Hoạt động của Học viện
Thứ Ba, 13/5/2008 19:29'(GMT+7)

Niềm tự hào về lịch sử truyền thống

PV: Là người thầy giáo nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, nhân kỷ niệm Học viện CSND 40 tuổi, đồng chí cho biết những cảm xúc của mình trước sự trưởng thành và thay đổi lớn lao của Học viện ?

NGƯT- PGS.TS, Đại tá Khổng Minh Trà, Nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ, Trưởng bộ môn – Học viện CSND

40 năm nhìn lại từ cội nguồn và điểm lại những khó khăn thử thách để tính lại những gì đã làm nên được từ công sức của các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên và các lớp, khoá học của hàng chục ngàn học viên, sinh viên đã góp công xây dựng.

NGƯT- PGS.TS, Đại tá Khổng Minh Trà

Dù không đủ điều kiện để thống kê, tổng hợp đầy đủ, không thể chi tiết và điểm lại toàn diện các lĩnh vực hoạt động xây dựng cơ sở vật chất, hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học và các hoạt động phục vụ cho sự nghiệp vẻ vang của Học viện trong 40 năm qua. Song tất cả những đổi thay, thăng tiến của Học viên vẫn in đậm những kỷ niệm sâu nặng và rất tự hào về sự phát triển không ngừng của Học viện CSND.

Về những thay đổi to lớn của điều kiện đổi mới cho hoạt động của Học viện từ nứa lá, tranh tre mỗi năm chống dột, chống bão một lần vậy mà mỗi trận mưa vẫn không tránh được mưa cả vào nhà ở, lớp học. Thầy giáo cuốc bộ, đạp xe vượt đồi dốc đi dạy học ở từng khu vực sơ tán; chiến thắng giặc Mỹ, nước nhà đã độc lập thống nhất; Học viện chuyển về Hà nội, thầy trò cùng đào móng, san nền cùng ở tạm trong những căn nhà cấp 4 xây vôi. 18 năm vừa học vừa xây dựng đến nay trường có được cơ ngơi đồ sộ, đủ cho 5000 học viên và trên 600 cán bộ giảng viên làm việc học tập với đủ trang thiết bị đồ dùng làm việc, học tập và rèn luyện thật sự hiện đại và hoà nhập với bước phát triển của thủ đô trên đường đổi mới, hội nhập.

40 năm nhìn lại, điểm lại để thấy được sự phát triển vô cùng tự hào của Học viện. Học viên Học viện CSND, với hàng chục ngàn cán bộ, sỹ quan được đào tạo từ Học viện - một đội ngũ trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau trong lịch sử xây dựng trưởng thành và phát triển của lực lượng CSND, những anh hùng chiến sỹ thi đua, những tâm gương điển hình tiên tiến; những cán bộ lãnh đạo ở cấp tổng cục, cấp cục, Giám đốc, Phó giám đốc Công an tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều đồng chí còn chuyển sang làm công tác Đảng, chính quyền với cương vị Bí thư, Chủ tịch quận, huyện v.v... Sự phát triển, trưởng thành của những học viên, sinh viên ấy có quá trình học tập, rèn luyện liên tục, toàn diện và ở nhiều bậc học trong và ngoài Học viện CSND, nhưng tin chắc rằng những đồng chí đã được đào tạo ở Học viện CSND hẳn ai cũng ghi nhận nơi cội nguồn của sự trưởng thành thăng tiến ấy là Học viện CSND cái nơi đầu tiên. là bước đi ban đầu của mọi sự phát triển cá nhân trong quá trình cống hiến cho ngành, cho lực lượng CSND và các chức danh đảm nhiệm .

Không thể kể hết, viết hết những chiến công, thành thành tựu và những tình hình chi tết, những dấu ấn đầy ắp kỷ niệm của Học viện. Bởi vậy, phải từng đơn vị, Khoa phòng, Bộ môn, từng địa chỉ như vậy, mỗi nơi cần có một cuốn sử riêng để tập sử vàng của Học viện tập hợp đầy đủ hơn, chi tết hơn và để có được một tổng luận khoa học về lịch sử xây dựng và phát triển chủ Học viện để lớp người sau thêm tự hào về lịch sử truyền thống vẻ vang của trường. Học viện CSND với tôi đó là nơi tôi bước tiếp, song lại là nơi tôi được đào tạo, rèn luyện để trưởng thành có được như hiện nay. Tự hào, vinh dự và cũng là nơi nhắc nhở tôi luôn sống và tiếp tục hoạt động để luôn xứng đáng với công lao của Học viện, với truyền thống vẻ vang của Học viện CSND.

NGƯT Đại tá. Đỗ Quang Phẩm, nguyên Trưởng Khoa - Học viện CSND

Năm 1968 trường Cảnh sát nhân dân được thành lập, trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, cái tên trường Cảnh sát nhân dân cũng được thay đổi theo hướng phát triển: Trường CSND, Đại học CSND và Học viện CSND. Tôi là một trong những người được vinh dự đứng trong đội ngũ "trồng người" cho lực lượng CSND từ những năm trường còn non trẻ.

NGƯT Đại tá. Đỗ Quang Phẩm

Bồi hồi nhớ lại những gì đã qua, nhớ những kỷ niệm hơn 30 năm đứng trên bục giảng, bao nhiêu hoài niệm trở về trong tôi, những vui buồn lẫn lộn khiến tôi khó nói và viết thành lời. Phải là những người giáo viên thuộc lớp tuổi như chúng tôi hoặc già hơn chúng tôi, đã từng chứng kiến những năm đầu của nhà trường khi mới thành lập mới hiểu sâu sắc về sự phấn đấu bền bỉ và sự trưởng thành vượt bậc của Học viện chúng ta.

Những năm trường ở Suối Hai, Ba Vì, Hà Tây chỉ có 5 khoa, 3 phòng. Đời sống của cán bộ, giáo viên, công nhân viên cực kỳ khó khăn, cơ sở vật chất của nhà trường vô cùng thiếu thốn. Tài liệu, giáo trình nhiều năm không đáp ứng với chương trình đào tạo bậc đại học.

Học viện hôm nay - một khuôn viên khang trang thoáng mát, có những ngôi nhà trọc trời, tiện nghi khá đầy đủ và hiện đại. Hệ thống giảng đường được quy hoạch hợp lý, cơ sở vật chất được cải thiện rõ rệt. Một đội ngũ lãnh đạo trẻ trung năng động và đoàn kết - đủ sức lãnh đạo Học viện này tiến lên ngang tầm khu vực.

Từ năm 1988 tới nay - mới qua 20 năm mà đã có tới 02 Giáo sư, 08 Phó giáo sư, 32 Tiến sỹ và hàng trăm Thạc sỹ. Có 2 Nhà giáo nhân dân, 15 Nhà giáo ưu tú, nhiều giảng viên chính và hàng chục chiến sỹ thi đua nhiều năm liền.

Phong trào thi đua dạy giỏi, học tốt đã duy trì thường xuyên, nhiều cuộc thi về dạy giỏi, học tốt, nghiên cứu khoa học trong sinh viên và nhiều lĩnh vực khác như văn nghệ, thể thao... giáo viên và học viên luôn luôn giành được giải cao ở Học viện và ở Bộ Công an.

Học viện được mở thêm mã ngành đào tạo sau đại học Quản lý nhà nước về An ninh trật tự và mở thêm ba ngành đào tạo hệ đại học: Trinh sát hình sự, Kỹ thuật hình sự, Quản lý và giáo dục cải tạo phạm nhân.

Là một trong những cán bộ lâu năm từng làm công tác giảng dạy, vừa làm công tác quản lý ở cấp Khoa, Phòng của Học viện, tôi rất tự hào về sự đổi mới mạnh mẽ và phát triển không ngừng của Học viện trong 40 năm qua - đặc biệt ở một số năm gần đây.

Những cảm xúc của tôi dù chỉ nói lên được vài ý nhỏ trong hàng trăm, hàng ngàn những điều tốt đẹp khác, song chắc chắn đã cùng chung với nhiều ý kiến của những thầy, những cô nhiều tuổi như tôi.

Đại tá. Hồ Trọng Đồng, nguyên Trưởng Khoa - Học viện CSND

Là giảng viên có 25 năm giảng dạy ở Học viện CSND, tôi rất phấn khởi, tự hào về sự thay đổi lớn lao của Học viện. Học viện có được như ngày hôm nay chính là nhờ thành quả lao động sáng tạo của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên trường Đại học CSND ( nay là Học viện CSND) trong mấy chục năm qua.

Đại tá. Hồ Trọng Đồng

Ai đã từng có mặt vào những năm đầu mới thành lập Học viện thì hôm nay hẳn là không khỏi xúc động, tự hào về sự thay đổi lớn lao của Học viện. Tôi có mặt và giảng dạy tại Học viện vào cuối những năm 1980, có nghĩa là đã sau 12 năm kể từ ngày thành lập Học viện. Thế mà lúc bấy giờ nhà ở, nhà làm việc, giảng đường chỉ mới có tranh tre, nứa lá, phủ giấy dầu. Thiếu điện, thiếu nước, trên bục giảng còn thiếu cả loa đài. Tài liệu giảng dạy nghiệp vụ chỉ có mấy văn bản Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và của Ngành, mấy bản sắc lệnh, pháp lệnh của Nhà nước và mấy cuốn giáo trình của trường Đại học An ninh nhân dân. Đội ngũ giáo viên nghiệp vụ chủ yếu là sinh viên Đại học An ninh và Cảnh sát mới ra trường. Chúng tôi thường nói là “ xôi chấm xôi”. Cả trường chưa có một giáo viên nào có trình độ trên đại học. Đồ dùng dạy học: là cái bảng đen, mấy viên phấn, mấy cái sơ đồ để giáo viên minh hoạ. Cũng cần nói thêm rằng lúc bấy giờ lên lớp có được mấy cái sơ đồ để minh hoạ đã là ghê gớm lắm rồi. Giờ đây Học viện CSND là một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của ngành Công an, có đầy đủ điều kiện cần thiết để đào tạo đại học, cao học và tiến sỹ. Với hệ thống cơ sở vật chất khang trang tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập của học cán bộ, giáo viên, công nhân viên.

Học viện đã có tới 30 đơn vị đầu mối, ngoài các phòng, ban, nhà ăn, nhà truyền thống, Học viện đã có nhiều Bộ môn, Khoa giảng dạy chuyên ngành và nhiều trung tâm lớn như: trung tâm đào tạo lái xe, trung tâm thông tin khoa học, có đủ các loại sách báo, tài liệu nghiên cứu, giảng dạy và học tập, có hệ thống giáo trình môn học dùng cho các cấp học và hệ học. Công tác nghiên cứu khoa học cũng đã phát triển mạnh, liên kết ra ngioài với nhiều đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước. Lưu lượng sinh viên thường xuyên trên dưới 6000 người, có đủ các ngành học, hệ học và các cấp học. Đội ngũ giáo viên của Học viện đã phổ cập Thạc sỹ, trong đó có Giáo sư, nhiều Phó Giáo sư và Tiến sỹ. Đặc biệt là mấy năm gần đây, Học viện đã kiện toàn lại tổ chức bộ máy. Không khí đoàn kết, dân chủ được phát huy, tạo ra một sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Học viện. Có thể nói Học viện đang đang thay đổi hàng ngày. Bản thân tôi cảm thấy rất vui mừng và tin tưởng chắc chắn rằng Học viện còn tiến xa hơn nữa.

PV: Những ý kiến tâm huyết của đồng chí trong sự nghiệp đào tạo của Học viện trong tương lai ?

NGƯT Đại tá. Đỗ Quang Phẩm, nguyên Trưởng Khoa Kỹ thuật hình sự - Học viện CSND

Một điều thực tế không thể không thừa nhận là hầu hết học viên đã học qua Học viện CSND về địa phương công tác đã sớm thích nghi với môi trường thực tế và công tác tốt. Nhiều học viên ra trường đã trở thành những cán bộ quản lý giỏi. Đó là thước đo công bằng, chính xác nhất và là thành quả đào tạo của Học viện CSND nhiều năm qua. Để thành quả này duy trì bền vững và đạt hiệu quả cao hơn nữa, Học viện đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực: Quản lý, dạy học, học, nghiên cứu khoa học và phục vụ cho việc dạy và học.

Chúng tôi rất tự hào về sự phát triển mạnh mẽ và đúng hướng của Học viện, song vẫn còn đôi điều muốn góp ý thêm:

- Trong công tác giảng dạy, chúng ta có rất ít hoặc không có các chuyên gia nghiệp vụ. Rất nhiều giáo viên giảng được nhiều bài trong bộ môn nhưng vốn kiến thức cứ dàn đều như nhau. Theo tôi nghĩ: Đã là giảng viên thì phải giảng được nhiều bài, nhưng trong đó phải có ít nhất một bài nào đó mà vốn kiến thức khiến ai cũng phải "Tâm phục, khẩu phục"- Phải có sự hợp tác của giảng viên như vậy mới đào tạo ra cán bộ thành tài.

- Học viện đào tạo ra những con người để chiến đấu thực tế tại các địa phương - Đó là mục đích cơ bản của Học viện. Vậy, ngay trong quá trình đào tạo, cái thực tế, cái sát với thực tế là vô cùng cần thiết đối với mỗi giảng viên - đặc biệt đối với giáo viên ở các khoa nghiệp vụ. Vấn đề này hầu như ở tất cả các trường nghiệp vụ Công an đều có vấn đề, ngay ở Học viện ta cũng chưa thật mạnh. Theo tôi, ngay từ bây giờ, Học viện cần có một chương trình hành động cụ thể, giao khoán cho các khoa nghiệp vụ, xúc tiến ngay công việc trên bằng nhiều hình thức, nhiều nguồn và nhiều con đường khác nhau.

Thực tế cho thấy, nếu người thầy đã thông hiểu về giáo trình, nhuần nhuyễn về giáo án lại có vốn kiến thức thực tế trong tay thì rất vững vàng, tự tin trên bục giảng.

- Để thích ứng với tinh thần đất nước hội nhập và tiếp cận với kiến thức vượt ra ngoài biên giới, vấn đề học ngoại ngữ, ít nhất là thông thạo một ngoại ngữ phải coi là nhiệm vụ bắt buộc đối với mỗi giáo viên.

- Đã là cảnh sát, phải biết lái xe ôtô, coi như yêu cầu bắt buộc trong lĩnh vực đào tạo cảnh sát của Cộng hoà dân chủ Đức trước đây. Theo tôi, ở các trường cảnh sát - trong đó có Học viện chúng ta cũng cần như vậy.

Với quỹ thời gian giảng dạy giành cho khoa Cảnh sát giao thông như hiện nay, không thể đào tạo một học viên Cảnh sát phục vụ cho những tình huống cụ thể trong công tác thực tế sau này.

- Ngoài những vấn đề nêu trên, Học viện cần sưu tầm, bổ sung phong phú hơn những hình ảnh, những hiện vật vào phòng truyền thống sau 40 năm xây dựng và trưởng thành - Đó cũng là một trong những bài học quý giá cho thế hệ trẻ thầy, trò hôm nay.

PV: Là người thầy, người anh nhiều năm đứng trên bục giảng, cũng như trong công tác quản lý, đồng chí có những lời khuyên giành cho cán bộ, giảng viên trẻ cũng như thế hệ học viên hôm nay?

NGƯT Đại tá. Đỗ Quang Phẩm, nguyên Trưởng Khoa Kỹ thuật hình sự - Học viện CSND

Các thầy giáo, cô giáo trẻ và các em học viên thân mến!

Chúng ta đang được hưởng thụ một nền giáo dục văn minh, tiên tiến và đang sống, đang giảng dạy và học tập trong môi trường đổi mới lành mạnh của Học viện.

Chúng ta tự hào được thừa hưởng thành quả của 40 năm xây dựng và trưởng thành của Học viện. Tôi mong tất cả chúng ta phải luôn luôn nhớ câu "Uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Mỗi chúng ta cần suy nghĩ và tìm hiểu về lịch sử của trường, hiểu được những năm tháng mà các bậc cha, anh chúng ta đã vượt qua biết bao nhiêu gian khổ trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, trong thời kỳ bao cấp vẫn giữ trường, giữ lớp, vẫn đào tạo ra những cán bộ nòng cốt cho ngành. Có hiểu được như vậy thì mỗi chúng ta hôm nay không còn một lý do gì mà không dạy giỏi, học tốt.

Các thầy giáo, cô giáo trẻ cũng như hầu hết các học viên còn đang son dỗi, cái độ tuổi mà ta đang sung sức nhất, tiếp thu những tri thức mới nhanh nhạy nhất, chính vì vậy mà phải tranh thủ thời gian để học tập nhiều nhất.

Học để trở thành một giảng viên giỏi, mẫu mực, học để trở thành một học sinh tiên tiến. Tương lai đang mở rộng và chờ đón tất cả chúng ta.

Thực tế cho thấy, nếu ai đó tự buông lỏng mình, để tuổi trẻ qua đi không thu về những tri thức, những điều tốt đẹp vào mình thì khi tuổi đã cao thường luyến tiếc, hối hận mà không bao giờ có cơ hội làm lại./.

Đại tá. Hồ Trọng Đồng, nguyên Trưởng Khoa Nghiệp vụ CSĐT- Học viện CSNDĐất nước chúng ta đang mở cửa và hội nhập, việc mở cửa hội nhập sẽ mở ra cho chúng ta rất nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.

Về thuận lợi có rất nhiều, trong đó có việc tiếp thu nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào phục vụ sản xuất và đời sống. Trong hoàn cảnh đó, công tác đấu tranh và phòng chống tội phạm để bảo vệ đường lối mở cửa, hội nhập của Đảng và Nhà nước của ngành Công an lại còn khó khăn và phức tạp hơn.

Do đó, lực lượng Công an đào tạo ra phải đủ sức đáp ứng công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm trong điều kiện mới. Nghiệp vụ Công an phải gắn với sự hiểu biết khoa học kỹ thuật tiên tiến, khoa học công nghệ cao, hiểu biết về phương thức hoạt động của các loại tội phạm, nếu không như vậy sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng và Ngành giao phó. Người được đào tạo như vậy, hẳn là người thầy giáo phải hơn thế nữa. Không chỉ phải hiểu biết khoa học kỹ thuật tiên tiến, khoa học công nghệ mà còn phải biết sử dụng các phương tiện hiện đại để giảng dạy và có phương pháp giảng dạy tiên tiến. Từ đó, người thầy giáo có thể tự nhìn lại mình và thấy được những bất cập của bản thân, để tự điều chỉnh.

Để tiếp thu kiến thức của nhân loại, theo tôi, trong thời gian tới nếu thiếu ngoại ngữ, thì giáo viên thật khó mà hoàn thiện mình. Từ vấn đề này, theo tôi, cán bộ, giảng viên, học viên phải học ngoại ngữ. Học viện cũng cần phải đặt ra một tiêu chí về ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên trẻ và đặt ra một lộ trình có tính chất bắt buộc đối với họ. Hy vọng rằng trong vài ba năm tới đội ngũ giảng viên trẻ của Học viện có thể dịch, nghe và nói được ít nhất là một thứ tiếng Ngoại ngữ.

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Giáo dục trật tự xã hội

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất