn tài liệu phục vụ nghiên cứu của Học viên phong phú đa dạng, Trung tâm luôn chú trọng tới việc bổ sung đa dạng các nguồn tài liệu có chất lượng đáp ứng nhu cầu tin của bạn đọc. Do vậy, Vốn tài liệu của thư viện hiện nay gồm 42762 (đầu sách) =  467.957. Với nguồn tài liệu trên thư viện luôn đảm bảo chức năng cung ứng chính xác, đa dạng, cập nhật, kịp thời và đầy đủ nguồn tài liệu cho giảng viên và sinh viên trong yêu cầu cao của tiến trình nghiên cứu và tự học theo đúng tinh thần mới của giáo dục đại học đương thời.
Xu hướng phát triển của phương pháp giáo dục hiện đại, hướng người được giáo dục đến môi trường tự học tập suốt đời. Đã đến lúc Học viện cần tính đến một chiến lược đào tạo có chiều sâu và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Điều cần làm trước mắt là xác định rõ ràng mục tiêu đào tạo, xây dựng hệ thống các tiêu chí tốt nghiệp với việc hướng vào đào tạo người học có bản lĩnh chính trị và tri thức vững vàng, và quan trọng hơn nữa là trang bị cho người học khả năng học tập suốt đời. Cốt lõi và động lực để thực hiện những mục tiêu và công việc như trên chính là kiến thức thông tin. 
Vậy, để làm tốt vai trò của thư viện trong công tác giáo dục đào tạo với  bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay thì phát triển kiến thức thông tin đóng vai trò vô cùng quan trọng. Và sự bùng nổ thông tin toàn cầu, nhu cầu học tập độc lập và học tập suốt đời, và sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức chính là những nhân tố quan trọng giúp khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của kiến thức thông tin.
1. Nội dung kiến thức thông tin
Như đã biết, nội dung kiến thức thông tin hiện nay, được hiểu không chỉ đơn thuần là những kỹ năng cần thiết để tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả, nó bao gồm cả những kiến thức về các thể chế xã hội và các quyền lợi do pháp luật quy định để truy cập các nguồn thông tin. Rõ ràng, xét về tổng thể, kiến thức thông tin liên quan đến việc xác định nhu cầu thông tin, xây dựng các biểu thức tìm tin, lựa chọn và xác minh nguồn tin, thẩm định thông tin, tổng hợp và sử dụng thông tin. “Với ý nghĩa này, Viện Kiến thức thông tin Úc và New Zealand (2004, tr.3 – 4) cho rằng một người có kiến thức thông tin là người có khả năng:
- Nhận dạng nhu cầu thông tin
- Xác định được phạm vi của thông tin mà mình cần
- Khai thác thông tin hiệu quả
- Thẩm định thông tin và nguồn của chúng một cách tích cực và hiệu quả
- Phân loại, lưu trữ, vận dụng và tái tạo nguồn thông tin được thu thập hay tạo ra.
- Biến nguồn thông tin được chọn lựa thành cơ sở tri thức
- Sử dụng thông tin vào việc học tập, tạo tri thức mới, giải quyết vấn đề, và ra quyết định một cách hiệu quả.
- Nắm bắt được các khía cạnh kinh tế, pháp luật, chính trị và văn hóa trong việc sử dụng thông tin.
- Truy cập và sử dụng các nguồn thông tin hợp pháp và hợp đạo đức.
- Sử dụng thông tin và tri thức để thực hiện các quyền công dân và trách nhiệm xã hội.
- Trải nghiệm kiến thức thông tin như một phần của học tập độc lập cũng như tự học suốt đời”(2).
Theo Hiệp hội Các thư viện chuyên ngành và các trường đại học Hoa Kỳ (ACRL, 1989), người có kiến thức thông tin là người “đã học được cách thức để học. Họ biết cách học bởi họ nắm được phương thức tổ chức tri thức, tìm kiếm thông tin và sử dụng thông tin, do đó những người khác có thể học tập được từ họ. Họ là những người được đã chuẩn bị cho khả năng học tập suốt đời, bởi lẽ họ luôn tìm được thông tin cần thiết cho bất kỳ nhiệm vụ hoặc quyết định nào một cách chủ động"(1).
2. Triển khai kiến thức thông tin có hiệu quả công tác thông tin thư viện phải có những đổi mới để góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đào tạo tại  Học viện
Thư viện Học viện CSND đã có định hướng cung cấp các nguồn tư liệu và dịch vụ thư viện phù hợp với phương pháp dạy và học theo tín chỉ, thay đổi trong cách thức đào tạo người sử dụng thư viện - sinh viên và giảng viên, trọng tâm là kỹ năng nghe nhìn, các kỹ năng độc lập, kỹ năng sử dụng thư viện. Việc lựa chọn các tài liệu truyền thống đầu vào sang xu hướng chú trọng vào các loại tài liệu đa phương tiện, và truyền thông, kiến thức thông tin và cách đặt câu hỏi, phân tích nhu cầu người học, hợp tác và lồng ghép các nội dung giảng dạy kiến thức thông tin vào chương trình học, sự đa dạng hoá các khả năng của người học để đáp ứng các nhu cầu cụ thể, độc đáo của từng sinh viên. Các chương trình đào tạo người dùng tin tại Trung tâm đã và đang chuyển sang chú trọng hơn vào sinh viên và nhu cầu của họ thay vì chú trọng vào các nguồn tài liệu thư viện và các cách làm đặc thù của thư viện trước đây.
3. Thư viện luôn chú trọng thúc đẩy các mối quan hệ giữa cán bộ thư viện với giảng viên và dịch vụ dành cho giảng viên
Để có thể thay đổi cách dạy và học trong giảng viên, sinh viên và cán bộ quản lý, cán bộ thư viện xác định cần phải tác động vào giảng viên, cán bộ quản lý vì đó chính là nhân tố thúc đẩy sự thay đổi của sinh viên. Làm được điều này rất cần phải có sự phối hợp giữa cán bộ thư viện và giảng viên giảng dạy cũng như các cán bộ quản lý học viên. Việc này sẽ giúp cải thiện quá trình học tập của sinh viên và đảm bảo sinh viên Học viện đạt được các chuẩn đầu ra như Học viện đã quy định.
Chính vì lý do đó, điểm đầu tiên cần xác định kết quả của chương trình giảng dạy, trình độ và kiến thức hiện có của sinh viên, xác định khi nào và cần can thiệp vào nội dung gì về mặt thư viện trong chương trình học. Đối với từng môn học hoặc bài học cụ thể, cán bộ thư viện chủ động tìm hiểu về nội dung bài học/môn học và cung cấp các danh mục tài liệu phù hợp cho mỗi môn học cụ thể. Danh mục này có thể bao gồm cả tài liệu in có tại thư viện và các tài liệu miễn phí trên mạng hay các tài liệu tại các thư viện khác. Ngoài ra, thư viện cũng chú trọng tạo ra các “subject guide” như một cẩm nang để sinh viên sử dụng trong quá trình học tập tại Học viện.
Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy nếu giảng viên đã từng sử dụng thư viện và các dịch vụ thư viện thì họ sẽ có xu hướng sử dụng thư viện nhiều hơn để phục vụ cho công tác giảng dạy của mình và tại Học viện cũng thấy đó là một thực tế. Trường hợp giảng viên ít sử dụng thư viện có thể là do họ còn chưa nhận thức được vai trò mà thư viện có thể đóng góp cho việc giảng dạy của giảng viên. Và một trong các cách giải quyết vấn đề này là giảng viên cần phải được giới thiệu về thư viện và các nguồn tài liệu, dịch vụ mà nó có thể cung cấp cho giảng viên để phục vụ công tác giảng dạy của mình, qua đó làm cho chất lượng đầu ra của sinh viên được nâng cao. Để lôi kéo giảng viên tới thư viện, thư viện chủ động tạo ra các chương trình sự kiện theo chủ đề cụ thể, các buổi nói chuyện chuyên đề về sách… từ đó tạo thói quen cho giảng viên tới tham gia các hoạt động thư viện giúp họ hiểu sâu hơn về giá trị của thư viện cho công tác giảng dạy của họ.
Một điều nữa có thể làm để cải thiện chất lượng sử dụng thư viện đó là đảm bảo bố trí một cán bộ thư viện chuyên trách và được đào tạo bài bản về thư viện. Một cán bộ thư viện chuyên trách sẽ có đủ thời gian để đóng góp vai trò tích cực chủ động hơn trong việc quảng bá việc sử dụng thư viện trong việc giảng dạy, các hoạt động ngoại khóa, các bài tập của sinh viên cũng như để giảng viên và sinh viên giải trí. Một cán bộ thư viện chuyên trách cũng sẽ giúp cải thiện kiến thức thông tin của giảng viên và sinh viên.
Để làm được việc này, thư viện Học viện CSND xác định cần bổ sung tài liệu một cách đầy đủ, phù hợp với nhu cầu giảng dạy, học tập và giải trí của giảng viên và sinh viên. Thêm vào đó, cán bộ thư viện cũng phải tìm cách để giảng viên tham gia vào việc đánh giá kho tư liệu của thư viện xem có phù hợp hay không cũng như tìm cách để giảng viên giúp đỡ trong việc lựa chọn tài liệu mới cho phù hợp với trường. Những cách hợp tác này có thể giúp giảm thiểu những nhận thức chưa phù hợp về kho tài liệu thư viện, dịch vụ thư viện cũng như các trang thiết bị thư viện.
4. Đối với thư viện, luôn đánh giá cao mối quan hệ của cán bộ thư viện với sinh viên và dịch vụ dành cho sinh viên
Có lẽ yếu tố quan trọng nhất tác động đến vai trò của thư viện trường học và cán bộ thư viện trong việc nâng cao chất lượng đầu ra của học sinh là sự bùng nổ thông tin, đặc biệt là các nguồn thông tin điện tử đã diễn ra trong những năm gần đây. Với lượng thông tin khổng lồ hiện hữu trên Internet, với sự lạc hậu nhanh chóng của thông tin, và chất lượng ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thư viện không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp các nguồn tài liệu cho sinh viên mà ngày nay thư viện, cùng với các cơ quan khác, quan tâm đến việc tạo ra cộng đồng những người có kỹ năng học tập suốt đời, trong đó, các kỹ năng xác định, sử dụng và đánh giá thông tin là một phần quan trọng. Và kỹ năng thông tin chính là một phần then chốt trong các dịch vụ thư viện. “Theo Bản ghi nhớ về vấn đề Học tập suốt đời của Uỷ ban châu Âu thì mọi người cần phải được trang bị các kỹ năng học hỏi, thích ứng với sự thay đổi và hiểu được quá trình luân chuyển của dòng thông tin”(2). Tại Học viện CSND, điều này càng quan trọng hơn bởi lẽ giáo dục là phải trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để họ có thể áp dụng chúng trong cuộc sống sau này, cũng như trong công tác giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Trong sự nghiệp đổi mới tạo ra những chuyển biến nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường và quá trình hội nhập đặt ra cho công tác giữ gìn an ninh trật tự xã hội những nhiệm vụ nặng nề và trở thành điều kiện quan trọng đảm bảo sự ổn định, phát triển đất nước. Do vậy, trọng tâm của việc dạy học phải là cung cấp cho sinh viên những kỹ năng cho phép mỗi cá nhân có thể sử dụng vào việc học tập suốt đời chứ không chỉ là trong những năm ngồi trên ghế nhà trường.
Ngoài ra Cán bộ thư viện cũng có thể cung cấp dịch vụ tham khảo cho sinh viên để hỗ trợ cho sinh viên làm bài tập, ví dụ như hướng dẫn cách tìm kiếm các tài liệu tham khảo cho một bài tập cụ thể của sinh viên, hay cung cấp danh mục các tài liệu tham khảo cho một môn học.
5. Những hoạt động triển khai kiến thức thông tin tại Trung tâm TTKH & TLGK Học viện Cảnh sát nhân dân
Song song với việc xây dựng nguồn lực thông tin (nguồn tin, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…) thì việc hỗ trợ và triển khai kiến thức thông tin là một yếu tố đặc biệt quan trọng để tăng cường tính hiệu quả của các dịch vụ thông tin phục vụ nghiên cứu đào tạo. Trong thời đại số hóa và xã hội mạng như hiện nay, việc phát triển năng lực thông tin (information literacy) cho các cá nhân trong bối cảnh cộng đồng lại càng trở nên quan trọng.
Trung tâm TTKH & TLGK, Học viện CSND xác định có nhiều phương thức và kênh để tổ chức các hoạt động phát triển năng lực thông tin cho người dùng tin, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin - truyền thông phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của người dùng tin tại Trung tâm nên thư viện linh hoạt trong việc tổ chức các chương trình phát triển kiến thức thông tin cho người dùng tin tại Trung tâm.
Với các khóa đào tạo ngắn hạn là một giải pháp khả thi, do người dùng tin đến từ nhiều đơn vị khác nhau. Việc xây dựng các khóa đào tạo ngắn hạn hướng vào từng nội dung cụ thể của cả tiến trình phát triển năng lực thông tin (dạng module) sẽ giúp người dùng tin linh hoạt trong lựa chọn và định hình cho mình một lộ trình tham gia phù hợp. Tất nhiên, ở đây cũng cần nhấn mạnh đến vai trò tư vấn của người Cán bộ thư viện và phát triển chương trình nhằm giúp người dùng tin có thể xây dựng cho mình một kế hoạch nâng cao năng lực thật hiệu quả.
Thư viện Học viện Cảnh sát nhân dân nhận thức được tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức thông tin cho bạn đọc. Trung tâm TTKH & TLGK đã có chương trình triển khai kiến thức thông tin cho người dùng tin vào mỗi đầu khóa học như: Hướng dẫn bạn đọc tìm kiếm thông tin trên Internet Hiểu rõ hơn về Internet - một địa chỉ giúp bạn tìm kiếm thông tin. Hướng dẫn kỹ năng trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo, hỗ trợ các kỹ năng cần thiết trong quá trình tìm tài liệu nghiên cứu và học tập.
Hướng dẫn bạn đọc tra cứu trên phân hệ OPAC của phần mềm tích hợp Libol; hướng dẫn bạn đọc kỹ năng tìm tài liệu trên các mạng Lan, wan của Học viện cũng như truy cập vào các trang web của khoa, của Học viện để tiếp cận các thông tin mà họ muốn,… Các thông tin của khóa học được đăng tải trên website của Học viện, cũng như in ra các cuốn hướng dẫn nhỏ, như một cẩm nang để người dùng tin tiện sử dụng. Đây chỉ là những hoạt động giản đơn của việc triển khai kiến thức thông tin, trong thời gian tới Trung tâm có kế hoạch đẩy mạnh hơn, sâu hơn chương trình này.
Nhằm mục đích cung cấp cho người dùng tin của thư viện những kiến thức thông tin cơ bản: xác định nhu cầu thông tin, xây dựng các biểu thức tìm tin, lựa chọn và xác minh nguồn tin, thẩm định thông tin, tổng hợp và sử dụng thông tin. Để trang bị những kỹ năng cơ bản tìm kiếm thông tin thích hợp cho nhu cầu học tập của họ. Chỉ dẫn tới các khu vực phục vụ cụ thể của thư viện, hướng dẫn các quy tắc sử dụng thư viện, giúp bạn đọc tuân thủ nội quy thư viện khi tham gia vào các hoạt động thư viện.
6. Kết luận
Với nỗ lực đã đạt được trong thời gian qua, Trung tâm đang nỗ lực hơn để tạo ra cho người dùng tin những kỹ năng cơ bản để phát triển năng lực thông tin của mỗi cá nhân. Để hỗ trợ công tác đào tạo đạt chất lượng cao tại Học viện, Trung tâm cần quan tâm để phối hợp hơn nữa với các đơn vị quản lý đào tạo trong Học viện đẩy mạnh hoạt động này có hiệu quả cho bạn đọc thư viện. Và việc “triển khai kiến thức thông tin cho người dùng tin được Trung tâm xem như một trong những kế sách hành động mang tính chiến lược và thường xuyên của thư viện. Cùng với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng sử dụng thông tin cho người dùng tin, đây cũng là cơ hội cho các cán bộ thư viện và người dùng tin hiểu nhau và có mối quan hệ bền chặt sẽ là những điều kiện hết sức quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng các sản phẩm thư viện và dịch vụ thông tin do thư viện cung cấp. Nâng cao hiệu quả đào tạo của cá nhân và mục tiêu đào tạo chất lượng cao của Học viện”.
Với những hoạt động triển khai kiến thức thông tin cho bạn đọc tại thư viện, chất lượng giáo dục của Học viện đã ngày càng được nâng cao. Học viện được đánh giá là một trong những cơ sở giáo dục đào tạo đầu ngành trong lực lượng Công an nhân dân. Năm 2012, Học viện được chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, đây là một trong những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng ghi nhận những đóng góp to lớn trong giáo dục và đạo tạo của Học viện. Nhất là trong thời điểm hiện nay, Học viện CSND đang phấn đấu xây dựng nhà trường trở thành trường trọng điểm của lực lượng CAND, tiến tới trở thành trường trọng điểm quốc gia. Với thành quả đã đạt được trong sự nghiệp giáo dục của Học viện, thư viện đang ngày càng tự tin vững bước hơn tiến vào giai đoạn phát triển mới. Tiếp tục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của lực lượng Công an nhân dân.

 

Đại tá,TS. Phạm Ngọc Cường - Giám đốc Trung tâm BDCD & GV - T32
Thượng úy, Ths. Đỗ Thu Thơm - Trung tâm TTKH & TLGK - T32

Nguồn: Kỷ yếu “Hội nghị Tổng kết 12 năm đào tạo đại học chính quy theo mô hình chất lượng cao” ngày 29/5/2014 tại Học viện CSND



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất