Hoạt động của Học viện
Thứ Ba, 17/1/2017 22:19'(GMT+7)

Hội nghị sơ kết công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học giai đoạn 2010 - 2016

Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ, Phó Giám đốc Học viện CSND chủ trì Hội nghị

Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ, Phó Giám đốc Học viện CSND chủ trì Hội nghị

Trước những yêu cầu đổi mới giáo dục và công tác quản lý nhà nước về giáo dục, các ý kiến tham luận tại Hội nghị đều khẳng định vai trò quan trọng của công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học và xác định đây là khâu đột phá trong phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo của các học viện, trường CAND trong đó có Học viện CSND.

Từ năm 2010 đến nay, Học viện CSND thực hiện thí điểm mô hình đào tạo chính quy theo học chế tín chỉ và thay đổi thời gian đào tạo từ 5 năm xuống còn 4 năm. Với chặng đường 06 năm đã qua, công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học của Học viện CSND đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, Học viện đã tổ chức biên soạn, xuất bản và đưa vào sử dụng 139 giáo trình; 08 tài liệu chỉnh lý; 62 tập bài giảng; 47 sách chuyên khảo; 50 sách tham khảo.

Đặc biệt, để phục vụ tốt hơn nhu cầu đào tạo, học tập nghiên cứu nâng cao trình độ của cán bộ trong tình hình hiện nay; đồng thời hiện đại hóa các kiến thức khoa học, Học viện CSND đã biên soạn thành công nhiều bộ sách lớn có giá trị khoa học cao, nổi bật là Bộ sách “Khoa học Trinh sát Việt Nam”. Đây là bộ sách hoàn chỉnh đầu tiên ở Việt Nam trong lĩnh vực khoa học trinh sát. Bộ sách đã kế thừa những thành tựu được đúc kết trong quá trình đào tạo đại học và sau đại học ngành Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Điều tra trinh sát của Học viện CSND.

Để nâng cao hiệu quả công tác biên soạn giáo trình, tài liệu, Ban Giám đốc Học viện CSND đã giao Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học là đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học và các hoạt động khoa học của Học viện. Ban Giám đốc Học viện đã chỉ đạo ban hành các quy định, quy chế về quản lý các hoạt động khoa học trên tinh thần tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học ngày càng đi vào nề nếp và hiệu quả.

Nhìn chung, hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học đã đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập theo hệ thống tín chỉ của Học viện CSND, chất lượng biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học ngày càng được nâng cao.

Tại Hội nghị, bên cạnh những thành tựu đã đạt được công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, các đại biểu đã thẳng thắn đánh giá những tồn tại, hạn chế của công tác này và chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; qua đó, đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học tại Học viện CSND.

Các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh việc phát huy vai trò của cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, đội ngũ cán bộ, giảng viên và chuyên viên cao cấp đối với công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học. Trong đó, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên trong công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, xác định rõ giáo trình, tài liệu dạy học là công cụ, phương tiện của quá trình dạy học, thể hiện chất lượng, uy tín của Học viện, của Khoa, Bộ môn cũng như cá nhân giảng viên; quan tâm đào tạo, hướng dẫn các giảng viên trẻ lựa chọn nguồn tài liệu, phương pháp nghiên cứu viết giáo trình, tài liệu dạy học. Từng cán bộ, giảng viên phải tâm huyết với việc biên soạn, sưu tầm giáo trình, tài liệu dạy học, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng biên soạn, thu thập, tích lũy thông tin, tài liệu, nâng cao chất lượng biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.

Đại biểu tham luận tại Hội nghị

Học viện CSND cần phối hợp với các cục nghiệp vụ, các đơn vị thực tiễn để biên soạn thông qua hội thảo, thẩm định giáo trình, tài liệu dạy học, mời cán bộ có kinh nghiệm tham gia viết giáo trình, tài liệu dạy học; qua đó gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn đấu tranh, kịp thời cập nhật những kiến thức mới, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, Học viện CSND cần tạo cơ chế chính sách để đội ngũ giảng viên, chuyên viên cao cấp của Học viện có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia tích cực vào công tác biên soạn và xuất bản giáo trình, tài liệu tham khảo…; nghiên cứu hoàn thiện quy định, quy trình quản lý công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học, sử dụng công cụ quản lý để thúc đẩy công tác này; đầu tư cơ sở vật chất, có chế độ chính sách thỏa đáng cho công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.

Hội thảo sơ kết công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học đã thu được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà giáo về công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học trong giai đoạn hiện nay. Những ý kiến đóng góp này sẽ giúp cho Học viện CSND nói riêng, các trường CAND nói chung có những phương pháp tổ chức công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học hiệu quả, phù hợp hơn; từ đó có những kiến nghị đến Cục Đào tạo, Tổng cục Chính trị CAND, Bộ Công an sửa đổi, hoàn thiện các quy định, quy chế, chế độ chính sách liên quan đến công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học để thúc đẩy công tác này trong thời gian tới.

Như Mai



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất