Tiêu điểm
Thứ Năm, 15/2/2018 8:51'(GMT+7)

Học viện Cảnh sát nhân dân hướng tới mục tiêu trở thành trường trọng điểm, trường chuẩn quốc gia

Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm - Giám đốc Học viện

Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm - Giám đốc Học viện

Năm 2018, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện Cảnh sát nhân dân (15/5/1968 - 15/5/2018), Tạp chí Cảnh sát nhân dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm - Giám đốc Học viện về những định hướng trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học hướng tới mục tiêu trở thành trường trọng điểm, trường chuẩn quốc gia.

PV: Thưa thầy, từ ngày đầu thành lập đến nay, Học viện Cảnh sát nhân dân đã có nhiều bước đột phá. Xin thầy cho biết những đột phá đó?

GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm: Ngày 15/5/1968, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định tách Phân hiệu Cảnh sát nhân dân (CSND) trực thuộc Trường Công an trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân) thành lập Trường CSND. 50 năm qua, nhà trường đã đào tạo được hơn 5 vạn hạ sĩ quan, sĩ quan Công an, Cảnh sát. Vào giai đoạn 1968 - 1975 nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo hệ sơ cấp, trung cấp.Từ năm 1975 bắt đầu đào tạo hệ đại học Cảnh sát và năm 1992, Trường Đại học CSND (nay là Học viện CSND) là nhà trường Công an đầu tiên được giao nhiệm vụ đào tạo cao học và từ năm 1995 được giao nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu sinh. Sau 26 năm đào tạo sau đại học, nhà trường đã đào tạo được hơn 3000 Thạc sĩ và hơn 300 Tiến sĩ cho lực lượng Công an nhân dân (CAND), các ngành nội chính nước ta, các nước bạn Lào, Campuchia. Quy mô đào tạo của Học viện ngày càng lớn. Nếu như  lớp cao học khóa 1 năm 1992 của Học viện chỉ có 20 học viên và lớp nghiên cứu sinh khóa 1 năm 1995 chỉ có 2 học viên, thì năm 2018 Học viện có 460 học viên cao học mở tại Học viện, Đà Nẵng, Huế, Tây Bắc và 75 nghiên cứu sinh Tiến sĩ.

Là  nhà trường có quy mô đào tạo lớn nhất trong lực lượng CAND, với phương châm hành động "Truyền thống, đổi mới, năng động, phát triển", trong những năm qua, Học viện CSND đã và đang phấn đấu xây dựng trở thành trường trọng điểm của lực lượng CAND và của quốc gia, đáp ứng yêu cầu đào tạo người cán bộ Công an, Cảnh sát thời kỳ hội nhập quốc tế. Nhà trường đã có nhiều đột phá quan trọng:

Thứ nhất, Học viện đã đi đầu trong đổi mới giáo dục đào tạo với 2 giải pháp chính: Gắn giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn chiến đấu của lực lượng CAND và mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo.

Ngành Công an thế giới có 2 cách tuyển dụng và đào tạo cán bộ. Một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, các nước thuộc khối SNG, Hàn Quốc, Thái Lan, Philipine... chủ yếu tuyển dụng cán bộ Công an bằng cách lấy học sinh phổ thông vào học các Trường Công an và có mô hình đào tạo đại học Công an, Cảnh sát. Vì đào tạo và cấp bằng đại học Công an (cả đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ Công an) nên phải dạy lý luận nhiều. Một số nước như: Mỹ, Anh, Pháp, úc, Nhật Bản... lại tuyển những người đã tốt nghiệp đại học, trung cấp, sơ cấp vào phục vụ trong Công an.Trường Công an chủ yếu chỉ huấn luyện nghề nghiệp. Vì chỉ dạy kỹ năng và nghiệp vụ cho người đã tốt nghiệp đại học, trung cấp rồi nên họ dạy chủ yếu là dạy thực hành và dĩ nhiên học viên có tay nghề rất tốt.

Mô hình đại học Công an của Việt Nam là một ưu việt, nhiều nước đã nghiên cứu, học tập, nếu ta bỏ mô hình này là không nên. Nhưng trong điều kiện kẻ địch, tội phạm sử dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào để chống phá, gây án, nếu chỉ đào tạo theo mô hình đại học (Tiến sĩ, Thạc sĩ, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) Công an và tuyển cán bộ Công an, Cảnh sát chủ yếu từ học sinh phổ thông như hiện nay thì hiệu quả đấu tranh sẽ thấp, nhất là một số lĩnh vực cần nhiều kiến thức các ngành kinh tế, khoa học công nghệ.

Trong khi chờ đợi sửa cơ chế chung, trong những năm gần đây, để hoàn thiện hệ thống kiến thức, đặc biệt các kỹ năng cần thiết cho người cán bộ Công an, Cảnh sát trong thời kỳ mới, không tụt hậu với các ngành và thế giới, để cán bộ Công an, Cảnh sát ra trường kiến thức, kỹ năng không thua kém kẻ địch và tội phạm, ngoài các kiến thức theo chương trình khung đại học (trung học) hiện nay mà Bộ Công an đã ban hành, Học viện CSND đã đề xuất và đang thực hiện hệ thống kiến thức chuẩn đầu ra với học viên các hệ học, trong đó có hệ đào tạo sau đại học.

Việc đổi mới phương pháp giáo dục, nội dung dạy học được nhà trường tiến hành với hai biện pháp chính là gắn bó chặt chẽ đào tạo lý thuyết với thực tiễn và mở rộng quan hệ quốc tế về giáo dục - đào tạo. Học viện đã ký hợp tác với các Tổng cục, Bộ Tư lệnh Cảnh sát, Công an thành phố Hà Nội và nhiều cơ quan, ban ngành trung ương và địa phương. Hiện mỗi Khoa, Bộ môn của Học viện đã ký kết hợp tác với 1 phòng nghiệp vụ Cảnh sát, Công an 1 quận, huyện của Công an thành phố Hà Nội; 1 trại giam của Bộ Công an. Đây là địa bàn thực tập, kiến tập của cán bộ, học viên các khoa nghiệp vụ chuyên ngành. Học viên Học viện có 3 đợt thực tập, kiến tập lớn: Hết năm thứ nhất có 1 tháng "3 cùng" tại nhà dân để thực hành chính trị - xã hội; hết năm thứ hai có 2 tháng thực tập nghiệp vụ cơ bản và phát động quần chúng; năm cuối cùng có 5 tháng thực tập tốt nghiệp. Ngoài ra, còn rất nhiều đợt thực tập, kiến tập khác. Vì vậy, kỹ năng thực tiễn của học viên tốt lên nhiều. Từ năm 2009, Học viện đã triển khai đào tạo theo tín chỉ. Năm 2015, Khóa đại học chính quy D36 (2010 - 2015) đã tốt nghiệp theo phương thức đào tạo theo tín chỉ và cho kết quả tốt.

Trong đổi mới giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế được xác định là khâu đột phá của Học viện với nhiều hình thức đa dạng như: Mời giảng viên nước ngoài đến giảng dạy, báo cáo; trao đổi tài liệu, giảng viên và học viên; thực hiện các dự án ODA, tổ chức các hội thảo - tọa đàm quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cán bộ cho các nước, liên kết đào tạo quốc tế...

Học viện CSND đã ký 19 bản ghi nhớ hợp tác với 19 Học viện, Trường Công an, Cảnh sát nước ngoài; liên kết đào tạo hệ Thạc sĩ dạy và học bằng tiếng Anh với Trường Đại học Tổng hợp Maryland, với Đại học RMIT - các cơ sở đào tạo cán bộ Cảnh sát, tư pháp hình sự, tội phạm học và điều tra tội phạm hàng đầu của Hoa Kỳ và Australia; triển khai 2 dự án ODA về đào tạo Cảnh sát giao thông, xây dựng Thư viện điện tử do Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.

Nhà trường cũng đã và đang mở rộng các mã ngành đào tạo sau đại học theo hướng đào tạo sau đại học đa ngành, đa lĩnh vực với 7 mã ngành Thạc sĩ và 2 mã ngành Tiến sĩ.

Nhà trường đặc biệt quan tâm đến biên soạn và xuất bản tài liệu, giáo trình dạy học phục vụ đào tạo. Nhiều bộ giáo trình, tài liệu tham khảo có giá trị đã được Học viện xuất bản như các bộ sách “Khoa học hình sự Việt nam” 5 tập, “Khoa học trinh sát Việt nam” 3 tập, “Tội phạm học Việt nam “ 3 tập, “Khoa học Công an Việt Nam” gồm 8 tập, các Tổng tập về các lĩnh vực hoạt động Cảnh sát chuyên ngành. Đây là những bộ sách quan trọng đánh dấu bước trưởng thành về khoa học và lý luận của cán bộ, giảng viên nhà trường.

Công tác nghiên cứu khoa học được tăng cường với hàng trăm đề tài khoa học trong đó có 4 đề tài cấp Nhà nước “Bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới”, “Đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người trong tình hình mới”, “Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc Việt Nam”, “Phòng ngừa tội phạm bạo lực ở Việt Nam trong tình hình mới”. Tạp chí CSND đã xuất bản 6 ấn phẩm, trong đó có ấn phẩm Tiếng Anh và là Tạp chí tiếng Anh đầu tiên của lực lượng CAND Việt Nam.

Đột phá thứ hai về đào tạo cán bộ, giảng viên: Việc đào tạo đội ngũ giảng viên được Nhà trường tiến hành trên 4 phương diện: Đào tạo về đạo đức nhà giáo; về trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm; kỹ năng nghiên cứu khoa học và kỹ năng thực hành - thực tiễn, tập trung vào 3 khâu: Đào tạo giảng viên và chuyên gia đầu đàn, đào tạo cán bộ nữ và đào tạo cán bộ trẻ. Tính đến nay, trong số gần 1500 cán bộ, giảng viên của Học viện có 9 Giáo sư, 34 Phó Giáo sư, 198 Tiến sĩ, hơn gần 400 Thạc sĩ, 200 giảng viên chính và là nhà trường có số lượng cán bộ giảng viên có trình độ cao đứng đầu trong hệ thống các nhà trường CAND. Ngoài việc luân chuyển gần 250 lượt giảng viên trẻ xuống làm việc, thâm nhập thực tế tại Công an các tỉnh, thành phố, Học viện đã tổ chức được một đội ngũ đông đảo hơn 100 giảng viên kiêm chức gồm các nhà khoa học đang công tác trong và ngoài lực lượng CAND, các cán bộ thực tiễn và mời các chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế, vào Học viện giảng dạy, hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh.

Đột phá thứ ba là xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh gắn với tăng cường kỷ cương, tổ chức quản lý học viên: Hướng tới xây dựng nhà trường văn hoá với các phong trào “Nhà trường văn hóa, thầy giáo mẫu mực, học viên thanh lịch”, “Nhà trường kỷ cương, nhà giáo mẫu mực, học viên tích cực”, Học viện đã phát động cuộc vận động “giáo viên chủ nhiệm mẫu mực, học viên chuyên cần, lớp học kiểu mẫu”, “sống đẹp - sống có văn hoá và chấp hành nghiêm điều lệnh CAND” với các nội dung: Giáo dục lý tưởng và đạo đức nghề nghiệp CAND, tham gia các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và đào tạo phát động; tăng cường công tác điều lệnh, nội vụ, trật tự vệ sinh trong các đơn vị cán bộ, các lớp học viên từ đảm bảo giờ học, giờ lao động, ăn mặc đúng điều lệnh CAND; xây dựng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm mẫu mực, các lớp học kiểu mẫu; Xây dựng nếp sống vệ sinh, trật tự, gọn gàng ngăn nắp trong học viên, đoàn viên.

Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện đã giao cho Ban chấp hành Đoàn chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức nhiều Câu lạc bộ hoạt động ngoại khóa. Học viện đã thành lập nhiều Câu lạc bộ trên rất nhiều lĩnh vực. Qua việc tổ chức các Câu lạc bộ này cho thấy tiềm năng của sinh viên Công an, Cảnh sát rất lớn, do đó, nếu có định hướng đúng, biết cách khơi dậy tiềm năng trí tuệ và có cơ chế tổ chức phù hợp thì sẽ đạt nhiều kết quả tốt góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, quản lý, giáo dục học viên, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh trong Nhà trường, đẩy lùi tiêu cực trong học viên, đoàn viên.

Học viện cũng thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, thông tin các vấn đề mới như chủ quyền biển đảo, quan hệ giữa Việt Nam và các nước, các vấn đề an ninh phi truyền thống, phòng, chống tội phạm phi truyền thống, văn hoá công sở, văn hoá giao thông...

Học viện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức phong trào tự quản trong học tập, tham gia nghiên cứu khoa học, tổ chức các Hội thi học tốt các môn pháp luật, chính trị, nghiệp vụ. Đặc biệt, phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học được Học viện triển khai sâu rộng tới từng sinh viên. Kết quả là 15 năm liền Học viện được Bộ Giáo dục và đào tạo tặng bằng khen, trung bình hàng năm Học viện có 500 - 800 sinh viên đăng ký nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều công trình gửi tham gia cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo và đều đạt giải cao.

Học viện CSND còn tích cực hưởng ứng phong trào học sinh, sinh viên tình nguyện - hè. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tại chỗ như vệ sinh bảo vệ cảnh quan trong khuôn viên Học viện, tổ chức cho nhiều đoàn viên, sinh viên “Tiếp sức mùa thi”, tổ chức phong trào “hiến máu tình nguyện”, đưa sinh viên đi hoạt động tình nguyện tại địa bàn đóng quân, tại tỉnh Cao Bằng, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Nam, Tây Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Thanh Hóa, tổ chức ký kết hợp tác với Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và tổ chức các đoàn cán bộ, học viên ra thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa.

Học viện đó chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng, các tổ chức Đoàn và các tổ chức quần chúng, làm tốt công tác phát triển đảng trong đoàn viên, học viên.

Do tổ chức tốt công tác quản lý giáo dục, xây dựng môi trường tốt trong Nhà trường nên Học viện CSND đã tạo được một không khí dân chủ, cán bộ, học viên phấn khởi, hăng say học tập, rèn luyện.

Thứ tư, đột phá về tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giáo dục đào tạo: Trong 10 năm trở lại đây, Học viện đã có những bước chuyển quan trọng về cơ sở vật chất và trở thành nhà trường có cơ sở vật chất đứng đầu các học viện, nhà trường CAND. Học viện đã tập trung xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà điều hành Học viện, nâng cấp các giảng đường, phòng học, xây dựng Thư viện nghiệp vụ Cảnh sát 12 tầng mang tên thầy Hiệu trưởng đầu tiên Lê Quân với nhiều mô hình học vụ như: Phòng Hồ Chí Minh, Bảo tàng học đường, Phòng nghiên cứu tôn giáo, Phòng Hội thảo quốc tế và trưng bày ASEAN, Phòng bắn súng điện tử, Phòng xử án mẫu, các phòng học trực tuyến và phòng học chuyên dụng, xây dựng sân vận động, Khu huấn luyện thực hành... Học viện đã tổ chức xây dựng và khánh thành hàng loạt công trình phục vụ giáo dục truyền thống cho cán bộ, học viên như: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Công an. Khu “một góc quê hương” gồm các ảnh đẹp đặc trưng cho 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; khu chủ quyền quốc gia gồm Bản đồ Việt Nam với đá Trường Sa (Khánh Hòa), cột Hoàng Sa (Đà Nẵng), đá Lũng Cú (Hà Giang), cát Đất Mũi (Cà Mau)...

Những đột phá trên đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện và năm 2015 nhân 70 năm ngày truyền thống CAND Việt Nam, Học viện CSND đã được Bộ Công an công nhận là Trường trọng điểm của lực lượng CAND.

PV: Với vai trò là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của ngành Công an, xin Thầy cho biết những định hướng lớn trong công tác giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện Cảnh sát nhân dân hiện nay và trong những năm tiếp theo.

Trung tướng GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm: Đại hội Đảng bộ Học viện CSND nhiệm kỳ XVI (2015 - 2020) đã đề ra mục tiêu: Phấn đấu trở thành Trường trọng điểm quốc gia vào năm 2020. Với tư cách là Trường trọng điểm của Bộ Công an và định hướng trở thành Trường trọng điểm và Trường chuẩn quốc gia, Học viện CSND có các định hướng lớn:

Thứ nhất, phát triển theo hướng là Trường đa ngành, đa lĩnh vực và đổi mới giáo dục đào tạo với hai giải pháp chính là gắn giáo dục đào tạo với thực tiễn và mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Về đào tạo đại học sẽ mở thêm một số chuyên ngành mới như cử nhân chỉ huy tham mưu Cảnh sát theo định hướng nghiên cứu 5 năm để đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cho lực lượng CSND Việt Nam, cử nhân quản lý nhà nước - hành chính học, một số chuyên ngành Luật, cử nhân chất lượng cao an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cử nhân chất lượng cao Cảnh sát môi trường. Về đào tạo sau đại học sẽ mở rộng thêm các chuyên ngành Thạc sĩ và Tiến sĩ về Luật và Khoa học An ninh. Phấn đấu đến năm 2020, Học viện CSND sẽ có một số chuyên ngành đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ dạy và học hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Học viện sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chức danh cho lực lượng CAND và đào tạo giáo viên cho các Trường CSND; mở rộng đào tại hệ dân sự cho các ngành nội chính và cho xã hội.

Về đào tạo quốc tế phấn đấu trở thành một Trung tâm lớn đào tạo Cảnh sát cho khu vực ASEAN và một số quốc gia trên thế giới. Phấn đấu đến 2020 Học viện có khoảng 300 - 400 học viên quốc tế theo học.

Thứ hai, phấn đấu có nhiều đề tài khoa học lớn, giải quyết những vấn đề mới và bức súc về an ninh, trật tự của đất nước. Tăng cường năng lực Viện Khoa học Cảnh sát hiện nay và phấn đấu đến 2018 sẽ có 3 Viện nghiên cứu khoa học trực thuộc Học viện CSND: Viện Khoa học Cảnh sát, Viện Tội phạm học và điều tra tội phạm, Viện nghiên cứu An toàn giao thông và một Viện đào tạo theo mô hình Trường trọng điểm Quốc gia.

 Học viện tập trung triển khai các đề tài cấp Nhà nước và các đề tài nghiên cứu khoa học của Bộ Công an, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Chuẩn hóa toàn bộ hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy bậc đại học và sau đại học Cảnh sát. Biên soạn và xuất bản những bộ sách lớn như: Cẩm nang Cảnh sát Việt Nam; Bách khoa Cảnh sát ASEAN, Bách khoa Cảnh sát thế giới, Từ điển Công an Nga - Việt, Từ điển Công an Anh - Việt, Từ điển Công an Pháp - Việt, Từ điển Công an Trung - Việt, Từ điển Công an Lào - Việt...

Thứ ba, tăng cường đào tạo cán bộ, giảng viên. Việc đào tạo đội ngũ giảng viên được nhà trường tiếp tục được tiến hành trên 4 phương diện: Đào tạo về đạo đức nhà giáo; về trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm; kỹ năng nghiên cứu khoa học và kỹ năng thực hành - thực tiễn, tập trung vào 3 khâu: Đào tạo giảng viên và chuyên gia đầu đàn, đào tạo cán bộ nữ và đào tạo cán bộ trẻ. Phấn đấu đến 2020 có 20 Giáo sư, 50 Phó Giáo sư, 300 Tiến sĩ, 300 giảng viên chính, đạt chuẩn của Trường trọng điểm quốc gia. Một số chuyên ngành phấn đấu có chuyên gia đầu đàn ở Việt Nam và trong lực lượng CAND như: Tội phạm học, Khoa học trinh sát, Khoa học hình sự và Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

Thứ tư, xây dựng Học viện CSND trở thành nhà trường xanh, sạch, đẹp và hiện đại.

Tập trung vào 3 khâu: Xây dựng và hiện đại hóa các phòng học và phòng thực hành, giảng đường, nơi làm việc của cán bộ, giảng viên; đầu tư xây dựng, nâng cấp các ký túc xá học viên; xây dựng nhà ở cho cán bộ, giảng viên.

Phấn đấu để Học viện CSND có khuôn viên đẹp và hiện đại trong các Trường đại học Việt Nam với nhiều công trình giáo dục văn hóa truyền thống.

PV: Xin trân trọng cám ơn Thầy Giám đốc!

 

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất