Tiêu điểm
Thứ Hai, 12/5/2014 9:32'(GMT+7)

Phấn đấu xây dựng Học viện CSND trở thành trường trọng điểm của ngành Công an và của quốc gia

Trong đó, đã xác định đến năm 2015 đầu tư xây dựng Học viện CSND trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của lực lượng Công an và đến năm 2020 trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm của quốc gia. Lộ trình này đã được cụ thể hoá trong “Chương trình phát triển giáo dục - đào tạo trong Công an nhân dân giai đoạn 2011 - 2015” do Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt ngày 13/9/2011. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Học viện CSND phát triển lớn mạnh, vươn lên thực sự trở thành một trong những “cánh chim đầu đàn” trong hệ thống các trường Công an nhân dân.

Trong suốt 45 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện CSND luôn nỗ lực cố gắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đào tạo cho ngành những thế hệ cán bộ, chiến sĩ CSND ưu tú, góp phần tích cực giữ vững trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước. Trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế, Học viện đã hoàn thành với chất lượng cao nhiều khoá đào tạo cho cán bộ Cảnh sát nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước bạn. Đặc biệt, những năm gần đây, Học viện đã tích cực đổi mới mọi mặt công tác, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, chủ động đón đầu, xây dựng và phát triển nhà trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới. Đến nay có thể khẳng định, Học viện CSND đã trở thành một cơ sở đào tạo có vị thế quan trọng bậc nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân và của ngành Công an. Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục tăng cả về số lượng và chất lượng, với trên 800 cán bộ, giãng viên, trong đó có 08 Giáo sư, 23 Phó giáo sư, 81 Tiến sĩ, 290 Thạc sĩ. Đó là một đội ngũ rất đáng tự hào, quyết định trực tiếp nhất đến chất lượng đào tạo và thương hiệu cùa Học viện. Để nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện đã thường xuyên nghiên cứu đổi mới, từng bước hoàn chỉnh mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo theo hướng bám sát yêu cầu phát triển của thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CSND và nâng cao kỹ năng thực hành, trình độ nghiệp vụ cho học viên. Hệ thống ngành và chuyên ngành đào tạo ngày càng được mở rộng theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Thời kỳ đầu, nhà trường mới tổ chức đào tạo 3 ngành rộng, đến nay Học viện đã tổ chức đào tạo 11 chuyên ngành. Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và học viên phát triển mạnh, là cơ sở đào tạo có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhất của ngành Công an. Kết quả của công tác nghiên cứu khoa học đã góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết của thực tiễn công tác quản lý nhà nước, đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, nhất là những vấn đề mới nảy sinh; từ đó tạo cơ sở từng bước phát triển và hoàn thiện lý luận nghiệp vụ Công an nhân dân nói chung, nghiệp vụ CSND nói riêng. Cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị của Học viện ngày càng được đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, phục vụ hiệu quà công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, sinh hoạt và rèn luyện của cán bộ, giảng viên và học viên. Hợp tác quốc tế của trường được mở rộng và tăng cường, góp phần thiết thực trong việc tranh thủ các nguồn lực và kinh nghiệm tiên tiến để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng Học viện.

Những kết quả đạt được trên các mặt công tác của Học viện là rất to lớn, là cơ sở rất quan trọng để xây dựng trường trọng điểm, trước mắt là của ngành, sau đó là của quốc gia và hướng tới hoà nhập với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, so với các tiêu chí, điều kiện của một trường đại học trọng điểm, Học viện còn có nhiều mặt phải tiếp tục phấn đấu. Tổ chức bộ máy của trường mặc dù lớn nhất trong các trường Công an nhưng về cơ bản vẫn chỉ là sự phát triển về số lượng đầu mối mà chưa có sự phát triển về cơ chế, cách thức tổ chức, chức năng, nhiệm vụ để có thể đảm bảo đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ của một cơ sở đào tạo đại học trọng điểm. Đội ngũ cán bộ, giảng viên còn mỏng, số có trình độ Tiến sĩ mới chỉ đạt trên 10%, Phó giáo sư đạt trên 3% và Giáo sư chiếm tỷ lệ trên 1%. Theo quy định của Chính phủ, đội ngũ giảng viên của các trường đại học trọng điểm phải có trình độ Tiến sĩ đạt từ 70% tổng số giảng viên trở lên. Nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo còn nặng về lý thuyết; chưa mở rộng được các chuyên ngành đào tạo theo yêu cầu của thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm; chưa cập nhật được nhiều vấn đề mới của hoạt động nghiệp vụ Cảnh sát và pháp luật kinh tế, như: tội phạm phi truyền thống, hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm... Quy mô đào tạo ngày càng tăng lên nhưng các điều kiện đảm bảo còn nhiều thiếu thốn, nhất là hệ thống tài liệu học tập, nghiên cứu và khả năng kết nối, cập nhật thông tin còn hạn chế, đặc biệt là ở bậc học cao học, nghiên cứu sinh, gây khó khăn cho việc áp dụng các cách thức đào tạo mới. Trong điều kiện bùng nổ thông tin như hiện nay, đây là một nguy cơ làm cho Học viện có thể rơi vào tụt hậu so với các trường đại học lớn ở trong nước và quốc tế. Công tác quản lý, giáo dục học viên chưa thực sự phát huy được ý thức tự giác, tự quản của học viên, còn mang nặng tính áp đặt, một số hoạt động chưa thực sự phù hợp vói môi trường lực lượng vũ trang và quy luật dạy học.

Trước tác động của tình hình thế giới, khu vực và những khó khăn từ nền kinh tế trong nước, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước ta thời gian tới sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi; đòi hỏi đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CSND phải được đào tạo cơ bản, có đủ phẩm chất, năng lực mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiệm vụ đặt ra cho các trường CAND, trong đó có Học viện CSND là hết sức nặng nề và khẩn trương. Học viện phải tích cực đổi mới mạnh mẽ các mặt công tác để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nhanh chóng hoàn thành mục tiêu xây dựng Trường trở thành cơ sở đào tạo đại học trọng điểm của ngành và của quốc gia theo đúng lộ trình mà Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã đặt ra. Trước mắt cần tập trung thực hiện một số công việc trọng tâm sau đây:

Một là, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc kết luận Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020. Sau khi Đề án thành phần số 3 (thuộc Đề án 1229) về xây dựng Học viện CSND trở thành cơ sở đào tạo đại học trọng điểm được Bộ trưởng phê duyệt, Học viện cần bám sát mục tiêu, lộ trình, nhiệm vụ đặt ra để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và có chất lượng, trong đó ưu tiên cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở đó, Học viện chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động để báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ có sự điều chỉnh, đảm bảo cho Học viện có đủ năng lực để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của một trường trọng điểm theo hai hướng chính: Là một Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học về đảm bảo trật tự an toàn xã hội của lực lượng CSND Việt Nam.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu mở rộng hệ thống ngành và chuyên ngành đào tạo ở các bậc học và hệ học để đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó tập trung vào đào tạo các chuyên ngành đặc thù liên quan trực tiếp đến việc tổ chức, bố trí nguồn nhân lực của lực lượng CSND hiện tại và nhu cầu phát triển trong tương lai; những ngành mà nhu cầu công tác, chiến đấu đang cần nhưng chưa được đào tạo một cách bài bản. Về lâu dài, cần xây dựng một số ngành đào tạo có thương hiệu trong nước và khu vực như Cảnh sát điều tra; Cảnh sát phòng, chống tội về môi trường; Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao... Đồng thời nghiên cứu tận dụng điều kiện và thế mạnh để đào tạo một số ngành nghề phục vụ nhu cầu của xã hội. Cùng với đó, phải tích cực đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng giảm bớt lý thuyết, tăng cường thời gian thực hành kỹ năng và đào tạo nghiệp vụ; cập nhật kiến thức thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CSND, nhất là những vấn đề mới nảy sinh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy; bồi dưỡng và nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu của học viên. Nội dung, chương trình đào tạo phải đảm bảo tính liên thông và phân tầng kiến thức giữa các cấp học, hệ học, thực hiện tốt Đề án chuẩn đầu ra cho học viên các hệ học của Học viện. Nghiên cứu đào tạo theo một số chương trình tiên tiến của Cảnh sát quốc tế. Thực hiện đúng lộ trình rút ngắn thời gian đào tạo đại học từ 5 năm xuống 4 năm và tổ chức đào tạo theo chuẩn đầu ra đã công bố để thực hiện đúng cam kết vói ngành, với xã hội và người học.

Ba là, đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, phấn đấu đến năm 2015 có 30% giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ, 60% giảng viên đạt trình độ Thạc sĩ và đến năm 2020 có 40% giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ và 55% giảng viên đạt trình độ Thạc sĩ. Đây là nhiệm vụ quan trọng, phải thực hiện trước một bước. Ngay từ bây giờ phải có kế hoạch và lộ trình cụ thể để tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch đội ngũ cán bộ, giảng viên đảm bảo đồng bộ về cơ cấu, có tính kế thừa và chuyển tiếp hợp lý. Trong xây dựng đội ngũ giảng viên cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để một bộ phận trong số đó có thể trở thành chuyên gia đầu đàn trên các lĩnh vực khoa học về trật tự xã hội và xây dựng lực lượng CSND, là điều kiện nền tảng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học ở trình độ cao. Muốn vậy phải nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học để tăng cường đào tạo cán bộ CSND có học hàm, học vị cho chính cơ sở đào tạo của mình; đồng thời có cơ hội để lựa chọn, tiếp nhận số cán bộ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở lại trường làm công tác nghiên cứu, giảng dạy. Tích cực mở rộng hợp tác quốc tế để gửi cán bộ, giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài. Đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, phải giáo dục, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và sự tâm huyết với nghề để mỗi cán bộ, giảng viên thực sự là tấm gương sáng để học viên noi theo.

Bốn là, nghiên cứu xác định mô hình tổ chức quản lý học viên vừa đáp ứng yêu cầu rèn luyện chính quy của lực lượng vũ trang, vừa phù hợp với quy luật dạy học; đồng thời hướng tới việc xây dựng lực lượng dự bị chiến đấu mạnh. Tạo dựng môi trường giáo dục thực sự lành mạnh, chú trọng giáo dục truyền thống, bản lĩnh chính trị, động cơ nghề nghiệp, kỷ luật kỷ cương, góp phần hình thành nhân cách, văn hoá giao tiếp, ứng xử và tinh thần tự giác, tự quản của học viên. Đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy; cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hoá vì nhân dân phục vụ”. Khắc phục triệt để tình trạng tiêu cực trong thi cử, nhất là trong công tác tuyển sinh; xử lý nghiêm những trường hợp học viên vi phạm kỷ luật. Nâng cao năng lực, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý giáo dục học viên.

Năm là, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ, từ cơ sở hạ tầng, hệ thống giảng đường, nhà làm việc, thư viện, sân bãi đến hệ thống thông tin... đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện và sinh hoạt của cán bộ, giảng viên, học viên. Tập trung đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, bãi tập, thao trường, hình thành các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hiện đại. Phấn đấu từng bước xây dựng Học viện CSND thành cơ sở giáo dục đại học hiện đại nhất trong khu vực. Tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng sớm hoàn thiện các thủ tục để xin cấp đất xây dựng và báo cáo Bộ phê duyệt chủ trương, phương án đầu tư xây dựng Học viện tại Hà Nội và cơ sở 2 tại Vĩnh Phúc.

Sáu là, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các trường đại học trọng điểm quốc gia trong nước, như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa, Học viện Kỹ thuật quân sự... để học hỏi kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một trường trọng điểm. Đồng thời mở rộng hợp tác với các trường, cơ quan Cảnh sát của các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức Cảnh sát khu vực, quốc tế để tranh thủ các nguồn lực vật chất cho Học viện; đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; hợp tác nghiên cứu khoa học về phòng, chống tội phạm mới, nhất là tội phạm xuyên quốc gia. Chú trọng đẩy mạnh hợp tác với các nước có quan hệ truyền thống và các nước tiên tiến trong khu vực. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà khoa học về lĩnh vực phòng, chống tội phạm đến giảng dạy một số chuyên đề cần thiết cho giảng viên và học viên. Để khắc phục lực cản lớn nhất của việc hợp tác quốc tế, Học viện cần có kế hoạch và quy định bắt buộc nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên. Trong quá trình hợp tác, Học viện cần chủ động nghiên cứu, tích lũy và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có cơ hội tham gia xếp hạng các trường đại học trong khu vực và quốc tế.

Xây dựng Học viện CSND trở thành trường đại học trọng điểm của ngành và của quốc gia là chủ trương nhất quán của Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an. Ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ, sự phối hợp giúp đỡ của các đơn vị chức năng, yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc hiện thực hoá mục tiêu nói trên thuộc về sự nỗ lực cố gắng của tập thể Đảng uỷ, Ban Giám đốc, của đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên Học viện CSND.

Trung tướng Bùi Quang Bền

Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an



Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất