gd-dt
Thứ Tư, 3/6/2015 10:17'(GMT+7)

Công tác đào tạo sau đại học của Học viện Cảnh sát nhân dân - Những định hướng phát triển trong thời gian tới

Thượng tướng, PGS,TS. Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trao bằng Thạc sĩ cho các học viên tốt nghiệp Cao học khóa 20, Học viện Cảnh sát nhân dân

Thượng tướng, PGS,TS. Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trao bằng Thạc sĩ cho các học viên tốt nghiệp Cao học khóa 20, Học viện Cảnh sát nhân dân

Hiện nay, Học viện CSND đang đào tạo Tiến sĩ cho hai chuyên ngành: Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm; Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và đào tạo thạc sĩ cho 5 chuyên ngành: Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm; Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; Điều tra trinh sát; Kỹ thuật hình sự; Tổ chức thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Học viện cũng đã liên kết đào tạo Thạc sĩ với Đại học Đà Nẵng, Đại học Tây Bắc, Đại học Maryland (Hoa Kỳ) và tới đây sẽ tiếp tục liên kết đào tạo với Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan. Đồng thời, Học viện đang xúc tiến hoàn thiện thủ tục cho việc mở mã ngành đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Điều tra hình sự. Cùng với việc mở rộng quy mô thì tiềm lực khoa học phục vụ đào tạo cũng ngày càng phát triển. Hiện tại, Học viện có đội ngũ hàng trăm nhà khoa học, nhà giáo có học hàm, học vị cao, có uy tín khoa học cả trong và ngoài ngành Công an đang tham gia đào tạo sau đại học. Cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống tài liệu, phương tiện dạy học, phòng học, thư viện... cũng được đầu tư trang bị theo hướng hiện đại, chuyên dùng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, nghiên cứu. Có thể khẳng định, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng trải qua 23 năm, công tác đào tạo sau đại học của Học viện CSND đã không ngừng phát triển về quy mô và nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lực lượng Công an nhân dân và kể cả Quân đội nhân dân, các cơ quan khối nội chính và cho các nước bạn Lào, Campuchia.

Bên cạnh đó, cũng cần phải nhận thức rằng công tác đào tạo nói chung, đào tạo sau đại học của Học viện CSND nói riêng vẫn đang đứng trước những vấn đề thách thức đang đặt ra, đó là:

Thứ nhất, nhu cầu học tập và yêu cầu quy mô đào tạo ngày càng tăng nhưng nguồn kinh phí cho giáo dục, đào tạo còn hạn hẹp thậm chí bị cắt giảm do những khó khăn chung đã tạo ra áp lực không nhỏ đối với nguồn nhân lực, và cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo. Trong khi đó, công tác giáo dục, đào tạo nói chung, đào tạo sau đại học nói riêng lại đang đòi hỏi phải đổi mới một cách căn bản, toàn diện theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước và của ngành Công an.

Thứ hai, theo lộ trình, tháng 6/2015 Học viện CSND sẽ trở thành một cơ sở đào tạo trọng điểm của ngành Công an và năm 2020 sẽ là của quốc gia. Với vị thế mới, đòi hỏi công tác đào tạo sau đại học cũng phải phát triển nâng tầm một cách rõ rệt, đặc biệt là tiềm lực khoa học và năng lực đào tạo đối với từng môn học, từng khoa chuyên ngành, từng hội đồng chuyên môn... Theo đó, trong thời gian tới, cần phải tiếp tục nghiên cứu mở thêm các chuyên ngành đào tạo mới cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Các khoa chuyên ngành phải có đủ khả năng để tự mình tổ chức giảng dạy, hội thảo khoa học, đảm nhiệm các hội đồng đánh giá luận văn, luận án. Đội ngũ giảng viên, học viên sau đại học phải có khả năng không chỉ giảng dạy, học tập, nghiên cứu ở trong nước mà còn có thể tham gia trao đổi kinh nghiệm, giảng dạy, nghiên cứu ở nước ngoài hoặc ngược lại.

Thứ ba, sự tác động bởi những mặt trái của nền kinh tế thị trường, khoa học - công nghệ, hội nhập quốc tế và đặc biệt là sau khi thành lập cộng đồng Asean... sẽ làm cho tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội thêm phức tạp.Theo đó, đòi hỏi phải đào tạo ra một đội ngũ cán bộ có trình độ cao (Thạc sĩ, Tiến sĩ) xứng tầm, đủ khả năng để nhận thức, giải quyết một cách khoa học, đúng quy luật những nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự cả trước mắt và chiến lược lâu dài, cả trong nước và hợp tác quốc tế.

Từ những khía cạnh như trên, để tiếp tục phát triển cả quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học tại Học viện CSND cần phải quan tâm một số vấn đề chính sau đây:

 - Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo các nội dung đã được xác định trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI), Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9/6/2014 của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 17 của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị số 13 của Bộ trưởng Công an về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân theo hướng: “Phấn đấu trong những năm tới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc có hiệu quả”.(Trích Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII). Trên cơ sở  này, công tác đào tạo sau đại học tại Học viện CSND trong những năm tới đòi hỏi phải trọng tâm đổi mới cả về nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá, phát triển đội ngũ nhà giáo, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, quản lý, hợp tác quốc tế....

- Phải coi trọng và quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học, cán bộ quản lý thật sự trong sạch, vững mạnh, tâm huyết với sự nghiệp, phát huy cao nhất sự cống hiến xứng đáng là nguồn nhân lực quyết định sự phát triển, đổi mới sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói chung, đào tạo sau đại học nói riêng. Có kế hoạch cụ thể trong việc tính toán, cân đối nguồn lực, đặc biệt là đào tạo, bố trí nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khoa chuyên ngành, đơn vị quản lý đào tạo sau đại học. Bên cạnh đó cần có chính sách, cơ chế phù hợp để huy động một cách có kế hoạch, có hiệu quả các nguồn lực khoa học, đặc biệt là nguồn nhân lực cả trong và ngoài ngành Công an, cả trong nước và quốc tế tham gia vào công tác đào tạo sau đại học trong Công an nhân dân nói chung và tại Học viện CSND nói riêng.

- Khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch tài liệu, nhất là tài liệu nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học, nghiên cứu khoa học của hệ sau đại học. Tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện thư viện hiện đại của Học viện, thúc đẩy dự án hợp tác với Hàn Quốc xây dựng thư viện điện tử, có kế hoạch đầu tư xây dựng, củng cố hệ thống thư viện, phòng học chuyên dùng, trang bị phương tiện đồng bộ, hiện đại phục vụ đào tạo sau đại học.

- Tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực gắn với đặc thù công tác chiến đấu của lực lượng CSND, đặc biệt là trong công tác đấu tranh chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Cùng với giáo dục lý tưởng, truyền thống cần chú trọng giáo dục nâng cao đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực sáng tạo và các kiến thức ngoại ngữ, khoa học, công nghệ... cho người học đáp ứng yêu cầu công tác của lực lượng CSND trong tình hình hiện nay.

- Gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học và  thực tiễn công tác, chiến đấu của các đơn vị, địa phương, đặc biệt là trong việc giảng dạy, biên soạn tài liệu, báo cáo thực tế, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm và lựa chọn các đề tài nghiên cứu, cung cấp thông tin, tài liệu, đánh giá, thực nghiệm kết quả  nghiên cứu... Nâng cao hơn nữa chất lượng khoa học của các luận văn, luận án, các sản phẩm khoa học trong đào tạo sau đại học. Mở rộng hướng nghiên cứu của các đề tài luận văn, luận án tới những lĩnh vực, khía cạnh mới về kinh tế, xã hội, văn hóa, tâm lý, giáo dục, đạo đức, lối sống... nhưng có liên quan tới công tác phòng, chống tội phạm, quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Tăng cường các mặt công tác quản lý, kiểm tra cũng như chất lượng của các hội đồng chuyên môn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham gia đào tạo sau đại học.

- Chủ động thúc đẩy mở rộng hơn nữa hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo sau đại học, đặc biệt là với Lào, Campuchia, các nước khác trong cộng đồng Asean, với Đại học Maryland - Hoa Kỳ, Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan...

Tóm lại, tiếp tục phát triển công tác đào tạo sau đại học là một đòi hỏi khách quan xuất phát từ nhu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Đây là một nhiệm vụ thường xuyên nhưng cũng hết sức nặng nề, đặc biệt là trong điều kiện Học viện CSND trở thành trường trọng điểm của ngành trong thời gian tới. Vì vậy, không chỉ đòi hỏi phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mà đồng thời còn phải có sự “vào cuộc” của cả hệ thống một cách tổng thể, có kế hoạch và lộ trình thích hợp.

 

GS,TS. ĐƯỜNG MINH GIỚI - Trưởng khoa Đào tạo SĐH và BDNC - Học viện CSND

Tạp chí Cảnh sát nhân dân số 5+6/2015


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất