Nghiên cứu - Trao đổi
Chủ Nhật, 28/2/2016 21:33'(GMT+7)

Thực hiện chuẩn đầu ra về nghiệp vụ của sinh viên chuyên ngành CSHS những vấn đề đặt ra trong thời gian tới

Tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng về phát triển giáo dục và đào tạo được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội. Xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng”, với phương châm hành động “Truyền thống, đổi mới, năng động, phát triển”, Học viện Cảnh sát nhân dân đã xây dựng Đề án số 2458/ĐA-T32-QLĐT, ngày 30/11/2009 của Giám đốc Học viện về việc áp dụng chuẩn đầu ra đối với học viên Học viện Cảnh sát nhân dân. Tiếp theo, ngày 26/3/2014, Giám đốc Học viện ký Quyết định số: 418/QĐ- T32- QLĐT về việc ban hành Danh mục chuẩn đầu ra đối với sinh viên đào tạo đại học tại Học viện Cảnh sát nhân dân, nhằm quyết tâm phấn đấu, xây dựng Trường trở thành Cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của lực lượng Công an nhân dân và của quốc gia.

Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát phòng, chống tội phạm hình sự (CSPCTPHS) không ngừng đổi mới phương pháp dạy học môn Nghiệp vụ Cảnh sát hình sự (CSHS) một cách toàn diện, nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án chuẩn đầu ra của Học viện CSND. Sinh viên chuyên ngành Cảnh sát hình sự sau khi tốt nghiệp ra trường đều phát huy tốt các tri thức được đào tạo tại Học viện. Nhiều đồng chí cựu sinh viên chuyên ngành Cảnh sát hình sự đã và đang đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở trung ương và địa phương như Ủy viên trung ương Đảng, Tổng cục trưởng, Tổng cục phó, lãnh đạo Cục, Giám đốc, Phó Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố.v.v…

Thành tựu và kết quả đã đạt được của tập thể giảng viên khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS và sinh viên chuyên ngành Cảnh sát hình sự là rất đáng tự hào, song với mong muốn không ngừng phát triển toàn diện về mọi mặt và thực hiện thành công Đề án chuẩn đầu ra của sinh viên chuyên ngành Cảnh sát hình sự, tập thể khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS với sự thống nhất cao về ý chí và hành động từ Cấp Ủy, lãnh đạo đến từng giảng viên đã và tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung:

Nội dung thứ nhất, vấn đề đặt ra trong tổ chức thực hiện chuẩn đầu ra về nghiệp vụ của sinh viên chuyên ngành Cảnh sát hình sự là phải đổi mới nhận thức về phương pháp dạy học môn Nghiệp vụ CSHS, được hiểu là đổi mới toàn diện nội dung giáo trình, cách tiến hành các phương pháp dạy và phương pháp học môn Nghiệp vụ CSHS; đổi mới các phương tiện và hình thức triển khai phương pháp trên cơ sở khai thác triệt để ưu điểm của các phương pháp truyền thống và vận dụng linh hoạt một số phương pháp dạy - học tiên tiến nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, phát huy tối đa tính tích cực, chủ động và sáng tạo của sinh viên, nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu, nâng cao các kỹ năng cần thiết về nghiệp vụ phòng, chống tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, kỹ năng làm việc với người khác, kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin...

Nội dung thứ hai, từ nhận thức trên khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS đã và đang tiến hành đổi mới mạnh mẽ  một cách toàn diện về phương pháp dạy học, khắc phục lối dạy một chiều, rèn luyện thói quen nề nếp tư duy sáng tạo của sinh viên, đẩy mạnh hoạt động đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo và năng lực tự học tự nghiên cứu của sinh viên. Người giảng viên phải giữ vai trò chủ đạo trong tổ chức điều khiển định hướng quá trình dạy học, sinh viên giữ vai trò chủ động tích cực trong học tập.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học môn Nghiệp vụ CSHS, giảng viên khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS đã và đang thực hiện tốt một số nội dung sau đây: 

- Phân công các giảng viên có năng lực và kinh nghiệp chỉnh lý và biên soạn giáo trình mới, đảm bảo nội dung trong giáo trình phải mang tính khái quát cao. Bời bì với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, sự thay đổi rất nhanh của xã hội, những tri thức tiếp thu được qua mấy năm học ở đại học lạc hậu rất nhanh. Không có cách nào khác yêu cầu giáo trình phải có tính khái quát cao, đảm bảo đầy đủ kiến thức lý luận nền tảng, những kỹ năng cơ bản và dạy cách học cho sinh viên, tạo cho họ khả năng, thói quen và niềm say mê học tập suốt đời. Mặt khác giáo trình cũng phải được chỉnh lý thường xuyên, đảm bảo luôn được cập nhật kiến thức lý luận mới, đáp ứng được mục tiêu yêu cầu đào tạo. Giáo trình của khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS trong những năm qua về cơ bản đã đảm bảo được những yêu cầu nói trên.

- Khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS luôn coi trọng công tác bồi dưỡng giảng viên, bởi bì chất lượng hoạt động dạy của giảng viên trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động học của sinh viên - chủ thể của quá trình nhận thức. Hoạt động dạy của giảng viên và hoạt động học của sinh viên là hai thành tố trung tâm đặc trưng cho tính hai mặt của quá trình dạy học đại học. Giảng viên là người có kiến thức sâu rộng về một lĩnh vực nào đó giữ vai trò chủ đạo với tư cách chủ thể tác động người học là sinh viên và hoạt động nhận thức của họ. Sinh viên dù có tiềm năng đến mấy mà không có sự hướng dẫn của giảng viên thì cũng khó có thể định hướng được quá trình học tập của mình đến mục tiêu mong muốn. Vì vậy muốn nâng cao chất lượng dạy học môn Nghiệp vụ CSHS thì trước hết phải nâng cao chất luợng người giảng viên của khoa (gồm nhiều yếu tố: chuyên môn, phẩm chất chính trị, ...) chứ không phải đầu tiên là công nghệ hay phương pháp, càng không phải là trường sở vật chất khác. Những yếu tố đó không thể thiếu, nhưng không phải là yếu tố quyết định. Từ nhận thức đó, các đồng chí trong Cấp Ủy, lãnh đạo Khoa luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để các đồng chí giảng viên trong Khoa được học tập năng cao trình độ. Hiện nay số giảng viên trẻ trong khoa chiếm tỷ lệ khá cao, các đồng chí đều là những giảng viên có nhiều năng lực, ham học hỏi…được sự quan tâm của Ban giám đốc Học viện CSND, lãnh đạo khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS, cộng với sự say mê học tập, chắc chắn các giảng viên trẻ này sẽ trở thành những người thầy giỏi của Học viện CSND nói chung, của khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS nói riêng trong tương lai.

Nội dung thứ ba, là thực hiện tốt sự phối hợp việc giảng dạy của giảng viên và việc học tập của sinh viên, giảng viên và sinh viên phối hợp với nhau trong hoạt động chung vì mục đích giúp sinh viên nắm vững kiến thức, qua đó hình thành kỹ năng và phát triển về trí tuệ, nhân cách. Vì vậy cần đổi mới phương pháp dạy học để làm thế nào là phát huy được tối đa tính tích cực của sinh viên.  Giảng viên khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS thống nhất về mặt nhận thức: dạy học theo phương pháp tích cực là dạy học phát huy được khả năng tích cực chủ động của người học:

- Dạy như thế nào để sinh viên phải tự học. 

- Dạy phải kích thích sự hứng thú học tập. 

- Dạy phải phát huy được kiến thức và kinh nghiệm sẵn có của sinh viên.

Để giải quyết được các vấn đề cốt lõi nêu trên trong nhiều năm qua khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS  đã tích cực phấn đấu thực hiện các vấn đề cơ bản sau: 

- Tích cực nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua các khóa đào tạo dài và ngắn hạn, trong và ngoài nước, đi thực tế tại các địa phương từ 3 đến 6 tháng hoặc 2 năm liên tục.

- Thường xuyên áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến trong quá trình giảng dạy, áp dụng những chế tài bắt buộc đối với mỗi giảng viên trong khoa, coi đó là một tiêu chí để phân loại cán bộ cuối năm.

- Khuyến khích giảng viên lên lớp sử dụng giáo án điện tử, khai thác các phần mềm trong dạy học, sử dụng có hiệu quả các phương tiện dạy học qua đó phát huy tính tích cực học tập của học sinh. 
- Mời các chuyên gia báo cáo thực tế về các bộ môn giúp giảng viên và sinh viên học tập, trao đổi để bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực dạy học. 

- Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học cho sinh viên, đây là quá trình tự đào tạo để tiếp thu và năng cao kiến thức bằng con đường tự chiếm lĩnh, khám phá thì kiến thức đó mới vững chắc…

Với mong muốn Đơn vị không ngừng trưởng thành, lớn lên về mọi mặt và thực hiện thành công Đề án chuẩn đầu ra về nghiệp vụ của sinh viên chuyên ngành Cảnh sát hình sự, góp phần vào xây dựng nhà trường sớm trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Bộ Công an và của quốc gia, khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS xin có một số đề suất sau đây:

Thứ nhất: Cần phải xây dựng một chiến lược phát triển tốt hơn nữa đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng.

Trong dạy học đại học, giảng viên luôn giữ vai trò chủ đạo với tư cách chủ thể tác động người học là sinh viên và hoạt động nhận thức của họ. Trong quá trình dạy học đại học giảng viên là người thiết kế và tổ chức quá trình dạy học để làm nảy sinh tri thức cho sinh viên. Sinh viên dù có tiềm năng đến mấy mà không có sự hướng dẫn của người giảng viên thì cũng khó có thể định hướng được quá trình học tập của mình đến mục tiêu mong muốn. Có thể nói, vai trò chủ đạo của giảng viên có ý nghĩa rất lớn đối với sự hình thành phương pháp tư duy khoa học và tính tích cực của sinh viên. Ngược lại, trong một môi trường học tập với các phương tiện, thiết bị dạy học dù có hiện đại đến đâu mà không có sự chỉ dẫn của thầy thì sinh viên cũng không thể giải quyết mọi vấn đề khúc mắc. Hơn thế, phong cách và đạo đức của người thầy ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ và lương tâm đối với nghề nghiệp của sinh viên sau này. 

Nhận thức được vai trò to lớn của đội ngũ giảng viên trong quá trình dạy học, khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS đã rất coi trọng việc xây dựng đội ngũ giảng viên phát triển về số lượng, nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hàng năm Khoa đều tiếp nhận từ 1 đến 2 sinh viên chuyên ngành CSHS tốt nghiệp ở lại bồi dưỡng để trở thành giảng viên. Tuy nhiên, để bồi dưỡng được một giảng viên mới, ngoài sự nỗ lực hết mình của cá nhân, tập thể Khoa cũng phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Trong những năm gần đây quân số của Khoa luôn biến động: có một số đồng chí được điều động sang đơn vị khác, có đồng chí được cử đi học tập ở trong nước, ngoài nước... Số giảng viên trẻ tuy đã duyệt giảng thành công, vẫn chưa thể thay thế ngay được những giảng viên được điều động hoặc cử đi học nói trên. Bên cạnh đó do nhu cầu đào tạo của Ngành, số sinh viên các khóa học của tất cả các hệ đào tạo trong Học viện CSND những năm gần đây đều tăng nhanh và xu hướng vẫn còn tăng do nhu cầu của Ngành và sự phát triển đi lên toàn diện của Học viện... 

Xuất phát từ những vấn đề lí luận và thực tế nói trên, khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS cần xây dựng một chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên trước mắt cũng như lâu dài đủ về số lượng và đặc biệt có trình độ nghiệp vụ chuyên môn sâu rộng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy học môn Nghiệp vụ trinh sát, tiến tới từng bước đi vào hội nhập với các nước trong khu vực, góp phần nâng cao vị thế của khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS nói riêng Học viện CSND nói chung trên trường quốc tế.

Thứ hai: Cần tăng cường và nâng cao hiệu quả hơn nữa phương pháp dạy học môn Nghiệp vụ trinh sát bằng tình huống.

Hoạt động dạy - học đại học là một quá trình tương tác giữa giảng viên và sinh viên, được đặt trong môi trường học tập khoa học. Đây là ba điều kiện quan trọng nhất để phát triển tư duy của sinh viên. Giảng viên là người định hướng để kích thích động cơ học tập, định hướng điều khiển sinh viên tập trung vào nhiệm vụ học tập, là người chỉ dẫn để trình bày và thông báo để cung cấp kiến thức và luôn ý thức dạy sáng tạo mới có thể dạy học sáng tạo được. 

Trong giáo dục đại học ngày nay: với thầy giáo đúng nghĩa, chức năng chính là dạy cách học (thay vì truyền đạt nội dung), với sinh viên đúng nghĩa, nhiệm vụ quan trọng là học cách học (thay vì “dùi mài kinh sử”). Bởi vậy, một trong những hướng nghiên cứu về lý luận được đưa lên hàng đầu là xây dựng các tình huống chuẩn để tạo ra các mô hình đa dạng, phản ánh được sự phát triển đa dạng của khoa học và đời sống xã hội. Với những tình huống đó, cho phép sinh viên khám phá và hình thành những nhận thức, giá trị, kỹ năng và cách ứng xử phù hợp nhất với môi trường tự nhiên, xã hội. Nói một cách khác, thông qua việc giải quyết các tình huống, sinh viên có được những khả năng thích ứng tốt nhất với môi trường xã hội đầy biến động. Đó chính là bản chất với phương pháp dạy học bằng tình huống - một trong những phương pháp chủ đạo trong dạy học đại học, hướng tới sự phát triển toàn diện của sinh viên.

Thứ ba: Cần sớm xây dựng một trang Web riêng trên mạng thông tin điện tử nội bộ (mạng LAN) của Học viện CSND để phục vụ tốt hơn công tác dạy học môn Nghiệp vụ trinh sát. 

Công nghệ thông tin là một cuộc cách mạng giáo dục thật sự đã và đang xảy ra đối với nhân loại. Trong khung cảnh đó, công nghệ thông tin có thể giúp con người chọn nhập và xử lý thông tin nhanh chóng để biến thành tri thức. Đặc điểm dễ thấy nhất của giáo dục thế kỷ 21 là sử dụng rộng rãi Internet, công nghệ thông tin trong mọi khâu giáo dục, từ nội dung cho đến phương pháp, tổ chức. Lý do dễ hiểu là vì một mặt công nghệ thông tin đã len lỏi vào mọi hoạt động kinh tế và đời sống trong xã hội hiện đại, khiến cho hiểu biết tối thiểu về tin học trở nên cần thiết cho mọi người. Cần vận dụng ưu thế của công nghệ thông tin vào dạy học tại Học viện CSND nói chung, dạy học môn Nghiệp vụ trinh sát nói riêng, bằng cách làm cho kiến thức và thông tin được thể hiện đầy đủ trên mạng nội bộ (mạng LAN), mọi sinh viên có thể truy cập thuận lợi dễ ràng, và như vậy chúng ta có thể rút ngắn thời gian giảng dạy trên lớp mà vẫn đảm bảo chất lượng của giảng dạy. Do đặc thù của nội dung môn học Nghiệp vụ TSHS là bí mật (thậm chí có nhiều tài liệu là tối mật; tuyệt mật) nên không thể đưa nội dung môn học này lên trang Web của Học viện CSND trên mạng Internet được. Mặc dù là những thông tin về nghiệp vụ bí mật, nhưng lại phải được cập nhật thường xuyên, phải được trao đổi chia sẻ thông tin đa chiều giữa các giảng viên khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS các nhà nghiên cứu khoa học cũng như tất cả sinh viên Học viện CSND... 

Việc đổi mới phương pháp dạy học môn Nghiệp vụ CSHS là một yêu cầu tất yếu khách quan, vừa mang tích cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Đổi mới phương pháp dạy học cần phải tính đến nâng cao chất lượng dạy học để nâng cao hiệu quả đào tạo, cần biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Sinh viên phải thấy được học tập là hoạt động tự thích nghi đòi hỏi có sự nỗ lực của bản thân người học, chỉ có tiếp thu kiến thức bằng con đường tự chiếm lĩnh, khám phá thì mới có thể theo kịp, thậm chí đón đầu được tri thức của nhân loại. Khoa Nghiệp vụ CSPCTPHS trong những năm qua đã không ngừng cải tiến phương pháp dạy học môn Nghiệp vụ CSHS, đã đạt được kết quả nhất định, những kết quả đó mới chỉ là bước đầu, đòi hỏi tập thể đội ngũ giảng viên khoa cần phải phấn đấu hơn nữa trong thời gian tới để thực hiện thành công Đề án chuẩn đầu ra về nghiệp vụ của sinh viên chuyên ngành Cảnh sát hình sự, góp phần nâmg cao chất lượng đào tạo của Học viện CSND trong thời gian tới.

Thượng tá, Ths. Trần Thế Hưởng  - Phó trưởng Khoa CSHS

 Nguồn: Kỷ yếu Hội nghị Sơ kết 05 năm thực hiện chuẩn đầu ra tại Học viện CSND


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất