Tiêu điểm
Thứ Bảy, 9/7/2011 23:17'(GMT+7)

Những chặng đường lịch sử vẻ vang của lực lượng An ninh nhân dân

Trong bối cảnh khó khăn bộn bề và lực lượng còn mỏng, thế hệ đầu tiên của lực lượng An ninh đã mưu trí, dũng cảm, vượt qua hoàn cảnh, một lòng tận trung với Ðảng, dựa vào nhân dân để chiến đấu với ý chí quyết thắng kẻ thù, bảo vệ nền độc lập, tự do mà dân tộc ta mới giành được. Gần một năm kiên trì đấu tranh, lực lượng An ninh đã điều tra, thu thập thông tin, bắt và tiêu diệt hàng nghìn tên tay sai chỉ điểm, bọn cầm đầu các đảng phái làm tay sai cho giặc Pháp, Nhật, Tàu Tưởng; phá tan hàng chục tổ chức và nhóm phản động. Ðặc biệt, ngày 12-7-1946, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, được sự giúp đỡ tích cực của quần chúng nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng vũ trang, lực lượng An ninh đã tổ chức cuộc tổng trấn áp thành công bọn Quốc dân đảng trên toàn quốc, đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng do Quốc dân đảng câu kết với Quân đội viễn chinh Pháp tiến hành. Chiến công vang dội này góp phần to lớn thúc đẩy tiến trình phát triển của cách mạng, là sự kiện quan trọng, là mốc son vẻ vang của lực lượng An ninh nhân dân. Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, ngày 12-7 đã trở thành Ngày Truyền thống của lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng An ninh dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đã dựa vào dân, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang vừa thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đấu tranh chống phản cách mạng, vừa vũ trang chiến đấu, góp phần cùng quân và dân cả nước đẩy lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, đập tan các âm mưu của kẻ thù để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Với sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng An ninh đã khám phá hàng trăm tổ chức, ổ nhóm gián điệp, chỉ điểm; trấn áp hàng chục nhóm, tổ chức phản động. Công tác an ninh giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng, phá vỡ thế liên minh giữa giặc ngoại xâm với các thế lực nội phản; hỗ trợ đắc lực cho lực lượng vũ trang đánh bại các chiến dịch quân sự của địch; từng bước tạo thế, tạo lực cho cách mạng đi đến thắng lợi vẻ vang, kết thúc chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, mặt trận đấu tranh chống phản cách mạng càng nóng bỏng, vô cùng khó khăn, phức tạp do kẻ địch có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn, âm mưu thâm độc, thủ đoạn tinh vi; chúng liên kết với các nước chư hầu, sử dụng các nước thứ ba thành liên minh cộng đồng tình báo gián điệp và sử dụng bọn ngụy quân, ngụy quyền vào các hoạt động phản cách mạng. Ðể đánh thắng kẻ thù, lực lượng An ninh đã tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, điều tra, thu thập, đánh giá, dự báo tình hình; kịp thời tham mưu cho Ðảng, Nhà nước chủ động hoạch định, chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách, đối sách, biện pháp đấu tranh phù hợp với các loại đối tượng. Ðặc biệt, với vai trò nòng cốt, tiên phong, lực lượng An ninh đã khẩn trương tổ chức lực lượng, tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với các âm mưu, hoạt động gián điệp, phản cách mạng.

Ở miền bắc, từ năm 1954 đến 1960, lực lượng An ninh đã hiệp đồng, phối hợp các lực lượng khác thực hiện thành công năm mặt công tác lớn, cấp bách và chiến lược: Tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao một bước giác ngộ chính trị cho quần chúng nhân dân; khoanh vùng đánh địch, nhằm vào địa bàn xung yếu, địa bàn có nhiều tàn dư của ngụy quân, ngụy quyền và đảng phái phản động; phối hợp với Quân đội giải quyết nạn nổi phỉ; điều tra bóc gỡ mạng lưới gián điệp cài lại, kẹt lại; tiến hành công tác cải tạo số đối tượng gây nguy hại cho an ninh xã hội. Nhờ vậy, đã góp phần xóa sổ các tổ chức là tàn dư, phản động của chế độ cũ hoạt động hết sức manh động, giải quyết dứt điểm hàng chục vụ nổi phỉ có quy mô lớn, củng cố vững chắc địa bàn các tỉnh miền núi.

Cũng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ năm 1961 đến 1975, quán triệt phương châm 'phòng và chống' gián điệp của Ðảng, lực lượng An ninh triển khai đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ, thực hiện hoàn hảo chiến thuật 'trò chơi nghiệp vụ' đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh gián điệp, gián điệp biệt kích của Mỹ - ngụy đối với miền bắc. Những chiến công trên mặt trận đấu tranh phòng, chống phản cách mạng cùng với thành tựu trên lĩnh vực đấu tranh chống tham ô, lãng phí, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống chiến tranh tâm lý, nâng cao giác ngộ chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng của quần chúng nhân dân đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng miền bắc xã hội chủ nghĩa, xứng đáng là hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn miền nam.

Ở miền nam, trong máu lửa của chiến tranh và sự đàn áp dã man của kẻ thù, năm 1960, lực lượng An ninh miền nam ra đời, từng bước trưởng thành, kiên gan đương đầu với muôn vàn hiểm nguy, gian khổ để chiến đấu. Ðược An ninh miền bắc chi viện kịp thời về đội ngũ cán bộ cốt cán, về phương tiện hoạt động và nghiệp vụ đánh địch, An ninh miền nam từ Trung ương Cục đến cơ sở không ngừng phát triển về lực lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ căn cứ địa, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo và cơ quan đầu não kháng chiến; tổ chức đánh địch ngay trong lòng địch, tiêu hao sinh lực địch và khích lệ quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh đánh địch.

Quán triệt quan điểm xây dựng 'căn cứ lòng dân', các chiến sĩ An ninh đã thực hiện ba cùng với đồng bào, được đồng bào đùm bọc, chở che và giúp đỡ để triển khai công tác phòng, chống phản cách mạng. Nhờ vậy, dù ở sau lưng địch hay vùng tranh chấp, trải qua hàng trăm trận càn quét, đánh phá vô cùng ác liệt cùng với mật độ hoạt động dày đặc của bọn biệt kích, thám báo, gián điệp, chỉ điểm nhưng chính quyền cơ sở vẫn không ngừng được xây dựng, củng cố. Ở vùng địch kiểm soát, chiến sĩ An ninh là lực lượng chủ công vận động đồng bào đứng lên phá ấp chiến lược, ấp tân sinh, phá thế kìm kẹp, đi đến phá chính quyền cơ sở của địch, hoặc biến chính quyền của địch thành chính quyền 'đêm ta ngày địch'. Ðây là mặt hoạt động có ý nghĩa quan trọng, chiến lược, là đòn đánh hiểm, tiến công thẳng vào âm mưu, mục đích của cả bốn chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy là 'giành dân, giành đất'. Nhờ dựa vào dân, nắm được đất nên lực lượng An ninh đã tổ chức thắng lợi nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng; khám phá hàng nghìn vụ án gián điệp, nội gián, đánh đuổi hàng nghìn toán thám báo, biệt kích; đưa đi cải tạo hàng chục nghìn đối tượng là tay sai chỉ điểm; tổ chức thành công hàng nghìn trận công đồn, tập kích lớn nhỏ, mở rộng vùng giải phóng.

Hơn 20 năm trường đấu mưu, đấu trí, đấu pháp, đấu lực với địch trên mặt trận bí mật, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, các chiến sĩ An ninh thời kỳ chống Mỹ, cứu nước chiến đấu trên khắp các chiến trường đều tỏ rõ phẩm chất cách mạng, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vượt qua hoàn cảnh, mưu trí, quyết chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Hàng nghìn đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường; hàng nghìn đồng chí mang trong mình di chứng của chiến tranh, mất mát từ chiến tranh và hệ lụy từ chiến tranh. Thế hệ hôm nay mãi mãi trân trọng, biết ơn sự hy sinh và cống hiến của các thế hệ đi trước trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc.

Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, độc lập. Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy đất nước đã hòa bình, thống nhất, nhưng mặt trận an ninh lại đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới, gay go, phức tạp và nặng nề gấp bội. Từ kinh nghiệm tiếp quản miền bắc, để chủ động triển khai nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, ngay trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ Công an đã khẩn trương chỉ đạo triển khai những công tác cấp bách và chiến lược: Thu gom hồ sơ của địch, khai thác để phục vụ công tác đánh địch lâu dài; tổ chức cho các đối tượng an ninh trình diện, học tập cải tạo; truy quét các ổ nhóm vũ trang còn lẩn trốn, trấn áp các tổ chức phản động là tàn dư của ngụy quân, ngụy quyền, manh động chống chính quyền; bóc gỡ mạng lưới gián điệp cài lại, kẹt lại của địch; tổ chức thu gom vũ khí, vật liệu nổ; thu hồi sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy... Ðược các cơ quan, đơn vị phối hợp, được quần chúng nhân dân hết lòng ủng hộ, giúp đỡ, nên sau gần một năm, an ninh chính trị tại 17 tỉnh, thành phố phía nam từng bước được ổn định.

Những năm sau ngày miền nam giải phóng, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị của đất nước còn nhiều phức tạp. Tội phạm hình sự phát triển, bọn phản động tiếp tục co cụm và manh động; Phun-rô phát triển mạnh ở các tỉnh khu V và Nam Trung Bộ, có lực lượng vũ trang gồm hàng nghìn tay súng. Trong bối cảnh ấy, các thế lực thù địch quốc tế cho là thời cơ lật đổ chính quyền đã đến nên chúng ráo riết tiến hành 'chiến tranh phá hoại nhiều mặt', với phương châm 'trong nổi dậy, ngoài đánh vào'. Ðể đối phó với tình hình đó, ở miền bắc, lực lượng An ninh triển khai đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ, tổ chức đấu tranh với các loại đối tượng; tham mưu giúp Ðảng, Nhà nước củng cố vững chắc an ninh chính trị; truy bắt hàng trăm tên gián điệp do Mỹ - ngụy đánh ra bắc trong kế hoạch hậu chiến; thẩm tra, xử lý số đối tượng nội gián thâm nhập vào các cơ quan, đơn vị; trấn áp các tổ chức phản động hiện hành; phong tỏa bọn gián điệp núp trong các cơ quan phi chính phủ, các tổ chức quốc tế.

Tại các tỉnh phía nam, lực lượng An ninh đã tập trung giải quyết vấn đề Phun-rô và đấu tranh, trấn áp các tổ chức, nhóm phản động và bọn phản động lưu vong xâm nhập về nước hoạt động. Lực lượng An ninh đã tăng cường hàng nghìn lượt cán bộ vào Tây Nguyên, tổ chức đấu tranh hàng chục chuyên án, bắt hết số cầm đầu, phá tan bộ khung chính quyền của Phun-rô, góp phần làm tan rã hoàn toàn lực lượng vũ trang của Phun-rô vào năm 1988.

Từ thập niên 90 của thế kỷ 20, với sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN ở Liên Xô và Ðông Âu, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu chiến lược 'Diễn biến hòa bình', tiến công ta toàn diện, trên mọi lĩnh vực nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng tập trung các hoạt động phá hoại tư tưởng, thâm nhập, tác động chuyển hóa nội bộ, chuyển hóa thể chế, chính sách, tạo lập và phát triển các lực lượng, tổ chức chính trị đối lập trong và ngoài nước; triệt để lợi dụng vấn đề 'dân chủ', 'nhân quyền', nhất là liên quan dân tộc, tôn giáo, biên giới, biển đảo... để kích động biểu tình, bạo loạn, khủng bố và các hoạt động chống phá cách mạng nước ta. Lực lượng An ninh đã kịp thời nghiên cứu, đánh giá tình hình, đổi mới các mặt công tác, nâng cao bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, đấu tranh từng bước làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, góp phần bảo đảm môi trường an ninh, tạo điều kiện để đất nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu của đổi mới, hội nhập quốc tế. Từ khi bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới đến nay, lực lượng An ninh đã tổ chức đấu tranh hàng trăm vụ án gián điệp, phản động, với hàng nghìn đối tượng, đẩy lùi, vô hiệu hóa các âm mưu, hoạt động tình báo, gián điệp, tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức phản động, phá hoại tư tưởng, bạo loạn lật đổ ở Việt Nam của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; đấu tranh làm thất bại hoàn toàn các chiến dịch chống phá nước ta của các tổ chức phản động lưu vong; đấu tranh làm ngăn chặn có hiệu quả các loại đối tượng lợi dụng mở cửa, hợp tác quốc tế vào nước ta hoạt động tình báo, gián điệp, phá hoại tư tưởng; đập tan hàng chục chiến dịch gây nổ, gây bạo loạn, thành lập các tổ chức chính trị đối lập và tiến hành khủng bố do các tổ chức phản động lưu vong thực hiện.

Trên lĩnh vực an ninh kinh tế, lực lượng An ninh đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chủ động phòng ngừa, đấu tranh các hoạt động phá hoại kinh tế, dùng kinh tế chuyển hóa chính trị; đã khám phá hàng chục vụ án điển hình về buôn lậu, tham nhũng, hoàn thuế VAT, ăn cắp cước phí viễn thông, làm và vận chuyển tiền giả..., qua đó tham mưu giúp Nhà nước, các cơ quan ban, ngành kịp thời hoạch định chính sách cũng như đề ra các biện pháp quản lý kinh tế phù hợp với bối cảnh mới. Những năm gần đây, lực lượng An ninh làm nòng cốt cùng các lực lượng khác giải quyết thành công các điểm nóng, các cuộc biểu tình, bạo loạn chính trị, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội.

Thời gian tới, lực lượng An ninh tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, nâng cao nhận thức, không ngừng đổi mới công tác, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh mới. Tập trung tham mưu, phối hợp và trực tiếp chỉ đạo, tổ chức các biện pháp công tác góp phần xây dựng, củng cố môi trường hòa bình, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước; tiếp tục tạo chuyển biến sâu sắc nhận thức của lực lượng An ninh về tình hình và công tác an ninh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống gián điệp gắn liền với công tác bảo vệ nội bộ; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống phản động trong và ngoài nước; tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác xây dựng lực lượng An ninh cách mạng, tinh nhuệ, chính quy, hiện đại, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ ANQG trong tình hình mới.

Trải qua các thời kỳ chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ chiến sĩ An ninh đã cống hiến trí tuệ, sức lực, xương máu và cả sinh mạng của mình, lập nhiều chiến công, kỳ tích trên mặt trận đấu tranh chống phản cách mạng, làm rạng rỡ thêm những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Ðảng, Nhà nước và nhân dân đã ghi nhận, đánh giá cao những công lao, cống hiến của lực lượng An ninh nhân dân. Lực lượng An ninh nhân dân đã hai lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (năm 1996 cho lực lượng An ninh và năm 2006 cho Tổng cục An ninh), được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2001. Cùng với các phần thưởng cao quý của toàn lực lượng, đến nay có 385 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 252 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng nghìn lượt tập thể và cá nhân được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các hạng.

Nguồn Báo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất