Tin tức - Sự kiện
Thứ Sáu, 24/1/2020 7:27'(GMT+7)

Đổi mới chương trình đào tạo các chuyên ngành đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác của lực lượng CSND trong tình hình mới

Xác định chương trình đào tạo là một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt trong quá trình tổ chức đào tạo, vì vậy, trong lộ trình xây dựng Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm đạt chuẩn Quốc gia theo hướng đào tạo tập trung, chuyên sâu, việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, chương trình và phương thức tổ chức đào tạo đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CSND là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện CSND quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Hệ thống chương trình đào tạo bậc đại học tại Học viện CSND hiện nay được xây dựng hoàn thiện và ban hành trên cơ sở các chương trình đào tạo do Hội đồng phân định kiến thức của Bộ Công an triển khai xây dựng từ khung chương trình đào tạo, đến các chương trình đào tạo của từng chuyên ngành, với mục tiêu xây dựng hệ thống chương trình đào tạo đảm bảo tính đồng bộ trong các trường Công an nhân dân, có sự phân định mức độ, mục tiêu đào tạo các cấp: Đại học - Cao đẳng - Trung cấp, là cơ sở để kế thừa đảm bảo tính liên thông trình độ, đồng thời hướng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống giáo trình dùng chung trong các trường Công an nhân dân. Quá trình xây dựng dự thảo, mô tả các học phần đều có sự tham gia góp ý, xây dựng của các Khoa, Bộ môn của Học viện CSND.

Với những chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc, đến nay Học viện CSND đã hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo trình độ đại học với 49 chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ, bao gồm: 18 chương trình đào tạo đại học chính quy (135 tín chỉ), trong đó có 02 chương trình đào tạo trình độ cử nhân chất lượng cao (140 tín chỉ), 01 chương trình đào tạo cử nhân luật, chuyên ngành Tư pháp hình sự đối với học viên hệ Tư pháp hình sự; 09 chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học, hình thức đào tạo tập trung thời gian 2,5 năm - 90 tín chỉ; 06 chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học, hình thức vừa làm vừa học thời gian 3 năm - 105 tín chỉ; 06 chương trình đào tạo đại học hình thức vừa làm vừa học, thời gian 4,5 năm - 145 tín chỉ; 04 chương trình đào tạo cấp bằng đại học thứ hai - 80 tín chỉ và 06 chương trình đào tạo song bằng.

Hiện nay, trong hệ thống giáo dục các nước trên thế giới và các cơ sở giáo dục trong nước có nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau về đổi mới, phát triển chương trình đào tạo như tiếp cận từ đối tượng người học, từ nội dung đào tạo hiện có, từ đội ngũ giảng viên và các điều kiện đảm bảo… để cụ thể hóa thành mục tiêu, nội dung và chương trình đào tạo chi tiết. Đối với Học viện CSND, chương trình đào tạo được thiết kế, xây dựng và phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội mà học viên đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp ra trường là phù hợp với xu thế và thực tiễn công tác của lực lượng CSND. Đánh giá chung, quá trình xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo đại học hiện nay của Học viện CSND đã đạt được một số ưu điểm, kết quả nổi bật sau:

Thứ nhất, các chương trình đào tạo trình độ đại học đã đáp ứng được sứ mạng của Học viện và mục tiêu chung của công tác đào tạo trong Công an nhân dân là: Đào tạo cán bộ Công an có trình độ đại học, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có phương pháp tư duy khoa học, có trình độ, năng lực chuyên môn và sức khỏe tốt, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, chương trình đào tạo được thiết kế có cấu trúc cơ bản hợp lý, có hệ thống giữa các khối kiến thức, đảm bảo tính logic giữa các học phần. Mỗi học phần quy định cụ thể thời lượng các khâu giảng dạy lý thuyết, bài tập, thảo luận, thực hành, tự học, trong đó: Khối kiến thức đại cương 2/3 thời gian giảng lý thuyết và 1/3 thời gian thực hiện các khâu khác; khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp 1/2 thời gian giảng lý thuyết và 1/2 thời gian thực hiện các khâu khác nhằm giúp học viên được thực tập, thực hành, nghe báo cáo thực tế nhiều hơn để kết hợp tốt giữa lý luận và thực tiễn trong công tác Công an.

Hiện nay, căn cứ nội dung các chương trình đào tạo trình độ đại học do Hội đồng phân định kiến thức của Bộ ban hành và trên cơ sở tiếp nhận ý kiến phản hồi từ Công an các đơn vị, địa phương đánh giá về học viên Học viện CSND sau khi tốt nghiệp ra trường, đồng thời để cập nhật những điều chỉnh trong các văn bản pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Học viện đã biên soạn hệ thống chương trình đào tạo đại học chính quy 139 tín chỉ. Trong đó, đã điều chỉnh cập nhật các học phần mới về lý luận chính trị theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời tăng cường thời lượng, mục tiêu đào tạo kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho học viên đại học chính quy, áp dụng từ năm học 2019 - 2020.

Thứ ba, Học viện đã ban hành và thực hiện chuẩn đầu ra đối với học viên tất cả các loại hình đào tạo, bậc học, hệ học bao gồm: Chuẩn về chính trị, chuẩn nghiệp vụ, chuẩn các kỹ năng mềm. Bên cạnh việc đáp ứng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây còn là sự khẳng định và cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện với Công an các đơn vị, địa phương; là tiêu chí để kiểm định chất lượng đào tạo của Học viện và vấn đề sử dụng học viên sau khi ra trường.

Bên cạnh đó, về phương thức tổ chức đào tạo, Học viện CSND đã phát huy tốt những phương thức giảng dạy truyền thống xây dựng phương pháp luận cho học viên, kết hợp những đổi mới trong ứng dụng phương tiện hỗ trợ giảng dạy hiện đại như: Sử dụng hệ thống bảng thông minh kết nối với hệ thống tài liệu trên thư viện điện tử của Học viện; ứng dụng hệ thống phần mềm thực tế ảo, với công nghệ mô phỏng trong hỗ trợ giảng dạy các khâu huấn luyện, thực hành, tiến hành số hóa hồ sơ bài giảng… Đặc biệt, trong thời gian qua, Học viện CSND đã chú trọng và tăng cường nguyên tắc trong giảng dạy đại học: Học đi đôi với hành, lý luận kết hợp với thực tiễn trong quy trình đào tạo. Việc gắn kết quá trình đào tạo của nhà trường với thực tiễn chiến đấu của Ngành Công an tiếp tục được đi vào chiều sâu theo mô hình “Nhà trường - Bệnh viện” của ngành Y. Cụ thể, Học viện triển khai thực tập môn học đối với các chuyên ngành đào tạo theo hướng: Tổ chức sắp xếp lịch trình phần học lý thuyết trên lớp tại Học viện, phần thực hành sẽ tổ chức cho lớp học đi kiến tập tại các đơn vị nghiệp vụ. Mặt khác, để tăng cường gắn đào tạo với thực tiễn, Học viện đã ký kết hợp tác, trao đổi trong giáo dục và đào tạo với Công an nhiều đơn vị, địa phương để tăng cường báo cáo thực tế, tổ chức thực tập, thực hành cho giảng viên và học viên.

Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực nêu trên, quá trình xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo trình độ đại học tại Học viện CSND nói riêng và các trường CAND nói chung còn một số hạn chế nhất định sau:

Chương trình đào tạo chưa mang tính ổn định lâu dài: Những định hướng chuyển đổi, đổi mới về phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ hoặc rút ngắn thời gian đào tạo từ 5 năm xuống 4 năm đòi hỏi phải điều chỉnh đồng bộ từ chương trình đào tạo, tới hệ thống đề cương chi tiết học phần, đề cương chi tiết bài giảng, hệ thống hồ sơ, giáo án, giáo trình, tài liệu giảng dạy...

Tính mềm dẻo của chương trình đào tạo bị hạn chế: Chương trình đào tạo còn ít môn cho phép học viên tự chọn; việc chia tách các bài trong các môn học trước đây thành các học phần độc lập gây khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức của học viên theo trình tự diễn biến liên tục.

Việc phân định thời lượng các khâu trong các học phần chưa linh hoạt nên không phù hợp với các học phần thuộc khối kiến thức ngành và chuyên ngành, thời lượng lý thuyết ít, trong khi đó lịch trình giảng dạy kéo dài (từ 10 - 15 tuần), cùng một thời điểm học viên phải học nhiều học phần khác nhau nên ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo các học phần nghiệp vụ.

Trong những năm tới, gắn liền với việc triển khai đề án đổi mới mô hình tổ chức hoạt động của Bộ Công an, công tác giáo dục đào tạo nói chung, công tác xây dựng chương trình đào tạo nói riêng tại Học viện CSND phải tiếp tục được nghiên cứu đổi mới nhằm tạo sự đột phá, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng ta cũng đã xác định rõ đổi mới để khắc phục những tồn tại, hạn chế đồng thời tạo ra động lực và mục tiêu mới cho hoạt động giáo dục và đào tạo. Quán triệt mục tiêu và định hướng đó, trong công tác xây dựng, quản lý nội dung, chương trình đào tạo tại Học viện CSND thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo trình độ đại học theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra các chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn chiến đấu của lực lượng CSND.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của lực lượng CAND phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, cần xác định mục tiêu hàng đầu là không ngừng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo cũng như phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu trong các giai đoạn phát triển khác nhau.

Với mục tiêu đó, chương trình đào tạo phải được thiết kế đạt chuẩn, vừa hiện đại, vừa tổng kết thực tiễn và đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của lực lượng CSND. Cần nghiên cứu để mềm hoá chương trình đào tạo, nâng cao năng lực thực hành, năng lực tự học và tính chủ động trong học tập của học viên. Thường xuyên rà soát, chỉnh lý bổ sung nội dung chương trình đào tạo phù hợp đảm bảo phân định kiến thức đại cương, cơ sở ngành và kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành phù hợp, gắn trực tiếp với thực tiễn chiến đấu của lực lượng CSND. Tiếp tục cải tiến nội dung chương trình giảng dạy, phương pháp dạy học theo hướng cơ bản, thiết thực, hiện đại, thống nhất, liên thông giữa các bậc học, coi trọng huấn luyện kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp cũng như trang bị kiến thức nghiệp vụ cho học viên. Các cơ sở đào tạo cần khẩn trương hoàn thiện, thực hiện công bố chuẩn đầu ra gắn chặt với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

Hoạt động đào tạo bậc đại học cho đội ngũ sĩ quan Cảnh sát trong những năm tới phải bám sát mục tiêu đào tạo, luôn quán triệt các nguyên tắc cơ bản trong giáo dục đại học, bảo đảm thực hiện đúng Luật Giáo dục đại học. Việc xây dựng nội dung chương trình giáo dục đào tạo ở Học viện phải luôn quán triệt sâu sắc tinh thần triết lý giáo dục đổi mới, sáng tạo, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, giảm lý thuyết, tăng thực hành, chú trọng đào tạo kỹ năng giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn nghề nghiệp, bồi dưỡng năng lực sáng tạo, phát huy phẩm chất cá nhân, đạo đức nghề nghiệp, lòng yêu nghề, tinh thần học tập suốt đời và luôn đổi mới sáng tạo trong công tác thực tiễn.

Hai là, đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận hiện đại, thông qua hoạt động hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo Cảnh sát


Trong những năm gần đây, Học viện CSND đã mở rộng quan hệ hợp tác với các trường Cảnh sát của các nước trong khu vực vực và trên thế giới. Học viện đã ký hợp tác với 12 Học viện, Trường Cảnh sát quốc tế; đã tổ chức đào tạo 02 khóa Thạc sĩ liên kết dạy và học bằng tiếng Anh với Đại học tổng hợp Maryland, Hoa Kỳ.  Bên cạnh đó, Học viện CSND còn có quan hệ phối hợp với các ủy ban, các tổ chức quốc tế như: UNODC, UNICEF, JICA, KOIKA... trong công tác giáo dục, đào tạo.

Để có thể đổi mới nội dung, chương trình đào tạo sinh viên các hệ học, khóa học, trong thời gian tới, Học viện CSND cần tiếp tục mở rộng, liên kết toàn diện trong công tác giáo dục, đào tạo với các cơ sở đào tạo Cảnh sát, các trường đào tạo về Luật, Tội phạm học, Hành chính công… của các nước trong khu vực và trên thế giới để tiếp cận, học hỏi các chương trình đào tạo tiên tiến; tiếp tục duy trì, mở rộng hoạt động trao đổi sinh viên theo hình thức "du học một kỳ", "du học nhiều kỳ", tổ chức đào tạo và công nhận tín chỉ tương đương đối với một số học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đồng trong chương trình đào tạo của các trường; trao đổi giảng viên, đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về các vấn đề an ninh phi truyền thống, phòng chống khủng bố, chống mua bán người, tình trạng di cư bất hợp pháp… Báo cáo Bộ Công an để triển khai phối hợp trong việc liên hệ, đăng tải các công bố khoa học, các bài báo trên các Tạp chí khoa học chuyên ngành thuộc các lĩnh vực nghiên cứu thế mạnh của Học viện CSND.

Ba là, rà soát các điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình đào tạo và tăng cường bồi dưỡng giảng viên các chuyên ngành.

 
Bên cạnh việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, Học viện CSND cần thường xuyên rà soát lại những hạn chế, khó khăn về các điều kiện đảm bảo theo 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí về đánh giá chất lượng cơ sở đào tạo theo bộ tiêu chuẩn, tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhằm kịp thời đầu tư để đảm bảo điều kiện dạy, học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, trong những năm học tới cần tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng giảng viên các chuyên ngành đào tạo, phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt và có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến hiệu quả triển khai chương trình đào tạo nói riêng và chất lượng công tác đào tạo nói chung. Cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị giảng dạy phải nhanh chóng rà soát, đánh giá đội ngũ giảng viên và công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên trong thời gian qua. Qua đó, công tác bồi dưỡng giảng viên thời gian tới phải đảm bảo tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, trong đó cần tập trung đầu tư cho đội ngũ giảng viên trẻ, đẩy mạnh công tác luân chuyển, đưa giảng viên đi thực tế ở cơ sở, địa phương để bồi dưỡng, rèn luyện.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo trong triển khai các chương trình đào tạo.

Học viện CSND cần nghiên cứu, áp dụng các hình thức thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo mới theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận. Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường với đánh giá của Công an các đơn vị, địa phương, thậm chí cần chú trọng và có cơ chế phối hợp với gia đình học viên. Đổi mới phương thức đánh giá và công nhận tốt nghiệp trên cơ sở kết quả đánh giá của hội đồng gồm các thành viên là giảng viên của Học viện, cùng đại diện Công an các đơn vị, địa phương về kiến thức pháp luật, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của học viên. Có cơ chế để Công an các đơn vị, địa phương tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo và đánh giá chất lượng của cơ sở đào tạo.

Xây dựng hồ sơ đảm bảo chất lượng đào tạo của Học viện CSND; mời tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập có thẩm quyền để đánh giá và cấp giấy Chứng nhận đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học, trong đó có công nhận đạt chuẩn các chương trình đào tạo đang áp dụng tại Học viện.

Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên, về cơ sở vật chất đảm bảo và nội dung, chương trình đào tạo của nhà trường.


Tổ chức lấy ý kiến phản hồi của người học về nội dung, chương trình đào tạo, phương thức tổ chức quản lý, hoạt động giảng dạy của giảng viên, các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, để đề ra các giải pháp đổi mới quản lý là thể hiện quyết tâm đổi mới của ngành giáo dục nói chung và các cơ sở giáo dục nói riêng nhằm đảm bảo lợi ích của người học và vì sự phát triển của xã hội.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tham khảo hoạt động  lấy ý kiến phản hồi của người học từ các cơ sở giáo dục đại học khác, trong thời gian tới, Học viện CSND cần căn cứ cụ thể vào đặc điểm của từng hệ học, khóa học, hình thức đào tạo để đưa ra các hình thức lấy ý kiến phản hồi từ người học cho phù hợp, hiệu quả.

Trên cơ sở kết quả thu thập được của quá trình lấy ý kiến phản hồi từ sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên, các điều kiện đảm bảo và nội dung, chương trình đào tạo thì vấn đề đặt ra là phải tổng hợp và xử lý kết quả phản hồi này trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc chính xác, minh bạch và công bằng. Kết quả tổng hợp những thông tin này trước mắt Học viện không đưa ra để đánh giá kỉ luật, khen thưởng, thi đua, mà chỉ là một trong những kênh giúp giảng viên hiểu được nhu cầu của sinh viên và điều chỉnh hoạt động giảng dạy của mình. Qua đó, cũng giúp các cơ quan chức năng, các khoa, bộ môn, trung tâm của Học viện nghiên cứu, tham khảo xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, phát triển đội ngũ, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của Học viện trong thời gian tới.

Ngoài những vấn đề nêu trên, với Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quyết định triển khai của Bộ Công an về đổi mới mô hình tổ chức hoạt động của ngành Công an theo nguyên tắc “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, lực lượng Công an chính quy đã, đang được được phân công về địa bàn xã, phường, thị trấn để thực hiện nhiệm vụ. Do đó, cần tập trung phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cập nhật những khối kiến thức mới, nhằm cung cấp, bổ trợ cho học viên kĩ năng, kiến thức, hiểu biết về phạm vi, địa bàn hành chính cấp xã, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác mới khi được nhận nhiệm vụ theo sự phân công của Bộ Công an. Học viện cần tăng cường công tác nghiên cứu khoa học gắn với việc sơ kết, tổng kết các chuyên đề về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng, qua đó phục vụ công tác giảng dạy, học tập và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chương trình đào tạo.

Thiếu tướng, PGS.TS Đặng Xuân Khang
Phó Giám đốc Học viện CSND

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất