Tiêu điểm
Thứ Hai, 17/4/2017 22:32'(GMT+7)

Phelic Edmundovic Dgieczinxki - Người sáng lập cơ quan Công an xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới

Tượng nhà cách mạng Ph.E. Dgieczinski trên Quảng trường Lubianka, Thủ đô Moskva.

Tượng nhà cách mạng Ph.E. Dgieczinski trên Quảng trường Lubianka, Thủ đô Moskva.

Hết mình vì lý tưởng
Gọi Phelic Edmundovic Dgieczinxki (1877 - 1926) là một “nhân vật đặc biệt” không phải chỉ vì ông từng lãnh đạo Ủy ban đặc biệt toàn Nga (tiền thân của cơ quan An ninh Liên Xô sau này), Bộ trưởng Dân ủy Nội vụ của chính quyền Xô viết, mà bản thân ông cũng có số phận đặc biệt.

Người Bộ trưởng đầu tiên của ngành Công an Xô viết sinh tại tỉnh Vilen, nay thuộc tỉnh Minsk (nay là thủ đô nước Cộng hòa Belarus) trong gia đình quý tộc nghèo người Ba Lan có cha là một giáo viên. Là một cậu bé thông minh, thuở nhỏ Ph.E. Dgieczinxki được nuôi dạy chu đáo và thông thạo 3 ngoại ngữ. Đang học dở trung học, năm 1895, Ph. E. Dgieczinxki rời trường để gia nhập Đảng Dân chủ - Xã hội của Ba Lan và Litva với mong muốn dành toàn bộ cuộc đời mình cho việc truyền bá chủ nghĩa xã hội khoa học trong công nhân.

Năm 1897, Ph.E. Dgieczinxki bị bắt đi đày 3 năm ở Viatka, được một năm thì trốn thoát. Năm 1900, ông lại bị bắt. Ngồi tù ở Warsaw, Ba lan được 2 năm, ông bị đày đi Siberia, Nga nhưng trên đường giải đi, Ph.E. Dgieczinxki trốn thoát về Ba Lan... Tháng 6/1905, Ph.E. Dgieczinxki bị bắt lần thứ ba nhưng nhờ Cách mạng Nga 1905 nổ ra, ông được ân xá.

Ngày 01/02/1912, ông lại bị bắt và lần này chịu án khổ sai 3 năm ở Orel. Mãn hạn, ông bị giải về Moskva và chịu thêm 6 năm tù nữa vì tội danh cũ. Khi Cách mạng tháng Hai năm 1917 nổ ra, Ph.E. Dgieczinxki cùng các tù chính trị được giải phóng. Ngay sau đó, ông gia nhập Đảng Cộng sản Bolshevik Nga và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Bolshevik Nga tháng 8/1917.

Tại cuộc họp lịch sử ngày 10/10/1917 của Đảng Bolshevik Nga tại Petrograd (nay là Saint Petersburg) - cuộc họp thông qua quyết định chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, Ph.E. Dgieczinxki nêu ý kiến về việc thành lập Bộ Chính trị trong Ban chấp hành Trung ương Đảng. Sáng kiến này được hoan nghênh và từ đó cơ quan lãnh đạo đặc biệt này đã tồn tại trong tất cả các đảng Cộng sản các nước XHCN cho đến nay.

Ph.E. Dgieczinxki tham gia Ủy ban quân sự - cách mạng Petrograd và tham gia lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Sau đêm khởi nghĩa, khi những người Bolshevik giành được chính quyền, ông được giao chiếm bưu điện trung tâm và bảo vệ Cung điện Smolny - trụ sở Bộ tham mưu của cách mạng.

Trong suốt cuộc đời mình, Ph.E. Dgieczinxki đã có nhiều cống hiến lớn lao cho Tổ quốc và nhân dân Xô viết. Chỉ riêng 7 năm sau khi bước vào điện Kremlin, ông đã đảm nhận nhiều trọng trách, từ Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt toàn Nga, Cục trưởng Cục chính trị quốc gia, Bộ trưởng dân ủy Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban Giao thông quốc gia (Bộ trưởng Giao thông vận tải), đến Chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc dân tối cao phụ trách toàn bộ các ngành công nghiệp (sau năm 1932, Hội đồng này mới chia thành hơn chục bộ)... và nhiệm vụ nào cũng hoàn thành rất xuất sắc.

Khi lãnh đạo Ủy ban Giao thông quốc gia tổ chức mạng lưới vận tải chằng chịt khắp đất nước từ Ukraine tới Siberia, Ph.E. Dgieczinxki đích thân chỉ huy vận chuyển lúa mì từ Siberia về tiếp tế cho Petrograd. Làm Chủ tịch Ủy ban cải thiện đời sống trẻ em, ông đã giúp hàng ngàn trẻ vô thừa nhận được học chữ, học nghề trở thành những công dân có ích. Là Chủ tịch Hội đồng Kinh tế quốc dân tối cao, nhận thấy mình không có kiến thức về kinh tế, ông ra sức học và bền bỉ vực dậy nền công nghiệp nước Nga. Ông cũng mời các chuyên gia của chế độ cũ về cống hiến tài năng cho chính quyền mới mà không coi họ là kẻ thù.

Những năm cuối đời, Ph.E. Dgieczinxki ốm đau nhiều. Thời gian dài tù đày đã hủy hoại sức khỏe của ông. Trong một cuộc họp căng thẳng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 20/7/1926, Ph.E. Dgieczinxki vừa kết thúc bài phát biểu sôi nổi bảo vệ nông dân bỗng lảo đảo, cảm thấy người khó chịu. Từ hội nghị về đến nhà, ông ngã gục xuống. Khi bác sĩ đến thì đã muộn. Ph.E. Dgieczinxki đi vào cõi vĩnh hằng vì bệnh tim khi mới 49 tuổi.

Thành công trong trấn áp phản cách mạng và trấn áp tội phạm
Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi năm 1917, bọn trộm cướp hoành hành dữ dội ở Petrograd. Các hầm rượu, cửa hàng liên tục bị cướp phá. Nhiều chủ doanh nghiệp trả trước 6 tháng lương để các viên chức nghỉ làm việc hòng thực hiện âm mưu bất hợp tác với chính quyền Xô viết. Hàng triệu người có nguy cơ bị đói. Tin từ khắp nơi gửi về Moskva cho biết bọn phản động gấp rút thành lập nhiều đơn vị vũ trang, chuẩn bị bạo động.

Tình thế đặt ra yêu cầu phải tiến hành cuộc chiến quyết liệt chống bọn phản cách mạng trong cả nước. Chính quyền Xô viết quyết định thành lập Ủy ban Đặc biệt toàn Nga chống phản cách mạng và phá hoại. Cái tên này được gọi tắt là Cheka, “nắm đấm sắt của nền chuyên chính vô sản”, chính là tiền thân của Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô (KGB) và Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô (NKVD) sau này.

Trong cuộc họp Ủy ban Xô viết ngày 07/12/1917 theo lịch cũ (tức ngày 20/12/1917 theo lịch mới), V.I. Lênin nói: “Hôm nay, công việc đầu tiên của chúng ta là chỉ định người đứng đầu Ủy ban vừa được thành lập. Người này phải là một chiến sĩ kiên định nhất của giai cấp vô sản”. V.I.Lênin nhìn Ph.E. Dgieczinxki. Tất cả mọi người có mặt đều nhìn ông.

V.I.Lênin coi Ph.E. Dgieczinxki như một anh hùng cách mạng. Người từng giải thích rằng: “Trong chúng ta, Felic là người ở lâu nhất trong nhà tù của Sa hoàng, đồng chí ấy thậm chí còn có kinh nghiệm làm việc với Okhara (lực lượng Cảnh sát chính trị của Sa hoàng). Đồng chí ấy luôn biết phải làm gì”.

Ngày 29/8/1918, Chủ tịch Cheka thành phố Petrograd bị ám sát và ngày hôm sau, V.I.Lênin bị mưu sát trong khi đang phát biểu ở nhà máy Mikhelson.     Hai vụ mưu sát nói trên cùng với việc quân Anh, Pháp đổ bộ xuống Arkhrngelsk ngày 04/8/1918 đã khiến chính quyền cách mạng phát động một cuộc thanh trừng các thế lực phản cách mạng trong cả nước.

Ở Petrograd đã xử bắn nhiều kẻ chống đối chính quyền cách mạng và tội phạm. Báo “Đỏ” đăng danh sách này dưới đầu đề: “Đáp lại khủng bố trắng” và viết: “Nếu cách mạng đòi hỏi, và nếu giới sĩ quan cũ không chịu từ bỏ âm mưu giành lại các đặc quyền đặc lợi và lập lại Sa hoàng, thì chúng sẽ bị tiêu diệt hết”.

Cơ quan bảo vệ cách mạng và đấu tranh chống những tội phạm đặc biệt nguy hiểm Cheka đã tiến hành các biện pháp quyết liệt trong cuộc Nội chiến Nga. Sau khi nội chiến kết thúc, ngày 06/02/1922, Trung ương Đảng Bônsevich Nga ra sắc lệnh “Về việc giải tán Ủy ban Đặc biệt toàn Nga và quy định về việc tiến hành khám xét và bắt người”. Theo sắc lệnh này, Cheka được cải tổ thành Cục Chính trị Quốc gia (GPU), trực thuộc Bộ Nội vụ.

Theo yêu cầu của cách mạng, công tác bảo vệ an ninh, trật tự lùi xuống hàng thứ hai trong ưu tiên hoạt động của Ph.E. Dgieczinxki. Thời gian này, ông gánh thêm nhiều trách nhiệm: Chủ tịch Ủy ban kỷ luật lao động toàn quốc, Chủ tịch Ủy ban đấu tranh chống tệ hối lộ, Chủ tịch Ủy ban cải thiện đời sống của công nhân Matxcơva, Chủ tịch Ủy ban cải thiện đời sống trẻ em, Chủ tịch Ủy ban xem xét lại cơ cấu các cơ quan nhà nước...

Tháng 11/1923, GPU được chuyển thành Cục Chính trị quốc gia thống nhất (OGPU) với tư cách một cơ quan ngang bộ. Và mỗi nước cộng hòa đều có một Cục chính trị quốc gia trực thuộc trung ương.

Người cộng sản kiên định
Ph.E. Dgieczinxki là một người rất nghiêm khắc. Sinh thời, người ta đã gọi ông là “Phelic sắt”, không chỉ vì ông và Cheka là bàn tay sắt đối với kẻ thù, mà cả bạn bè đồng chí cũng đều biết sự nghiêm khắc của ông đối với bản thân mình và đồng chí, đồng sự.

Ph.E. Dgieczinxki tuyệt đối trung thành với cách mạng. Đi làm cách mạng từ năm 17 tuổi, 5 năm đi đày, 6 năm tù khổ sai, thời gian còn lại thì hoạt động cách mạng, ông không có xu hướng khoan dung với kẻ thù. Tuy vậy, Ph.E. Dgieczinxki không phải là người có bệnh “say mê bạo lực” như báo chí phương Tây mô tả, trong con người ông có lòng vị tha, hy sinh quên mình ghê gớm, nhưng cũng có cái đầu lạnh.

Leon Trotsky viết về ông như sau: “Phelic Edmundovic Dgieczinxki là một con người sôi sục nhiệt tình, tính cách mạnh mẽ, dữ dội. Quyền lực không làm tha hóa ông. Nghị lực của ông như điện thế mạnh được giữ thường xuyên liên tục. Gặp bất cứ vấn đề gì phải giải quyết, ông như cháy lên, mắt sáng lên, cánh mũi mỏng mấp máy và giọng nói đanh lại. Trạng thái thần kinh bị tải nặng như thế, nhưng Phelic Edmundovic Dgieczinxki không xuống sức hoặc suy sụp. Lúc nào sức lực và tinh thần ông cũng ở trạng thái mạnh mẽ, nhiệt tình”.

Khi Ph.E. Dgieczinxki qua đời, ông được tuyên dương là “chiến sĩ trung thành của giai cấp vô sản”, là “người lao động không mệt mỏi”, “người không biết sợ trong mọi cuộc chiến lớn”...

Ngày nay tại Quảng trường Đỏ, Thủ đô Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay, sau hàng cây vân sam xanh tốt dọc theo bức tường thành điện Kremlin, phía sau Lăng V.I.Lênin có 12 bức tượng bán thân. Mùa hè cỏ mọc xanh tốt, các bụi cúc uyên minh nở hoa, mùa đông, các bức tượng phủ một lớp khăn tuyết trắng... Đây là nơi yên nghỉ cuối cùng của Ph.D. Dgieczinxki cùng với các lãnh tụ cách mạng khác của giai cấp vô sản Xô viết như Joseph Stalin, Leonid Brejnev, Yuri Andropov, Kostantin Chernhenko.

Ph.E.Dgieczinxki được dựng tượng ở Thủ đô Moskva, Xant Petecburg (Liên bang Nga) và ở nhiều nước Cộng hòa Xô viết cũ.
Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân thăm Tượng đài nhà cách mạng Ph.E.Dgieczinxki tại Thành phố Saint  Petersburg, Liên bang Nga tháng 3 năm 2017
Năm 1991 trong “cơn cuồng phong chính biến” dẫn đến sự sụp đổ chủ nghĩa ở Liên Xô và tan vỡ Liên bang Xô viết, những phần tử quá khích đã giật đổ bức tượng lớn của ông tại Quảng trường Lubianka, Moskva trước trụ sở Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô KGB. Tượng của ông được đưa vào dựng ở một Công viên văn hóa lớn nhất Thủ đô Moskva. Tuy nhiên ở thành phố Saint  Petersburg - quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Tượng Ph.E.Dgieczinxki vẫn đứng trang trọng trên một quảng trường thành phố như trước đây.

Hướng tới kỷ niệm 100 cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và kỷ niệm 100 năm ra đời Cơ quan Công an XHCN đầu tiên trên thế giới, Học viện Cảnh sát nhân dân Việt Nam đã đúc và dựng tượng “nhà cách mạng sắt” này đặt ở Quảng trường trung tâm của nhà trường để giáo dục truyền thống. Đại diện Đại sứ quán Liên bang Nga và Trung tâm văn hóa Nga tại Việt Nam đã tham dự Lễ khánh thành.
 
Lễ khánh thành Tượng nhà cách mạng Ph.E.Dgieczinxki tại Học viện Cảnh sát nhân dân Việt Nam, ngày 20/01/2017
Một thế kỷ đã trôi qua nhưng Ph.E.Dgieczinxki vẫn còn sống mãi với câu nói nổi tiếng “Người cán bộ Công an cần có cái đầu lạnh, trái tim nóng và đôi bàn tay sạch”.

Trần Thu Hằng - Nhật Nam

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất