Tiêu điểm
Thứ Hai, 19/5/2008 18:13'(GMT+7)

Đào tạo sau đại học - Một hướng đi đúng của Học viện Cảnh sát nhân dân

Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công An phát biểu tại hội khóa

Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công An phát biểu tại hội khóa

Trong quá trình xây dựng và phát triển của mình suốt 40 năm qua, ngày 15/5/1992 được xem là mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Học viện Cảnh sát nhân dân, bởi đây là năm Học viện - cơ sở đầu tiên của Bộ Công an được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – GS.TS Trần Hồng Quân ký Quyết định giao nhiệm vụ đào tạo cao học. Ngày 24/5/1995, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định giao nhiệm vụ đào tạo trên đại học cho nhà trường. 16 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, hệ đào tạo này đã khẳng định sự phát triển, trưởng thành vượt bậc của mình, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo của lực lượng Công an nhân dân.

1. Trên cơ sở mục tiêu quy định của Nhà nước cho hệ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, nhà trường đã nghiên cứu, xây dựng, từng bước bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống mục tiêu, nội dung chương trình, giáo trình, đề cương bài giảng cho các bậc đào tạo sau đại học. Các mục tiêu đào tạo đề ra tương đối cụ thể, sát hợp với thực tiễn chiến đấu và xây dựng lực lượng của ngành, nội dung thiết kế khoa học, phù hợp với người học là cán bộ giảng dạy các trường Công an và cán bộ nghiên cứu, chỉ đạo thực tiễn tại các đơn vị, địa phương trong ngành hoặc thuộc hệ thống các cơ quan điều tra Quân đội, Kiểm sát, Hải quan....

Tất cả các môn học trong chương trình đào tạo đều được nhà trường chú ý nghiên cứu, bổ sung các báo cáo chuyên đề, những vấn đề mới nhằm cập nhật thông tin, đáp ứng kịp thời đòi hỏi thực tiễn của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và đổi mới của khoa học pháp lý trong tình hình mới.

Về tài liệu phục vụ giảng dạy. Ngoài tài liệu chính thống các môn học chung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện đã ký kết hợp đồng viết giáo trình, tài liệu tham khảo với các nhà khoa học đầu ngành của hầu hết các môn học thuộc chuyên ngành Tội phạm học và điều tra tội phạm, tính đến nay, đã nghiệm thu đưa vào sử dụng 11/21 giáo trình của chuyên ngành này.

Từ lúc ban đầu nhà trường chỉ đào tạo một mã ngành cao học: Hình pháp học, nay đã phát triển thành 2 mã ngành lớn: Tội phạm học và Điều tra tội phạm; Quản lý nhà nước về Trật tự an toàn xã hội.

2. Chính thông qua hoạt động đào tạo sau đại học, Học viện đã hình thành được đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý có học hàm, học vị, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, nhiệt tình, say mê nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đào tạo và giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh, học viên cao học. Tính đến tháng 04/2008, Học viện có 02 Giáo sư, 08 Phó Giáo sư, 32 Tiến sĩ, 128 Thạc sĩ. Đây là sự trưởng thành vượt bậc so với thời kỳ đầu khi nhận nhiệm vụ đào tạo sau đại học mới chỉ có 7 cán bộ có học vị tiến sĩ. Ngoài ra, tham gia đào tạo với Học viện còn có gần 50 nhà khoa học trong và ngoài ngành Công an, trong số đó, nhiều thầy, cô giáo có uy tín chuyên môn cao như cố GS.TS Hoàng Văn Hảo, GS.TS Trần Ngọc Đường, GS.TS Nguyễn Phùng Hồng, GS.TS Đào Trí Úc, PGS.TS Nguyễn Ngọc Anh,v.v. .

3. Cùng với việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, thời gian qua, Học viện còn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo nói chung, đào tạo sau đại học nói riêng. Hiện nay, hệ thống thông tin, tư liệu của Học viện đã thu thập và lưu giữ nhiều tư liệu quý phục vụ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của giáo viên và học viên các hệ học, với hàng ngàn đầu tài liệu, hàng chục ngàn văn bản pháp quy của Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, như chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, tài liệu trong nước và nước ngoài …

Hệ thống mạng nội bộ, mạng INTERNET đã được trang bị đến từng đơn vị để đáp ứng nhu cầu tra cứu, cập nhật thông tin phục vụ nghiên cứu, giảng dạy của đông đảo cán bộ, giáo viên và học viên các hệ học của Học viện. Đặc biệt gần đây, được sự quan tâm đầu tư của các cấp có thẩm quyền, Học viện đã khánh thành và đưa vào sử dụng trang Website chính thức công khai trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước.

4. Về hợp tác quốc tế : Ngoài việc hợp tác đào tạo thường xuyên theo ký kết hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam với Bộ An ninh CHDCND Lào, Bộ Nội vụ Vương quốc Cămpuchia, những năm gần đây, Học viện đã chú trọng liên hệ, tranh thủ sự hợp tác của các nước có đại diện tuỳ viên Cảnh sát ở Hà Nội. Học viện đã mời được nhiều chuyên gia của Cảnh sát các nước như : Australia, Cộng hoà Pháp, Hàn Quốc, Mỹ,v.v. đến thăm và báo cáo kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm trong một số lĩnh vực như : đấu tranh chống tiền giả, tội phạm sử dụng công nghệ cao…

5. Về kết quả đào tạo: Từ khóa đầu tiên, với 15 học viên cao học, cho đến nay, Học viện đã và đang đào tạo 16 khóa cao học, 12 khóa nghiên cứu sinh. Đã có hơn 700 học viên tốt nghiệp thạc sĩ, 56 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, trong đó có học viên và nghiên cứu sinh của các nước bạn Lào, Cămpuchia anh em, cán bộ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các ngành thuộc khối Nội chính như Toà án, Viện kiểm sát, Hải quan, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.v.v..

Nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan, đơn vị đã sắp xếp hợp lý công tác để theo học hệ đào tạo cao học của Học viện. Nhiều nghiên cứu sinh và học viên cao học sau khi tốt nghiệp đã được bổ nhiệm chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước hoặc đảm nhận nhiệm vụ ở những vị trí chủ chốt trong các lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, quản lý nhà nước. Nhiều đồng chí tham gia hoạt động đào tạo sau đại học hoặc tốt nghiệp ở hệ học này được Nhà nước phong học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy góp phần hoàn thiện lý luận và đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao cho Ngành và đất nước. Các đồng chí Nguyễn Văn Chức, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, Nguyễn Ngọc Phi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Thiếu tướng Triệu Văn Đạt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thiếu tướng Đồng Đại Lộc Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá, Đại tá Nguyễn Bình Vận, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang, Đại tá Trần Đức Hùng Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Bộ Quốc phòng, đại tá Phó giáo sư Tiến sỹ Hoàng Xuân Chiến Phó Giám đốc Học viện Biên phòng, Bộ Quốc phòng, , Tiến sỹThiếu tướng Xổm Xúc Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ An ninh nước CHDCND Lào và gần 1000 cán bộ đã và đang học tập hệ cao học, nghiên cứu sinh tại Học viện là niềm vinh dự, tự hào của Học viện Cảnh sát nhân dân trong tuổi 40.

Các thế hệ học viên cao học chụp ảnh lưu niệm tại quảng trường Hồ Chí Minh - Học viện CSND

Những thành tựu đào tạo sau đại học mà Học viện đã đạt được trong những năm qua là rất to lớn, góp phần quan trọng vào công tác đào tạo cán bộ trình độ cao của Ngành Công an, Quân đội và các ngành thuộc khối Nội chính. Tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới, đào tạo sau đại học của ngành Công an nói chung, Học viện CSND nói riêng đã và đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo sau đại học theo các phương hướng sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết 04 của Đảng ủy Công an Trung ương về “Tăng cường chất lượng công tác đào tạo và khoa học công nghệ”, Nghị quyết số 14/2005-NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam giai đoạn 2006-2010”; Đề án 1252 của Bộ Công an.

Thứ hai, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay, mở rộng hợp tác liên kết giữa nhà trường với các cơ sở trong và ngoài ngành, tiến tới hợp tác quốc tế và khu vực trong lĩnh vực đào tạo sau đại học, nhất là những lĩnh vực mà chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm, như đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…Phấn đấu mở thêm 3 mã ngành đào tạo thạc sĩ: Trinh sát hình sự; Kỹ thuật hình sự; Giáo dục và cải tạo phạm nhân vào năm học 2009-2010. Phấn đấu đến 2010 sẽ có đào tạo liên kết với các trường Đại học trong và ngoài nước. Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các hệ đào tạo Cao học.

Thứ ba, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị dành riêng cho hệ đào tạo sau đại học để không ngừng nâng cao chất lượng của hệ đào tạo này.

Để thực hiện thành công những nội dung trên, Học viện Cảnh sát nhân dân rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc hai Bộ, sự cộng tác chặt chẽ hơn nữa của đội ngũ các nhà khoa học, các thầy giáo, cô giáo để hệ đào tạo này của Học viện ngày càng phát triển bền vững, xứng đáng là một trong những cơ sở đào tạo chất lượng cao của ngành Công an.

Đại tá GS.TS Nguyễn Xuân Yêm
Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất