Bài học về xác định đúng nhiệm vụ, biện pháp công tác công an ở từng giai đoạn cách mạng

Dưới sự lãnh đạo của Đảng gắn liền với vai trò của đồng chí Lê Duẩn, nhiệm vụ, biện pháp công tác công an luôn được đổi mới, bổ sung, chuyển hướng linh hoạt, chủ động trước những diễn biến của tình hình trong nước và thế giới.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ (năm 1954) ký kết, đồng chí Lê Duẩn với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách miền Nam, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ đã soạn thảo đề cương “Đường lối cách mạng miền Nam”, đồng thời, chỉ đạo lực lượng Công an xác định rõ tính chất, nhiệm vụ, đối tượng và yêu cầu mới của cuộc đấu tranh, trong đó nhấn mạnh cần phải tích cực kiện toàn tổ chức; tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động gián điệp và phản cách mạng khác, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, phục vụ đắc lực cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

“Trong thời kỳ kháng chiến, (…) xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang nhân dân là một trong những điều kiện quan trọng của cách mạng nước ta để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ và phát triển những thành quả của cách mạng”.

Khi chỉ đạo Trung ương Cục miền Nam, đồng chí chỉ rõ: “Phải “cấy” người vào những vùng chưa có hoặc thưa dân cư, xây dựng cho được lực lượng vũ trang tại chỗ để làm chủ khắp các vùng rừng núi”.

Đất nước thống nhất, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976) xác định bảo đảm an ninh, trật tự “là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Nhà nước, là một trong những công tác lớn ở vùng mới giải phóng miền Nam.

Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của bọn gián điệp, đế quốc, tư bản; kịp thời và kiên quyết trấn áp bọn phá hoại hiện hành, đập tan mọi mưu mô ngóc đầu dậy của giai cấp bóc lột và của phản động; ra sức đấu tranh chống các tội phạm khác, tích cực bài trừ các tệ nạn xã hội; ngăn ngừa và làm giảm tới mức thấp nhất các tệ nạn xã hội”.

Đồng chí nhấn mạnh: “Nhà nước ta phải đủ sức bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội, kịp thời đập tan mọi mưu mô của bọn phản cách mạng”; “Phong trào giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội, củng cố quốc phòng, xây dựng các lực lượng vũ trang lớn mạnh, bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc”.

Đây là sự chuyển hướng quan trọng về nhiệm vụ công tác công an trước những thay đổi của tình hình thực tế gắn liền với dấu ấn của đồng chí Lê Duẩn đối với cách mạng nói chung, lực lượng Công an nói riêng; qua đó góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị của đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tạo điều kiện, tiền đề cơ bản đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới.

Bài học về phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc

“Lấy dân làm gốc” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, có tính nguyên tắc của Đảng ta trong mọi thời kỳ cách mạng. Đối với lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng Công an nói riêng, quan điểm đó lại càng được thể hiện sâu sắc.

Đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Công tác an ninh và quốc phòng cần được chú ý đầy đủ đối với một tỉnh biên giới… Phải phối hợp tất cả các lực lượng vũ trang và an ninh, dựa chắc vào quần chúng, để đấu tranh chống lại những âm mưu và hành động phá hoại của các loại phản động”.

Đồng chí cũng nhấn mạnh: “Phối hợp tốt giữa lực lượng CAND với Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ và lực lượng của quần chúng trong việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội”.

Trong thực tiễn, lực lượng Công an đã luôn chú trọng, kiên trì tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp.

Nếu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp khẩu hiệu “3 không” phát huy tác dụng to lớn thì trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lực lượng Công an miền Bắc đã kịp thời đưa ra khẩu hiệu “3 phòng” nhằm đẩy mạnh phong trào “bảo vệ trị an” ngoài xã hội và phong trào “bảo mật, phòng gian”, xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn.

Ở miền Nam, lực lượng An ninh cũng xây dựng và duy trì có hiệu quả phong trào “phòng gian, bảo mật” với nội dung, hình thức phù hợp nhằm giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng, phát huy tính tích cực của quần chúng trong thực hiện các nhiệm vụ công tác công an.

Có thể khẳng định, những chiến công, thành tích vẻ vang của lực lượng CAND từ khi ra đời đến nay là do sự chăm lo, dìu dắt của Đảng, của Bác Hồ và của các đồng chí lãnh đạo Đảng, trong đó có đồng chí Lê Duẩn. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn đã để lại nhiều bài học sâu sắc, quý báu và còn nguyên giá trị đối với lực lượng CAND.

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí, lực lượng Công an nhân dân xin khắc ghi, nguyện nỗ lực học tập những bài học mà đồng chí đã để lại cho Ngành. Đồng thời, không ngừng củng cố, kiện toàn và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, đi đầu trong đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII  đã nêu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Thượng tướng, GS, TS Tô Lâm Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

Nguồn: Báo điện tử CAND