Hoạt động của Học viện
Thứ Tư, 28/4/2010 13:42'(GMT+7)

Tọa đàm khoa học lịch sử “Học viện Cảnh sát nhân đân với sự nghiệp đào tạo cán bộ Công an trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước”

Tham dự tọa đàm có các đồng chí lãnh đạo đại diện Viện Lịch sử Công an nhân dân, Cục Cảnh sát bảo vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an Thành phố Hà Nội; các đồng chí nguyên là lãnh đạo, cán bộ, giáo viên qua các thời kỳ của Học viện CSND đã nghỉ hưu; các đồng chí lãnh đạo, cán bộ của các đơn vị, địa phương nguyên là học viên được đào tạo trong các giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Về phía Học viện CSND có các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện, lãnh đạo các khoa, bộ môn, phòng, ban, trung tâm.

Trong buổi tọa đàm các đại biểu đã khẳng định, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bộ Công an, Học viện CSND đã góp phần quan trọng trong công tác đào tạo lực lượng Cảnh sát nhân dân tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Đại biểu Bùi Đăng Thìn - nguyên Phó hiệu Trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
(nay là Học viện CSND) phát biểu tại buổi tọa đàm


Ra đời từ đầu cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lại phải sơ tán ở nhiều nơi, đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu…song lãnh đạo, cán bộ, giáo viên nhà trường với ý chí “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” đã nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo và giáo trình giảng dạy hệ hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân, tiếp nhận và đào tạo trên 50 khóa, lớp học với hàng nghìn học viên, trong đó có học viên Lào, Cămpuchia. Đặc biệt để “gắn lý luận với thực tiễn” và tham gia phục vụ chiến đấu, giữ gìn an ninh trật tự, nhiều khóa học đã được nhà trường đưa đi thực tập, tăng cường cho các tỉnh, thành bị chiến tranh phá hoại ác liệt, tham gia chữa cháy bảo vệ tài sản nhà nước, tính mạng của nhân dân, bảo vệ và đảm bảo mạch máu giao thông ở tuyến lửa khu bốn…nhiều học viên còn tình nguyện và được chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, một số học viên đã nêu gương dũng cảm hi sinh như liệt sĩ như Đỗ Quang Hải, Vũ Hồng Mến, Nguyễn Đức Mẫn…một số khác được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Trần Đình Lư, Nguyễn Tiến Tuẫn, liệt sĩ Huỳnh Kim Chung.

Trong công tác xây dựng nhà trường, từ lúc chỉ có 5 khoa, 3 phòng với 153 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, chủ yếu là trình độ trung học, lãnh đạo nhà trường đã quan tâm củng cố bộ máy tổ chức, coi trọng công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên coi đây là nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa quyết định. Nhà trường đã tổ chức các lớp bổ túc văn hoá cấp II, III, các lớp nghiệp vụ tại chức để giúp cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ, đồng thời chọn cử nhiều cán bộ, giáo viên đi học tập, nghiên cứu ở các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước. Trong một thời gian ngắn từ chỗ chỉ có 34 giáo viên đến năm 1971 nhà trường đã có trên 100 giáo viên.

Trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhà trường đã xây dựng xong 14 chương trình đào tạo cho 2 hệ bổ túc cấp I và đào tạo hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân bậc trung học, biên soạn 70 giáo trình giảng dạy. Ngoài việc đào tạo các lớp hạ sĩ quan, nhà trường còn mở các lớp chuyên đề phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu như trinh sát chống tham ô, dân cảnh, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn giao thông ở các trọng điểm cầu phà…đồng thời còn tham gia giảng dạy cho các trường sơ cấp Công an Hải phòng, Hà Bắc, Việt Bắc và trường Công an nhân dân vũ trang; tham gia tổng kết một số chuyên đề về quy chế khám nghiệm hiện trường, quản lý hộ tịch, hộ khẩu trong tình hình thời chiến; chuyên đề phương châm, nguyên tắc phòng cháy chữa cháy; chuyên đề điều kiện lập án.

Các đại biểu tham gia tọa đàm còn nêu lên những bài học kinh nghiệm trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ, học viên; công tác tổ chức giảng dạy nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học; công tác giáo dục, quản lý học viên; công tác phát triển Đảng - Đoàn thể và hậu cần phục vụ.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm chụp ảnh lưu niệm tại Quảng trường Học viện


Tọa đàm khoa học lịch sử “Học viện Cảnh sát nhân dân với sự nghiệp đào tạo cán bộ Công an trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước” là dịp để cán bộ, học viên của Học viện ôn lại truyền thống vẻ vang hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành của nhà trường; Là sự tri ân ghi nhớ công lao của các thế hệ thầy giáo, cô giáo, các cán bộ lão thành của Học viện đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo cán bộ cho lực lượng Công an nhân dân và xây dựng nhà trường phát triển. Giáo dục cho thế hệ trẻ của Học viện CSND thấy được những đóng góp và sự hi sinh to lớn của các thế hệ cha anh, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước; đánh giá được vai trò của Học viện CSND trong đào tạo cán bộ Công an phục vụ công cuộc kháng chiến; đồng thời trao đổi những bài học kinh nghiệm quý báu về công tác đào tạo cán bộ Công an trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong giai đoạn hiện nay.

Thanh Hà

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất