Hoạt động của Học viện
Thứ Ba, 11/8/2009 13:9'(GMT+7)

Chuyến đi thắp lửa trái tim

Đoàn cán bộ Học viện còn đến thăm địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương và nhiều di tích lịch sử văn hoá khác tại Quảng Trị và Cố đô Huế. Chuyến thăm quan du lịch của đoàn đã thành công tốt đẹp và để lại dấu ấn không bao giờ quên đối với cán bộ, giáo viên Học viện. Chuyến đi có ý nghĩa giáo dục chính trị, xã hội sâu sắc, thắp sáng lửa trái tim, bồi đắp nhiệt huyết công tác của tất cả mọi người.

Bài viết sau đây là cảm nghĩ của một thành viên trong đoàn.

Đoàn cán bộ, giáo viên Học viện Cảnh sát nhân dân

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn - đã nhiều lần được nghe, được thấy qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua lời kể của người thân, bè bạn. Thế nhưng cho đến tận hôm nay tôi mới được trực tiếp viếng thăm. Đoàn cán bộ Học viện Cảnh sát nhân dân kính cẩn trang nghiêm dâng hương trước Đài tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn. Hồi chuông do Đại tá Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện dóng lên cứ âm vang trong không khí trang nghiêm của nghĩa trang, trong đại ngàn Trường Sơn bao la, hùng vĩ. Hương trầm ngan ngát quấn quyện quanh những bình hoa, những vòng hoa do khách thập phương kính viếng. Sau lễ viếng, mọi người trong đoàn nhanh chóng toả đi thắp hương cho các phần mộ liệt sỹ. Theo hướng dẫn của người quản trang tôi được biết nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ của hơn 10 ngàn liệt sỹ. Để tiện cho việc tìm kiếm, viếng thăm của người thân, nghĩa trang được phân chia thành nhiều khu vực, liệt sỹ thuộc địa phương nào được an táng tại lô đất phân vùng cho địa phương đó. Hơn 10 ngàn ngôi mộ, 10 ngàn linh hồn bất tử - tôi không thể đi thắp hương cho cho tất cả các liệt sỹ nơi đây, đành cúi đầu lạy tạ, xin phép các liệt sỹ cho tôi được giành thời gian viếng thăm, thắp hương cho các liệt sỹ Thái Bình quê tôi.

Dõi theo những dòng chữ khắc trên mộ chí tôi bỗng nhận ra hầu hết các liệt sỹ nơi đây đều đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ 20, 22 tuổi - tuổi đẹp nhất trong cuộc đời, tuổi đang tràn trề khát khao và hy vọng. Một mẹ già phơ phơ đầu bạc đang lặng ngồi bên mộ đứa con yêu. Vượt hơn 600 km từ Thái Bình vào nghĩa trang thăm con, trên khuôn mặt già nua, khắc khổ của mẹ hằn sâu nỗi buồn qua năm tháng, nước mắt mẹ không tuôn trào mà đang chảy ngược về tim. Một phụ nữ dáng người mảnh mai đang chăm chút, sửa sang bình hoa, thắp hương tại phần mộ của một liệt sỹ - người liệt sỹ dưới mộ kia có thể là anh, là em hoặc là người bạn đời yêu quý của chị. Đôi vai gầy của chị cứ rung lên theo tiếng nấc nghẹn ngào khiến lòng tôi quặn thắt. Mẹ ơi, chị ơi! Nỗi đau thương này là vô tận, mẹ và chị còn có niềm an ủi đã tìm được người thân, nhưng chính con đây, em đây mấy chục năm trời đằng đẵng kiếm tìm mà mà chưa thấy được xương cốt người thân. Trong sâu thẳm trái tim tôi thầm gọi, Bằng ơi, Văn ơi, Đường ơi.... các anh, các bạn tuổi thơ thân thiết của mình ở đâu? hãy lên tiếng cho mình gặp lại, hãy chỉ đường cho mình tới mộ để thắp một nén nhang.

Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ

Trở lại khu trung tâm nghĩa trang, ngồi dưới bóng mát của cây bồ đề hơn 30 tuổi, chúng tôi kể cho nhau nghe cái kỳ bí, linh thiêng của nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Cây bồ đề là loại cây thiêng, thường chỉ có ở nơi chùa chiền đất phật, thế mà ở nơi đây, tại nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, cây bồ đề không ai trồng tự nhiên xuất hiện và phát triển rất nhanh, tán lá xum xuê toả bóng mát chở che cho du khách thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ. Cách cây bồ đề không xa, trên một quả đồi có một cái hồ nhỏ, nước mát trong xanh, nước trong hồ phần lớn là nước ngầm từ trong lòng đất. Chính mạch nước âm thầm từ lòng đất đã góp phần tưới mát, làm xanh lại những cây rừng cho nghĩa trang thêm phần râm mát. Rồi chuyện kể của những người quản trang đêm đêm đi tuần tra vẫn thường nghe linh hồn các liệt sỹ thầm thì tâm sự; chuyện những liệt sỹ trẻ về báo mộng cho mẹ, cho em biết nơi an táng của mình để gia đình đến thăm viếng, nhưng khi gia đình xin được chuyển hài cốt về quê thì lại xin được ở lại nghĩa trang vui cùng đồng đội. Những chuyện kể trên có thể tồn tại trong thực tế, có thể chỉ xuất hiện và tồn tại trong trí tưởng tượng của các thân nhân liệt sỹ, nhưng tất cả đều là sự thật... sự thật về sự linh thiêng của của nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, sự thật về mối quan hệ gắn bó giữa người thân với người thân, giữa đồng đội với đồng đội, giữa người còn sống và người đã mất.

Rời nghĩa trang Trường Sơn chúng tôi tiếp tục đi thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ Đường 9. Hàng chục ngàn ngôi mộ liệt sỹ xếp hàng lối thẳng tắp, trang nghiêm trật tự như một đoàn quân trước giờ ra trận. Có những ngôi mộ có ghi danh tên tuổi, quê quán rõ ràng, có những ngôi chưa xác định rõ danh tính; bên cạnh những ngôi mộ cá nhân còn có những ngôi mộ tập thể - ngôi nhà chung của cả một đơn vị đã chiến đấu, hy sinh trong cùng một thời gian, địa điểm. Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ, các anh đã hy sinh và biến thành mây trắng, trời xanh, thành độc lập, thống nhất, tự do cho dân tộc. Chiến công và sự hy sinh oanh liệt của các anh vô cùng vĩ đại, nó hiển hiện sừng sững như tượng đá hoa cương trong nghĩa trang, thành tượng đài trong tâm hồn và trái tim của các thế hệ chúng tôi hôm nay.

Tại lễ dâng hương các liệt sỹ trong thành cổ Quảng Trị, cả đoàn lặng im, xúc động khi được nghe giới thiệu về 81 ngày đêm dũng cảm chiến đấu, hy sinh của các chiến sỹ bảo vệ Thành cổ mùa hè đỏ lửa năm 1972. Cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, giữa chính và tà... hàng trăm ngàn tấn bom đạn đã trút xuống nơi đây, hàng chục ngàn chiến sỹ ta đã chiến đấu hy sinh dũng cảm bảo vệ Thành cổ. Chúng tôi đứng đây, trong cái êm ả của những ngày hoà bình, trong cái mát mẻ, dịu êm của cỏ non và màu xanh Quảng Trị mà vẫn như nghe đâu đó tiếng bom gào, đạn nổ, vẫn nghe vang động tiếng hét xung trận chiến thắng quân thù. Ngày hôm nay, cuộc chiến đã lùi xa, vết thương đã lành da, thắm thịt, thế nhưng tất cả những mất mát, hy sinh của các liệt sỹ, của những người đã đi qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vẫn còn đó, vẫn khắc sâu trong tâm khảm của tất cả chúng tôi, nhắc nhở mỗi chúng tôi, những cán bộ, chiến sỹ Học viện Cảnh sát nhân dân hãy sống và làm việc tốt hơn để xây dựng và bảo vệ tốt nhất những thành quả thiêng liêng mà các thế hệ cha anh để lại. “Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh cho mảnh đất quê mình...” - lời bài hát cứ vang mãi trong tôi suốt cuộc hành trình, trong suốt cả cuộc đời.

Tới tham quan địa đạo Vịnh Mốc, mặc dù địa đạo chật hẹp, quanh co, thiếu dưỡng khí... thế nhưng ai cũng hăm hở, cố gắng đi vào mọi ngõ ngách địa đạo để được tận mắt chứng kiến nơi ăn, ở, sinh hoạt của của đồng bào và chiến sỹ ta trong thời chiến, qua đó chúng tôi hiểu thêm tại sao đồng bào và chiến sỹ ta lại có thể bám trụ kiên cường nơi mưa bom bão đạn để kịp thời chi viện cho sự nghiệp chiến đấu giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Rời địa đạo Vịnh Mốc, đoàn cán bộ, giáo viên Học viện Cảnh sát nhân dân còn tới thực tế, tham quan và chụp hình lưu niệm tại nhiều địa danh lịch sử khác như sông Bến Hải, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải nước mát xanh trong, không còn cảnh bên bồi bên lở, cầu Hiền Lương người, xe qua lại tấp nập chẳng còn bên nhớ, bên mong.

Chuyến tham quan, thực hành chính trị xã hội của đoàn cán bộ, giáo viên Học viện Cảnh sát nhân dân cùng thân nhân đã thành công tốt đẹp và để lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim của tất cả mọi người. Chia tay Quảng Trị với các địa danh bất tử; chia tay các liệt sỹ Trường Sơn, Đường 9, Thành cổ Quảng Trị... lòng tôi bỗng dạt dào cảm xúc, tự hào và biết ơn sâu sắc các thế hệ cha anh. Cảm ơn Học viện Cảnh sát nhân dân đã cho tôi được tham dự chuyến đi đầy ý nghĩa - chuyến đi thắp sáng lửa trái tim.

Đặng Duy Phiên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện Video

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

Học viện Cảnh sát nhân dân triển khai công tác hội và phong trào phụ nữ năm 2024

(ANTV) - Nhân dịp kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chiều ngày 06/3 tại Hà Nội, Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm và triển khai công tác hội , phong trào phụ nữ 2024.

Thư viện Ảnh

Mới nhất