gd-dt
Chủ Nhật, 10/5/2015 12:21'(GMT+7)

Bàn về quản lý chất lượng đào tạo trong các trường Công an nhân dân

Hiện nay, vấn đề chất lượng giáo dục và đào tạo đang ngày càng thu hút sự chú ý của xã hội. Giáo dục trong Công an nhân dân (CAND) không nằm ngoài vấn đề đó. Vấn đề đặt ra, làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong CAND? Đó cũng là nỗi trăn trở của những người làm công tác giáo dục trong các trường CAND.

Trong những năm qua, các trường CAND đã thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho là đào tạo cán bộ có trình độ khoa học về các lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, các lĩnh vực về khoa học pháp lý cho lực lượng CAND, một số lực lượng thuộc quân đội và khối nội chính. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy… nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của các trường CAND. Ngày 06/10/2014, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 70 năm công tác giáo dục, đào tạo và triển khai Chương trình nhiệm vụ năm học 2014 - 2015 trong CAND, đồng thời, ban hành Nghị quyết, Chỉ thị về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đánh dấu sự phát triển của công tác giáo dục, đào tạo để cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng đào tạo trong các trường CAND vẫn còn một số hạn chế, bất cập đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý giáo dục, đảm bảo góp phần nâng cao chất lượng đào tạo các trường CAND, chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Một là, xác định mục tiêu, tiêu chí quản lý chất lượng phù hợp

Trên cơ sở quy định chung của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu, đối tượng đào tạo, điều kiện và đặc thù của mỗi trường để xây dựng mục tiêu và tiêu chí quản lý cho phù hợp. Trong đó, khi xác định mục tiêu: Phải căn cứ tiêu chí đánh giá tổng thể các hoạt động giáo dục, các thành tố, các điều kiện của trường trong một chu kỳ kiểm định chất lượng, theo Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học và Quyết định số 5405/QĐ-X11-X14 ngày 23/5/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND)  ban hành quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục các học viện, trường đại học CAND. Trong các mục tiêu đạt được, cần xác định các tiêu chí đánh giá cụ thể. Từ đó, căn cứ theo các tiêu chí của từng tiêu chuẩn trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học và tính đến các yếu tố đặc thù của trường đại học trong lực lượng CAND. Đối với từng tiêu chí xem xét, đánh giá theo trình tự sau: Mô tả để làm rõ nội hàm của tiêu chí, lựa chọn các minh chứng điển hình cho tiêu chí; phân tích, so sánh, đánh giá để nêu được các điểm mạnh và các điểm tồn tại cần khắc phục; lập kế hoạch hành động cụ thể để khắc phục các tồn tại nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trong thời gian tới.

Hai là, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đào tạo một cách toàn diện và đồng bộ

Việc thiết lập một hệ thống quản lý chất lượng đào tạo có thể giảm một số hoạt động kiểm soát chất lượng như thanh tra, theo dõi… bởi vì hệ thống quản lý chất lượng đào tạo đã làm giảm hay ngăn ngừa được những nguyên nhân của sự tạo ra các lỗi, hay thiếu sót trong các quá trình. Đồng thời, nó bảo đảm và tạo dựng lòng tin với cộng đồng về tình trạng “không mắc lỗi” của sản phẩm quá trình đào tạo. Nội dung xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đào tạo một cách toàn diện và đồng bộ bao gồm: Xác định các nội dung cần quản lý của Nhà trường; xác định cấu trúc của hệ thống; xây dựng quy trình cho từng nội dung quản lý; xây dựng tiêu chí đánh giá cho từng nội dung quản lý; vận hành hệ thống đánh giá, điều chỉnh hệ thống…

Trong thời gian qua, chất lượng đào tạo và vấn đề đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo luôn được các trường CAND quan tâm hàng đầu. Điều này thể hiện rõ rệt thông qua việc tuyên bố sứ mệnh, mục tiêu đào tạo, chức năng, nhiệm vụ và vận hành của các khoa, bộ môn và đơn vị chức năng trong nhà trường. Hơn thế nữa, chất lượng đào tạo và công tác đảm bảo chất lượng luôn được đề cập trong các nghị quyết của Đảng ủy, phương hướng, kế hoạch công tác của trường. Có thể nói, tất cả các trường CAND đều quan tâm đến chất lượng đào tạo và vấn đề đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo của mình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công việc, đảm bảo và nâng cao chất lượng chưa được thực hiện đồng bộ ở các trường, chưa trở thành “văn hóa chất lượng” của mỗi trường, trong đó đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bộ phận (khoa, phòng, ban, trung tâm...), của cả chủ thể và khách thể quản lý (cán bộ quản lý, giảng viên, học viên). Các phần tử của quá trình quản lý chất lượng chưa được xác định cụ thể và đầy đủ, chưa xây dựng được quy trình cho từng nội dung quản lý cũng như việc xây dựng tiêu chí đánh giá cho từng nội dung quản lý chưa hoàn thiện, các tiêu chí cho việc kiểm tra, đánh giá chưa hợp lý... Mỗi bộ phận, cá nhân thực hiện công tác đảm bảo chất lượng theo cách hiểu và nhận thức của bản thân. Chính việc thực hiện quản lý chất lượng đào tạo một cách thiếu đồng bộ, nhất quán, thiếu sự liên kết tác động lẫn nhau hay nói cách khác là chưa thành hệ thống là nguyên nhân chủ yếu của việc chất lượng đào tạo của các trường còn hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng trong các trường là cấp bách và cần thiết nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.

Ba là, đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng.

Đây là khâu quan trọng được thực hiện trong suốt quá trình giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, giúp đỡ người học đạt mục tiêu đề ra đối với từng môn học.

Trong những năm qua, hoạt động đánh giá trong các trường CAND chủ yếu do đội ngũ giảng viên tiến hành. Trong đó, tập trung chủ yếu là kiểm tra, đánh giá người học để trang bị những kiến thức, kỹ năng cho học viên; hướng dẫn chung cho học viên thực hành, nắm vững kiến thức của môn học; cần quan tâm đến nội dung phát hiện những sai sót của từng học viên, hướng dẫn cho những học viên chưa đạt kết quả tốt đối với nội dung, yêu cầu của môn học. Tập trung cách đánh giá chất lượng đào tạo theo hướng đánh giá trực tiếp, đánh giá thực. Trong đó, hạn chế đánh giá chất lượng học tập của học viên thông qua đề thi phân tích, trình bày, làm rõ quan điểm thuộc về lý luận mà cần thay đổi cấu trúc đề thi yêu cầu sinh viên vận dụng kiến thức đã học để giải quyết một nhiệm vụ cụ thể về thực tiễn thuộc lĩnh vực của môn học để từng bước giúp sinh viên đạt kết quả tốt nội dung, yêu cầu của môn học.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý giáo dục có đủ phẩm chất và năng lực

Trong ngành Công an, cán bộ làm công tác quản lý chất lượng đào tạo còn hạn chế về năng lực quản lý: lực lượng tham gia quản lý gồm nhiều bộ phận khác nhau như Quản lý học viên, Quản lý đào tạo, khảo thí và đảm bảo chất lượng..., trình độ cán bộ không đồng đều; nhận thức về quản lý chất lượng đào tạo còn hạn chế… Từ thực tế đó, Bộ Công an đã ra Quyết định số 3535/QĐ-X11, X12 ngày 22/4/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND về chức năng, nhiệm vụ của Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo để tăng cường cán bộ làm công tác quản lý chất lượng. Trước hết, cần tập trung đào tạo cán bộ làm công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo vững về chính trị, có hiểu biết về kiến thức đảm bảo chất lượng; có khả năng kiểm tra, hướng dẫn; biết đánh giá chất lượng: Tự đánh giá, đánh giá ngoài; cần tập trung xây dựng đội ngũ quản lý vừa có khả năng đáp ứng được yêu cầu hiện tại vừa phải chọn lọc, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên sâu ở từng lĩnh vực chuyên môn, có khả năng làm chuyên gia về đánh giá.

Năm là, đảm bảo cơ sở vật chất cho công tác quản lý chất lượng

Hiện nay, trong các trường CAND, việc trang bị phương tiện phục vụ đánh giá chất lượng còn thiếu, chưa đồng bộ. Điều đó đã ảnh hưởng đến công tác quản lý chất lượng đào tạo. Vì vậy, cần quan tâm trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ quản lý chất lượng. Trước hết, cần quan tâm trang bị các phương tiện: Phương tiện quản lý, phương tiện đánh giá (đánh giá tiêu chí, đánh giá trong tiến trình, đánh giá bằng bài viết mở rộng (tự luận); đánh giá qua giao tiếp; đánh giá thực hành; đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan; đánh giá theo giờ học trên lớp, đánh giá tổng thể) và các phương tiện bảo quản… Thông qua đó, đảm bảo cho công tác quản lý chất lượng đi vào nền nếp và từng bước nâng cao hiệu quả.

Sáu là, xác định tiêu chí chuẩn đầu ra phù hợp chung cho các trường CAND

Các trường phải nhận thức rõ ràng việc áp dụng quản lý chất lượng đào tạo là quản lý theo chuẩn. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi lẽ đến nay, còn một số trường CAND chưa công bố chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo hoặc các chuẩn đưa ra chưa đáp ứng được các chỉ số cơ bản chuẩn đào tạo của nhà trường. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, các chuẩn chương trình đào tạo được xây dựng bên cạnh việc dựa trên sức mạnh, mục tiêu của nhà trường và của ngành học, cần lưu ý đến nhu cầu sử dụng cán bộ của Ngành, nhu cầu của xã hội và tiến dần tới đạt chuẩn của khu vực và thế giới. Nội dung các chuẩn đầu ra tùy theo từng trường mà xác định cho phù hợp như chuẩn về ngoại ngữ, tin học, bắn súng, võ thuật, lái xe, nghiệp vụ…. Trên cơ sở đó, người học sau khi tốt nghiệp ra công tác sẽ vận dụng các chuẩn trên vào thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tóm lại, công tác quản lý chất lượng đào tạo là một hoạt động rất quan trọng trong hoạt động giáo dục, đào tạo. Quản lý tốt về chất lượng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đào tạo. Trên cơ sở các điều kiện hiện có, dựa trên các chuẩn về quản lý để mỗi trường phát huy tính sáng tạo, tính tự chủ, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất và năng lực để cùng thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu về chất lượng đào tạo trong CAND.

Đại tá, PGS,TS. NGUYỄN THIỆN PHÚ - Phó giám đốc Học viện CSND

Tạp chí Cảnh sát nhân dân số 4/2015

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất