Tiêu điểm
Thứ Bảy, 1/7/2023 10:30'(GMT+7)

Bài cuối: Tấm lưới kín của "chiếc lồng cơ chế"

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cũng còn có một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định trong việc thực hiện kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động khởi tố, điều tra, thi hành án tại Công an cấp tỉnh, cụ thể:

Phòng ngừa tốt sai phạm là yêu cầu quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác.

Phòng ngừa tốt sai phạm là yêu cầu quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác.

Vấn đề kiểm soát quyền lực (trong đó có kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ) để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động khởi tố, điều tra, thi hành án hình sự của lực lượng CAND là không mới nhưng để thống nhất từ Trung ương đến địa phương, từ Bộ đến Công an cấp cơ sở về cách hiểu, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; nhận diện chính xác, đầy đủ về các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động khởi tố, điều tra, thi hành án hình sự và các yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm soát quyền lực… thì đến nay vẫn chưa có quy định, hướng dẫn một cách tổng thể, có hệ thống về nội dung này.

Việc triển khai các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Công an có liên quan đến kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động khởi tố, điều tra, thi hành án hình sự trong CAND còn những bất cập, hiệu quả chưa cao như yêu cầu đặt ra.

Một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ quan thi hành án chưa giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; chưa đi đầu và nêu cao tính gương mẫu trong đơn vị do mình phụ trách. Nhiều nơi, người đứng đầu, thủ trưởng đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng của việc tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp; còn có tình trạng vì thành tích, lãnh đạo một số đơn vị bao che, không xử lý cho dù cấp dưới đã vi phạm, có dấu hiệu của tội phạm; hoặc xử lý nội bộ, không đúng với tính chất, mức độ sai phạm; xử lý "trên nhẹ, dưới nặng", xử lý nghiêm cán bộ cấp dưới trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng không xem xét, xử lý trách nhiệm hoặc xử lý không nghiêm, không đúng với tính chất, mức độ sai phạm của lãnh đạo cấp trên, thủ trưởng đơn vị nơi để xảy ra sai phạm, chưa thực hiện tốt công tác cán bộ để phòng ngừa sai phạm.

Công tác quản lý đội ngũ cán bộ trong cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và tạm giam, tạm giữ… có lúc còn bị xem nhẹ, chưa có biện pháp để chủ động phòng ngừa sai phạm. Một số thủ trưởng đơn vị vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị mình hoặc có triển khai nhưng chỉ mang tính hình thức.

Những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan; nhưng tựu trung lại có thể thấy xuất phát từ một số nguyên chính sau:

Các quy định về kiểm soát quyền lực còn chưa thực sự đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ; trong một số trường hợp còn chưa hiệu quả, hiệu lực trong thực tế… Vì vậy, nếu cá nhân các đồng chí lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị không tự rèn luyện, tu dưỡng, nêu gương thì sẽ có nguy cơ dẫn đến tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực…

 Việc phân công, phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn, định mức công việc đối với từng vị trí chức danh trong các cơ quan điều tra, thi hành án hình sự… còn đang trong quá trình hoàn thiện; do đó, việc kiểm soát và "gắn" trách nhiệm cá nhân đối với mỗi cán bộ giữ các chức danh, quyền hạn khác nhau trong hoạt động khởi tố, điều tra, thi hành án hình sự còn hạn chế, chưa đảm bảo theo đúng nguyên tắc quyền hạn đến đâu thì nghĩa vụ, trách nhiệm phải tương xứng đến đó.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện một số quy định liên quan đến kiểm soát quyền lực tại một số địa phương còn chậm (trong đó có công tác tổ chức cán bộ để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động khởi tố, điều tra, thi hành án hình sự), chưa quyết liệt, hiệu quả, do nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân chính là nếu thực hiện nghiêm túc các quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến "quyền, lợi" của người bị kiểm soát quyền lực, thường là thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị, cấp phó của người đứng đầu đơn vị…

Để thực hiện có hiệu quả, đi vào thực chất hơn nữa cũng như đáp ứng kịp thời những yêu cầu mà thực tiễn đặt ra trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động khởi tố, điều tra, thi hành án hình sự tại Công an cấp tỉnh theo chúng tôi, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến công tác kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tổ chức cán bộ, như sau:

Bộ Công an cần nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quy định (tương tự như Quy định số 205) trong đó nhận diện, chỉ rõ những nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động khởi tố, điều tra, thi hành án hình sự; chủ thể thực hiện các hành vi; trách nhiệm và hình thức xử lý để từ đó có cơ sở thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đồng bộ, thống nhất.

Tiếp tục quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; trọng tâm là việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Quy định số 205; kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị Quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bổ sung, hoàn thiện các quy định có liên quan trực tiếp đến kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động khởi tố, điều tra thi hành án hình sự đảm bảo phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện; đồng thời, khuyến khích thủ trưởng, lãnh đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp trong đơn vị, địa phương để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Tập trung xây dựng tập thể cấp ủy, lãnh đạo Công an địa phương thật sự trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất; đề cao trách nhiệm "nêu gương" của lãnh đạo, chỉ huy, người đứng đầu đơn vị; phòng chống có hiệu quả các biểu hiện suy thoái chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong các đơn vị, lực lượng làm công tác khởi tố, điều tra, thi hành án hình sự; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác tổ chức cán bộ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát gắn với kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; không để xảy ra tình trạng buông lỏng lãnh đạo hoặc can thiệp không đúng vào hoạt động khởi tố, điều tra, thi hành án hình sự.

Xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác khởi tố, điều tra, thi hành án hình sự thực sự vững mạnh toàn diện, có số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, phù hợp theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở" và "tinh, gọn, mạnh" trong các đơn vị điều tra; quy định vị trí việc làm trong Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án hình sự, Cơ quan tạm giữ, tạm giam. Quản lý chặt chẽ cán bộ; thường xuyên nắm tình hình để chủ động biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của cán bộ từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; quán triệt phương châm "vì việc mà chọn người" trong bố trí cán bộ.

Tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện không là người địa phương và mở rộng đối với chức danh Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện... Nghiên cứu bổ sung quy định không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) đảm nhiệm các chức danh tư pháp có liên quan trong cùng một đơn vị hoặc một người đảm nhiệm nhiều chức danh tư pháp, nhằm đảm bảo yêu cầu khách quan, độc lập trong các hoạt động tư pháp.
 

Nguồn Báo Công an nhân dân điện tử

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất