Những năm qua, Học viện Hậu cần luôn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về giáo dục, đào tạo. Đặc biệt, Học viện đã chủ động, tích cực cụ thể hóa triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 04-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; Quyết định 889/QĐ-BQP, ngày 22-3-2018 của Bộ Quốc phòng về phê duyệt “Kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường Quân đội trước tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo”, phù hợp với đặc thù của cơ sở đào tạo chuyên ngành tài chính, hậu cần quân sự. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hành động với nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ; trọng tâm tập trung xây dựng Học viện theo mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4” (sau đây gọi tắt là mô hình “Nhà trường thông minh”). Thực hiện mục tiêu đó, Học viện đẩy mạnh xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn lực công nghệ thông tin, phù hợp với xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0, đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả và đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ của cán bộ, giảng viên, nhân viên chuyên môn kỹ thuật được nâng cao; hệ thống giảng đường đa năng, thư viện, phòng học tiên tiến, phòng thí nghiệm, phòng học thực hành được nâng cấp, trang bị cơ bản hiện đại; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được ưu tiên đầu tư, hoàn thiện, hoạt động đồng bộ, ổn định. Học viện đã triển khai thành công hệ thống quản lý, điều hành huấn luyện qua mạng máy tính; thiết kế, sử dụng các phần mềm trong xây dựng lịch huấn luyện, tổ chức huấn luyện tập bài, diễn tập ở tất cả các chuyên ngành; triển khai các phòng học huấn luyện mô phỏng, v.v. Qua đó, tạo bước chuyển rõ nét trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và các mặt công tác.
Xây dựng Học viện theo mô hình “Nhà trường thông minh” là nội dung mới, mục tiêu đòi hỏi cao, trong khi nguồn lực của Học viện có hạn, nên quá trình thực hiện còn không ít khó khăn. Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đặt ra cho công tác giáo dục, đào tạo trong Quân đội nói chung, Học viện nói riêng yêu cầu rất cao. Để tận dụng cơ hội, thành tựu của cuộc Cách mạng này mang lại và vượt qua những khó khăn, thách thức, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Học viện theo mô hình “Nhà trường thông minh”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Học viện đã và đang triển khai toàn diện, đồng bộ các mặt công tác; tập trung làm tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ đổi mới giáo dục, đào tạo, xây dựng “Nhà trường thông minh”. Học viện chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị học viên quán triệt sâu sắc hơn nữa các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên. Trọng tâm là: Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020; Kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường Quân đội trước tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo, v.v. Trên cơ sở đó, nhận thức đầy đủ sự cần thiết đổi mới giáo dục, đào tạo, xây dựng Học viện chuẩn hóa, hiện đại hóa, tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc và cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ quan trọng này. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục đưa nội dung xây dựng “Nhà trường thông minh” vào nghị quyết lãnh đạo thường xuyên, định kỳ đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm kịp thời. Cùng với làm tốt việc quán triệt nhiệm vụ, xây dựng động cơ, trách nhiệm cho các đối tượng, Học viện chỉ đạo các cơ quan, khoa, đơn vị tiếp tục cụ thể hóa xây dựng chương trình, kế hoạch hành động có tính khả thi cao, sát với chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngay trong năm học 2019 - 2020, Học viện tập trung kiện toàn, đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, Tổ tư vấn ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; đồng thời, có các biện pháp đột phá nhằm tiếp cận, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động, nhất là phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Để đạt hiệu quả cao, Học viện gắn chỉ tiêu, nội dung xây dựng “Nhà trường thông minh” với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, phong trào Thi đua Quyết thắng và các cuộc vận động; coi trọng xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, các mô hình tiêu biểu trong ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin; đấu tranh khắc phục tư tưởng bảo thủ, ngại đổi mới.
Hai là, đẩy mạnh đổi mới quy trình, nội dung, chương trình đào tạo và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Mục tiêu cao nhất mà Học viện hướng tới trong xây dựng “Nhà trường thông minh” là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chất lượng học viên tốt nghiệp ra trường. Để hiện thực mục tiêu đó, Học viện đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Điều chỉnh quy trình, chương trình đào tạo cán bộ trong các nhà trường Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; tập trung xây dựng, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo theo hướng “chương trình đào tạo thông minh”, đảm bảo “cơ bản, chuyên sâu”, “tinh giản, hiện đại, thiết thực”, liên thông giữa các bậc học, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ hậu cần theo chức vụ, có học vấn tương ứng. Đặc biệt, Học viện tích cực đổi mới nội dung các môn học, cập nhật đưa vào nội dung đào tạo những vấn đề mới về đường lối quân sự, quốc phòng, sự phát triển của khoa học, nghệ thuật quân sự, thực tiễn công tác hậu cần; nghiên cứu bổ sung chương trình đào tạo chất lượng cao thuộc một số lĩnh vực mũi nhọn, đặc thù. Mặt khác, chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mô phỏng, số hóa vào giảng dạy; xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến; triển khai ứng dụng các phần mềm hỗ trợ soạn, giảng bài giảng điện tử, làm đề thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học viên, v.v. Tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình “Lớp học thông minh” nhằm tạo sự đột phá trong dạy, học.
Ba là, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng “Nhà trường thông minh”. Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng, là lực lượng nòng cốt hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Học viện theo mô hình “Nhà trường thông minh”. Ý thức rõ điều đó, Đảng ủy Học viện đã xây dựng và chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 1013-NQ/ĐU, ngày 26-7-2018 về “Lãnh đạo nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn mới”. Theo đó, Học viện chủ động rà soát, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành, chuẩn hóa về chất lượng theo quy định. Đồng thời, có chính sách đào tạo tài năng trẻ, thu hút nhân tài vào Học viện giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Hiện nay, cùng với quyết liệt, kiên trì thực hiện các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, đi thực tế đơn vị, Học viện chú trọng phát huy vai trò của Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học trong việc tập huấn, bồi dưỡng ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và khuyến khích họ tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ, tạo cơ sở tiếp cận, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 vào giảng dạy, công tác. Đồng thời, đặt ra mục tiêu phấn đấu mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phải là “nhà quản lý về khoa học và công nghệ”, đạt chuẩn quốc tế về ngoại ngữ, tin học.
Bốn là, tích cực đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị và quản lý sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực công tác. Yêu cầu xây dựng “Nhà trường thông minh” đòi hỏi rất cao về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là trang thiết bị công nghệ thông tin. Phát huy kết quả đã đạt được, Học viện tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tạo nền tảng để đẩy mạnh triển khai xây dựng mô hình “Nhà trường thông minh”. Trong đó, ưu tiên hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, Trung tâm điều hành huấn luyện, các trung tâm huấn luyện mô phỏng, phòng học đa năng, phòng thực hành, thí nghiệm của các chuyên ngành, sở chỉ huy diễn tập, thư viện số, thư viện điện tử, v.v. Phấn đấu hết năm 2020, 100% phòng học phổ thông được trang bị các thiết bị giảng dạy hiện đại; 100% các bộ môn, khoa có phòng thí nghiệm, phòng học chuyên dùng đồng bộ, tiên tiến.
Xây dựng “Nhà trường thông minh” không chỉ ở việc đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, mà quan trọng hơn là khai thác, sử dụng, vận hành hệ thống hạ tầng, ứng dụng công nghệ số trong các mặt công tác phải bảo đảm đồng bộ, liên thông, nhanh, chính xác, hiệu quả. Với tư duy đó, Học viện rà soát, hoàn thiện các quy định, quy chế tạo môi trường pháp lý vận hành sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và các lĩnh vực công tác; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về quy trình quản lý, kỹ năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin cho các đối tượng, tập trung xây dựng nguồn nhân lực nòng cốt về công nghệ thông tin ở các cơ quan, khoa, đơn vị. Đồng thời, chú trọng xây dựng môi trường tương tác kết nối công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng vận hành hệ thống mạng nội bộ tích hợp với hệ thống điều hành huấn luyện qua mạng máy tính; khai thác có hiệu quả mạng truyền số liệu quân sự, trung tâm dữ liệu của Học viện, v.v. Học viện xác định giai đoạn 1 (2018 - 2020), tập trung hoàn thiện và vận hành tốt các hạng mục trọng tâm, thiết yếu, như: cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn lực công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, số hóa cơ sở dữ liệu; giai đoạn 2 (2020 - 2025), vận hành và kết nối toàn diện các phòng học chuyên dùng, thí nghiệm, mô phỏng, trung tâm điều hành và các cơ quan, đơn vị; kết nối ứng dụng công nghệ mới, hiện đại thông suốt trong toàn Học viện, đảm bảo người sử dụng (theo sự phân cấp) có thể truy cập, khai thác cơ sở dữ liệu thông tin cần thiết cho hoạt động quản lý; học viên có thể theo dõi kết quả học tập, truy cập hệ thống chương trình, bài giảng, giáo trình, giáo khoa, tài liệu tham khảo cũng như phản hồi về chất lượng bài giảng, giờ giảng và đánh giá chất lượng giờ lên lớp của giảng viên. Để đáp ứng yêu cầu ứng yêu cầu phát triển nhanh của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, Học viện chỉ đạo Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học tăng cường hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong Học viện, phối hợp với các trung tâm, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Quân đội để tiếp cận nắm bắt xu thế, thành tựu mới về khoa học công nghệ, xác định mục tiêu, nội dung ứng dụng phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể của Học viện, đáp ứng nhiệm vụ công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản lý, chỉ huy bộ đội.
Xây dựng “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Với kết quả, kinh nghiệm đã đạt được và thực hiện có hiệu quả các nội dung trên, Học viện Hậu cần sẽ gặt hái được thành công, tạo động lực đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đào tạo, xứng đáng với danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trung tâm đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự hàng đầu của Quân đội.