Nghiên cứu - Trao đổi
Thứ Tư, 20/9/2017 11:1'(GMT+7)

Quá trình xây dựng và phát triển Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm - Những định hướng

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Nhật - Phó Giám đốc Học viện

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Nhật - Phó Giám đốc Học viện

Ngay từ những ngày đầu thành lập, tập thể lãnh đạo và các cán bộ Trung tâm tội phạm học và điều tra tội phạm đã xác định rõ nhiệm vụ nặng nề, khó khăn của một đơn vị nghiên cứu khoa học về tội phạm. Sau 10 năm thành lập, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban giám đốc Học viện, trực tiếp của đồng chí Giám đốc Học viện, cùng với sự phấn đấu vượt khó, nêu cao trách nhiệm với lòng quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng, Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm đã xây dựng, đào tạo và phát triển được một đội ngũ cán bộ nghiên cứu có năng lực chuyên môn sâu về tội phạm học, có khả năng nghiên cứu độc lập những vấn đề liên quan đến tội phạm. Khởi đầu với 6 thành viên, là những cán bộ có năng lực, trình độ nghiên cứu được chọn lọc từ các đơn vị khác nhau, cho tới nay Trung tâm đã có 24 cán bộ (ngoài 19 cán bộ đã từng công tác tại đơn vị hiện đã được bổ nhiệm lãnh đạo hoặc luân chuyển sang các đơn vị khác trong và ngoài Học viện). Đi đôi với việc mở rộng về mặt số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ của Trung tâm cũng từng bước được nâng lên. Với lực lượng ban đầu gồm 1 Phó giáo sư, 2 tiến sĩ và 2 thạc sĩ, cho đến thời điểm hiện tại Trung tâm đã có 1 Giáo sư; 2 Phó giáo sư; 4 Tiến sĩ trong đó có 4 đồng chí được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩtại nước ngoài về chuyên ngành tội phạm học, điều tra tội phạm. Ngoài ra, các cán bộ của Trung tâm còn thường xuyên được cử đi nghiên cứu, học tập ngắn hạn tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước như: tập huấn về phòng, chống rửa tiền và điều tra tài chính; tập huấn về phòng chống tội phạm công nghệ cao; phòng, chống mua bán người; phòng, chống ma túy… giúp bổ sung kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong công tác nghiên cứu tội phạm học.

10 năm là khoảng thời gian không nhiều so với lịch sử hình thành của Học viện Cảnh sát nhân dân, nhưng đó cũng đủ để chúng ta nhìn nhận đánh giá về những thành tựu đã đạt được của Trung tâm. 10 năm qua, Trung tâm đã tổ chức nghiên cứu, tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn về tội phạm học và khoa học phòng chống tội phạm phục vụ công tác của lực lượng Cảnh sát nhân dân; nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, biện pháp nghiệp vụ về phòng ngừa tội phạm; thực hiện các chương trình, kế hoạch hợp tác trong nước và quốc tế về đào tạo, nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm. Trong đó, đã tập trung nghiên cứu các quy luật hoạt động, nguyên nhân, điều kiện nảy sinh các loại tội phạm; bước đầu tổng kết thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm trên phạm vi cả nước nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách và hoàn thiện cơ sở pháp lý đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta; nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân, điều kiện và tình hình tội phạm dưới góc độ chuyên ngành Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm; nghiên cứu, thực hiện các đề tài, chương trình, dự án trong nước và quốc tế; xây dựng kế hoạch tổ chức các hội thảo khoa học - thực tiễn về đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác dưới góc độ chuyên ngành Tội phạm học ở các cấp độ trong nước, khu vực và quốc tế; biên soạn tài liệu giảng dạy, giáo trình, sách chuyên khảo về Tội phạm học và hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm; công bố các công trình nghiên cứu khoa học về Tội phạm học của các tác giả trong nước và nước ngoài trên chuyên đề “Thông tin tội phạm học”, Chuyên đề của Tạp chí “Cảnh sát nhân dân”, Học viện Cảnh sát nhân dân. Các số thông tin tội phạm học bước đầu đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các nhà khoa học, các cán bộ thực tiễn trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn phòng ngừa tội phạm.

Song song với công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng để công tác nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả cao hơn, Trung tâm còn làm công tácgiảng dạy chuyên sâu 2 môn Tội phạm học, Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm cho các hệ Cử nhân và Sau đại học ở trong và ngoài Học viện. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các chuyên đề về Tội phạm học cho các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an các địa phương, phổ biến kiến thức về phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các loại tội phạm trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp; đảm nhận các hợp đồng tư vấn và trực tiếp thực hiện các hoạt động kỹ thuật phòng, chống tội phạm, bảo vệ an toàn cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các hộ gia đình tránh khỏi sự xâm hại của tội phạm…

Có thể nói rằng, trong thời gian 10 năm sau khi thành lập, Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân đã và đang khẳng định được thương hiệu của mình, là cơ sở tin cậy trong nghiên cứu tội phạm học, phòng ngừa tội phạm của Học viện Cảnh sát nhân dân nói riêng và của ngành Công an nói chung.

Khoa học tội phạm học, phòng ngừa tội phạm là khoa học có phạm vi rộng, đối tượng nghiên cứu đa dạng, liên quan và phụ thuộc vào nhiều chuyên ngành khoa học khác, đòi hỏi tính ứng dụng rất cao. Nhất là trong tình hình hiện nay, các nước trên thế giới, trong khu vực rất quan tâm đến nghiên cứu về tội phạm học, họ đã đầu tư rất nhiều nguồn lực (con người, tài chính, công nghệ, khoa học) cho nghiên cứu về nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh cũng đa dạng và thường xuyên biến đổi... Trong điều kiện đó, việc nâng cao vị trí, tăng cường năng lực của Trung tâm để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, ngày 18/8/2009, Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương ban hành Chỉ thị số 02-CT/ĐUCA-V19 về tăng cường công tác cải cách tư pháp trong Công an nhân dân, trong đó đã xác định rõ: “Nghiên cứu, xây dựng Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm thànhTrung tâm lớn nghiên cứu về tội phạm và đấu tranh phòng, chống tội phạm phục vụ có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới” (đoạn b, điểm 2, mục II Chỉ thị số 02). Để triển khai Chỉ thị của Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương và để góp phần xây dựng Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân thành Trung tâm lớn nghiên cứu về tội phạm và đấu tranh phòng ngừa tội phạm, giảng dạy tội phạm học và hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm trong Công an nhân dân, phục vụ có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của Công an nhân dân trong tình hình mới, chúng tôi xác định tập trung vào một số hướng trọng tâm, bao gồm:

Một là, kiện toàn và chuyên môn hóa cao về mặt tổ chức lực lượng, cơ sở vật chất phục vụ công tác. Để xây dựng Trung tâm thành “Trung tâm lớn nghiên cứu”, trước mắt, Trung tâm phải có lượng biên chế cơ bản (có thể từ 30 đến 40 cán bộ, chiến sĩ) được tổ chức thành phòng, bộ phận nghiên cứu chuyên sâu (theo các chuyên đề). Trung tâm phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật đầy đủ, được trang bị hệ thống thông tin hiện đại. Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trung tâm theo tiêu chí vừa nắm vững kiến thức nghiệp vụ công an, phương pháp nghiên cứu về Tội phạm học, vừa nắm vững các kiến thức pháp luật, tâm lý học, xã hội học và các kiến thức xã hội khác có liên quan đến lĩnh vực mình nghiên cứu; xây dựng lòng đam mê, nhiệt huyết với công tác nghiên cứu khoa học; tinh thần đoàn kết nội bộ, kỹ năng làm việc nhóm, làm việc tập thể chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển, mở rộng, nâng cao hiệu quả các mặt công tác của Trung tâm. Trên cơ sở nền tảng sẵn có tiến hành thu thập số liệu về loại, nhóm vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tội phạm mà mình nghiên cứu; theo dõi, cập nhật các thông tin về tình hình tội phạm, các hiện tượng xã hội tiêu cực mới nảy sinh, các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội tác động tới tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật khác… từ đó phân tích, đánh giá,nhận xét, dự báo và đề xuất phương án, giải pháp, kiến nghị hoàn thiện hệ thống các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ của từng lực lượng trong ngành Công an cũng như đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật và Nhà nước khác.

Thứ hai, phải xác định công tác nghiên cứu là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, cho nên tất cả các hoạt động khác cũng đều phải phục vụ công tác nghiên cứu. Muốn làm được điều này Trung tâm cần thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết thực tiễn phòng, chống tội phạm trên các địa bàn nghiên cứu, các tuyến trọng điểm, từ đó, nghiên cứu, làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta và các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Công tác nghiên cứu cần xác định rõ những vấn đề lý luận chưa hoàn thiện, đang có sự tranh cãi để đầu tư nghiên cứu; đồng thời xác định rõ những hiện tượng xã hội tiêu cực mới nổi lên, những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới trong thực tiễn để ưu tiên nghiên cứu làm rõ nguyên nhân, điều kiện, quy luật hình thành, phát triển, từ đó xây dựng hệ thống các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời trong cộng đồng dân cư…

Mặt khác, cần tổ chức nghiên cứu, phát triển hệ thống lý luận về Tội phạm học thông qua các công trình nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam. Có như vậy mới có thể đánh giá một cách chính xác cơ cấu, diễn biến của tình hình tội phạm, đặc biệt là nguyên nhân của tình hình tội phạm. Việc nghiên cứu, so sánh là rất quan trọng bởi Tội phạm học ở Việt Nam là một ngành khoa học mới, đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu đúng mức trên cơ sở học tập các học thuyết mang tính lý luận sẵn có của các nhà Tội phạm học trên thế giới. Thông qua nghiên cứu, hệ thống lại các hệ thống lý luận đó sẽ cung cấp một cơ sở phương pháp luận vững chắc cho hoạt động nghiên cứu phát triển đối với tình hình tội phạm cụ thể.

Thứ ba,phát huy thế mạnh của đội ngũ chuyên gia, các cán bộ hoạt động thực tiễn trong ngành để nâng cao chất lượng của các bài giảng, chuyên đề, đề tài nghiên cứu khoa học, đáp ứng tốt hơn chức năng giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao của Trung tâm. Để đạt được mục đích này, Trung tâm cần nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi, chế độ chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khoa học, kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu lý luận và thực tiễn về phòng, chống tội phạm; nhất là khuyến khích và động viên được các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, cán bộ thực tiễn trong lĩnh vực tội phạm học và điều tra tội phạm tham gia các hoạt động nghiên cứu, giáo dục, bồi dưỡng của Trung tâm.

Thứ tư, tăng cường, mở rộng hợp tác với các đơn vị, tổ chức có quan đến hoạt động nghiên cứu tội phạm học, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị trong lực lượng Công an nhân dân; tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác của các cấp lãnh đạo, đơn vị, tổ chức nơi tiến hành nghiên cứu; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học phòng, chống tội phạm.

Một mặt, cần giữ mối quan hệ gắn bó, thường xuyên, liên tục với các đơn vị nghiệp vụ điều tra, xử lý tội phạm trong lực lượng Cảnh sát nhân dân và với Công an các địa phương để phối hợp tổng kết công tác điều tra nói chung, điều tra từng vụ án, về từng loại tội; đánh giá dưới góc độ tội phạm học về tình hình tội phạm để kiến nghị các giải pháp phòng ngừa.

Mặt khác, mở rộng hợp tác với các cơ quan bảo vệ pháp luật khác (Tòa án, Viện Kiểm sát, Bộ đội Biên phòng, Hải quan), với Viện nghiên cứu của các ngành, trường đại học như Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội… để hợp tác nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học, trao đổi, học tập kinh nghiệm nghiên cứu, phản biện xã hội. Có thể mở rộng sự hợp tác với các sở khoa học và công nghệ của các tỉnh, thành phố để nhận hợp đồng nghiên cứu khoa học về các đề tài có liên quan đến vấn đề Tội phạm học.

Bên cạnh đó, cần duy trì tốt mối quan hệ với các tổ chức quốc tế như Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), Tổ chức phi chính phủ PLAN tại Việt Nam, BlueDragon, Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WCS)…; trong tương lai cần tính đến việc hợp tác với các Viện nghiên cứu Tội phạm học ở một số nước có ngành tội phạm học phát triển như Nga, Nhật Bản, Anh, Pháp, Canada, hoặc một số nước trong khu vực Đông Nam Á và tiếp đến là tiến tới gia nhập Hiệp hội Tội phạm học quốc tế.

Với quyết tâm phấn đấu và phương pháp làm việc năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp của tập thể lãnh đạo và cán bộ, giảng viên, Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm sẽ trưởng thành hơn nữa, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trở thành Trung tâm lớn nghiên cứu về tội phạm và đấu tranh phòng, chống tội phạm phục vụ có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới”. Đây cũng chính là phương hướng hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm trong thời kỳ hội nhập của đất nước./.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Nhật- Phó Giám đốc Học viện CSND

Nguồn: Tạp chí CSND - Chuyên đề Tội phạm học và Khoa học hình sự số 8+9/2017

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất