gd-dt
Thứ Năm, 25/6/2015 10:21'(GMT+7)

Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hình sự đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho Công an các địa phương

Đến nay, Học viện CSND đã đào tạo được 20 khóa học ra trường với gần 1.000 học viên tốt nghiệp, kịp thời cung cấp, bổ sung cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành KTHS cho lực lượng CSND nói chung và lực lượng làm công tác KTHS nói riêng. Với đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn vững vàng, được bố trí phân công đúng ngành nghề được đào tạo đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành KTHS tại Học viện CSND đã nhanh chóng bắt nhịp với công tác thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác KTHS đặt ra. Nhiều học viên sớm trở thành những cán bộ lãnh đạo chỉ huy trong lĩnh vực KTHS nói riêng và lực lượng Công an nhân dân nói chung.

 Nhìn lại chặng đường đã qua, công tác đào tạo học viên chuyên ngành KTHS tại Học viện CSND có nhiều giai đoạn thăng trầm. Trong hơn 30 năm kể từ ngày thành lập khoa chuyên ngành này đến nay mới có 20 khóa học đã tốt nghiệp ra trường nhưng trong đó có tới 12 khóa liên tiếp không đào tạo học viên chuyên ngành KTHS. Số lượng học viên đào tạo đại học chuyên ngành KTHS tại Học viện CSND ra trường hàng năm nhìn chung còn ít, trung bình trong 10 năm trở lại đây có khoảng 25 học viên/1 khóa học. Có những năm Học viện CSND đào tạo rất ít học viên chuyên ngành KTHS, như Khóa D26 chỉ có 6 học viên. Như vậy, việc đào tạo cán bộ chuyên ngành KTHS thường xuyên với số lượng ít, lại không liên tục ảnh hưởng đến việc bổ sung cán bộ KTHS có trình độ đại học cho ngành.

Trong khi đó, nhu cầu được bổ sung cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành KTHS của Công an các địa phương lại rất lớn. Chỉ tính riêng Công an các tỉnh phía Bắc từ Quảng Bình trở ra, mỗi năm tính trung bình Học viện CSND không cung cấp, bổ sung được 01 cán bộ chuyên ngành KTHS cho Công an 1 tỉnh. Đó là chưa kể học viên được đào tạo chuyên ngành KTHS tốt nghiệp ra trường chuyển công tác làm việc ở lĩnh vực khác, không đúng chuyên ngành được đào tạo. Nhất là sau khi công tác KTHS được phân cấp cho Công an cấp huyện theo Quyết định số 994/2008/QĐ/BCA-X11 ngày 30/07/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập Đội (Tổ) KTHS Công an cấp huyện thì nhu cầu về cán bộ KTHS ngày càng thiếu, hụt về cả đội ngũ cán bộ KTHS giữa các thế hệ cán bộ.

Qua thực tiễn tổ chức đào tạo học viên chuyên ngành KTHS tại Học viện CSND còn gặp nhiều khó khăn, bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo chuyên ngành này, cụ thể:

- Chiến lược đào tạo cán bộ KTHS nhìn chung còn bất cập, hạn chế, chưa mang tính chiến lược lâu dài. Điều đó thể hiện ngay chính quá trình đào tạo chuyên ngành không được liên tục qua các năm, các khóa, nhiều năm không đào tạo chuyên ngành KTHS, có 12 năm liên tục không đào tạo chuyên ngành KTHS. Số lượng học viên mỗi khóa học được đào tạo chuyên ngành này còn ít so với nhu cầu đòi hỏi của công tác thực tiễn, tỷ lệ số lượng học viên được phân bổ vào chuyên ngành KTHS ít so với số lượng học viên các chuyên ngành khác như Quản lý hành chính, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra, Cảnh sát hình sự… Ngay trong quá trình đào tạo tại Học viện CSND, một bộ phận không nhỏ học viên chưa thực sự tâm huyết với chuyên ngành được đào tạo, chưa gắn bó với chuyên ngành này. Nhiều cán bộ được đào tạo trình độ đại học chuyên ngành KTHS nhưng ngay sau khi tốt nghiệp ra trường "xin chuyển" công tác ở lĩnh vực khác tại Công an các đơn vị địa phương..

- Chương trình đào tạo trình độ đại học chuyên ngành KTHS chưa phù hợp, chưa chuyên sâu và chưa mang tính ứng dụng cao. Công tác KTHS hiện nay triển khai nhiều nội dung công tác như khám nghiệm hiện trường, giám định tư pháp về KTHS và pháp y, kỹ thuật phòng, chống tội phạm; trong đó, lĩnh vực giám định về KTHS và pháp y bao gồm nhiều chuyên ngành giám định khác nhau (13 lĩnh vực giám định). Tuy nhiên, hiện tại Chương trình đào tạo đại học của Học viện chỉ đào tạo 01 ngành KTHS với 01 chuyên ngành KTHS chung. Nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành KTHS còn nặng về lý luận. Trong khi đó, đặc thù của đào tạo chuyên ngành KTHS là đào tạo kỹ năng thực hành cho học viên. Do đó, sau khi đào tạo tại Học viện học viên phải mất thời gian đào tạo tay nghề mới đáp ứng được yêu cầu công tác thực tiễn.

- Đội ngũ giảng viên đảm nhiệm nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành KTHS tại Học viện CSND hiện nay tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nên còn hạn chế về kinh nghiệm giảng dạy, kiến thức thực tiễn và phương pháp sư phạm. Hiện nay, Khoa Nghiệp vụ KTHS có tổng số 20 giảng viên trong đó có 06 giảng viên có trình độ Tiến sĩ, 04 Thạc sĩ, 10 Cử nhân; trong đó, 05 giảng viên chính, 11 giảng viên  và 4 trợ giảng.. Số giảng viên trẻ đảm nhận giảng dạy được ít môn học, bài giảng của chuyên ngành nên gây áp lực trong bố trí lịch trình và kế hoạch dạy học. Thời gian tham gia thực tế của số giảng viên trẻ còn ít nên tay nghề, kinh nghiệm công tác chưa nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác tổ chức thực hành bài học cho học viên.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, phương tiện phục vụ giảng dạy chuyên ngành KTHS trong những năm gần đây mặc dù được quan tâm trang bị tuy nhiên tổng thể vẫn còn hạn chế, thiếu, nghèo nàn, chưa đồng bộ, cập nhật với những thiết bị hiện đại. Nhìn chung phương tiện trang bị cho giảng dạy KTHS thường cũ và lạc hậu hơn so với Công an địa phương. Hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ học tập giảng dạy chưa phong phú, ít được cập nhật, bổ sung. Tài liệu tham khảo bằng tiếng nước ngoài còn thiếu, nhất là những tài liệu về KTHS của các nước có nền khoa học KTHS phát triển, ảnh hưởng không nhỏ đối với quá trình đào tạo theo học chế tín chỉ.

- Lựa chọn học viên để đào tạo chuyên ngành KTHS chưa được coi trọng đúng mức. Với nhiều yếu tố tác động, nhiều học viên chưa có nhận thức đúng, đầy đủ về nghề nghiệp nên ngay từ khi phân công về chuyên ngành KTHS đã có nhận thức sai lệch, không gắn bó, đam mê nghề nghiệp.

- Với đặc thù là kỹ năng, tay nghề công tác chuyên môn nhưng quá trình đào tạo chuyên ngành KTHS tại Học viện CSND còn chưa thực sự gắn liền với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Quá trình đào tạo, Học viện đã tổ chức nhiều lần tham quan thực tế, mời báo cáo thực tế tại các đơn vị chiến đấu song thời gian thực tế còn ít, chưa thường xuyên, nội dung tham quan còn mang nặng hình thức, chưa gắn với mục tiêu đào tạo tay nghề của học viên.

Những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo chuyên ngành KTHS tại Học viện CSND bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Đó là sự nhận thức chưa thực sự đầy đủ về vị trí, vai trò cũng như vị thế của công tác KTHS trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, chiến lược phát triển tổng thể lĩnh vực KTHS nói chung và đào tạo cán bộ chuyên ngành KTHS còn bất cập, chương trình đào tạo chưa đổi mới, chưa cập nhật với thực tiễn triển khai công tác, chưa gắn liền giữa đào tạo lý luận với kỹ năng thực hành, sự đầu tư trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học về lĩnh vực KTHS còn chậm đổi mới…

Để từng bước nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng KTHS Công an các địa phương trong thời gian tới cần làm tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, đề nghị Bộ Công an cùng các đơn vị chức năng như Cục Tổ chức cán bộ, Tổng cục Chính trị CAND, Viện Khoa học hình sự nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện quy hoạch tổng thể cán bộ KTHS trong toàn quốc, từng tỉnh thành phố cũng như các đơn vị cơ sở. Khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ KTHS trong toàn quốc đồng thời khảo sát nhu cầu cán bộ KTHS trong những năm tới. Trên cơ sở đó, cân đối, xây dựng chỉ tiêu đào tạo học viên chuyên ngành KTHS trong từng năm cũng như chiến lược trong nhiều năm tiếp theo. Nên tổ chức đào tạo theo nhu cầu của từng địa phương. Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các học viện, các trường CAND tổ chức tuyển sinh theo ngành đào tạo ngay từ lúc đăng ký hồ sơ sơ tuyển. Đặc biệt là sau khi tốt nghiệp cần chỉ đạo phân công công tác theo đúng chuyên môn được đào tạo trong đó có việc phân công học viên chuyên ngành KTHS về công tác đúng lĩnh vực KTHS nhất là bổ sung cán bộ có trình độ đại học về KTHS cho đội ngũ cán bộ KTHS ở cấp huyện.

Hai là, xây dựng chương trình đào tạo đại học với nhiều chuyên ngành cụ thể. Trước mắt, Học viện cần xây dựng chương trình đào tạo đại học chuyên ngành giám định KTHS theo đúng danh mục ngành, chuyên ngành được Bộ Công an phê duyệt. Về lâu dài, cần xây dựng chương trình đào tạo đại học với chuyên ngành theo các lĩnh vực chuyên sâu của KTHS, xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao KTHS. Việc thiết kế chương trình giảm bớt những kiến thức mang tính lý thuyết, hàn lâm tập trung xây dựng theo hướng đào tạo nghề, đào tạo thực hành là chủ yếu. Đồng thời, có định hướng xây dựng chương trình đào tạo liên kết với một số nước có nền khoa học KTHS phát triển.

Ba là, đội ngũ giảng viên của Khoa Nghiệp vụ KTHS cần phát huy sức trẻ, say mê nghiên cứu, sáng tạo để trong thời gian gần nhất có thể đảm nhiệm nhiều môn học, bài học. Học viện và Khoa Nghiệp vụ KTHS cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể bồi dưỡng, nâng cao trình độ học vấn, kinh nghiệm giảng dạy và tay nghề cho đội ngũ giảng viên trẻ, lựa chọn đào tạo những giảng viên có tay nghề, có kỹ năng thực hành tốt phục vụ hướng dẫn thực hành cho học viên chuyên ngành. Có thể đào tạo giảng viên thực hành chuyên trách nếu cần thiết.

Bốn là, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tài liệu giáo trình phục vụ giảng dạy. Trước hết, rà soát lại hệ thống giáo trình để có kế hoạch chỉnh lý bổ sung. Đối với những môn học mới cần nhanh chóng xây dựng giáo trình tài liệu mới trước khi bắt đầu đào tạo. Với đội ngũ giảng viên của Khoa nghiệp vụ KTHS hiện nay cần tập trung dịch thuật những tài liệu của các nước có nền KTHS phát triển. Về trang thiết bị, phương tiện thực hành: Bộ Công an cho phép Viện KTHS xác định Học viện CSND là một trong những đầu mối trang bị phương tiện của Viện. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng dự án trang bị phương tiện hiện đại để có thể theo kịp sự phát triển KTHS khu vực và trên thế giới.

Năm là, phải gắn liền giữa đào tạo lý luận và thực tiễn, giữa đào tạo lý thuyết và tay nghề thực hành. Thời gian tới cần thí điểm mô hình đào tạo mới theo hướng học cái gì tổ chức thực hành, thực tập thực tế ngay cái đó (giống mô hình đào tạo của Đại học Y). Có như vậy, học viên sau khi tốt nghiệp sẽ không mất thời gian đào tạo lại, có thể bắt nhịp ngay với công tác KTHS thực tế sau khi tốt nghiệp ra trường.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng KTHS. Giảng viên phải thường xuyên được tham quan kiến tập ở nước ngoài, cập nhật những công nghệ mới được sử dụng trong KTHS. Đồng thời nghiên cứu chuyển giao những tri thức mới, công nghệ mới phục vụ đào tạo học viên chuyên ngành KTHS. Đối với học viên chuyên ngành KTHS, cần tuyển lựa những học viên có thành tích học tập tốt, có khả năng để cử đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài. Ngoài các nước có sự hợp tác truyền thống trong đào tạo chuyên ngành KTHS thì nên mở rộng với các nước khác nhất là các nước có trình độ KTHS phát triển như Anh, Đức, Pháp, Mỹ...

Với những định hướng đổi mới nêu trên, sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự giúp đỡ ủng hộ của các đơn vị có liên quan và sự nỗ lực, không ngừng đổi mới của Học viện CSND trong công tác giáo dục, đào tạo nói chung và đào tạo chuyên ngành KTHS nói riêng sẽ góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng đào tạo học viên chuyên ngành KTHS, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng KTHS Công an các địa phương.


TS. NGUYỄN THẾ CÔNG - Phòng QLĐT- Học viện CSND

Tạp chí Cảnh sát nhân dân số 5+6/2015

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất