Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì xây dựng sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây. Theo Bộ Công an, với việc sắp xếp, kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo dự án Luật sẽ không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không tăng chi ngân sách nhà nước.
Kiện toàn thống nhất khoảng 300.000 người
Ngay sau khi Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về dự án Luật và để có cơ sở điều chỉnh lại dự án Luật báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công an đã đề nghị UBND, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đánh giá về thực trạng tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đối tượng tác động của dự thảo Luật, các quan hệ xã hội có liên quan đến dự án Luật, về thực trạng chi hiện nay, tổng mức chi của các địa phương và đề nghị cung cấp thông tin, số liệu có liên quan về thực trạng tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện; đề nghị các địa phương cho ý kiến về quy định bồi dưỡng, hỗ trợ, giải quyết trường hợp khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ trong dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Thống kê hiện nay trong toàn quốc có khoảng 300.000 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng (có 66.723 thành viên bảo vệ dân phố, 70.867 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và 161.098 đội trưởng, đội phó đội dân phòng).
Theo đó, sẽ tiếp tục sử dụng các lực lượng, chức danh đang hoạt động hiện nay và kiện toàn thống nhất thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với khoảng 300.000 người và bố trí thành Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố theo mô hình Tổ bảo vệ an ninh, trật tự phù hợp với điều kiện, yêu cầu của từng địa phương (bản chất là sử dụng nguyên trạng lực lượng, chức danh đang hoạt động hiện nay).
Với việc điều chỉnh theo hướng này không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động mà tiếp tục sử dụng lực lượng đang hiện có; các địa phương căn cứ yêu cầu thực tiễn quyết định việc bố trí lực lượng theo hướng tăng hoặc giảm phù hợp với điều kiện, khả năng, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự của từng địa phương.
Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng hiện nay, dự thảo Luật quy định theo hướng các địa phương căn cứ yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, khả năng, điều kiện của từng địa phương để quyết định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cần thành lập và số lượng người tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.
Do đó, với việc quy định của dự thảo Luật sẽ không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động mà tiếp tục sử dụng lực lượng đang hiện có, không làm tăng chi ngân sách nhà nước khi kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh thành một lực lượng. Qua đó, góp phần kiện toàn, sắp xếp lực lượng, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở.
Bảo đảm ngân sách chi trả
Qua khảo sát, đánh giá thực trạng hiện nay cũng cho thấy, các địa phương trong cả nước đều bảo đảm ngân sách để chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trên cơ sở số liệu thống kê, báo cáo của UBND, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng cho thấy, hiện nay kinh phí bảo đảm trung bình hàng tháng của 1 tỉnh, thành phố là khoảng 2 tỷ đồng đến 2,5 tỷ đồng/1 tháng (trung bình từ 20 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng/1 năm) để chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay.
Theo đó, khi kiện toàn các lực lượng, chức danh thành một lực lượng thống nhất thì vẫn thực hiện chi trả chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như mức trung bình hiện nay các địa phương đang chi trả cho các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Đặc biệt, khi kiện toàn thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung và không phải chi trả ngân sách cho nhiều lực lượng như hiện nay thì các địa phương sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn nữa về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Như vậy, dự thảo Luật đã được quy định theo hướng kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm để tiếp tục quy định đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm không làm tăng chi ngân sách nhà nước.