Hoạt động của Học viện
Thứ Sáu, 20/12/2019 13:2'(GMT+7)

“Quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; thu thập dữ liệu điện tử; ghi âm, ghi hình trong Luật TTHS và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động điều tra của lực lượng CAND”

Hội thảo khoa học về những điểm mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động điều tra của lực lượng CAND

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện và Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có Thẩm phán Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội khóa XIV; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội; Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an các đơn vị, địa phương; đại diện các nhà trường trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân; các cán bộ thực tiễn, nhà khoa học, các đồng chí chuyên viên cao cấp của Học viện.

Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 ra đời đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Các chế định quy định trong Bộ luật TTHS năm 2015, trong đó có các quy định liên quan đến quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; các quy định liên quan đến thu thập dữ liệu điện tử và ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can thể hiện tính khoa học, tiến bộ và có tính khả thi cao, đã tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được hiến định.

Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung nhiều các quy định mới liên quan đến hoạt động điều tra vụ án hình sự của lực lượng Công an nhân dân, đó là các quy định liên quan đến quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; các quy định liên quan đến thu thập dữ liệu điện tử và ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can. Đây là những vấn đề mới của Bộ luật TTHS năm 2015, do đó trong thực tiễn công tác điều tra các vụ án hình sự, lực lượng Công an nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc.

Trước thực tiễn đó, Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ các quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, đồng thời kiến nghị bổ sung những tri thức lý luận và đánh giá thực tiễn áp dụng quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; thu thập dữ liệu điện tử; ghi âm, ghi hình theo luật tố tụng hình sự và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân; qua đó đề xuất các giải pháp để hướng dẫn và hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về nội dung nêu trên.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện CSND phát biểu tại Hội thảo

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện CSND phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện khẳng định sự cần thiết, kịp thời cả về lý luận và thực tiễn của việc tổ chức Hội thảo Quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; thu thập dữ liệu điện tử; ghi âm, ghi hình trong Luật Tố tụng hình sự và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, cán bộ thực tiễn, đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đánh giá những quy định liên quan đến quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội thu thập dữ liệu điện tử; ghi âm, ghi hình theo luật tố tụng hình sự và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân; qua đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất, tham mưu với Bộ Công an, để kịp thời nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định trên, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Với mục đích đó, đồng chí Phó Giám đốc Học viện đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo phát huy tinh thần trí tuệ, tập trung nghiên cứu, tích cực thảo luận, trao đổi làm rõ các vấn đề có liên quan đến nội dung Hội thảo.

TS Hoàng Anh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và QLKH, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu tham luận

TS Hoàng Anh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và QLKH, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu tham luận

Tham luận tại Hội thảo, TS Hoàng Anh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và QLKH, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh: việc luật hóa Quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội trong Bộ luật TTHS năm 2015 là rất cần thiết. Đây là sự cụ thể hóa Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 mà Việt Nam đã tham gia năm 982, đồng thời nhằm thực hiện nội dung Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020. Thực hiện quyền này còn giúp người bị buộc tội tự bảo vệ chính mình trước những người tiến hành tố tụng, giúp giảm tối đa oan sai trong quá trình điều tra, tố tụng các vụ án hình sự. Do đó, để áp dụng có hiệu quả quy định này, TS Hoàng Anh Tuyên cho rằng việc đào tạo, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ, chiến thuật điều tra cho Điều tra viên trong Công an nhân dân khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự là yêu cầu cần thiết và bắt buộc trong tình hình hiện nay. 

Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an tham luận tại Hội thảo

Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, Thiếu tướng, GS.TS Ngô Sỹ Hiền, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã đề cập đến việc hoàn thiện các quy định về phân công phân cấp, tổ chức thực hiện quá trình phát hiện, thu thập, bảo quản, giám định dữ liệu điện tử, ghi âm, ghi hình, làm tiền đề cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng chuyên trách và đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác này để tránh dàn trải. Đồng chí cũng khẳng định vai trò quan trọng của việc nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở lý luận về dữ liệu điện tử, ghi âm, ghi hình để phục vụ công tác đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ này.

Liên quan đến việc thực hiện quy định về thu thập dữ liệu điện tử, ghi âm, ghi hình trong thực tiễn quá trình điều tra, tố tụng của lực lượng Công an nhân dân, nhiều ý kiến tham luận của các đồng chí lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Nghệ An… cho biết hiện nay việc áp dụng các quy định này trong thực tế còn nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là hạn chế về trang thiết bị, cơ sở vật chất như phòng hỏi cung, các thiết bị phục vụ ghi âm, ghi hình… và kỹ năng của điều tra viên trong quá trình tiến hành hoạt động tố tụng hình sự. 

Đồng chí Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh phát biểu tham luận

Đồng chí Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh phát biểu tham luận

Hội thảo cũng ghi nhận những ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và đánh giá thực tiễn hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân liên quan đến việc thực hiện quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; thu thập dữ liệu điện tử; ghi âm, ghi hình; qua đó, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp để hướng dẫn và hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Với nội dung phong phú và thiết thực của các tham luận, Hội thảo khoa học: “Quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; thu thập dữ liệu điện tử; ghi âm, ghi hình trong Luật Tố tụng hình sự và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân” đã đạt được những kết quả tốt đẹp.

Những ý kiến tham luận tâm huyết, quý báu của các nhà khoa học, các cán bộ thực tiễn trong và ngoài Ngành tại Hội thảo sẽ giúp Học viện CSND, Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; thu thập dữ liệu điện tử; ghi âm, ghi hình trong thời gian tới.

PV

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất