Tiêu điểm
Thứ Tư, 15/4/2020 18:18'(GMT+7)

Kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Khoa Cảnh sát môi trường

Đại diện lãnh đạo, giảng viên Khoa Cảnh sát môi trường tặng hoa tri ân Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND (nguyên Trưởng khoa đầu tiên của Khoa Cảnh sát môi trường) nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập.

Đại diện lãnh đạo, giảng viên Khoa Cảnh sát môi trường tặng hoa tri ân Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND (nguyên Trưởng khoa đầu tiên của Khoa Cảnh sát môi trường) nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập.

Với mục tiêu đào tạo sinh viên đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đào tạo sĩ quan nghiệp vụ Cảnh sát nói chung và sĩ quan nghiệp vụ Cảnh sát môi trường nói riêng nắm vững những kiến thức lý luận và thực tiễn về môi trường tự nhiên, quản lý môi trường, công nghệ môi trường, xử lý sự cố môi trường, các ngành luật có liên quan đến môi trường… gắn kết với các kiến thức lý luận nghiệp vụ chuyên ngành điều tra trinh sát phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thực tiễn công tác chiến đấu của lực lượng Cảnh sát môi trường.

Trải qua 10 năm phấn đấu trưởng thành, Khoa Cảnh sát môi trường đã có những dấu mốc, thành tích đáng ghi nhận, trong đó có một nội dung đặc biệt quan trọng là nghiên cứu khoa học xây dựng hệ thống lý luận nghiệp vụ phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Có thể khái quát lại như sau:

Giai đoạn từ tháng 4/2010 đến tháng 12/2013:

Ngày 15/4/2010, Khoa Cảnh sát môi trường chính thức đi vào hoạt động với 07 cán bộ giảng viên được Ban Giám đốc Học viện luân chuyển điều động từ các Khoa, bộ môn nghiệp vụ về Khoa công tác. Phụ trách Khoa là đồng chí TS Trần Minh Hưởng (Giảng viên chính, nguyên là Phó trưởng Bộ môn Pháp luật nay là Thiếu tướng, GS.TS - Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân);

Trong giai đoạn này, là đơn vị với chức năng giảng dạy chuyên ngành Trinh sát phòng, chống tội phạm môi trường mới được thành lập, đội ngũ cán bộ giảng viên được điều động từ nhiều nguồn khác nhau, chưa đồng chí nào được đào tạo về phòng chống tội phạm về môi trường, cơ sở vật chất hạn chế, hệ thống tài liệu giáo trình, tài liệu giảng dạy chưa có. Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát môi trường mới được thành lập (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường ra mắt đi vào hoạt động bắt đầu từ ngày 29/11/2006), bước đầu triển khai các hoạt động công tác nghiệp vụ nên thực tiễn chiến đấu chưa được đúc rút thành lý luận. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm định hướng chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt sát sao của đồng chí TS. Trần Minh Hưởng, Khoa đã khắc phục mọi khó khăn, phối hợp chặt chẽ với các Khoa chuyên ngành của các Trường đại học có chuyên ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực môi trường, Cục Cảnh sát môi trường và phòng Cảnh sát môi trường Công an các địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm bàn bạc, trao đổi tập trung xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, biên soạn các giáo trình, tài liệu dạy học. Các giáo trình được biên soạn, nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, Khoa đã tổ chức biên soạn nhiều tài liệu tham khảo, sách chuyên khảo; tổ chức các hội thảo khoa học. Những giáo trình, tài liệu, sách tham khảo, chuyên khảo, kỷ yếu hội thảo khoa học trong giai đoạn này có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần đặt nền móng cho quá trình hình thành, phát triển hệ thống lý luận nghiệp vụ Cảnh sát môi trường.

Từ tháng 12/2013 đến tháng 4/2014, được sự phân công của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, đồng chí TS. Hoàng Trung Thực được giao nhiệm vụ Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Cảnh sát môi trường. Lãnh đạo đơn vị tiếp tục chỉ đạo, quan tâm đến công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, sách tham khảo, sách chuyên khảo, các tài liệu tập huấn, tài liệu khác phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học... từng bước bổ sung cho hệ thống lý luận nghiệp vụ Cảnh sát môi trường.

Giai đoạn từ tháng 4/2014 đến tháng 6/2015:

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí PGS.TS Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng khoa, tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Cảnh sát môi trường tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện chủ động thực hiện, phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường Công an các địa phương triển khai biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu tham khảo, chuyên khảo, xây dựng và bước đầu hoàn thiện hệ thống đề cương giảng dạy các học phần, môn học theo học chế tín chỉ. Trong giai đoạn này, các giáo trình tiếp tục được biên soạn, hoàn thiện phục vụ. Để góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ Cảnh sát môi trường, trong giai đoạn này thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện Khoa Cảnh sát môi trường đã tham gia tích cực trong việc hội thảo, góp ý kiến về phân định kiến thức đào tạo chuyên ngành Cảnh sát môi trường giữa các hệ đào tạo Đại học, Cao đẳng và Trung học trong Công an nhân dân. Để tạo điều kiện thuận lợi về nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giảng dạy, biên soạn giáo trình, tài liệu... Ban Giám đốc Học viện đã quan tâm bổ sung nhiều cán bộ, giảng viên cho Khoa Cảnh sát môi trường, đặc biệt trong đó có các cán bộ được đào tạo tại Học viện, đã tham gia thực tế 02 năm tại các địa phương.

Giai đoạn từ tháng 6/2015 đến nay:

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trưởng khoa là đồng chí PGS.TS Dương Văn Minh, Khoa Cảnh sát môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong đào tạo cán bộ, giáo viên, giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Trong giai đoạn này, Khoa Cảnh sát môi trường đã luôn nỗ lực, phát huy truyền thống tốt đẹp của khoa, luôn chủ động, tích cực trong công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như các hoạt động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Cục Cảnh sát môi trường, các phòng Cảnh sát môi trường địa phương và các đơn vị khác trong tổ chức hội thảo, tập huấn, tuyên truyền kiến thức pháp luật và nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Các hoạt động được triển khai có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình tổng kết thực tiễn đào tạo, thực tiễn chiến đấu của lực lượng Cảnh sát môi trường, làm cơ sở để bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ Cảnh sát môi trường. Khoa Cảnh sát môi trường đã đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ Cảnh sát môi trường phục vụ các khóa học, hệ học trong và ngoài Học viện. Song song với việc biên soạn giáo trình, tài liệu, Khoa Cảnh sát môi trường đã tiến hành xây dựng, hoàn thiện việc phân định chương trình đào tạo cho chuyên ngành Trinh sát phòng, chống tội phạm môi trường đối với hệ đào tạo chính quy gồm 135 tín chỉ và hệ đào tạo liên thông 90 tín chỉ cũng như các nhiệm vụ khác trong công tác giáo dục, đào tạo.

Đến nay Khoa đã được biên chế 27 cán bộ, giảng viên (18 nam; 09 nữ) với 02 tổ bộ môn phục vụ công tác giảng dạy sinh viên chuyên ngành Trinh sát phòng, chống tội phạm môi trường và các hệ học khác theo chương trình đào tạo của Học viện, với tổng số 18 môn học. Đội ngũ giảng viên có tuổi đời còn trẻ (dưới 35 tuổi chiếm 75%) được tuyển chọn từ những sinh viên xuất sắc của Học viện Cảnh sát nhân dân hoặc các trường đại học trong nước nên có trình độ chuyên môn sâu nhất định về khoa học Cảnh sát hoặc khoa học Môi trường. Hiện nay, trong tổng số 27 cán bộ, giảng viên có: 01 Phó giáo sư, tiến sĩ; 06 tiến sĩ, 09 thạc sĩ (trong đó có 02 đồng chí đang là Nghiên cứu sinh), 11 cử nhân (trong đó có 07 đang tham gia học Cao học). Về chức danh giảng dạy có 07 giảng viên chính, 06 giảng viên, 13 trợ giảng và 01 chưa duyệt giảng (có 03 đồng chí đi thực tế 2 năm).

Hiện nay, Khoa đã đào tạo sinh viên chuyên ngành từ khóa D35 đến khóa D45 với tổng số 669 sinh viên (trong đó có 33 sinh viên Lào); có 05 khóa tốt nghiệp (D35, D36, D37, D38, D39, D40, D41) với 493 sĩ quan nghiệp vụ. Số học viên chuyên ngành tốt nghiệp về địa phương công tác đã và đang khẳng định được vai trò của mình trong thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường.

Trong quá trình phát triển, được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, Khoa Cảnh sát môi trường đã có những bước tiến chủ động, vững chắc trong xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học... Có được những kết quả trên là nhờ lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ đã quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời trên nhiều mặt công tác. Cấp ủy, lãnh đạo khoa Cảnh sát môi trường luôn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giảng viên trong Khoa. Quán triệt chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành Công an. Lãnh đạo Khoa luôn quan tâm động viên, chia sẻ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về tư tưởng. Do đó, mỗi cán bộ, giảng viên trong Khoa luôn phấn khởi, yên tâm công tác. Lãnh đạo đơn vị luôn chủ động quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giảng viên. Đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ được tuyển chọn từ các đơn vị, trường ngoài ngành Công an. Tập thể đơn vị luôn luôn giữ được tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong sinh hoạt và công tác chuyên môn. Khoa đã chủ động trong công tác giảng dạy, biên soạn giáo trình tài liệu và phối hợp với các đơn vị trong Học viện, các đơn vị thuộc Cục Cảnh sát môi trường, các Phòng Cảnh sát môi trường Công an các tỉnh, thành phố trong đào tạo chuyên ngành Trinh sát phòng, chống tội phạm môi trường. Lãnh đạo đơn vị luôn quan tâm phân công công tác theo năng lực, khả năng của từng giảng viên. Vì vậy, hiệu quả công việc của từng cán bộ, giảng viên luôn được phát huy cao nhất. Giữa các các bộ, giảng viên có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học... Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, đào tạo, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Cấp ủy, Lãnh đạo đơn vị luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ của cán bộ, giáo viên. Thông qua công tác duyệt giảng, thực hiện giờ dạy tốt, bài dạy tốt, bài giảng mới Khoa đã đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật cho các giáo viên theo các môn học đã được phân công.

Đặc biệt, thông qua công tác này, nhiều cán bộ, giảng viên đã được tiếp cận, thực hành các phương pháp giảng dạy mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng đào tạo tín chỉ của Học viện. Bên cạnh đó, thông qua các lớp, hệ đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, các lớp tập huấn về khai thác, sử dụng các phương tiện, công cụ tương tác thông minh trong giảng dạy khoa đã phân công 100% cán bộ, giáo viên tham gia để có điều kiện thuận lợi trong nâng cao trình độ, kỹ năng giảng dạy, tiếp cận với các phương pháp sư phạm tiên tiến, thông minh, hiện đại. Hằng năm, Khoa còn phân công tác giảng viên tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ do Cục Cảnh sát môi trường tổ chức, tham dự các lớp đào tạo ngắn hạn về phòng, chống tội phạm môi trường do các tổ chức quốc tế thực hiện như: USAID, UNODC, USS, Freeland, WCS, WWF... Để đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy, Khoa đã thường xuyên yêu cầu, tổ chức đánh giá việc nghiên cứu, cập nhật các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của cán bộ, giáo viên trong quá trình thực hiện các bài giảng.

Kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, tập thể lãnh đạo, giảng viên Khoa Cảnh sát môi trường sẽ luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các công tác chuyên môn nghiệp vụ, phát huy, xây dựng uy tín, thương hiệu của lực lượng Cảnh sát môi trường “Đoàn kết - kỷ cương - trí tuệ - hiệu quả” cũng như phát huy truyền thống vẻ vang của Học viện Cảnh sát nhân dân anh hùng.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất