Nghiên cứu - Trao đổi
Thứ Tư, 20/9/2017 7:4'(GMT+7)

Một số trao đổi về mô hình hoạt động của Hội Tội phạm học Úc và New Zealand: Hướng đến thành lập Hội Tội phạm học Việt Nam

Có thể nói, mặc dù có tuổi đời ít hơn so với các Hội Tội phạm học danh tiếng và uy tín trên thế giới, như Hội Tội phạm học của Vương quốc Anh, của Mỹ, của Châu Âu, nhưng suốt nửa thế kỷ thành lập và phát triển, Hội Tội phạm học Úc và New Zealand đã được các nhà tội phạm học và những nhà nghiên cứu học thuật trên thế giới ghi nhận như một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu về lĩnh vực tội phạm học. 

Nhân kỷ niệm 10 năm xây dựng và trưởng thành của Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm của Học viện CSND và hướng đến việc xây dựng và triển khai Hội Tội phạm học Việt Nam trong thời gian tới, bài viết này xin trân trọng giới thiệu một cách khái quát về lịch sử hoạt động và phát triển của Hội Tội phạm học Úc và New Zealand trong 50 năm qua để cùng tham khảo những kinh nghiệm của tổ chức này.

Vài điểm khái quát về Hội Tội phạm học Úc và New Zealand

Hội Tội phạm học của Úc và New Zealand được thành lập ngày 24 tháng 10 năm 1967, nhăm thúc đây nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực tội phạm học trong nước. Hội là nơi cầu nối những nhà nghiên cứu khoa học, những người làm công tác thực tiễn trong tất cả các lĩnh vực có quan tâm và mong muốn chia sẻ những kiến thức liên quan đến lĩnh vực tội phạm học. Tất cả những thành viên của Hội phản ánh sự đa dạng về thành phần trong lĩnh vực tội phạm học, bao gồm cán bộ thực tiễn, người làm nghiên cứu, người hoạch định chính sách và sinh viên.

Hội Tội phạm học của Úc và New Zealand là đơn vị được quyền tổ chức các Hội thảo thường niên cấp quốc gia và hỗ trợ xuất bản ấn phâm định kỳ mang tên Tạp chí Tội phạm học của Úc và New Zealand (Australian and New Zealand Jour¬nal of Criminology). Tạp chí này được hỗ trợ và xuất bản thông qua nhà xuất bản Sage - một trong những nhà xuất bản lớn nhất và uy tín nhất trên thế giới hiện nay, đặc biệt là về lĩnh vực tội phạm học và tư pháp hình sự. Tạp chí là nơi tiếp nhận và bình duyệt các công bố nghiên cứu chuyên sâu về các học thuyết, ứng dụng và thực tiễn trong lĩnh vực tội phạm học.

Những quy định, nguyên tắc và đạo đức học thuật của Hội Tội phạm học Úc và New Zealand

Nhằm đảm bảo tính khách quan, khoa học và trách nhiệm trong quá trình tồn tại và phát triển, Hội Tội phạm học Úc và New Zealand đã xây dựng riêng cho mình những tôn chỉ, mục đích hoạt động cụ thể. Những nội dung này được cụ thể hoá và công bố công khai trên website chủ của Hội cũng như được gửi đến tất cả các thành viên của Hội để nắm bắt, quán triệt và thực hiện một cách nghiêm tức. Bài viết nàysơ lược dịch thuật những nội dung chính về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của thành viên Hội, cũng như những quy định về quy tắc đạo đức học thuật của cá nhân thành viên và của Hội nói chung.

Mục đích hoạt động

Mục đích của Hiệp hội Tội phạm học của Úc và New Zealand được thành lập nhằm vào năm vấn đề cụ thể. Một là, đề cao việc học tập, nghiên cứu và hợp tác trong lĩnh vực tội phạm học. Hai là, tạo điều kiện để tất cả những người đam mê và cống hiến tích cực trong dạy học và làm thực tiễn về lĩnh vực tội phạm học. Ba là, thúc đây công tác đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực tội phạm học tại các cơ sở đào tạo, các lực lượng thực thi pháp luật, các cơ quan tư pháp, và các cơ quan thi hành án phạt tù. Bốn là, khuyến khích sự tham gia đông đảo của các cơ quan truyền thông, báo chí và truyền hình trong lĩnh vực tội phạm học thông qua việc tham gia các Hội thảo thường niên và công bố các công trình nghiên cứu khoa học. Năm là, khuyến khích và thúc đây việc nghiên cứu và hiểu biết lĩnh vực tội phạm học đối với các cơ quan Quốc hội, Chính phủ và Công cộng.

Quyền lợi và trách nhiệm của thành viên

Theo quy định hiện hành của Hội Tội phạm học Úc và New Zealand, những thành viên của Hội sẽ được quyền hưởng lợi ích rất cụ thể. Một là, được ưu tiên giảm lệ phí đăng ký tham gia tại các Hội thảo thường niên của Hiệp hội. Hai là, miễn phí các ấn bản định kỳ Tạp chí Tội phạm học của Úc và New Zealand. Ba là, tham gia vào các buổi toạ đàm và hội thảo khoa học chuyên sâu của từng tiểu bang để đánh giá, tổng kết tình hình tội phạm hiện tại và hoạt động nghiên cứu tội phạm học. Bốn là, được ứng cử và đề xuất các giải thưởng và kỷ niệm chương định kỳ hàng năm. Năm là, có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kiên thức chuyên môn cũng như các hình thức cộng tác nghiên cứu với những chuyên gia, khách mời hàng đầu trong lĩnh vực tội phạm học. Bên cạnh đó, Hội cũng đề ra những trách nhiệm rất cụ thể với các thành viên của Hội. Một là, các thành viên có trách nhiệm tôn trọng những quy định của Hội và những quy tắc về đạo đức học thuật khi tham gia. Hai là, yêu cầu đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc công bố các sản phâm khoa học và phải chịu trách nhiệm về mặt học thuật và đạo đức nghiên cứu khi áp dụng.Ba là, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong nghiên cứu khoa học, khuyến khích các thành viên duy trì và phát triển các mối quan hệ cá nhân với các tổ chức, tập thể, cơ quan để mở rộng và liên kết trong nghiên cứu và công bố Tội phạm học

Bộ Quy tắc về đạo đức áp dụng đối với Hội

Nhằm đảm bảo tính minh bạch, khách quan và hiệu quả trong việc duy trì hoạt động và phát triển của tổ chức, Hội Tội phạm học Úc và New Zealand đã xây dựng một bộ quy tắc về đạo đức. Bộ quy tắc về đạo đức được thông qua bởi Ban Điều hành, Hội đồng thường trực và thông qua biểu quyết với tất cả các thành viên của Hội, với 7 điểm chính và 38 điểm cụ thể. Trong đó tập trung nhấn mạnh vào 7 điểm chính bao gồm 1) các mục đích của Bộ quy tắc về đạo đức (purpose of the Code), 2) các nghĩa vụ chung (general obligations), 3) các quy định về truyền bá, phổ biến kiến thức liên quan đến tội phạm học (the dissemination of knowledge), 4) những trách nhiệm của các đồng nghiệp trong Hội (responsibilities of colleagues), 5) những trách nhiệm trong quá trình triển khai và thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học (responsibilities of research subjects), 6) những mối quan hệ giữa Hội Tội phạm học và các cơ quan, tổ chức khác (relationships to other organizations), và 7) tính đồng thuận của Bộ quy tắc về đạo đức (compliance with the Code). Nội dung cụ thể của từng 38 điểm chi tiết trong phạm vi 7 điểm chính nêu trên của Bộ quy tắc về Đạo đức của Hội Tội phạm học Úc và New Zealand được cụ thể hoá rất chặt chẽ nhằm khẳng định về vai trò, ảnh hưởng, và trách nhiệm của vấn đề đạo đức học thuật - một trong những yếu tố được xác định là cốt lõi và quan trọng nhất đối với Hội và cá nhân các nhà tội phạm học khi tham gia vào Hội. 

Song song với việc xây dựng Bộ quy tắc về đạo đức, nhằm đảm bảo tính trách nhiệm, nghĩa vụ, và quyền lợi của từng cá nhân, tập thể cũng như các cơ quan tổ chức, đoàn thể khác khi tham gia vào đóng góp kiến thức khoa học cho Hội, Hội Tội phạm học Úc và New Zealand cũng đã xây dựng những quy định cụ thể về mục đích, vai trò, tôn chỉ hoạt động và vấn đề tài chính của Hội. Những vấn đề này được xây dựng và công bố dựa trên Luật về Cải tổ các Tổ chức, Hiệp Hội của Úc năm 2012 (Associations Incorporation Reform Act 2012) và Quy định về Cải tổ các Tổ chức, Hiệp Hội của Úc năm 2012 (Associations Incorporation Reform Regulations 2012). Dựa trên điều 46 của Luật về Cải tổ các Tổ chức, Hiệp Hội của Úc năm 2012, Quy định về Hội Tội phạm Úc và New Zealand được ban hành nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân thành viên với Hội, và được cụ thể hoá trong 7 phần và 77 điều cụ thể.    

Một số vấn đề đặt ra hướng đến việc xây dựng Hội Tội phạm học Việt Nam trong thời gian tới

Từ cách diễn giải và phân tích những đặc điểm và nội dung quá trình hình thành và phát triển của Hội Tội phạm học của Úc và New Zealand, có thể rút ra một số gợi ý sau đây trong xây dựng Hội Tội phạm học ở Việt Nam:

- Xét về góc độ truyền thống và nền tảng của ngành Tội phạm học trên thế giới, mỗi một quốc gia và khu vực nghiên cứu chuyên ngành này dựa trên lập trường và nền tảng học thuyết khác nhau. Trong điều kiện đó, theo quan điểm người viết, Tội phạm học Việt Nam cần tiếp tục kiên định với nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác-lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tội phạm và công tác phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, Hội Tội phạm học ở Việt Nam khi được thành lập chủ động vận dụng một cách linh hoạt, sang tạo và phù hợp phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử để nghiên cứu vấn đề tội phạm trong xã hội.

- Xét về nguyên tắc và tôn chỉ hoạt động, Hội Tội phạm học của Việt Nam cần tiếp tục kiên trì nguyên tắc kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong công tác nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu liên quan đến tội phạm học, bao gồm cả những vấn đề trong và ngoài ngành Công an. Trên cơ sở đúc rút, khái quát hoá kinh nghiệm thực tiễn để phát triển và làm phong phú thêm lý luận và phương pháp luận của Tội phạm học Việt Nam.

- Riêng về tên gọi tiếng Anh của Hội Tội phạm học của Việt Nam, theo quan điểm người viết nên dựa vào tên gọi chung của các Hội Tội phạm học của thế giới, khu vực và những nước phát triển về lĩnh vực này. Hiện nay, Hội Tội phạm thế giới có tên gọi tiếng Anh là International Society of Criminology, Hội Tội phạm học Châu Âu có tên gọi là Euro¬pean Society of Criminology, Hội Tội phạm học Châu A có tên gọi là Asian Criminological Soci¬ety, Hội Tội phạm học và Nạn nhân học của khu vực Nam A có tên gọi là South Asian Society of Criminology and Victimology, Hội Tội phạm học của Vương quốc Anh có tên gọi là British Society of Criminology, Hội Tội phạm học của Mỹ có tên gọi là American Society of Criminology. Do đó, theo quan điểm người viết, nếu dịch sang tiếng Anh tên gọi của Hội Tội phạm học của Việt Nam thì nên dựa trên nguyên tắc và tên gọi chung mà các nước trên thế giới đang dùng hiện nay, có thể là Vietnamese Society of Criminology, sử dụng ‘society’ để mang tính chất xã hội hoá những hoạt động nghiên cứu của toàn xã hội về tội phạm học.

- Cần xem xét việc xây dựng và xuất bản Tạp chí Tội phạm học với tư cách là một ngành khoa học độc lập khi Hội Tội phạm học Việt Nam ra đời. Khuyến khích các hướng nghiên cứu mới để công bố các sản phâm khoa học trên Tạp chí Tội phạm học như Nạn nhân học (Victimology), Địa tội phạm (Geographic Profiling in Criminal) và các ngành khoa học lân cận như Xã hội học tội phạm, Tâm lý học tội phạm. Trên cơ sở đó thúc đây việc nghiên cứu Tội phạm học ở Việt Nam phát triển, tiến lên một bước mới không chỉ ở phạm vi trong nước mà hướng tới phát triển ở phạm vi khu vực Đông Nam A với sự liên kết và hậu thuận từ tổ chức ASEAN và Hiệp hội Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANPOL) để tiến tới thành lập Hội Tội phạm học Đông Nam Á.

TS. Lương Thanh Hải, Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm

 Nguồn: Tạp chí CSND - Chuyên đề Tội phạm học và Khoa học hình sự số 8+9/2017

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất