Một thế kỷ đã trôi qua, kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, cuộc cách mạng đã làm cho mơ ước ngàn đời của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột về cuộc sống tốt đẹp, về khả năng xây dựng một xã hội mới công bằng, văn minh đã trở thành hiện thực. Vì thế Cách mạng Tháng Mười được ghi nhận là cuộc cách mạng giải phóng xã hội, giải phóng con người. Nhưng chính vào những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, trong gần ba thập kỷ qua, đã xuất hiện không ít những luận điệu xuyên tạc, bôi đen Cách mạng Tháng Mười, công kích quyết liệt lý tưởng và sự nghiệp cao cả của cuộc cách mạng vĩ đại này. Những luận điệu đó đổi trắng thay đen, coi Cách mạng Tháng Mười là một thể nghiệm sai lầm, là cuộc cách mạng phi lý, không tưởng , kéo lùi sự phát triển của loài người. Cái cớ mà họ đưa ra vẫn chỉ là coi sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã đặt dấu chấm hết đối với Cách mạng Tháng Mười. Đúng là kể từ khi Cách mạng Tháng Mười thành công, gần ba thập niên vừa qua là tổn thất nặng nề nhất và đau buồn nhất đối với các đảng cộng sản, nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Nhưng không vì thế mà Cách mạng Tháng Mười mất đi ý nghĩa lịch sử nhân loại.
I
1. Cách mạng Tháng Mười là sự đột phá quan trọng tạo ra sự thay đổi trình tự phát triển của các nấc thang trong xã hội
Nghiên cứu lịch sử xã hội loài người, Mác đã khái quát nó qua sự phát triển các phương thức sản xuất kế tiếp nhau và gọi đó là các hình thái kinh tế - xã hội. Quá trình phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là quá trình lịch sử, tự nhiên. Sự thay đổi hình thái kinh tế - xã hội này bằng hình thái kinh tế - xã hội khác nhất định sẽ diễn ra và phải có điều kiện: hình thái cũ đã mất hết khả năng tự phát triển và trở thành lực cản xã hội. Chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ bị chủ nghĩa xã hội thay thế, và điều đó sẽ xảy ra ở những nước mà chủ nghĩa tư bản phát triển đến đỉnh cao.
Trước Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa tư bản Nga còn ở giai đoạn phát triển thấp. Phải có sự phát triển hơn nữa thì chủ nghĩa tư bản ở đây mới có thể tạo ra những tiền đề cho xã hội mới. Cũng vì vậy, không ít các nhà dân chủ - xã hội Nga cho rằng: trước tên, cần tạo ra những tiền đề văn minh cho chủ nghĩa xã hội, sau đó giai cấp công nhân mới có thể giành chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lênin và Đảng bônsêvích Nga đã vận dụng sáng tạo các luận điểm của Các Mác vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước Nga bằng việc trước tiên giai cấp công nhân giành lấy chính quyền, rồi sau đó dựa vào chính quyền của mình, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Sự vận dụng sáng tạo đó của Lênin là có căn cứ thực tế. Nước Nga Sa hoàng lạc hậu hơn các nước tư bản rất nhiều, xã hội vô cùng thối nát. Đã thế, nó lại bị cuốn vào cuộc chiến tranh đế quốc nên càng gặp khó khăn gấp bội. Mặc dù ở Nga, mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản chưa thật sâu sắc nhưng đã xuất hiện tình thế cách mạng vì mâu thuẫn trong lòng xã hội đã gay gắt đến tột độ. Đó là mâu thẫn giữa giai cấp thống trị với các tầng lớp lao động và binh lính. Khẩu hiệu “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến tranh cách mạng” là khẩu hiệu sáng tạo. Cách mạng Tháng Mười đã nổ ra và thành công. Sự "đột phá Tháng Mười" mở đầu cho một xu thế mới của lịch sử thế giới. Nước Nga đứng trước một thách thức vĩ đại của lịch sử: chủ nghĩa xã hội khoa học vượt ra ngoài lý thuyết, đi vào thực tiễn trong một nước tư bản chủ nghĩa chưa phát triển, tàn dư phong kiến còn nhiều, lại bị kiệt quệ sau chiến tranh. Nó phải giải quyết một cách rất sáng tạo hàng loạt vấn đề chưa có tiền lệ.
2. Cách mạng Tháng Mười tạo xung lực mạnh mẽ làm thay đổi thế giới
Sự phát triển của xã hội loài người từ sau Cách mạng Tháng Mười đã chứng tỏ những đóng góp của Cách mạng tháng Mười là rất to lớn.
Thế giới trước Cách mạng Tháng Mười la thế giới của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu sau chiến thắng chủ nghĩa phong kiến đã bành trướng ra khắp thế giới với sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự chưa từng có. Các nước tư bản phát triển trở thành trung tâm vũ trụ, chi phối mọi mặt đời sống quốc tế. Cách mạng Tháng Mười nổ ra và thắng lợi đã làm cho hệ thống tư bản chủ nghĩa bị phá vỡ một mảng lớn. Các dân tộc bị áp bức bừng tỉnh, bung ra với một động lực mới. Các nước tư bản phát triển không còn có thể mặc sức bành trướng, tự do "tranh ăn" với nhau bằng những xung đột, kể cả chiến tranh thế giới. Không có Cách mạng Tháng Mười thì không thể có phong trào giải phóng dân tộc quốc tế lớn mạnh, dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa, giải phóng hàng loạt nước trên thế giới như gần thế kỷ vừa qua đã chứng thực.
Cách mạng Tháng Mười tạo ra một khả năng mới cho sự phát triển của các dân tộc, tạo ra đối trọng mới để thế giới cân bằng. Trước Cách mạng Tháng Mười, chế độ tư bản chủ nghĩa hiện diện như một định mệnh. Các nước nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu, các nước thuộc địa nhìn thấy thực trạng của nhà nước tư bản chính quốc mà kinh hãi. Chủ nghĩa tư bản phát triển trên máu và nước mắt của người lao động. Tích lũy tư bản là tích lũy sự giàu sang, cũng là tích lũy sự khốn khó. Sự xuất hiện một nước Nga Xô viết, tiếp theo là hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa khác, đã thành tấm gương lớn, thành một sức hút mạnh mẽ. Chủ nghĩa xã hội chưa mang lại sự giàu có hơn chủ nghĩa tư bản vì điểm xuất phát quá thấp, nhưng nó cũng đã làm được nhiều việc hơn chủ nghĩa tư bản trong việc xóa bỏ áp bức, bất công. Đó là sự đáp ứng nhiều mặt khát vọng của con người.
Không ai có thể phủ nhận sự thật sau đây:
Chủ nghĩa xã hội đã từng là một hệ thống hùng mạnh trên thế giới. Với hơn 10 nước, trên 1,5 tỷ người, trong đó có nước đứng vào hàng siêu cường, là một trong hai khối kinh tế chính trị quân sự hùng mạnh. Chủ nghĩa xã hội hiện thực trong một thời gian dài đã là chỗ dựa tin cậy của các nước thuộc địa, của phong trào giải phóng dân tộc, vì thế, đã làm cho chủ nghĩa tư bản phải kiêng nể. Chính nhờ có đối trọng ấy mà thế giói vừa qua có sự cân bằng nhất định, đỡ bị áp đặt, chèn ép, đe dọa từ phía các thế lực tư bản từng thống trị thế giới trước đây, ngăn ngừa được thảm họa chiến tranh hạt nhân. Chủ nghĩa xã hội hiện thực không chỉ là nhân tố cần thiết cho hòa bình và ổn định thế giới, mà còn là điều kiện không thể thiếu để các nước nhỏ có được độc lập, tự do thật sự.
Cách mạng Tháng Mười đã làm cho ngay các nước tư bản chủ nghĩa cũng phải có sự thay đổi cần thiết. Chủ nghĩa tư bản tới nay còn đứng vững và phát triển được là vì bản thân nó đã có nhiều thay đổi khác trước. Chủ nghĩa tư bản hiện đại là chủ nghĩa tư bản có sự điều chỉnh và thích nghi. Có một điều chắc chắn là: ngày nay chủ nghĩa xã hội vẫn là một yếu tố quan trọng tham gia quyết định chiều hướng phát triển của thế giới, chủ nghĩa tư bản đã không thể "tự nó", mà phải "vì nó". Những thay đổi của chủ nghĩa tư bản trong chiến lược kinh tế, chính trị và trong các chính sách về phúc lợi xã hội, về lương, về bảo hiểm… đều do kết quả đấu tranh của gia cấp những người lao động và cùng với nó, là có phần tác động của chủ nghĩa xã hội.
II
Thế giới trong những thập kỷ qua đã thay đổi chưa từng thấy, đặc biệt là xảy ra sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, thành quả trực tiếp do cách mạng Tháng Mười đem lại.
Trước hết cần xác định: sự sụp đổ đó, tuyệt nhiên không thể quy tội cho Cách mạng Tháng Mười. Đó cũng không phải là sự tiêu vong của chủ nghĩa xã hội. Lịch sử đã chứng tỏ Châu Âu sau một loạt cuộc cách mạng tư sản đâu đã thuần chất tư sản. Ở Pháp, không ít năm sau Cách mạng tư sản, thế lực quân chủ phong kiến vẫn còn trỗi dậy. Thành quả do Cách mạng Tháng Mười đem lại có thể bị mất đi ở nơi này, nơi khác, nhưng Cách mạng Tháng Mười trước sau vẫn là cột mốc lịch sử báo hiệu một chiều hướng và khả năng phát triển mới của nhân loại.
Cách mạng Tháng Mười đã đặt ra những nhiệm vụ cụ thể và đã thực hiện được sứ mệnh của nó. Những thành quả của nó không thế lực nào có thể phủ nhận, cho dù đang bị thử thách. Sự khủng hoảng và đổ vỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện nay do nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân khách quan và có những nguyên nhân chủ quan.
1. Những nguyên nhân khách quan
Cách mạng Tháng Mười mang tính chất đặc thù. Đây không phải là cuộc cách mạng thủ tiêu xã hội tư bản chủ nghĩa khi xã hội đó đã phát triển đến tột đỉnh và mâu thuẫn nội tại gay gắt tới mức không thể điều hòa, mà đây là cuộc cách mạng chống chiến tranh đế quốc diễn ra ở một nước tư bản chủ nghĩa thuộc loại lạc hậu ở châu Âu. Và chính điều đó đặt cuộc cách mạng sau đó trước những nhiệm vụ khó khăn chưa từng thấy. Nếu không có sự nỗ lực lớn, không có bước đi, phương pháp thích hợp, thì việc phải trả giá nặng nề, thậm chí bi đát là điều khó tránh.
Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không chỉ phải vượt qua sức ỳ to lớn của các thực trạng kinh tế- xã hội lạc hậu, thua kém xa các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, mà chủ nghĩa xã hội hiện thực còn phải thường xuyên đương đầu với sự chống phá điên cuồng mang tính phục thù của chủ nghĩa tư bản. Bằng mọi thủ đoạn kinh tế- chính trị, quân sự, văn hóa, tư tưởng, các thế lực đế quốc đã không ngừng gây sức ép, làm suy yếu, và là nhân tố dẫn đến làm tan rã nhiều nước xã hội chủ nghĩa.
2. Những nguyên nhân chủ quan
Sự lãnh đạo của một số Đảng cộng sản cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thành tích và ưu điểm, còn có nhiều thiếu sót, sai lầm, thể hiện ở một số điểm sau:
Một là, duy ý chí, cứng nhắc và chủ quan. Các Đảng khi nắm quyền thường tự đưa ra nguyên tắc, quy luật, mô hình theo một dạng, một kiểu, rồi tự buộc mình phải vận động trong khuôn khổ và theo tiêu chí đã định. Như vậy, chủ nghĩa xã hội tại các nước đó đã không tránh khỏi trì trệ, rập khuôn, thiếu khoa học, mất khả năng sáng tạo, làm cạn kiệt tiềm năng vốn có, ngày càng lạc hậu với thời đại, thua kém chủ nghĩa tư bản về nhiều mặt.
Mặt khác, cầm quyền mà duy ý chí, cứng nhắc và chủ quan thì cũng rất dễ dẫn tới chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng, sùng bái cá nhân, quan liêu, xa rời quần chúng, đứng trên giai cấp. Và đã "sai lầm kép" như vậy thì Đảng cầm quyền sẽ dần dần mất đi sức mạnh của mình là sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, không thể đứng vững trước thủ đoạn mị dân và sức ép về mọi mặt của các lực lượng thù địch.
Hai là, vi phạm, xa rời và từ bỏ những nguyên tắc cơ bản chủ nghĩa Mác- Lênin, của chủ nghĩa xã hội. Có thể nêu một số trường hợp.
Cải tổ, cải cách là cần thiết để chủ nghĩa xã hội khắc phục được những biến dạng tai hại. Nhưng coi cải tổ như một sự phủ định sạch trơn thì chẳng khác gì từ bỏ, chống lại Cách mạng Tháng Mười, đi chệch mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Phát triển nhận thức, tư duy mới là cần thiết nhưng không thể nhân danh tư duy mới đi đến phủ nhận tất cả, phủ nhận quan điểm, lập trường giai cấp, rồi phủ nhận luân học thuyết cách mạng là chủ nghĩa Mác-Lênin.
Dân chủ là cần, là hoài bão, là nhu cầu bức xúc của xã hội văn minh. Nhưng dân chủ tràn lan, vô tổ chức, không có van hãm, thì lại thành vô chính phủ.
Không thể không cảnh giác với vấn đề đa nguyên chính trị, đa Đảng đối lập. Không ít Đảng cộng sản cầm quyền vì thực hiện đa nguyên, đa Đảng như thế nên đã mất chính quyền, và sau đó lại không được hưởng chính chế độ đa nguyên, đa Đảng do mình đã đề ra.
III
Tình hình trên làm nổi rõ một số bài học lớn:
Bài học về nguyên tắc. Phải tránh cả hai cực đoan : một phía là nguyên tắc hóa vô tội vạ, quy luật hóa tràn lan, mô hình hóa cứng nhắc; và cực đoan phía khác là vi phạm và xa rời nguyên tắc, từ bỏ nguyên tắc và vô nguyên tắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói; "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Phải có nguyên tắc bất di bất dịch. Đó là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ; là việc bảo vệ và củng cố chính quyền nhân dân. Phải phân biệt được những gì là nguyên tắc, định hướng, những gì là giải pháp tình thế. Phong trào cộng sản phải tiếp tục sự nghiệp Cách Mạng Tháng Mười, nhưng không khát khao đeo bám những kinh nghiệm quá khứ, mà luôn luôn sáng tạo, mở cửa, để bước đi theo nhịp bước của thời đại.
Bài học về sự đổi mới. Chủ nghĩa xã hội là sự vận động không ngừng. Chủ nghĩa xã hội cần phải đổi mới. Sự nghiệp đổi mới cần được tiến hành thường xuyên liên tục. Nhưng đổi mới cũng phải có định hướng, chỉ đạo. Đổi mới sáng tạo có kế thừa chứ không phải là xóa bỏ sạch trơn. Đổi mới phải đảm bảo tình hình ổn định, bảo đảm trật tự, kỷ cương chứ không thể là sự đảo lộn, hỗn loạn vô chính phủ.
Bài học cảnh giác. Cách mạng đã thành công - chưa đủ. Cách mạng đã đứng vững và đã trải qua những thử thách - cũng vẫn chưa đủ. Chúng ta đều biết, cách mạng Tháng Mười có sức sống vô cùng mạnh mẽ; chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã từng chiến thắng chủ nghĩa phát xít; Liên Xô đã xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật hùng hậu và trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới. Thế mà chúng ta đã chứng kiến sự tan rã nhanh chóng của Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu. Vậy luôn luôn phải đề cao cảnh giác. Cảnh giác với nhiều loại kẻ thù chính trị, tư tưởng, gây sức ép từ ngoài và đục phá từ trong. Cảnh giác với các thế lực hiếu chiến, phản động, không bao giờ từ bỏ dã tâm tiêu diệt chủ nghĩa xã hội hòng giành lại vị trí đã mất.
Chúng ta lại còn cảnh giác với chính mình, với những căn bệnh nảy sinh trong xã hội như bệnh quan liêu, bệnh tham nhũng, bệnh kiêu ngạo cộng sản, “tự diễn biến”. Những căn bệnh đó luôn rình rập, luôn có khả năng lây lan làm suy yếu Đảng, làm Đảng mất đi niền tin và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, do đó, dễ dàng mất chính quyền trước thủ đoạn mị dân và sự tấn công điên cuồng của các lực lượng thù địch.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". Chúng ta nhớ và luôn luôn nhớ rằng nhờ có Cách mạng Tháng Mười, nhân dân ta đã tìm ra con đường giải phóng; nhờ có chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đánh tan chủ nghĩa phát xít, chúng ta đã làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập ra Nhà nước của mình; nhờ có sự giúp đỡ to lớn của Đảng cộng sản và nhân dân Liên Xô của các Đảng cộng sản và nhân dân các nước bầu bạn xa gần, chúng ta đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội như hôm nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười"./.