Hoạt động của Học viện
Thứ Ba, 13/5/2008 18:21'(GMT+7)

Xây dựng Học viện CSND trở thành Đại học trọng điểm Quốc gia trong xu thế phát triển của thế giới và khu vực

Báo cáo tham luận này nêu một số ý kiến về xây dựng và phát triển Học viện CSND thành trường đại học trọng điểm quốc gia trong xu thế phát triển của thế giới và khu vực qua nghiên cứu kinh nghiệm của các Học viện, Nhà trường đại học trọng điểm quốc gia ở Việt Nam và thế giới.

I. Về mô hình các đại học trọng điểm quốc gia trong và ngoài nước.

Để xây dựng các “ đầu tàu”, tập trung nguồn nhân lực, vật lực trong hệ thống giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục và đào tạo nước ta và ngành An ninh, Cảnh sát các nước đều thành lập các đại học trọng điểm quốc gia. Đây là những nhà trường đại học đứng hàng đầu quốc gia hoặc đứng hàng đầu các Học viện, Nhà trường An ninh, Cảnh sát trong quốc gia. Các nhà trường này có cơ cấu tổ chức, cách thức quản lý và phương thức đào tạo, chương trình đào tạo riêng.

1- Về tổ chức, bộ máy : Các trường trọng điểm ngoài các Khoa, Bộ môn như các trường khác thường thành lập các Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu - sản xuất trực thuộc. Có nhiều mô hình, tổ chức các Trung tâm nghiên cứu - sản xuất như Trung tâm trực thuộc các trường Đại học, Học viện và Trung tâm trực thuộc các Khoa. Ví dụ như trực thuộc Trường đại học Kinh tế quốc dân có Viện đào tạo sau đại học, trực thuộc Học viện Tài chính có Viện Nghiên cứu tài chính; trực thuộc Học viện Chính trị Quân sự có Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự; trực thuộc Học viện Quốc phòng có Viện Nghiên cứu Khoa học nghệ thuật quân sự, trực thuộc Học viện Kỹ thuật quân sự có 11 Trung tâm và 2 Công ty trực thuộc Học viện và nhiều Trung tâm nghiên cứu trực thuộc Khoa.

2- Về đội ngũ cán bộ: Các trường trọng điểm được tập trung một đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao. Thường các Nhà trường này được giao nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo giảng viên cho các Học viện, nhà trường khác cùng hệ ngành. Theo Đề án của Chính phủ, đội ngũ giảng viên của các đại học trọng điểm quốc gia phải có trình độ Tiến sĩ từ 70% tổng số giảng viên trở lên.

3- Về cơ chế quản lý: Với 15 trường đại học trọng điểm quốc gia hiện nay, Chính phủ và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phân cấp quản lý nhiều khâu như: Trường được tự in và cấp bằng Tiến sĩ, được quyền quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định ban hành ngành đào tạo mới, Hiệu trưởng được quyền đề bạt, bổ nhiệm Chủ nhiệm các Khoa, Bộ môn, được toàn quyền tuyển giáo viên, được chủ động mời và tiếp nhận giảng viên, sinh viên nước ngoài đến học,v.v.

4- Về cơ chế tài chính và cơ sở vật chất:

Các nhà trường trọng điểm quốc gia được ưu tiên đầu tư tài chính nên có cơ sở vật chất tốt nhất trong hệ thống các nhà trường. Các trường này được quyền tự chủ tài chính, được vay vốn ưu đãi để phục vụ công tác giáo dục và đào tạo kể cả vay nguồn vốn ODA để phát triển giáo dục. Như trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa qua đã khánh thành Thư viện Trần Đại Nghĩa trị giá 250 tỷ đồng được xây dựng chủ yếu bằng nguồn vốn tự có thu từ sản xuất, bán hàng và kinh phí đào tạo hệ chính quy và không chính quy. Hiện nay, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã và đang thí điểm giao trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tự quyết định trả lương cho cán bộ, giảng viên.

5- Về công tác thông tin, xuất bản:

Các trường được đầu tư xây dựng các Thư viện hiện đại, như Đại học Đà Nẵng có 2 Trung tâm thư viện đạt chuẩn quốc tế trị giá 4 triệu USD và 2,5 triệu USD; trường Đại học Bách khoa Hà Nội có thư viện được đầu tư xây dựng 250 tỷ đồng; Đại học Quốc gia Hà Nội có thư viện được đầu tư xây dựng và trang bị hơn 80 tỷ đồng; trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội có thư viện rộng hơn 12.000 m2 diện tích sàn trị giá hơn 70 tỷ đồng,v.v.

Các trường ngoài Tạp chí khoa học phát hành bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài còn được thành lập Nhà xuất bản riêng như: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà Nội v.v..

6- Về quan hệ quốc tế: Các trường trọng điểm được giao quyền tự quyết định quan hệ quốc tế. Hiệu trưởng được quyền quyết định cử cán bộ đi công tác nước ngoài; quyết định liên kết đào tạo hệ đại học và sau đại học với các trường đại học trong và ngoài nước.

Với các cơ chế tổ chức, quản lý, tài chính mở như trên nên các nhà trường trọng điểm phát triển rất nhanh. Cơ sở vật chất tốt hơn các trường khác. Các trường cũng dễ tuyển dụng được đội ngũ các giảng viên tốt. Vì vậy chất lượng đào tạo cũng tốt hơn và thông thường tốt nhất quốc gia hoặc tốt nhất trong hệ thống các nhà trường An ninh, Cảnh sát quốc gia.

Ở nước ta hiện nay có 15 cơ sở đào tạo được chọn xây dựng thành Đại học trọng điểm quốc gia bao gồm:

- Đại học Quốc gia Hà Nội.

- Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

- Đại học Sư phạm Hà Nội.

- Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

- Đại học Y Hà Nội.

- Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

- Đại học Thái Nguyên.

- Đại học Huế.

- Đại học Đà Nẵng.

- Đại học Cần Thơ.

- Đại học Kinh tế quốc dân.

- Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

- Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội

- Đại học Bách khoa Hà Nội.

- Học viện Kỹ thuật quân sự ( Bộ Quốc phòng).

Theo kế hoạch Chính phủ sẽ xây dựng 20 trường Đại học trọng điểm quốc gia có trình độ đào tạo và nghiên cứu tiên tiến, làm đầu tàu cho sự phát triển mạng lưới các trường Đại học Việt Nam. Hiện nay có 4 trường Đại học đang phấn đấu và đề nghị Chính phủ quy hoạch thành trường Đại học trọng điểm quốc gia gồm: Học viện Quân y ( Bộ Quốc phòng), Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Quy Nhơn.

Nghiên cứu hệ thống các nhà trường An ninh, Cảnh sát các nước cho thấy tuỳ quy mô đào tạo các quốc gia, thường mỗi nước xây dựng từ 1-2 trường Đại học trọng điểm quốc gia, như:

- Liên bang Nga: Học viện chỉ huy, lãnh đạo Bộ Nội vụ Liên bang Nga; Học viện An ninh quốc gia mang tên Ph.E.Dgiecdinxki thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga.

- Trung Quốc: Trường Đại học quốc gia Công an nhân dân thuộc Bộ Công an; Trường Đại học quốc gia An ninh quốc gia thuộc Bộ An ninh quốc gia.

- Thái Lan: Học viện Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan.

- Hoa Kỳ: Học viện Cơ quan điều tra Liên bang FBI, Học viện Cơ quan chống ma tuý Liên bang DEA.

- Indonesia: Học viện Cảnh sát quốc gia Indonesia.

- Hàn Quốc: Trường Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc.

- Nhật Bản: Học viện Cảnh sát quốc gia Nhật bản,v.v.

Đây là các Học viện, nhà trường có quy mô đào tạo, đội ngũ giảng viên lớn nhất, cơ sở vật chất tốt nhất và là cấp đào tạo cao nhất trong hệ thống các Học viện, nhà trường An ninh, Cảnh sát các nước.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT:

Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 của Chính phủ đã cụ thể hoá các nội dung của Nghị quyết 14/2005/NQ- CP ngày 02 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 và xác định : “ Xây dựng một số trường đại học mạnh, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, làm chỗ dựa cho toàn hệ thống giáo dục đại học”.

Cụ thể hoá chủ trương này của Chính phủ, ngày 17 - 07 – 2007, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Đề án số 1252/2006/ĐA- BCA về tăng cường, đổi mới giáo dục và đào tạo trong Công an nhân dân giai đoạn 2006-2020. Đề án đã xác định “ lập dự án đầu tư xây dựng Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân thành hai trường trọng điểm của Ngành”. Tiếp đó, ngày 12/01/2008, Đảng uỷ Tổng cục XDLL CAND đã ra Nghị quyết về Lãnh đạo thực hiện Đề án 1252 của Bộ về tăng cường, đổi mới giáo dục và đào tạo trong Công an nhân dân giai đoạn 1 ( từ 2008-2010). Nghị quyết quan trọng này cũng nêu rõ “ Lập đề án xây dựng Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân thành 02 trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học trọng điểm của Ngành”.

Tuy nhiên, xem xét tổng thể về tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện CSND hiện nay cho thấy một số bất cập sau :

1- Mặc dù được đổi tên là Học viện CSND từ năm 2001 và hiện nay có 30 đầu mối trực thuộc ( bộ máy lớn nhất trong các nhà trường CAND) nhưng về cơ bản đến nay tổ chức, bộ máy của Học viện CSND chưa khác nhiều so với trước đây là Trường Đại học CSND.

2- Về đội ngũ cán bộ vẫn còn mỏng so với các nhà trường đại học trọng điểm quốc gia khác, nhất là số cán bộ có trình độ Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ. Hiện nay với hơn 500 cán bộ, Học viện CSND mới có 2 Giáo sư, 8 Phó giáo sư, 34 Tiến sĩ, hơn 150 Thạc sĩ, trong khi đó, với hơn hơn 1000 cán bộ, Học viện Kỹ thuật quân sự ( Bộ Quốc phòng) có 85 Giáo sư và Phó giáo sư, 237 Tiến sĩ khoa học và Tiến sĩ chuyên ngành, hơn 400 Thạc sĩ; với hơn 1000 cán bộ, Học viện Quân y ( Bộ Quốc phòng) có gần 100 Giáo sư và Phó giáo sư, gần 300 Tiến sĩ và 300 Thạc sĩ.

3- Về cơ chế quản lý: Học viện hiện nay được giao rất ít quyền tự chủ về giáo dục và đào tạo như các quyền tự quyết định mã ngành mới, quyền quyết định chỉ tiêu tuyển sinh,v.v.

4- Về đào tạo: Chương trình đào tạo đại học, cao học còn chưa đề cập được nhiều những vấn đề mới của hoạt động nghiệp vụ cảnh sát và pháp luật quốc tế như về đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm mới, các vấn đề pháp luật quốc tế hiện đại như dẫn độ tội phạm, tương trợ tư pháp hình sự, chuyển giao phạm nhân quốc tế, vấn đề xu hướng phát triển của lực lượng CSND trong điều kiện cải cách và mở cửa, hội nhập .v.v. Thời gian đào tạo còn đang thực hiện 5 năm, chưa thực hiện mô hình đào tạo 4 + 2 + 3 theo tinh thần Nghị quyết 14/CP của Chính phủ ( Đại học: 4 năm, Thạc sĩ: 2 năm, Tiến sĩ: 3 năm) .

Mã ngành đào tạo còn chưa phong phú.

Về đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo đại học, cao học và nghiên cứu sinh mặc dù nhà trường đã tập hợp được các cán bộ khoa học có trình độ cao đang công tác trong Bộ Công an, nhưng việc thu hút các nhà khoa học giỏi bên ngoài ngành Công an, mời các chuyên gia quốc tế vào công tác này còn chưa được nhiều; đội ngũ còn mỏng.

5- Công tác thông tin khoa học của Học viện cũng còn hạn chế.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục & Đào tạo và các cơ quan chức năng, Học viện CSND đã được đầu tư xây dựng hệ thống Thư viện. Sau 5 năm xây dựng, hoạt động, Thư viện của Học viện đã ứng dụng Công nghệ thông tin, hệ thống các phần mềm tư liệu, thư viện, từng bước tin học hóa công tác quản lý thư viện, thông tin tư liệu. Hệ thống cơ sở dữ liệu của thư viện đó được số hóa đưa vào sử dụng, bước đầu đáp ứng nhu cầu nghiên cứu phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của cán bộ giáo viên và học viên trong toàn Học viện CSND. Cho đến nay, Thư viện Học viện đã có hơn 900 m2 diện tích sàn các phòng đọc cán bộ và học viên, kho sách, phòng xử lý kỹ thuật nằm rải rác trên 2 khu nhà khác nhau.

Mặc dù Học viện đã được Bộ Công an đầu tư trang bị một dự án Thư viện điện tử hơn 10 tỷ đồng với 130 máy tính và 6 cụm máy chủ, số sách báo, tài liệu nghiệp vụ của Thư viện Học viện CSND hiện nay gồm hơn 2 vạn nhưng hiện nay các phòng Thư viện không liên hoàn với nhau, khó kết nối mạng thông tin.

Qui mô đào tạo thực tế của Học viện đang vượt so với qui mô Bộ Công an giao (4600 học viên/3800 học viên), nhưng điều kiện cơ sở vật chất của Học viện đang sử dụng ở qui mô 2500 học viên. Do vậy rất khó khăn cho việc bố trí thư viện: các phòng đọc quá ít (mới có 240 chỗ / 4600 học viên), không có phòng đọc mở và không có các phòng nghiệp vụ để xây dựng cơ sở dữ liệu mới.v.v...Về cơ bản, Học viện CSND chưa có một mô hình Thư viện hiện đại tương xứng với một trường đại học. Với dung lượng 3800 - 4600 học viên, theo tiêu chuẩn Thư viện của một Trường đại học, mỗi học viên cần 1m2 sàn thư viện, Học viện CSND cần phải có 3500 - 4000 m2 sàn diện tích thư viện phục vụ đọc sách, nghiên cứu của cán bộ, học viên. Số sách báo, tài liệu của Học viện mới chỉ có 2 vạn, còn rất khiêm tốn với tiêu chuẩn 8 vạn sách báo, tài liệu của một thư viện trường Đại học. Những hạn chế về thư viện, hệ thống thông tin, tư liệu cộng với sự bất cập trình độ của một bộ phận đội ngũ cán bộ, giảng viên đã dẫn tới các nhà trường Công an nhân dân Việt Nam nói chung, Học viện CSND nói riêng tụt hậu so với các trường Đại học trong nước và quốc tế.

6- Quan hệ quốc tế về đào tạo và hợp tác nghiên cứu khoa học của Học viện còn rất hạn chế. Tài liệu tham khảo cho học viên bằng ngoại ngữ ít. Cán bộ giảng dạy và học viên cao học, nghiên cứu sinh ít có điều kiện tham khảo kinh nghiệm nước ngoài như các cơ sở đào tạo sau và trên đại học khác ở nước ta. Hiện nay Học viện đã và đang đào tạo cán bộ cho Ngành Công an, Cảnh sát hai nước bạn Lào và Cămpuchia nhưng chỉ giảng dạy bằng tiếng Việt, chưa giảng dạy được bằng tiếng Anh như các nước trong khu vực.

Từ tình hình thực tế trên đây của Học viện CSND, để góp phần xây dựng Học viện ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu là Học viện Cảnh sát đầu ngành của nước lớn thứ hai trong khu vực ASEAN (sau Indonesia), từ thực tiễn trong nước và trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức xây dựng các Nhà trường đại học trọng điểm quốc gia trong và ngoài nước, chúng tôi xin có một số đề xuất sau:

Thứ nhất, đề nghị Bộ Công an và Tổng cục XDLL CAND báo cáo Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa Học viện CSND (cùng với Học viện ANND) vào danh mục để Chính phủ đầu tư xây dựng thành Đại học trọng điểm quốc gia.

Thứ hai, đề nghị Bộ Công an ban hành Quyết định mới về chức năng, nhiệm vụ của Học viện CSND, trong đó Học viện có 05 chức năng chính:

- Đào tạo bậc đại học, sau đại học ( cao học, nghiên cứu sinh) cho lực lượng Cảnh sát nhân dân.

- Đào tạo giảng viên cho các nhà trường CSND toàn quốc.

- Đào tạo Lãnh đạo, chỉ huy cho cán bộ trung và cao cấp của lực lượng CSND toàn quốc.

- Trực tiếp tổ chức nghiên cứu khoa học, sản xuất, chiến đấu bảo vệ ANQG, TTATXH.

- Tổ chức công tác thông tin khoa học cho lực lượng CSND toàn quốc.

Về tổ chức bộ máy, đề nghị cho phép Học viện CSND (cùng với Học viện ANND) có tổ chức, bộ máy tương đồng với một Học viện theo đúng nghĩa như trực thuộc Học viện sẽ có các Phòng, Ban, Viện nghiên cứu, các Trung tâm đào tạo, huấn luyện, chiến đấu, Trường đào tạo, Nhà xuất bản,…

Về cụ thể, mô hình bộ máy Học viện có thể như sau:

- Khối phục vụ có:

+ Văn phòng Học viện ( có Ban Quan hệ quốc tế).

+ Phòng Tổ chức và chính sách cán bộ.

+ Phòng Quản lý đào tạo.

+ Phòng Quản lý Khoa học.

+ Phòng Quản lý đào tạo hệ vừa làm vừa học.

+ Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục.

+ Phòng Chính trị ( đảm nhận công tác chính trị, tuyên truyền, công tác đảng và công tác quần chúng).

+ Phòng Quản lý học viên.

+ Phòng Hậu cần.

+ Ban Quản lý dự án.

+ Trung tâm Thông tin Khoa học và Thư viện.

+ Trường Dạy nghề và đào tạo lái xe.

+ Nhà xuất bản Học viện Cảnh sát nhân dân.

+ Tạp chí Khoa học và Giáo dục trật tự xã hội.

- Khối nghiên cứu khoa học:

+ Viện Khoa học xã hội nhân văn Cảnh sát.

+ Viện Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm.

- Khối đào tạo:

+ Viện Đào tạo sau đại học.

+ Khoa Mác – Lênin và Khoa học xã hội - nhân văn.

+ Bộ môn Pháp luật ( có 01 Trung tâm nghiên cứu Luật so sánh trực thuộc).

+ Bộ môn Nghiệp vụ cơ sở.

+ Bộ môn Quân sự võ thuật và Thể dục thể thao.

+ Bộ môn Tâm lý .

+ Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát điều tra.

+ Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát phòng chống tội phạm hình sự.

+ Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế ( có 01 Trung tâm nghiên cứu về xâm hại sở hữu trí tuệ trực thuộc).

+ Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát phòng chống tội phạm ma tuý.

+ Khoa Nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự ( có 01 Trung tâm kỹ thuật phòng chống tội phạm trực thuộc).

+ Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát môi trường.

+ Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

+ Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát trại giam ( có 01 Trung tâm nghiên cứu về nhân quyền trực thuộc).

+ Khoa Nghiệp vụ Cảnh sát giao thông ( có 01 Trung tâm nghiên cứu an toàn giao thông trực thuộc).

+ Khoa Ngoại ngữ ( có 01 Trung tâm Ngoại ngữ trực thuộc).

+ Khoa Tin học chống tội phạm công nghệ cao ( có 01 Trung tâm tin học và an ninh mạng trực thuộc).

+ Khoa Quốc tế: Khoa này có hai hệ: hệ dạy bằng tiếng Việt và hệ dạy bằng tiếng Anh cho cán bộ Cảnh sát các nước ASEAN và thế giới.

+ Trường Bồi dưỡng cán bộ Cảnh sát ( có 5 Khoa : Khoa bồi dưỡng cán bộ chỉ huy Cảnh sát, Khoa bồi dưỡng nghiệp vụ cảnh sát, Khoa bồi dưỡng giáo viên Cảnh sát, Khoa bồi dưỡng cán bộ chính trị Cảnh sát, Khoa bồi dưỡng cán bộ Hậu cần Cảnh sát).

+ Trung tâm huấn luyện và thực hành. Trung tâm này quản lý toàn bộ các cơ sở thực hành của Học viện và được đầu tư xây dựng theo mô hình tiên tiến nhất của các Nhà trường Cảnh sát thế giới: ngoài xã hội có gì thì trong Nhà trường xây dựng mô hình đó để học viên thực tập, kể cả mô hình sân bay, bến cảng, nhà ga, bến xe ô tô, khách sạn, nhà hàng, quán Karaoke, nhà thờ, chùa, rạp chiếu phim,v.v.

Về cơ chế quản lý tổ chức cán bộ, Bộ Công an giao cho Học viện ANND, Học viện CSND một số thẩm quyền quản lý riêng: Giám đốc Học viện được quyền bổ nhiệm cấp Trưởng phòng, Trưởng khoa như theo tinh thần Quyết định ngày 29-12-2007 của Bộ trưởng.

Xây dựng một đội ngũ cán bộ giảng dạy chuyên trách và các giảng viên kiêm chức để thực hiện công tác đào tạo đại học, sau và trên đại học tại Học viện CSND. Cho phép Học viện thí điểm bàn với Tổng cục Cảnh sát và CATP Hà Nội áp dụng mô hình biên chế kiêm nhiệm và giảng viên kiêm nhiệm.

Thứ ba, Về cơ chế quản lý đào tạo, Bộ Công an và Bộ Giáo dục & Đào tạo phân cấp cho Giám đốc Học viện được quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, mở các mã ngành đại học và sau đại học. Đề nghị mở rộng các hệ đào tạo đại học, sau và trên đại học theo hướng đào tạo đa ngành tại Học viện CSND. Về hệ đại học, mở các mã ngành cử nhân chính trị, công nghệ thông tin chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cảnh sát môi trường, cử nhân luật cho các ngành dân sự, v.v. Về hệ sau đại học: ngoài các mã ngành đào tạo hiện nay, đề nghị Bộ Công an và Bộ Giáo dục & Đào tạo cho mở một số mã ngành đào tạo mới, trước mắt là các mã ngành Trinh sát hình sự, Kỹ thuật hình sự, Cảnh sát trại giam. Về lâu dài, mở các mã ngành như Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự, Luật hành chính, Luật quốc tế, Triết học, Kinh tế học, Xã hội học, Tâm lý học. Đây là các lĩnh vực khoa học mà hoạt động Cảnh sát nhân dân luôn sử dụng và đề cập đến các tri thức khoa học này.

Giám đốc Học viện được tự in và cấp bằng tiến sỹ, được quyết định tặng Bằng Tiến sĩ danh dự của nhà trường cho các khách nước ngoài theo quy định của Nhà nước.

Để không phải thành lập nhiều trường đại học Cảnh sát, đề nghị phân cấp đào tạo giữa Học viện CSND và Trường đại học CSND như sau:

Học viện CSND đào tạo hệ đại học Cảnh sát cho các tỉnh phía Bắc, đào tạo hệ Tiến sĩ và Thạc sĩ. Về đào tạo lãnh đạo chỉ huy: đào tạo từ cấp Phòng, Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo Cục, Tổng cục trở lên; đào tạo kiến thức an ninh, trật tự cho Bí thư, Chủ tịch huyện trở lên; đào tạo giáo viên các Trường CSND; đào tạo bồi dưỡng cho các học viên quốc tế. Chủ trì các Chương trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia về TTATXH.

Riêng cán bộ chính quyền cấp xã, cấp huyện và sĩ quan chỉ huy Công an sơ cấp ở các tỉnh phía Bắc giao Học viện CSND đào tạo.

Trường Đại học CSND đào tạo hệ đại học Cảnh sát cho các tỉnh phía Nam, đào tạo hệ Thạc sĩ. Về đào tạo lãnh đạo chỉ huy: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chỉ huy Công an sơ cấp; bồi dưỡng kiến thức an ninh, trật tự cho lãnh đạo các Phòng, Ban thuộc huyện, cán bộ cấp xã. Chủ trì các Chương trình nghiên cứu cấp khu vực.

Thứ tư, Về cơ chế tài chính, Bộ phân cấp cho Giám đốc Học viện quyền tự chủ tài chính, quyền tự chủ hậu cần.

Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục Hậu cần, Vụ Tài chính xác định Học viện CSND như một đầu mối đầu tư và trang cấp các trang bị phương tiện nghiệp vụ như Công an các tỉnh, thành phố và các Cục nghiệp vụ Cảnh sát.

Bộ Công an cho phép xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng Học viện CSND và Học viện ANND thành hai Nhà trường đại học trọng điểm quốc gia của lực lượng CAND để tranh thủ nguồn vốn đầu tư quốc gia và quốc tế.

Đề nghị Bộ Công an đầu tư để nâng cấp Thư viện Học viện đạt chuẩn một Thư viện trường đại học.

Thứ năm, đề nghị Bộ Công an tiếp tục cho phép nhà trường được chủ động trao đổi, ký kết các hợp tác khoa học, trao đổi sinh viên, cán bộ giảng dạy với các Nhà trường Cảnh sát thế giới và khu vực. Trước mắt mời các Tuỳ viên Cảnh sát, chuyên gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý nước ngoài đang công tác tại Việt Nam vào báo cáo các chuyên đề cho các lớp cao học và sinh viên lớp chất lượng cao tại Học viện.

Trong hợp tác quốc tế chọn 03 vấn đề ưu tiên: liên kết với nhà trường nước ngoài trong đào tạo hệ Tiến sĩ, Thạc sĩ và sinh viên lớp chất lượng cao; đào tạo chuyên ngành Công nghệ thông tin chống tội phạm công nghệ cao theo Chương trình tiên tiến; xây dựng các dự án hợp tác quốc tế về đào tạo Cảnh sát.

Trên đây là một số ý kiến cá nhân tham gia tại Hội thảo, rất mong được các đồng chí đại biểu đóng góp ý kiến ./.

Đại tá, GS, TS. Nguyễn Xuân Yêm  - Phó Giám đốc Học viện CSND

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Giáo dục trật tự xã hội

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất