Hoạt động của Học viện
Thứ Ba, 13/5/2008 17:43'(GMT+7)

40 năm - Học viện Cảnh sát nhân dân không ngừng đổi mới và từng bư¬ớc hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ, phục vụ yêu cầu đào tạo và đấu tranh phòng, chống tội phạm

Thiếu t­ướng. Nguyễn Trung Thành Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL kiêm Giám đốc Học viện CSND

Thiếu t­ướng. Nguyễn Trung Thành Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL kiêm Giám đốc Học viện CSND

Thành quả quan trọng nhất của nhà trường là đã đào tạo hàng vạn sĩ quan cảnh sát, hàng trăm cán bộ có trình độ sau đại học. Đội ngũ này khi ra trường đã nhanh chóng tiếp cận công việc, độc lập tác chiến và nhiều đồng chí đã lập công suất xắc. Với những thành tích đã đạt được, Học viện CSND vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng: 2 Huân chương Quân công hạng Nhì (1995, 1996), 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất (1998) và Huân chương Hồ Chí Minh (2003). Một trong những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển của Học viện đó là “không ngừng đổi mới và từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ phục vụ yêu cầu đào tạo và đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát nhân dân” được thể hiện trên những mặt sau đây:

1. Luôn gắn nhà trường với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn TTATXH

Thực hiện nhất quán phương châm giáo dục của Đảng là: “Lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội”, trong suốt quá trình xây dụng và trưởng thành, Học viện CSND luôn bám sát yêu cầu nhiệm vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giữ gìn TTATXH trong từng giai đoạn cách mạng để xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp.

Là một trường nghiệp vụ chuyên ngành, ngay từ những ngày đầu thành lập, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của Khoa nghiệp vụ II - Trường Công an Trung ương, cùng với việc nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, chỉ trong một thời gian ngắn nhà trường đã bắt đầu đi vào đào tạo lý luận nghiệp vụ chuyên ngành như: Trinh sát hình sự, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trại giam. Đây là bước khởi đầu của quá trình hình thành hệ thống lý luận nghiệp vụ CSND, kịp thời trang bị những kiến thức nghiệp vụ cần thiết cho học viên, góp phần phục vụ chiến đấu lúc bấy giờ.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trước đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn TTATXH ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam, yêu cầu cung cấp đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cho cả hai miền ngày càng lớn, nhiều nội dung nghiệp vụ cần phải được nhanh chóng đổi mới, bổ sung, nhà trường đã đề nghị lãnh đạo Bộ Công an cho phép thành lập một số khoa, môn học mới; tiến hành tổng kết các chuyên đề nghiệp vụ như: Quản lý hộ tịch, hộ khẩu trong thời chiến; Phương châm, nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy; Chuyên đề về điều kiện lập án, quy trình khám nghiệm hiện trường... Nhiều vấn đề mới đã được biên soạn và đưa vào giảng dạy có tác dụng thiết thực phục vụ công tác chiến đấu của ngành, đã hình thành được hệ thống tài liệu nghiệp vụ chuyên sâu thuộc các khoa nghiệp vụ chuyên ngành. Nếu ngày đầu thành lập, nhà trường chỉ có 3 khoa: Khoa Cảnh sát nhân dân (Khoa 55); Khoa Cảnh sát giao thông (Khoa 31) và Khoa Cảnh sát trại giam (Khoa 54), đến năm 1976 đã có 11 Khoa giáo dục.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đưa cách mạng nước ta chuyển sang một giai đoạn mới. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới: “Xây dựng lực lượng CAND thành một lực lượng vũ trang sắc bén tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, có lực lượng chuyên trách chính quy, hiện đại, vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, có trình độ khoa học - kỹ thuật khá, được trang bị chuyên môn cần thiết”. Yêu cầu đặt ra đối với nhà trường là phải nhanh chóng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ mới.

Được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng uỷ CATW và lãnh đạo Bộ Công an, nhiều nội dung mới gắn với thực tiễn đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn TTATXH đã được xây dựng và đưa vào giảng dạy. Đặc biệt, nhà trường bắt đầu bước vào thực hiện nhiệm vụ đào tạo sĩ quan Cảnh sát ở bậc đại học (21/11/1976). Đây là bước phát triển quan trọng trong quá trình phấn đấu trưởng thành của nhà trường, đồng thời cũng khẳng định vai trò của công tác đào tạo cán bộ Cảnh sát đối với sự nghiệp bảo vệ ANTT. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo bậc đại học, trong 2 năm 1976 - 1977 nhà trường đã xây dựng được 5 chương trình cho hệ đào tạo chính quy là: chuyên ngành Cảnh sát khu vực; chuyên ngành Trinh sát hình sự; Cảnh sát giao thông, Kỹ thuật hình sự và Phòng cháy, chữa cháy và từ khoá D2 chuyên ngành Điều tra xét hỏi cũng được đưa vào đào tạo.

Bước vào giai đoạn đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước, trước những thời cơ và vận hội mới, nhiệm vụ bảo vệ ANTT của đất nước đòi hỏi những yêu cầu mới. Vì vậy, nhiều lĩnh vực lý luận nghiệp vụ cần phải kịp thời đổi mới, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ và thực tiễn bảo vệ ANTT. Trong bối cảnh đó, nhà trường đã kịp thời tập trung rà soát toàn bộ chương trình, nội dung đào tạo. Yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và từng bước chính quy hoá chương trình đào tạo, không chỉ đổi mới nội dung, phương pháp mà còn đòi hỏi hoàn thiện cả hình thức, cơ chế và mở rộng quan hệ trong đào tạo. Có thể nói rằng, đây là giai đoạn đổi mới mạnh mẽ nhất trên mọi lĩnh vực của nhà trường. Hệ thống lý luận đã được điều chỉnh thay thế những nội dung không còn phù hợp. Bổ sung đưa vào giảng dạy những vấn đề mới về nghiệp vụ Cảnh sát theo 8 chuyên ngành: Quản lý hành chính; Cảnh sát hình sự; Cảnh sát điều tra; Cảnh sát kinh tế; Cảnh sát giao thông; Cảnh sát trại giam; Cảnh sát PCTP về ma tuý; Kỹ thuật hình sự. Đến nay các môn học, bài học nghiệp vụ đều đã có giáo trình, tài liệu cũng như hệ thống bài tập tình huống nghiệp vụ. Các nội dung được đưa vào giảng dạy thường xuyên được cập nhật thực tiễn công tác chiến đấu của ngành, có sự tham gia thẩm định, đóng góp của các nhà nghiên cứu lý luận và các nhà hoạt động thực tiễn. Hiện nay Học viện đang triển khai xây dựng hệ thống lí luận, GTTL cho Chuyên ngành Cảnh sát vũ trang và đang xúc tiến việc xây dựng, chuẩn bị các điều kiện mở một số chuyên ngành mới: Cảnh sát môi trường, Phòng chống tội phạm công nghệ,…

2. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần đổi mới và từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ

Trong quá trình phát triển của Học viện CSND, hoạt động NCKH luôn được xác định là tiền đề, cơ sở phục vụ sự nghiệp đào tạo, để nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ và phục vụ những bức xúc trong thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm. Những thành tựu của công tác này đã giúp cho hoạt động giảng dạy luôn tiếp cận với những vấn đề mới, góp phần không ngừng đổi mới và từng bước hoàn thiện lý luận nghiệp vụ và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 của BCH TW, Nghị quyết 04 của Đảng uỷ CATW và Chương trình 306 và Chỉ thị số 02 của Bộ về phát triển KH - CN trong lực lượng CAND, hoạt động NCKH của Học viện đã tập trung theo hướng: Nghiên cứu để từng bước bổ sung, phát triển, hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ; tập trung nghiên cứu những vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực tham mưu, xây dựng lực lượng góp phần nâng cao hiệu quả công tác XDLL và đấu tranh phòng, chống tội phạm, từng bước hội nhập quốc tế và các lĩnh vực quản lí giáo dục của Học viện. Những năm vừa qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ và các Vụ, Cục chức năng và Công an các địa phương, Học viện đã triển khai nghiên cứu thành công hàng trăm đề tài khoa học các cấp, kết quả NCKH đã góp phần to lớn vào việc bổ sung, phát triển và hoàn thiện hệ thống lí luận nghiệp vụ và sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nhà trường, đồng thời góp phần giải quyết những bức xúc nảy sinh trong thực tiễn bảo vệ ANTT. Hiện nay, Học viện đang triển khai nghiên cứu 62 đề tài khoa học các cấp, 9 SKCT. Trong đó, phối hợp với Tổng cục Cảnh sát nghiên cứu 01 đề tài Nhà nước, trực tiếp triển khai nghiên cứu 02 đề tài cấp Bộ trọng điểm, 17 đề tài cấp Bộ khác, 42 đề tài cấp Cơ sở.

Về nghiên cứu vĩ mô, Học viện là một trong những đơn vị đầu tiên tổ chức nghiên cứu thành công Chùm đề tài về 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (năm 1983), kết quả nghiên cứu chùm đề tài này được Bộ Công an sử dụng làm tài liệu học tập 6 điều Bác Hồ dạy trong toàn lực lượng CAND. Đề tài KX 07-06 là đề tài Nhà nước đầu tiên Bộ Công an giao cho Học viện ở một lĩnh vực mới mẻ, Học viện đã nghiên cứu thành công, nhiều đề xuất kiến nghị được Đảng, Nhà nước ghi nhận đưa vào Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ môi trường và thành lập lực lượng Cảnh sát môi trường thuộc Bộ Công an. Đề tài “Quản lý Nhà nước về an ninh trật tự” là đề tài cấp Bộ đầu tiên được thực hiện đã mở ra một hướng nghiên cứu mới về lý luận nghiệp vụ. Đề tài “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, lực lượng Công an làm nòng cốt” góp phần định hướng những vấn đề chiến lược về sự lãnh đạo của Đảng trong giữ gìn ANTT... Trên lĩnh vực nghiên cứu dự báo, nhiều đề tài nghiên cứu đã từng bước làm sáng tỏ những nội dung cơ bản về dự báo, dự phòng, và chỉ đạo phòng ngừa tội phạm. Học viện đã có nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo Bộ đã cho phép thành lập Trung tâm nghiên cứu tội phạm học tại Học viện.

Để đáp ứng với yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhiều đề tài đã tập trung nghiên cứu làm rõ về phương thức, thủ đoạn hoạt động của những loại tội phạm mới, đi trước đón đầu trên các lĩnh vực: Tội phạm có tổ chức, Thị trường chứng khoán; tội phạm rửa tiền, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sở hữu trí tuệ... Cùng với việc thực hiện các đề tài khoa học, nhiều sáng kiến cải tiến, bài viết có giá trị về lý luận và thực tiễn các mặt hoạt động quản lí giáo dục của cán bộ, giáo viên Học viện đã được nghiệm thu hoặc đăng tải trên các tạp chí khoa học đã góp phần trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các đơn vị nghiệp vụ và các đơn vị, địa phương về những vấn đề vướng mắc trong hoạt động thực tiễn.

Các hoạt động trao đổi, hội thảo khoa học được tổ chức thành công, có giá trị khoa học cao. Hội thảo khoa học: Tội phạm có tổ chức ở Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn” tổ chức vào năm 1997; Các hội thảo về đấu tranh chống tội phạm kinh tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… đều là những vấn đề rất mới. Đặc biệt, Học viện tổ chức thành công Hội nghị Giám đốc, Hiệu trưởng các trường Cảnh sát các nước Châu Á - Thái Bình Dương được trong nước và bạn bè đánh giá cao, tạo ra môi trường thuận lợi hội nhập quốc tế về phòng, chống tội phạm, đào tạo Cảnh sát trên phạm vi nhiều quốc gia, trở thành mối quan tâm của nhiều nước. Nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nhằm trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm đã được thực hiện mở ra ở Học viện hướng tiếp cận với những vấn đề lý luận mới, tiên tiến có tính đồng bộ, thống nhất giữa các nước. Từ hướng đi này, Học viện có điều kiện tìm hiểu về phương pháp đấu tranh chống tội phạm, nhất là tội phạm khủng bố, tội phạm rửa tiền, tội phạm hoạt động xuyên quốc gia... ở các nước khác.

Đóng góp của hoạt động NCKH trong những năm qua còn được thể hiện thông qua các hình thức nghiên cứu của nhiều thế hệ học viên, đã có hàng trăm luận văn tốt nghiệp đại học, cao học, luận án Tiến sĩ được hoàn thành, các công trình khoa học dự thi ở các cấp đạt nhiều giải cao. Đặc biệt, từ khi Học viện được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học đến nay các luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ đã góp phần bổ sung đáng kể những vấn đề nghiệp vụ có giá trị về lý luận và thực tiễn.

Có thể khẳng định rằng, sự trưởng thành của Học viện CSND được thể hiện bằng những kết quả đóng góp to lớn của hoạt động NCKH. Hoạt động này đã và đang trở thành chiếc cầu nối giữa nhà trường với thực tiễn và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, làm cơ sở để biên soạn giáo trình và tài liệu dạy học. Nhờ đó mà công tác đào tạo luôn được cải tiến, đổi mới phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn ANQG, TTATXH ở nước ta.

3. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu lý luận nghiệp vụ, tăng cường nguồn lực khoa học - công nghệ

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Học viện CSND luôn đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Có thể khẳng định, quá trình phát triển của Học viện cũng chính là quá trình trưởng thành về mọi mặt của đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Từ một trường đào tạo bậc trung học Cảnh sát vươn lên đào tạo bậc đại học, rồi đào tạo Cao học, đào tạo Tiến sĩ và bồi dưỡng nâng cao, đội ngũ giáo viên đã trưởng thành nhanh chóng. Hàng năm, Học viện đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa chuẩn bị chiến lược lâu dài. Đa dạng hoá các loại hình đào tạo, vừa đào tạo trong nước và gửi đào tạo ở nước ngoài, khuyến khích tự học, tự đào tạo nhằm hoàn thiện chức danh của cán bộ, giáo viên. Đến nay, Học viện đã có 100% cán bộ, giáo viên tốt nghiệp đại học, 50% có trình độ Thạc sĩ, trên 10% có trình độ Tiến sĩ và 20-30% có trình độ cao cấp lý luận chính trị; có 2 Giáo sư, 8 Phó giáo sư, 32 Tiến sĩ, 154 Thạc sĩ và hơn 100 Giảng viên chính.

Trong những năm tới, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước và nhiệm vụ bảo vệ ANTT đặt ra những yêu cầu mới. Học viện tiếp tục phấn đấu góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ theo những định hướng cơ bản sau đây:

Một là, tăng cường mối quan hệ kết hợp nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, bảo đảm sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn nhằm tiếp tục hoàn thiện và phát triển hệ thống lý luận nghiệp vụ. Coi trọng tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, qua đó phát hiện, tìm tòi những hình thức, bước đi, phương pháp phù hợp cho hoạt động nghiệp vụ.

Hai là, xây dựng một môi trường thuận lợi để hoạt động nghiên cứu khoa học - thực tiễn diễn ra thật sự đồng bộ, dân chủ và hiệu quả giữa khoa học chuyên ngành với các khoa học liên ngành, tạo sức mạnh tổng hợp của nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai.

Ba là, tổ chức có hiệu quả việc xây dựng hệ thống lý luận nghiệp vụ ở các chuyên ngành đào tạo mới. Lựa chọn và tập trung đầu tư ở những ngành học mới đang xuất hiện nhiều vấn đề mới trong công tác phòng, chống tội phạm. Đi sâu nghiên cứu các giải pháp nghiệp vụ phòng ngừa, phát hiện và điều tra khám phá đối với những loại tội phạm có tổ chức, tội phạm về môi trường, tội phạm kinh tế trong nền kinh tế thị trường, tội phạm công nghệ cao, tội phạm sở hữu trí tuệ, tội phạm xuyên quốc gia...

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo phù hợp với những yêu cầu đổi mới giáo dục đại học và bảo vệ ANQG, TTATXH. Tiến hành rà soát toàn bộ chương trình môn học theo chương trình khung mới, hệ thống giáo trình và tài liệu giảng dạy. Thường xuyên chỉnh lý, bổ sung những nội dung mới, bảo đảm cập nhật kiến thức vào giáo trình, tài liệu giảng dạy đạt yêu cầu tiên tiến, khoa học và sư phạm và thực tiễn.

Năm là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ đầu đàn có trình độ cao, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên tiếp cận thực tiễn, tham dự các buổi tổng kết của các đơn vị nghiệp vụ. Đẩy mạnh các hoạt động khoa học tại các khoa, các tổ bộ môn, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống tội phạm trong nước và tham quan, học tập ở nước ngoài.

Những thành tích đã đạt được trong 40 năm qua là hành trang để Học viện tiếp tục phấn đấu vươn lên. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng uỷ Công an Trung ương, của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các Tổng cục, sự phối hợp giúp đỡ của các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương để Học viện CSND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là trung tâm đào tạo, NCKH của lực lượng Công an nhân dân./.

Thiếu t­ướng. Nguyễn Trung Thành
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL kiêm Giám đốc Học viện CSND

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Giáo dục trật tự xã hội

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất