Trong đợt mưa bão, lũ lụt vừa qua, Thừa Thiên-Huế là một trong số tỉnh, thành ở miền Trung chịu thiệt hại nặng về người và tài sản. Sau khi bão lũ đi qua, cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Công an các đơn vị, địa phương đóng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lực lượng Công an chính quy ở cơ sở đã cùng chung tay, góp sức giúp người dân khắc phục hậu quả bão lũ, sớm ổn định cuộc sống trở lại.
Sau bão số 9, chúng tôi men theo tuyến QL49B về các xã vùng ven biển thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Dọc 2 bên tuyến đường, nhiều cây cổ thụ, phi lao bị gió bão quật gãy trơ thân. Đến thôn An Dương 1, xã Phú Thuận, bắt gặp các CBCS Công an xã Phú Thuận đang cùng với người dân khiêng đá, bao cát để tu bổ lại đoạn kè bị sóng biển đánh hỏng.
Có mặt trong đoàn người tu sửa kè biển, Đại úy Hoàng Thành, Phó trưởng Công an xã Phú Thuận dùng búa gỗ lớn liên tiếp đóng xuống những chiếc cọc để gia cố bờ kè. Tranh thủ lúc nghỉ tay, anh cho biết, do ảnh hưởng liên tiếp của 2 cơn bão số 5 và số 9 làm tuyến bờ biển đi qua 6 thôn của xã gồm An Dương 1, An Dương 2, An Dương 3, Xuân An, Trung An và Tân An bị sạt lở nhiều điểm với chiều dài 4,2km. Đặc biệt, tuyến kè chắn sóng, bảo vệ bờ biển qua các thôn An Dương 1,2,3 bị sóng đánh gây sạt lở nặng, nguy cơ xâm thực vào khu dân cư.
“Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng như vậy nên khi được UBND xã thông báo, Công an xã đã huy động lực lượng cùng với các đoàn thể địa phương, người dân góp sức tu sửa lại tuyến kè này. Do kè bị sạt lở nhiều điểm, nhiều đoạn bờ biển cũng bị sạt lở nặng nên đến sáng 3-11, CBCS Công an xã vẫn túc trực ở bờ biển để chung tay giúp đỡ người dân”, quệt những giọt mồ hôi trên mặt, Đại úy Thành cho hay.
Cũng như Đại úy Thành, từ tháng 7/2019, Trung úy Đinh Viết Hải công tác ở Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế được điều động về nhận nhiệm vụ làm Công an viên ở Công an xã Phú Thuận.
Những ngày mới về xã biển này, các anh có phần bỡ ngỡ khi địa bàn cách xa trung tâm thành phố Huế, cơ sở nhiều đầu công việc, trong đó có những phần việc “không tên” nhưng Đại úy Thành, Trung úy Hải cùng với 3 CBCS Công an chính quy khác được bố trí về Công an xã đã cố gắng khắc phục khó khăn, học hỏi kinh nghiệm để hoàn thành công việc được giao.
Chia sẻ cùng chúng tôi, Trung tá Lương Nghĩa Hiệp, Trưởng Công an xã Phú Thuận cho hay, ngoài làm tốt công tác đảm bảo ANTT địa bàn, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân và hoàn thiện việc thu thập thông tin dân cư để thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đợt mưa bão vừa qua, đặc biệt là bão số 5 và số 9, các CBCS Công an xã đã phát huy vai trò xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, giúp dân ứng phó mưa bão.
Đặc biệt trước bão số 9, Công an xã đã phối hợp với lực lượng Công an huyện và chính quyền địa phương di dời 114 hộ với 463 nhân khẩu ở vùng xung yếu đến nơi tránh bão an toàn. Sau bão, CBCS Công an xã tiếp tục giúp người dân lợp lại mái nhà, sửa chữa nhà cửa hư hỏng, khắc phục các tuyến kè biển, bờ biển sạt lở nặng.
Nói về những việc làm của các CBCS Công an xã Phú Thuận, ông Hồ Văn Hưng, Trưởng thôn An Dương 1 cho biết: “Toàn thôn có hơn 250 hộ dân, trong đó có 21 hộ dân với hàng chục nhân khẩu sinh sống ở gần khu vực kè biển. Trước bão số 9 vừa qua, nhờ có các CBCS Công an chính quy đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động nên tất cả các hộ dân ở khu vực này đều được di dời đến nơi tránh bão. Riêng những hộ già yếu, neo đơn cũng được các đồng chí Công an giúp đỡ đưa đến nơi tránh trú an toàn khiến người dân trong thôn chúng tôi rất cảm kích”.
Ngoài địa bàn xã Phú Thuận, các xã Phú Hải, Phú Diên, Phú Dương, Phú Thanh, Phú Mỹ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang và các xã thấp trũng ở các huyện, thị xã như Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế đều chịu ảnh hưởng nặng trong đợt mưa bão vừa qua. Sau bão, lực lượng Công an các xã đã tích cực phối hợp với chính quyền các cấp để hỗ trợ, giúp đỡ người dân tu sửa lại nhà cửa; gia cố các tuyến đê kè, bờ biển bị sóng đánh gây hư hỏng.
Trung tá Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Công an thị trấn Thuận An chia sẻ: “Cứ sau mỗi đợt mưa bão, đơn vị đều huy động 100% CBCS về các tổ dân phố ven biển để giúp đỡ bà con khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền đến người dân vùng ven biển chằng chống nhà cửa; vận động các chủ phương tiện, ngư dân ở địa bàn không được ra khơi, chủ động neo đậu tàu thuyền an toàn khi bão số 10 được dự báo đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung trong những ngày tới”.
Đại tá Bùi Hồng Phong, Trưởng Công an huyện Phú Vang cho biết thêm, trong đợt bão số 9 vừa qua, Công an huyện đã bố trí 9 tổ công tác về địa bàn 7 xã, thị trấn tuyến biển để phối hợp với lực lượng Công an cơ sở giúp người dân chằng chống nhà cửa, di dời người, tài sản đến nơi an toàn, góp phần giảm thiểu thiệt hại mức thấp nhất. Đặc biệt, tại các địa bàn ven biển như thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, lực lượng Công an xã chính quy đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, rà soát số hộ dân ở vùng xung yếu phải di dời, quyết liệt triển khai biện pháp cưỡng chế di dời trước bão. Sau bão, lực lượng Công an ở cơ sở đã giúp người dân cưa dọn cây cối gãy đổ, sửa chữa nhà cửa, khắc phục các tuyến kè biển hư hỏng... để người dân ổn định đời sống và sản xuất trở lại.
“Trước, trong và sau các đợt bão lũ xảy ra, lực lượng Công an, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã đóng trên địa bàn huyện luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác ứng phó, giúp dân khắc phục hậu quả và đã được Đảng bộ, chính quyền các cấp cũng như người dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Đây chính là sự khích lệ, động viên tích cực để các CBCS Công an làm nhiệm vụ ở cơ sở nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”, Đại tá Bùi Hồng Phong khẳng định.