Hoạt động của Học viện
Thứ Tư, 29/3/2017 19:45'(GMT+7)

Tổng kết 25 năm đào tạo sau đại học trong Công an nhân dân

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Công an; lãnh đạo các Học viện, trường CAND, Công an các đơn vị, địa phương cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo, những cán bộ thực tiễn trong và ngoài ngành Công an.

Đây là Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng 25 năm công tác đào tạo sau đại học của lực lượng CAND, xác định những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các biện pháp khắc phục; đồng thời, xác định mục tiêu, nội dung định hướng phát triển công tác đào tạo sau đại học trong các Học viện, trường đại học CAND, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong CAND, phục vụ sự nghiệp bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH thời gian tới.
 
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng,
Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Trải qua 25 năm phát triển (1992 - 2017), công tác đào tạo sau đại học trong CAND đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ của lực lượng CAND. Hệ thống các cơ sở đào tạo, ngành nghề và quy mô đào tạo sau đại học trong CAND ngày càng được mở rộng, chương trình đào tạo từng bước được bổ sung, cập nhật theo hướng hiện đại, có sự liên thông với các chuyên ngành đào tạo ở bậc đại học. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo sau đại học ngày càng được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ; đội ngũ cán bộ, giảng viên không ngừng trưởng thành, đủ khả năng đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy và hướng dẫn khoa học. Sự phát triển của công tác đào tạo sau đại học trong CAND đã góp phần tạo nguồn đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy nói riêng và đội ngũ tri thức trong CAND nói chung, đặc biệt là đã bổ sung đội ngũ giảng viên đào tạo sau đại học, cán bộ cho viện nghiên cứu, cơ quan tham mưu, chỉ huy và trực tiếp chiến đấu của ngành Công an, Quân đội, cơ quan thuộc khối nội chính, Công an các nước bạn Lào, Campuchia.

Đào tạo sau đại học trong CAND đã giúp ngành Công an nói chung và các trường CAND nói riêng phát triển về lý luận và khoa học nghiệp vụ Công an. Các cơ sở đào tạo sau đại học trong CAND đã thực sự trở thành nòng cốt cho sự phát triển chung của khoa học nghiệp vụ Công an, là trung tâm nghiên cứu giải quyết các vấn đề bức xúc trong lý luận nghiệp vụ CAND, vị thế các trường CAND ngày càng được khẳng định, uy tín trong nghiên cứu khoa học ngày càng được nâng cao.
 
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND
 phát biểu chào mừng Hội nghị
Từ năm 1992 đến nay, đã có 06 Học viện, trường CAND được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học, chiêu sinh 9.925 học viên cao học và 1.393 nghiên cứu sinh với 7 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ gồm: Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Quản lý Nhà nước về TTATXH, Điều tra tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, Lãnh đạo trong lĩnh vực tư pháp hình sự (liên kết với Đại học Maryland Hoa Kỳ), Quản lý Nhà nước về an ninh quốc gia, Trinh sát an ninh và Tổ chức phòng cháy, chữa cháy; 03 chuyên ngành đào tạo trình độ Tiến sĩ gồm: Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm; Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và Điều tra trinh sát.

Công tác xây dựng chương trình đào tạo, hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh, học viên và giảng viên được chú trọng đầu tư xây dựng. Nội dung các môn học luôn được cập nhật, đổi mới hiện đại hóa và bám sát thực tiễn đấu tranh chống tội phạm, quản lý nhà nước về ANTT, đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của lực lượng CAND.

Ngoài ra, các Học viện, trường CAND đã chủ động nghiên cứu khoa học, chú trọng xây dựng hệ thống tài liệu tham khảo. Hàng vạn chuyên đề khoa học, luận văn, luận án, đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ... là nguồn tri thức quý giá, góp phần nghiên cứu, giải quyết những vấn đề bức xúc của thực tiễn đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự đang đặt ra.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ đào tạo sau đại học của các cơ sở đào tạo đã được lãnh đạo Bộ Công an quan tâm đầu tư phát triển. Hệ thống thư viện, phòng học, phòng hội thảo khoa học, phòng bảo vệ luận án, luận văn, ký túc xá từng bước được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống mạng nội bộ, mạng internet, phương tiện dạy học hiện đại đã được trang bị, đáp ứng yêu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh, học viên và giảng viên.

Về đội ngũ giảng viên, những năm đầu nhận nhiệm vụ đào tạo sau đại học, các cơ sở đào tạo trong CAND chỉ có 06 Phó Giáo sư, 31 Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ), đến nay, trong các trường CAND đã có 53 Giáo sư, 179 Phó Giáo sư, 542 Tiến sĩ trực tiếp tham gia giảng dạy sau đại học và đông đảo đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm đang công tác tại các đơn vị nghiên cứu, chiến đấu. Bên cạnh đó, các nhà trường đã chủ động mời các giảng viên kiêm nhiệm công tác tại các đơn vị, địa phương tham gia giảng dạy, báo cáo thực tế, đồng thời tổ chức cho học viên đi tham quan, kiến tập, trao đổi kinh nghiệm tại các địa phương, đơn vị trong nước và nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan...

Ngoài việc đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao phục vụ công tác chiến đấu trong nước, Học viện CSND và Học viện ANND là 2 cơ sở tiên phong trong việc hợp tác đào tạo sau đại học cho cán bộ Công an các nước bạn Lào, Campuchia theo Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam với Chính phủ các nước bạn. Từ năm 2000 đến nay, các Học viện, trường CAND đã đào tạo được 111 Thạc sĩ và 57 Tiến sĩ cho nước bạn Lào Lào, 09 Thạc sĩ và 06 Tiến sĩ cho nước bạn Campuchia.

Việc hợp tác đào tạo quốc tế cũng từng bước được triển khai với các nước phát triển trên thế giới như Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Bỉ, Hàn Quốc... Từ năm 2009 đến nay, Bộ Công an đã gửi 210 cán bộ đi đào tạo trình độ sau đại học tại nước ngoài, trong đó có 124 Thạc sĩ, 84 Tiến sĩ và 02 sau Tiến sĩ. Từ năm 2011, Học viện CSND đã liên kết với Đại học Maryland (Hoa Kỳ) tổ chức chiêu sinh 02 khóa đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Lãnh đạo trong lĩnh vực tư pháp hình sự.

Việc hợp tác đào tạo sau đại học với các Ngành trong nước cũng ngày càng được mở rộng, nhất là đối với Bộ Quốc phòng. Tính đến hết năm 2016, Bộ Công an đã gửi 419 cán bộ đi đào tạo sau đại học tại Bộ Quốc phòng (trong đó có 83 nghiên cứu sinh, 336 học viên cao học), tiếp nhận 254 cán bộ Bộ Quốc phòng sang đào tạo tại các cơ sở đào tạo sau đại học trong CAND (trong đó có 40 nghiên cứu sinh, 214 học viên cao học). Bộ Công an cũng đã phối hợp, tổ chức đào tạo sau đại học cho cán bộ một số Bộ, Ngành thuộc khối Nội chính như Tòa án, Viện Kiểm sát, Hải quan... góp phần tạo nguồn cán bộ có trình độ cao cho các Ngành này.

Sau 25 năm triển khai công tác đào tạo sau đại học, đội ngũ cán bộ Công an đã được nâng cao về trình độ và năng lực nghiệp vụ. Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng CAND đã có 4.817 Thạc sĩ và 367 Tiến sĩ. Đây là lực lượng đã đóng góp nhiều thành tích to lớn trong cuộc đấu tranh bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH của đất nước, được Đảng, Nhà nước và toàn dân ghi nhận, trong đó có nhiều đồng chí được giao trọng trách lãnh đạo, chỉ huy trong các đơn vị. Thống kê cho thấy, đã có 352 đồng chí giữ các chức vụ cấp Cục và tương đương, 2.254 đồng chí giữ các chức vụ cấp Phòng và tương đương, 2.510 đồng chí giữ chức vụ cấp Đội và tương đương.

Tại Hội nghị, đã có 07 ý kiến tham luận của đại diện các Học viện, trường đại học CAND và Công an các đơn vị, địa phương. Trong đó, các ý kiến đóng góp tập trung làm rõ thực tiễn công tác đào tạo sau đại học trong 25 năm qua, đồng thời chỉ ra những tồn tại, bất cập, phân tích làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó và đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an biểu dương những thành tích các Học viện, trường CAND đã nỗ lực đạt được trong 25 năm triển khai đào tạo sau đại học.

Trước quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành yêu cầu các Học viện, trường CAND cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về công tác đào tạo sau đại học. Thứ trưởng khẳng định đào tạo sau đại học phải là sản phẩm trí tuệ, cán bộ có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ phải giỏi về lý luận, tinh thông nghiệp vụ, do đó phải thay đổi tư duy đào tạo sau đại học, trong đó đặt yêu cầu chất lượng lên hàng đầu, từ đó đề ra giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo sau đại học, tăng cường kiến thức liên ngành, kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực khoa học chuyên ngành và vận dụng kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn nghề nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ ANQG và bảo đảm TTATXH.
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành yêu cầu khâu tuyển sinh, xét tuyển đầu vào hệ SĐH phải đảm bảo đồng bộ giữa quy mô, ngành nghề đào tạo với quy hoạch chức danh, hướng bố trí sử dụng cán bộ, tránh tình trạng đào tạo cán bộ để thực hiện chính sách; trong đào tạo phải luôn cập nhật những vấn đề mới về lý luận, đồng thời nhận dạng, luận giải những vấn đề bất cập nảy sinh trong thực tiễn công tác bảo đảm ANTT…

Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu cần xây dựng chiến lược phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên cơ sở nhu cầu của toàn lực lượng; phát triển đội ngũ giảng viên giảng dạy sau đại học có học hàm, học vị cao, có số lượng đảm bảo; gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với đơn vị thực tiễn, đảm bảo hệ thống danh mục đề tài luận văn, luận án phục vụ thiết thực yêu cầu phát triển lý luận và giải quyết những vấn đề bức xúc của thực tiễn bảo vệ ANQG và bảo đảm TTATXH; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát quá trình đào tạo để kịp thời đề xuất, sửa đổi, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, bất cập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học trong CAND.

PV

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất