Hoạt động của Học viện
Thứ Hai, 9/12/2019 11:44'(GMT+7)

“Nâng cao hiệu quả đào tạo lực lượng Kỹ thuật hình sự trong tình hình mới - Kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế”

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan Cảnh sát và đại sứ quán của các quốc gia như Úc, Thái Lan, Nhật Bản... Về phía Bộ Công an Việt Nam, Thiếu tướng, GS.TS Bùi Minh Giám - Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an; Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng - Giám đốc Học viện CSND; Thiếu tướng, TS Lê Danh Cường - Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục nghiệp vụ, Học viện, Nhà trường trong CAND.

Các đồng chí đồng chủ trì Hội thảo

Các đồng chí đồng chủ trì Hội thảo

Tại Hội thảo Báo cáo đề dẫn nêu rõ: Sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại cùng xu hướng đẩy mạnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra những yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng. Đồng thời, làm xuất hiện nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Xu hướng các đối tượng phạm tội lợi dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội ngày càng gia tăng. Do đó, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm.

Trong 07 biện pháp công tác của ngành Công an được quy định trong Luật Công an nhân dân, biện pháp khoa học - kỹ thuật là một biện pháp có tính đặc thù cao, có liên hệ chặt chẽ với các khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ. Kỹ thuật hình sự là một bộ phận có vai trò, vị trí quan trọng của biện pháp khoa học kỹ thuật. Trong những năm qua, công tác kỹ thuật hình sự đã có những đóng góp to lớn trong hoạt động tư pháp, cung cấp kịp thời, chính xác nhiều chứng cứ pháp lý quan trọng phục vụ điều tra, khám phá tội phạm.

Các đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo

Các đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo

Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo phương châm “Bộ tinh, Tỉnh mạnh, Huyện toàn diện, Xã bám cơ sở”. Lực lượng Kỹ thuật hình sự được tổ chức, kiện toàn từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là việc thành lập các Đội (Tổ) Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp huyện. Tuy nhiên, công tác Kỹ thuật hình sự trong thực tiễn vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều cán bộ, chiến sĩ được luân chuyển từ các bộ phận nghiệp vụ khác về làm công tác kỹ thuật hình sự khi thành lập Đội (Tổ) Kỹ thuật hình sự cấp huyện; dẫn đến năng lực thực hiện các nội dung công tác kỹ thuật hình sự của điều tra viên, cán bộ kỹ thuật hình sự còn hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động điều tra hình sự của Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện.

Thực tiễn trên đã đặt ra nhiều yêu cầu cho công tác đào tạo lực lượng Kỹ thuật hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Với chức năng là cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học trọng điểm của ngành Công an, để kịp thời đề xuất, tham mưu giúp lãnh đạo Bộ Công an những quyết sách phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ kỹ thuật hình sự; được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, Học viện CSND đã tiến hành tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả đào tạo lực lượng Kỹ thuật hình sự trong tình hình mới - Kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế”.

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo

Trên cơ sở yêu cầu đặt ra, Hội thảo lần này đã thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý, những cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước nhằm phân tích, đánh giá trên các khía cạnh, góc độ khác nhau, giúp Học viện CSND có cái nhìn tổng thể, đầy đủ về công tác đào tạo lực lượng Kỹ thuật hình sự tại các trường Công an nhân dân nói chung, Học viện CSND nói riêng cũng như tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự tại Công an các đơn vị, địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận, làm rõ một số vấn đề sau đây:
- Xây dựng đội ngũ giảng viên nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự trở thành chuyên gia trong lĩnh vực Kỹ thuật hình sự.
- Kinh nghiệm của các nước trong nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ Kỹ thuật hình sự cho sinh viên, đặc biệt sinh viên quốc tế.
- Những vấn đề mới đặt ra cho công tác đào tạo và vấn đề đào tạo gắn lý luận với thực tiễn.

Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện kết luận tại Hội thảo

Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện kết luận tại Hội thảo


Cụ thể, Hội thảo đã được nghe 10 tham luận của đại biểu Học viện CSND, Học viện Cảnh sát Hoàng Gia Thái Lan, Đại sứ quán Nhật Bản và Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Cảnh sát Liên bang Úc, Công an các đơn vị, địa phương về: Công tác đào tạo sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật hình sự tại các cơ sở đào tạo ở Việt Nam và Quốc tế; Ứng dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy nghiệp vụ KTHS; Thực tiễn và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng KTHS trong tình hình mới...


Đánh giá cao ý kiến tham luận của các đại biểu tại Hội thảo, lưu ý một số vấn đề cần khẩn trương triển khai, Thiếu tướng, GS.TS Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an đề nghị: từ các ý kiến tham luận tại Hội thảo, Học viện CSND khẩn trương tiếp thu, tổng hợp, gửi văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ. Từ đó, đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo lực lượng Kỹ thuật hình sự trong thời gian tới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

PV