Hoạt động của Học viện
Thứ Ba, 13/12/2016 16:44'(GMT+7)

Hội thảo chuyên đề: “Tổ chức quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015”

Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ, Phó Giám đốc Học viện CSND chủ trì Hội thảo

Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ, Phó Giám đốc Học viện CSND chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Thiếu tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Tổng Biên tập Tạp chí CAND; đại diện lãnh đạo cục C84, C85, C90 - Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, lãnh đạo trường Trung cấp CSND VI, các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ thực tiễn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam cùng đông đảo cán bộ, giảng viên Khoa Cảnh sát Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp - Học viện CSND.

 

Tạm giữ, tạm giam là biện pháp ngăn chặn được quy định trong hoạt động tố tụng hình sự, do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã và đối với bị can, bị cáo nhằm cách ly họ ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để ngăn chặn họ tiếp tục phạm tội, ngăn chặn hành vi trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, cản trở việc xác định sự thật của vụ án hoặc để đảm bảo thi hành án.

 

Hiện nay, trên toàn quốc có 82 trại tạm giam và 745 nhà tạm giữ, trong đó có 69 trại của Bộ Công an và 13 trại của Bộ Quốc phòng, 711 nhà tạm giữ thuộc Bộ Công an và 34 nhà tạm giữ của Bộ Quốc phòng. Việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giữ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ vừa qua đã được tổ chức chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, phục vụ có hiệu quả cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

 

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, cơ sở pháp lý của công tác tạm giữ, tạm giam dần bộc lộ nhiều hạn chế. Để khắc phục vấn đề này, ngày 25/11/2015, Quốc hội đã ban hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Đạo luật đã quy định chi tiết các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực tạm giữ, tạm giam và đặc biệt là quá trình quản lý, giam giữ đối tượng bị tạm giữ, tạm giam của lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Tại buổi Hội thảo, các tham luận, ý kiến đã tập trung làm rõ những điểm mới trong quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015; đánh giá đúng thực trạng công tác tạm giữ, tạm giam hiện nay; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, đặc biệt dưới góc độ cơ sở pháp lý của hoạt động này; dự báo những khó khăn, thuận lợi khi triển khai thực hiện các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và đưa ra những đề xuất, kiến nghị để việc triển khai luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được thuận lợi.

 

Theo ý kiến các đại biểu tham dự Hội thảo, hiện nay việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: các trại tạm giam, nhà tạm giữ cùng một lúc phải quản lý nhiều loại đối tượng có địa vị pháp lý khác nhau để phục vụ cho các mục đích khác nhau và bị điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, cơ quan thi hành tạm giam, tạm giữ chịu sự chỉ đạo của nhiều đầu mối.

 

Ngoài ra, các quy định của pháp luật hiện hành về chế độ quản lý giam giữ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa cụ thể (đặc biệt là việc thăm gặp thân nhân, người bào chữa của người bị tạm giữ...); chế độ ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế; chưa có quy định về chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đồng tính hoặc người có khiếm khuyết về giới tính; chưa có quy định cụ thể về việc cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam mang quốc tịch nước ngoài tiếp xúc lãnh sự...

 

Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, đặc biệt dưới góc độ cơ sở pháp lý, các đại biểu đều nhận định, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để khắc phục những vấn đề của thực tiễn với những điểm mới quan trọng được quy định trong Luật như:

- Bảo đảm các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, khẳng định rõ về các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam: Luật quy định các cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của người bị tạm giữ, tạm giam thuận lợi, rõ ràng, có tính khả thi; các chế độ ăn, ở, mặc, sinh hoạt tinh thần của người bị tạm giữ, tạm giam được Luật quy định cụ thể, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn; Luật đã có những quy định riêng, ưu đãi hơn đối với người bị tạm giữ, tạm giam là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nhằm đảm bảo tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sức khỏe của người mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi, trẻ em; quyền khiếu nại, tố cáo của người bị tạm giữ, tạm giam được quy định khách quan, minh bạch, rõ ràng, thuận tiện;

 

- Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tạm giữ, tạm giam: Luật đã quy định rõ về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và hệ thống cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam; quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của trại, các cơ sở giam giữ, đặc biệt là quy định rõ ràng, minh bạch về quy trình, thủ tục tiếp nhận, lập hồ sơ, quản lý người bị tạm giữ, tạm giam; nghiêm cấm việc giam giữ người trái pháp luật; tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, đối xử vô nhân đạo… với người bị tạm giữ, tạm giam;

 

- Đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam với hệ thống pháp luật.

 

Để nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, các đại biểu kiến nghị cần tổ chức tuyên truyền Luật một cách sâu rộng trên quy mô toàn quốc để nhân dân, các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm, hợp tác và đồng thuận với Chính phủ trong triển khai Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp và Công an các tỉnh ngoài việc mở lớp tập huấn triển khai cũng cần có kế hoạch phổ biến sâu rộng đến cán bộ, chiến sỹ, người bị tạm giam những nội dung cơ bản, nhất là các nội dung về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; đồng thời cần nâng cao chất lượng và sự ổn định đội ngũ cán bộ công tác tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam, các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát, bổ sung đảm bảo đủ cán bộ có phẩm chất, năng lực cho các trại tạm giam, nhà tạm giữ. Học viên, sinh viên học các khoa chuyên ngành về Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp sau khi tốt nghiệp phải về công tác tại các cơ sở giam giữ ít nhất 5 năm…

 

Hội thảo đã đánh giá chính xác, khách quan những khó khăn, thuận lợi khi triển khai thực hiện các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Đây sẽ là căn cứ khoa học để hoàn thiện kết quả nghiên cứu chuyên đề Tổ chức quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 đã được Bộ Công an tin tưởng, giao phó.

XT

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất