Tiêu điểm
Chủ Nhật, 3/2/2019 23:1'(GMT+7)

Đổi mới công tác giáo dục - đào tạo của Học viện Cảnh sát nhân dân đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay

Bám sát mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị số 13/CT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an với mục tiêu là: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân". Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) với tư cách là cơ sở giáo dục đào tạo đầu ngành của lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã ban hành các nghị quyết, các văn bản để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về đổi mới căn bản toàn diện công tác giáo dục - đào tạo. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện CSND nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã nêu rõ “Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố trong hoạt động giáo dục và đào tạo, tạo sự đột phá để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”. Học viện đã cụ thể hóa thành chủ đề của các năm học như “Chuẩn hóa, tin học hóa, hiện đại hóa”, “Xây dựng Học viện Cảnh sát nhân dân thông minh”, “Xây dựng Học viện Cảnh sát nhân dân trở thành trường trọng điểm, đạt chuẩn quốc gia”, trong đó, xuyên suốt là xây dựng Nhà trường phải là cơ sở giáo dục đại học hiện đại theo mô hình quản lý, điều hành điện tử, áp dụng triệt để khoa học công nghệ trong công tác quản lý, giáo dục - đào tạo góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công an.

Lịch sử 50 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện CSND đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Hiện nay, Học viện CSND có hơn 1.300 cán bộ, giảng viên, công nhân viên, trong đó có: 12 Giáo sư, 41 Phó Giáo sư, 201 Tiến sĩ, 400 Thạc sĩ và 191 Giảng viên chính, là một trong những nhà trường có số lượng cán bộ có trình độ cao đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Học viện CSND đã đào tạo hơn 9 vạn Cử nhân, gần 5.000 Thạc sĩ, hơn 400 Tiến sĩ, hơn 8.000 lượt cán bộ chỉ huy của lực lượng CAND, Quân đội nhân dân, các đơn vị khối nội chính… trong 44 khóa đại học chính quy với 17 chuyên ngành; 27 khóa Thạc sĩ với 05 chuyên ngành (có 01 chương trình Thạc sĩ liên kết với Hoa Kỳ dạy và học bằng tiếng Anh); 22 khóa với 02 chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ. Những năm gần đây, ngoài việc đào tạo giúp các nước bạn Lào, Campuchia Học viện còn được giao đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Công an, Cảnh sát các nước ASEAN và các nước khác như Palextin, Môdămbich, Hàn Quốc... và trong thời gian tới là Trung Quốc. Chất lượng đào tạo của Học viện luôn được quan tâm, đảm bảo, ngày càng được nâng cao. Học viện đã đào tạo và cung cấp cho các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương các sĩ quan CSND có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ và có các kỹ năng thích ứng với công việc trong các môi trường công tác khác nhau, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm bảo vệ an ninh, trật tự.

Những năm vừa qua, Học viện CSND luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Đặc biệt, trong xu thế đổi mới, hội nhập của đất nước, ngành Công an, Học viện đã xác định cụ thể mục tiêu đào tạo, xây dựng hoàn thiện các hệ học, cấp học; đa dạng hóa, mở rộng các loại hình đào tạo; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp, giảng viên cho Công an các đơn vị, địa phương, các cơ sở giáo dục đào tạo trong CAND và đạt kết quả nổi bật trên các mặt công tác chính sau:

- Nội dung, chương trình đào tạo: Chương trình đào tạo của Học viện đã hướng tới mục tiêu phát huy năng lực, cách thức giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, lòng yêu nghề, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; không ngừng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo dựa trên nguyên tắc nền tảng như học đi đôi với hành, lý luận kết hợp chặt chẽ với thực tiễn; xây dựng chương trình đào tạo quán triệt sâu sắc tinh thần triết lý giáo dục đổi mới, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, giảm lý thuyết, tăng thực hành, chú trọng đào tạo kỹ năng giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn nghề nghiệp, bồi dưỡng phẩm chất năng lực sáng tạo, phát huy phẩm chất cá nhân...

- Nội dung và phương pháp giảng dạy: Hiện nay, các hệ đào tạo đại học và sau đại học đều được chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ, do đó, nội dung và phương pháp giảng dạy được giảng viên nhà trường quan tâm cải tiến, đổi mới cho phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Nhiều phương pháp giảng dạy tiên tiến, tích cực được giảng viên mạnh dạn đưa vào sử dụng theo hướng lấy người học làm trung tâm. Học viện chủ động đào tạo đi vào chiều sâu, gắn đào tạo của Nhà trường với thực tiễn công tác của người học và xác định đây là khâu đột phá trong đổi mới phương pháp đào tạo của Học viện.

- Tăng cường năng lực thực tiễn cho người học: Học viện đã hợp tác với Công an các đơn vị, địa phương trong phối hợp đào tạo, nâng cao năng lực thực tiễn cho học viên thông qua mô hình thực hành chính trị - xã hội, chương trình thực tập nghiệp vụ cơ bản, thực tập tốt nghiệp, báo cáo thực tế, thực hành môn học. Đã tổ chức ký kết hợp tác với Công an thành phố Hà Nội, các cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, các cơ quan thuộc khối nội chính nhằm tăng cường gắn công tác giáo dục đào tạo với thực tiễn chiến đấu của Ngành.

- Làm tốt công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, học viên: Công tác nghiên cứu khoa học của Học viện đạt nhiều kết quả nổi bật, đã tập trung giải quyết những vấn đề lý luận, thực tiễn về phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, phát hiện và dự báo những vấn đề chiến lược, góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận nghiệp vụ và khoa học giáo dục CAND, CSND. Những năm vừa qua, Học viện đã và đang chủ trì thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở đạt chất lượng cao. Học viện đã chủ trì biên soạn và xuất bản nhiều bộ sách lớn, từ điển nghiệp vụ… đặt nền móng cho Khoa học Công an Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả, thành tích nổi bật trong công tác giáo dục - đào tạo nói trên, Học viện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quản lý giáo dục, trong gắn đào tạo với thực tiễn, trình độ đội ngũ giảng viên trẻ còn hạn chế, đầu ra của học viên còn khiêm tốn, cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục đào tạo bị lạc hậu, thiếu đồng bộ, hiện đại như các học viện, trường Cảnh sát các nước trên thế giới và khu vực. Vị thế, sản phẩm đào tạo ra của Nhà trường còn khiêm tốn so với các trường bạn trong khu vực ASEAN, so với một số học viện, trường đại học trong nước. Đặc biệt, thực hiện Nghị định 01 năm 2018 của Thủ tưởng Chính phủ về mô hình tổ chức mới của Bộ Công an sẽ đặt ra cho các cơ sở giáo dục của Bộ Công an nói chung và Học viện CSND nói riêng phải đổi mới công tác giáo dục - đào tạo để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho công tác giáo dục - đào tạo của Học viện CSND trong những năm tới phải tiếp tục nỗ lực không ngừng, chủ động, sáng tạo, đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, mở rộng quan hệ quốc tế trong giáo dục đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho lực lượng CAND, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay, thể hiện qua một số định hướng cơ bản sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn chiến đấu của lực lượng CSND nói riêng và lực lượng CAND nói chung trong tình hình mới

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của lực lượng CAND phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, Học viện CSND xác định mục tiêu hàng đầu là không ngừng đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình cũng như phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu trong các giai đoạn phát triển khác nhau, đặc biệt phải phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong mô hình mới của Bộ Công an. Trước mắt, Học viện tập trung bố trí nguồn lực, điều chỉnh chương trình đào tạo hiện hành theo hướng tăng cường pháp luật, nghiệp vụ; tăng cường kỹ năng làm việc, trang bị kỹ năng mềm; đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo khung chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Công an. Kiên trì theo đuổi mục tiêu xây dựng nhà trường là cơ sở giáo dục - đào tạo đại học thực hành và đại học nghiên cứu theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tăng cường vị thế của Học viện trong hệ thống các nhà trường CAND và hệ thống giáo dục quốc dân, phấn đấu sớm đưa Học viện CSND trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, đạt chuẩn Quốc gia.

Đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo của Học viện bám sát yêu cầu trong tình hình hiện nay, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết và lâu dài, phức tạp của thực tiễn đấu tranh bảo đảm an ninh, trật tự. Tính toán lại ngành và chuyên ngành đào tạo đại học, sau đại học, chương trình bồi dưỡng nâng cao phù hợp với cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương theo tinh thần của Nghị định 01 năm 2018 của Chính phủ. Chủ động nghiên cứu các chương trình đào tạo trong một số lĩnh vực theo hướng liên ngành, các chương trình đào tạo mới, trong đó, chú trọng kiến thức nền tảng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cộng với nền tảng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ và năng lực sáng tạo. Bảo đảm tuân thủ Luật Giáo dục, quan điểm chỉ đạo công tác đào tạo của ngành Công an, đồng thời, phản ánh sự phát triển trong tư duy của lãnh đạo Học viện về việc xác định đúng đắn mục tiêu, sứ mạng giáo dục đào tạo của Học viện CSND. Tham khảo chương trình đào tạo và học liệu của các trường đại học nước ngoài có uy tín trong các nội dung có liên quan nhằm xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh để có thể đào tạo, hợp tác trao đổi sinh viên với các trường Công an, Cảnh sát nước ngoài khi Bộ Công an cho phép. Đây là tiền đề quan trọng để có thể đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng với sự biến động trong thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự.

Thứ hai, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Bộ Công an, căn cứ vào các điều kiện bảo đảm, Học viện đã chuyển đổi toàn bộ chương trình giáo dục - đào tạo của Học viện từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Đào tạo theo học chế tín chỉ đặt ra đối với người dạy và người học những đòi hỏi và yêu cầu mới cần phải vượt qua để tiếp cận với xu thế giáo dục hiện đại, phù hợp với thời đại bùng nổ thông tin và văn minh công nghệ.

Trong thời gian tới, nội dung và phương pháp đào tạo cần tiếp tục đổi mới, theo định hướng sử dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, lấy người học làm trung tâm. Ðiều này giúp chuyển đổi mạnh mẽ trong cách dạy, cách học và giúp các giảng viên áp dụng mạnh mẽ nội dung, phương pháp đào tạo mới. Giảng viên cần chủ động nghiên cứu, đổi mới phương thức và phương pháp đào tạo theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông, tăng cường hình thức đào tạo trực tuyến trong mạng nội bộ (Elearning) và đào tạo kết hợp (Blended learning) để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu “học mọi lúc, học mọi nơi”, giúp người học có thể chủ động xây dựng kế hoạch học tập, giúp tiết kiệm thời gian đào tạo của người học. Phương pháp đào tạo mới trang bị cho học viên phương pháp tư duy, chủ động, sáng tạo trong học tập và nghiên cứu trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay; giúp phát triển năng lực tự học của học viên thông qua giao nhiệm vụ, bài tập, kiểm soát tự học và chuẩn bị bài của học viên, hướng tới dạy học theo bài tập tình huống, đặc biệt đối với các môn nghiệp vụ chuyên ngành. Mô hình đào tạo này với các ưu điểm nổi bật là đề cao vai trò của người học, coi việc tự nghiên cứu và học tập của sinh viên là yếu tố then chốt và hướng tới mục tiêu giáo dục cá nhân hóa.

Học viện sẽ tăng cường phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương để chia sẻ nguồn lực phục vụ đào tạo: Tìm kiếm, sưu tầm hồ sơ, tài liệu biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu học tập; mời các chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm thực tế trong phòng, chống tội phạm giảng dạy, báo cáo chuyên đề; đưa cán bộ, giảng viên, học viên đi thực tế, thực hành, thực tập nghề nghiệp tại các đơn vị nghiệp vụ, Công an địa phương.

Thứ ba, Học viện tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục

Học viện CSND xác định Chủ đề của năm học 2018 - 2019 là: “Xây dựng Học viện Cảnh sát nhân dân trở thành trường trọng điểm, đạt chuẩn quốc gia” với nhiều nội dung, trong đó, xác định phải “tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi”. Do đó, yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý theo các tiêu chuẩn nhất định, nhất là về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn là nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện ngay; đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, phải giáo dục, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên phải có sự tâm huyết với nghề để mỗi cán bộ, giảng viên thực sự là tấm gương sáng để học viên noi theo. Học viện sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng, đáp ứng quy mô, nhiệm vụ đào tạo. Xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu bảo đảm tính đồng bộ, kế thừa và nâng cao chất lượng. Tiếp tục làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch đội ngũ cán bộ, giảng viên bảo đảm đồng bộ về cơ cấu, có tính kế thừa và chuyển tiếp hợp lý trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, lựa chọn các cá nhân đủ tiêu chuẩn, năng lực để trở thành chuyên gia đầu đàn trên các lĩnh vực đào tạo, quản lý của Học viện.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0 đòi hỏi người cán bộ, giảng viên trẻ Học viện CSND cần phải được trang bị và rèn luyện cho mình những năng lực thích ứng cần thiết: Năng lực tri thức, năng lực giao tiếp, năng lực tư duy trên nền tảng các công cụ, điều kiện mà Cách mạng 4.0 mang lại. Trước mắt, cần tập trung phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao; quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, khoa học công nghệ, công cụ phương tiện dạy học hiện đại cho các giảng viên, lãnh đạo trẻ. Học viện tiếp tục báo cáo Bộ Công an cho phép cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài. Có chế độ ưu đãi tuyển chọn, thu hút cán bộ, chuyên gia giỏi trong và ngoài lực lượng Công an, các sinh viên giỏi có ngoại ngữ tốt của Học viện, của các trường đại học công nghệ lớn để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ làm cán bộ, giảng viên.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong giáo dục - đào tạo, phấn đấu đưa Học viện CSND trở thành trung tâm đào tạo đáng tin cậy của lực lượng Cảnh sát khu vực và trên thế giới

 Học viện tiếp tục quan tâm, xác định đây là một điểm đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, Học viện CSND cần chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo, trong đó có hoạt động mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống; chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan Cảnh sát với các nước trong khu vực ASEAN nhằm thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an. Hợp tác với các trường đại học nước ngoài có uy tín để mở mới các chương trình đào tạo tiên tiến, chương trình cấp song bằng trong các lĩnh vực tư pháp hình sự khi được cấp trên cho phép.

Sẵn sàng thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng bằng tiếng Anh phục vụ mục đích hợp tác, trao đổi cán bộ, giảng viên, học viên với các trường Công an, Cảnh sát các nước theo sự phân công của Bộ Công an. Tiếp tục coi trọng đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giúp hai nước bạn Lào và Campuchia; tăng cường mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế, đồng thời, mở rộng hợp tác đào tạo có chọn lọc với các nước có nền tư pháp tiên tiến để khai thác có hiệu quả tri thức, kinh nghiệm, phương tiện, thiết bị và trao đổi giảng viên, học viên, tranh thủ các nguồn lực vật chất cho Học viện; đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; hợp tác nghiên cứu khoa học về phòng, chống tội phạm… phục vụ cho phát triển giáo dục - đào tạo của Học viện nói riêng trong và trong công tác giáo dục - đào tạo CAND nói chung.

Với phương châm hành động “Chủ động, đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, “Truyền thống, đổi mới, năng động, phát triển”, Học viện CSND sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện công tác giáo dục - đào tạo, quyết tâm phấn đấu xây dựng Học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và đạt chuẩn Quốc gia, sớm trở thành một trung tâm đào tạo Cảnh sát hiện đại, chất lượng cao trong khu vực và trên thế giới.

Đại tá, GS.TS Trần Minh Hưởng
Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất